Vì sao trẻ con ngày càng không nghe người lớn?



Trong buổi chia sẻ hôm qua xung quanh sách Động lực và Nhân cách tại Trường quản trị Hiếu Liêm, có bạn quan tâm đến việc ứng dụng các tri thức trong sách để dạy con, và bày tỏ băn khoăn vì trẻ con không nghe theo lời người lớn.

Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến một nội dung khác, tuy không liên quan trực tiếp đến lý thuyết của Maslow.

Số là, từ lâu tôi nhận thấy ý kiến người trẻ được tôn trọng hơn ở xã hội phương Tây so với ở VN. Ví dụ học sinh sinh viên ở đó được các thầy giáo tôn trọng và lắng nghe hơn. Tôi đã đi tìm câu trả lời từ góc độ văn hóa, và tự tìm được lời giải thích.

Theo đó, văn hóa VN là làng xã, các thế hệ rất ít khi ra khỏi làng, do đó người già biết tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống, và người trẻ không thể biết gì ngoài phạm vi tri thức đó. Điều này dẫn đến thái độ coi thường ý kiến của người trẻ, “biết gì mà nói”.

Ở một văn hóa du mục thì không như vậy, người trẻ có thể di chuyển xa hơn người già và đem về những thông tin quan trọng mà người già không có, thế nên người già cũng phải lắng nghe ý kiến người trẻ. Tất cả những các hành xử này đều trở thành ngầm định vô thức.

Đến gần đây, tôi tìm được một lý thuyết củng cố cho khẳng định của mình, và cũng góp phần trả lời câu hỏi ở tiêu đề. Đó là lý thuyết về 3 loại hình xã hội do nhà nhân học Margaret Mead đưa ra năm 1970. Theo bà, có thể chia các xã hội thành 3 loại: post-, co- và prefigurative.

Ở xã hội postfigurative, cuộc sống gần như không có thay đổi gì, và người trẻ học 100% từ người già. Ở xã hội cofigurative, cuộc sống thay đổi ở mức trung bình và người trẻ học lẫn nhau là chính, thay vì học từ người già. Ở xã hội prefigurative, mọi thứ thay đổi quá nhanh đến mức người già phải học từ người trẻ, nếu không thì sẽ bị tụt hậu. Ta hình dung một trục ngang với post- và pre- ở hai cực còn co- nằm giữa, và một xã hội sẽ nằm đâu đó trên trục này.

Căn cứ theo thuyết này, xã hội làng xã VN xưa là điển hình của post-, còn xã hội du mục ngả về phía co- và pre-. Còn ngày nay thì rõ ràng xã hội VN cũng đang đi từ co- sang pre-, chắc ai cũng cảm nhận được.

Vì thế nên người trẻ sẽ ‘coi thường’ tri thức của người già, chí ít là không nhất nhất nghe theo như xưa nữa. Người già nên hiểu, chấp nhận và điều chỉnh để vừa có lợi cho mình lại vừa giúp được người trẻ. Tất nhiên người già vẫn còn nhiều thứ quý giá cho người trẻ, nhưng cách truyền đạt phải khác. Nếu vẫn giữ nếp cũ thì sẽ gặp mâu thuẫn.

shared from Facebook Phan Phuong Dat,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc