Người cứu “Phục sinh”

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, vào năm 1942 Tony Clarke là một thiếu úy trẻ thuộc đội quân kỵ mã pháo binh hoàng gia Anh đóng tại Trung Đông. Khi quân Đồng Minh bắt đầu chiến dịch đánh bật quân Đức tại châu Âu, đơn vị của Clarke được điều tới Ý. Clarke không trực tiếp tham dự các trận đánh quân Đức, nhưng anh mô tả trong nhật ký là đã bị sốc như thế nào khi hành quân qua các thành phố cổ bị bom tàn phá tan hoang. Trong lúc quân Đồng Minh tiếp tục tiến công, đơn vị Clarke chỉ huy được lệnh chiếm lĩnh vị trí tại một nơi gần Sansepolcro. Khác với phần lớn các thị trấn cổ tại vùng Tuscan thường nằm trên đỉnh đồi, Sansepolcro nằm dưới một thung lũng. Hồi đó pháo binh của Đồng Minh thường oanh kích các thị trấn để dọn đường cho bộ binh tiến vào. Đó chính là nhiệm vụ mà Clarke và đồng đội phải thi hành đối với Sansepolcro. Họ đào công sự, kéo pháo vào vị trí, nạp đạn, lên nòng.

Chính vào lúc đó một tiếng chuông yếu ớt chợt rung lên trong tâm trí Clarke. Hồi chuông vọng về từ những năm tháng xa xăm trước cuộc chiến tranh rồ dại này.

Clarke – chàng trai đồng tính và mê nghệ thuật người Anh – nhớ lại một tiểu luận của Aldous Huxley mà chàng từng đọc, trong đó tác giả viết rằng mình đã khám phá ra bức tranh mà ông coi là tuyệt nhất thế giới. Đó là bức bích họa "Phục sinh" – kiệt tác của bậc thầy thời Phục Hưng Piero della Francesca. Huxley viết: "Chúng ta không cần phải có trí tuởng tuợng mới hình dung được vẻ đẹp của bức hoạ. Bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đó ở ngay trước mặt chúng ta hoàn toàn và thực sự lộng lẫy."
Piero della Francesca (1415 – 1492)
Phục sinh (khoảng 1467 – 1468)
bích hoạ, 225 x 200 cm, Museo Civico, Sansepolcro, Ý

Clarke có thể đã không nhớ hết các chi tiết trong tiểu luận của Huxley, nhưng khi pháo của đơn vị anh chuẩn bị nhả đạn thì anh chợt nhớ ra một chi tiết quan trọng.

Bức bích hoạ "Phục Sinh" nằm trong thị trấn Sansepolcro.


Khi cấp trên gọi bộ đàm tới chất vấn sao không oanh kích thị trấn, Clark đã phải dùng ống nhòm quan sát thị trấn để trấn an cấp trên rằng anh không nhìn thấy bóng dáng một mục tiêu của quân Đức nào trong phố cả. Quyết định của Clarke thật can đảm bởi nếu quân Đồng Minh đụng phải sự kháng cự của quân Đức khi tiến vào thị trấn thì Clarke chắc chắn bị xử nặng tại toà án binh. Nhưng vì tình yêu nghệ thuật, Clarke đã không nổ súng. Quân Đức đã rút chạy và Sansepolcro đã được giải phóng một ngày sau, mà kiệt tác 500 tuổi không hề bị hư hại.

Sau chiến tranh thị trưởng Sansepolcro đã thay mặt nhân dân toàn thị trấn phong Tony Clarke thành anh hùng của Sansepolcro. Tên của ông đã được đặt cho một phố trong thị trấn.

Chiến tranh kết thúc, Tony Clarke tới sống tại Cape Town – thủ đô Cộng hoà Nam Phi. Tại đây ông mở một hiệu sách mang tên mình vào năm 1956. Hiệu sách đã trở nên nổi tiếng nhất vùng. Clarke qua đời năm 1980.

Nguyễn Đình Đăng lược dịch
Tags: art

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc