Vì sao giới trẻ thu mình?



Vừa cắt tóc anh vừa kể, em lên Hà Nội được một tuần. Nhà có một đứa. Nó vào Đại học, em phải để vợ ở quê, lên ngay ở cùng. Nếu nó ở cùng với người nhà thì em yên tâm hơn. Nếu nó thuê nhà với bạn, em sẽ thuê nhà ở gần. Cháu nó rất ngại giao tiếp, chỉ chơi với một vài bạn, em sợ nó không quen với cuộc sống ở đây. Nhà có mình cháu nên em xác định, vào đại học mà có biểu hiện trầm cảm, là em cho về quê ngay.

Rồi anh hỏi: giới trẻ bây giờ như thế là tại sao hả anh?

Em hỏi hơi khó, nhưng phải nói rằng em làm bố tốt hơn anh.

Em thử quan sát xem tại sao giới trẻ thu mình lại, có khi trầm cảm, mà không hăm hở sáng tạo, không ra chụp ảnh với phượng, với sấu, hay bằng lăng tím, mà lại cứ đóng cửa trong phòng, không muốn giao tiếp.

Nếu đứa trẻ từ nhỏ đến trưởng thành đều bị can thiệp quyết định thay, từ ăn mặc, học hành, sở thích, thậm chí cả hôn nhân, không được sống theo cách của nó, không được học hỏi từ suy nghĩ trải nghiệm của nó, thì dường như thế giới sống của chúng bị thu hẹp, giống như tước đoạt. Thế nhưng có khi người lớn lại cho rằng như thế là lo lắng cho con cái, là vì muốn tốt cho con cái?!

Khi ta tự tin thấy mình hoàn toàn đúng; tin tưởng rằng người khác tin theo mình sẽ tốt, rất có thể đang trong điểm mù nhận thức, theo như hiệu ứng Dunning - Kruger. Những gì chúng ta biết hay trải qua là rất nhỏ, vô cùng nhỏ, so với những gì ta không biết. Ta chỉ có thể đúng khi mọi thứ giống như ta và trong hoàn cảnh đứng yên như cũ. Tuy nhiên, cuộc sống lại biến đổi vô thường, đi theo lẽ vô ngã.

Người xưa có câu quang tiền dụ hậu, đời trước sáng suốt thì đời sau vẻ vang. Ngược lại khi thấy mình duy nhất đúng, có khi chỉ là chúng ta tự nhắm mắt để sống với hoàn cảnh chủ quan nội suy, hay đang tư duy dựa trên kinh nghiệm quá khứ?.

Khi đó không chỉ tự dối mình, ngăn cản nhận thức của bản thân trước những bối cảnh mới, mà còn vô tình làm hỏng cơ hội và sự phát triển bình thường của một hai thế hệ đằng sau.

Một nguyên tắc để phát triển giá trị trong mối quan hệ và trong tổ chức là: tự tin một cách khiêm tốn. Mình giỏi được thì người khác cũng giỏi, và cần có cơ hội để thể hiện, học hỏi theo sở trường, sở thích của họ. Mình sống để cho người khác sống.

Nếu cái gì người lớn, những bậc cha anh đều cho rằng tất cả theo như mình thì mới là đúng, thì các thế hệ khác, cá nhân khác sẽ không còn cơ hội được sống cuộc sống của chính họ. Khi đó niềm tin, hy vọng, sức sáng tạo sẽ suy giảm, hay có khi biến mất, chỉ còn lại những điều ngoài mong đợi.

Nhìn từ góc độ tổ chức thì sự hòa nhập thích ứng, khả năng tương tác của giới trẻ hiện nay, là một vấn đề đáng để những người lãnh đạo, đến cha mẹ, suy ngẫm, tự phản biện lại mình. Đôi khi ngay cả sự cực đoan quay lưng lại của giới trẻ, cũng là bức tranh phản chiếu hình ảnh của bố mẹ hay lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Hôm nay, bài toán gắn kết hệ giá trị sẽ quyết định thành công và hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Hợp tác không phải ai đúng ai sai, mà mỗi người phải từ bỏ một chút, điều chỉnh một chút cá nhân, để nuôi dưỡng giá trị chung trong sự tương tác gắn kết, cho những thành công vững chắc hơn.

shared from Facebook Tien Long Do,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc