Thứ high



Khá nhiều người bị một hội chứng gọi là "Lundigestion"(Lundi: Thứ hai- tiếng Pháp, gestion từ digestion: tiêu hóa), triệu chứng khó ở ngày thứ hai. Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi hầu như ít bị triệu chứng này và háo hức đến ngày thứ hai để gặp bạn bè và đồng nghiệp, chia sẻ những thứ mình học được cho mọi người trong một sứ mệnh (tưởng tượng) mà mỗ tự đặt ra "phổ biến kiến thức về công nghệ, đặc biệt là AI."

Sáng nay, tôi chợt bắt gặp trên mạng một câu nói của triết gia và nhà văn người Anh Alan Watts:

“I assume that maybe you are not serious, but sincere.”

( "Tôi cho rằng có thể bạn không nghiêm túc, nhưng chân thành.")

Lời nói của ông làm tôi chú ý. Tôi suy ngẫm về sự khác biệt giữa hai trạng thái này khá nhiều. Đột nhiên, tôi có một công cụ mới, một lăng kính để xác định liệu một cách tiếp cận tò mò, vui vẻ với các thách thức có thể hiệu quả hơn căng thẳng và tranh cãi hay không. Hóa ra bạn không thể vừa nghiêm túc vừa chân thành cùng một lúc. Sự nghiêm túc loại trừ sự chân thành, ít ra là với tôi.

Mỗi khi có phát biểu dạng lên gân một chút, tự dưng bộ máy kiểm duyệt trong tôi lại kích hoạt. Tôi chúa ghét những thứ lên gân dù phải làm công tác này khá thường xuyên. Một nghịch lý.

Cách đây cũng khá lâu, tôi đọc "Đêm giữa ban ngày" có đoạn:

"Trong một lần phỏng vấn ông, Tôn Thất Tùng tiếp tôi tại phòng làm việc trong bệnh viện Việt-Đức. Thấy tôi nghiêng ngó ngắm bức tượng bán thân của chính ông đặt ngay sau bàn, sát tường, Tôn Thất Tùng mỉm cười pha chút khiêu khích :”Anh lấy làm lạ hả, nhà báo?”. Tôi đỏ mặt lên, không biết trả lời ông thế nào, cứ như thể tôi bị bắt quả tang đang nghĩ xấu về ông vậy. Thái độ bối rối của tôi làm ông thú vị. ” Người ta có tượng của họ, sao mình lại không thể có tượng của mình? Anh đồng ý thế không?”, ông nói."

Thế là nảy sinh ý định của bản thân. Người ta xưng là bác thì tại sao mỗ không thể xưng Uncle Dao (Bác Đào)?

Bạn sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách chân thành thay vì nghiêm túc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta thường có xu hướng ngược lại.

Thường thì khi không nghiêm túc và cả thiếu chân thành, điều này sẽ khiến bạn thô lỗ, "dick move"

Hãy tưởng tượng bạn đang chơi một trò chơi cờ với ai đó quá nghiêm túc. Họ cố gắng thắng và tuân thủ các quy tắc một cách chặt chẽ. Cuối cùng, họ quên rằng đó chỉ là một trò chơi sẽ kết thúc và cuộc sống vẫn tiếp diễn bất kể kết quả ra sao. Khi tôi chơi trò chơi quá nghiêm túc, tôi không thấy vui. Sau đó, khi trò chơi kết thúc, tôi lo lắng rằng mình đã làm hỏng niềm vui của người khác. Sự nghiêm túc biến trò chơi thành một gánh nặng. Ngay cả khi tôi "thắng" về mặt kỹ thuật, điều này cũng không làm tôi vui.

Bây giờ, bạn tưởng tượng một cách khác. Bạn không thể hoàn toàn tham gia vào trò chơi, chơi hết khả năng của mình. Đó là ý nghĩa của việc chơi một cách chân thành bằng cách đắm chìm trong trải nghiệm của trò chơi mà không quá nghiêm túc. Theo kinh nghiệm của mình, cách tiếp cận đó vui hơn rất nhiều cho tất cả mọi người tham gia.

Trong cuốn sách "Finite and Infinite Games" (Trò chơi hữu hạn và vô hạn), James Carse mô tả hai loại "trò chơi" mà chúng ta chơi: "Một trò chơi hữu hạn được chơi với mục đích chiến thắng, một trò chơi vô hạn với mục đích tiếp tục chơi. Trò chơi hữu hạn là những hoạt động có tính công cụ—từ thể thao đến chính trị đến chiến tranh—trong đó các người tham gia tuân thủ các quy tắc, nhận biết ranh giới, và công bố người thắng và kẻ thua. Trò chơi vô hạn—chỉ có một—bao gồm bất kỳ tương tác chân thực nào…[mà] tồn tại chỉ với mục đích tiếp tục trò chơi."

Một biểu hiện của trò chơi vô hạn là mối quan hệ. "Chiến thắng" có nghĩa là gì trong bối cảnh dài hạn như vậy? Bạn có thể thắng cuộc tranh luận (trò chơi hữu hạn) và rủi ro hoặc mất đi mối quan hệ (trò chơi vô hạn).

Cuộc sống là một trò chơi vô hạn, trong đó mục tiêu của trò chơi là sống sót. Và chơi trò cuộc sống phải vui cho dù "đau buồn là chất liệu của hiện sinh."

"Còn cuộc đời ta cứ vui..." Hy vọng bạn vui vẻ khi đọc những dòng này, nhất là vào thứ hai với cơn mưa đầu buổi sáng. Nắng đã hửng lên rồi!

shared from Facebook Đào Trung Thành,

Post a Comment

Tin liên quan

    Hôn nhân

    Suy ngẫm