Hội thảo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả khảo sát và trao đổi các giải pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam." Hội thảo đã thu hút nhiều đại diện các Bộ, ngành quan trọng liên quan nhiều đến chính sách về đầu tư, về doanh nghiệp Nhật Bản như Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Công Thương, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV).
Thứ trưởng Đào Quang Thu phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, cải thiện hệ thống chính sách, pháp luật và phối hợp với các cơ quan liên quan, hoặc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là Hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết giai đoạn 4 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11/2012.

Báo cáo kết quả khảo sát, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Cục đã gửi phiếu khảo sát về thực tiễn hoạt động và các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư tại Việt Nam tới 10 địa phương (Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Long An, TP Hồ Chí Minh) và trực tiếp đi khảo sát 4 địa phương: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Trong 200 phản hồi Cục nhận được, thông tin và phản ánh của doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như khó khăn về cơ sở hạ tầng: nguồn cung điện không ổn định, chất lượng điện thấp, cắt điện không theo kế hoạch; dịch vụ bưu chính viễn thông, kém, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; chất lượng giao thông một số khu vực, đặc biệt kết nối với các khu công nghiệp chưa tốt, làm cho việc vận chuyển hàng hóa còn khó khăn; các công trình dịch vụ quanh khu công nghiệp nhà ở, khách sạn, bệnh viện, các dịch vụ khác cho người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu. Về nguồn nhân lực: hiện còn thiếu hụt, chưa bảo đảm chất lượng, tính ổn định việc làm thấp, tình trạng bỏ việc xảy ra thường xuyên, lương người lao động tăng làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Các vướng mắc về thủ tục hành chính và quy định pháp lý như visa cho người nước ngoài, cấp lại quyền sử dụng đất khi muốn gia hạn dự án. Các quy định hải quan, bảo hiểm, các quy định về kế toán, kiểm toán chuẩn mực quốc tế, chuyển đổi chuẩn mực kế toán Việt Nam, chính sách thuế, có nhiều thay đổi, thủ tục kê khai, khấu trừ thuế rất phức tạp, và các quy định về đầu tư, kinh doanh....

Với mong muốn đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, phục vụ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, có chính sách quan tâm hơn nữa đến cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực của ngành hải quan Việt Nam, đặc biệt là thủ tục thông quan một cửa, hải quan điện tử...

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng lưu ý đến chương trình cải cách hệ thống thuế, cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam trong thời gian tới. Vấn đề này đã được ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính trình bày chi tiết trong bài tham luận của mình về những điểm mới trong chính sách thuế năm 2012, 2013, đối với thuế xuất, nhập khẩu sẽ điều chỉnh thuế suất theo lộ trình, thuế bảo vệ môi trường, thay đổi giá tính thu và tỷ lệ thu tiền thuê đất, các nội dung mới về thuế tiêu thụ đặc biệt, và những điểm doanh nghiệp cần lưu ý trong việc áp dụng luật thuế giá trị gia tăng, thuế nhà thầu v.v...

Tính đến hết ngày 20/9/2012, Nhật Bản có 1.748 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký 28,6 tỷ USD, đứng thứ nhất trên 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2012, tổng số dự án đầu tư đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam là 203 dự án với tổng số vốn đăng ký mới là 3,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 82 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 955 triệu USD.
Tags: work

12 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc