ĐỌC SÁCH CÓ CẦN PHẢI KHOE KHÔNG?



Hỏi: Đọc sách không cần phải khoe. Trăm thằng khoe sách là thằng không đọc sách. Khoe mình đọc sách hay chỉ trích người không đọc sách là để tỏ ra mình là người thượng đẳng à? Không cần phải dạy dỗ người khác vì mỗi người có cuộc sống riêng, phải không nào?

Đáp: Trong cuộc sống khiêm tốn, khiêm cung là cần thiết và là đức tính tốt. Văn hóa phương Đông rất coi trọng sự khiêm tốn. Người khiêm tốn thường được đánh giá cao, được khen ngợi. Khiêm tốn cũng giúp cá nhân có sự điềm tĩnh khách quan để đánh giá đúng bản thân mình từ đó liên tục học hỏi, tiến lên.

Tuy nhiên hãy cẩn thận!

Trong các kiểu khoe thì khoe sách có lẽ là kiểu khoe ít nhiều vô hại và đáng yêu nhất so với khoe tiền, khoe của cải, khoe nhà, khoe con học giỏi.

Tại vì khi khoe sách có thể nó sẽ thúc đẩy người khác đọc theo, thúc đẩy người khác tiến bộ trong khi khoe các thứ ở trên lại có nhiều nguy cơ làm cho người khác thấy tự ti, mặc cảm hoặc đố kị.

Đọc sách là việc ai cũng có thể làm và người khoe có thể dễ dàng chia sẻ với người khác hiểu biết của mình. Nó không giống như khoe xe, khoe nhà, khoe vị trí vì những thứ đó không dễ dàng chia sẻ và không phải ai cũng có thể có được.

Hơn nữa, cái này quan trọng nhất, trong khi coi trọng khiêm tốn đừng bị đánh lừa và trở nên sợ hãi trước chiêu thức dùng sự thấp kém, phản tiến bộ, lười biếng ra làm tiêu chuẩn để tấn công sự khai sáng, sự tiến bộ, sự trao truyền tri thức và thúc đẩy giác ngộ.

Người ta sẽ không thể tiến hành trao đi tri thức, sự hiểu biết, sự giác ngộ của mình nếu như cá nhân đó không tự ý thức rất cao về sứ mệnh, giá trị, khả năng của chính mình!

Tức là cá nhân đó tự biết rằng mình có năng lực hơn người khác, có hiểu biết hơn người khác, có sự giác ngộ sâu sắc hơn người khác, có ý chí mạnh mẽ hơn người khác… Và dù rằng biết khó khăn, gian khổ, thậm chí cả sự kì thị, bức hại của người xung quanh họ vẫn muốn trao truyền sự hiểu biết, trí tuệ của họ cho người khác.

Nếu như ta cho rằng chẳng ai có quyền chỉ bảo, dạy dỗ ta, ai có cuộc đời của người đó, chẳng ai có quyền tỏ ra “thượng đẳng” thì trong lịch sử này làm gì có Đức Phật, Chúa Giê-su, có Lão Tử, Khổng Tử, Socrates, có thầy giáo, có nhà hiền triết, có nhà bác học, có nhà khai sáng… Và tất nhiên chẳng có văn minh hay tiến bộ.

Tất cả chỉ là một đám đông hay bầy đàn hỗn độn, u mê và chìm trong bạo lực. Cái cảnh thái bình mà Lão Tử-Trang tử mơ khi con người quay trở lại thuở ban đầu chưa biết đến văn minh cũng chỉ là một "giấc mơ bươm bướm" mà thôi.

Vậy nên, “bình đẳng” hay “quyền tự do cá nhân”, buồn thay trong nhiều trường hợp trở thành tấm áo giáp để chống lại văn minh hóa, chống lại tiến bộ và bảo vệ cho tư tưởng bảo thủ, lười biếng, không chịu học hỏi.

Cái nguy hiểm ở ta là đôi khi trong cộng đồng nhất định (ví dụ như làng, xã, cơ quan), số người có tư tưởng kiểu này đông hơn nên họ biến nhận thức tệ hại này thành “tiêu chuẩn cộng đồng” khiến cho cá nhân tiến bộ, có hiểu biết thúc thủ khóc thầm và…bất lực.

shared from Facebook Nguyễn Quốc Vương

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc