Đề xướng chống lạm dụng trong lương bổng ở Thụy Sĩ


...Ngày chủ nhật 3 tháng 3 vừa qua thuộc vào những buổi bỏ phiếu lịch sử của Thuỵ Sĩ, với hai quyết định có ảnh hưởng kinh tế quan trọng, về đạo luật bố trí đất đai và nhất là về đề xướng chống lạm dụng trong lương bổng, thường gọi là Initiative Minder, do ông Thomas Minder chủ xướng, được tranh cãi sôi nổi từ nhiều năm và hiện gây chú ý ở nước khác. Tuy không phải là một cú sét giữa trời xanh vì sự thành công của đề xướng Minder đã được dự báo từ trước nhưng kết quả, nhất là tỷ lệ chấp thuận rất cao (67,9%), vẫn làm rúng động dư luận và cộng đồng kinh tế Thuỵ Sĩ.

Đại thắng của một người phẫn nộ
Kèm theo bức hí hoạ khổng lồ, « Le triomphe d'un indigné » là hàng tít lớn chạy dài trên trang nhất của báo Le Temps, độc giả đa số là trí thức có khuynh hướng trung tả ở vùng Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp. « Ueberdeutliches Signal » (tín hiệu quá rõ ràng) là câu bình luận ngắn gọn, mực thước hơn, dưới bức hình ông Minder trên trang nhất báo Neue Zürcher Zeitung, tờ báo khô khan của giới ngân hàng và kỹ nghệ vùng Thuỵ Sĩ nói tiếng Đức. Hai câu tóm tắt phản ứng của những thành phần kinh tế chính trị khác nhau, từ đầu này đến đầu kia của Thuỵ Sĩ, thuộc vào phe ủng hộ hay phe chống đối, nhưng đều công nhận đây là một thắng lợi hiển nhiên của xã hội dân sự phẫn nộ trước những đặc quyền đặc lợi dành cho một thiểu số chóp bu, của chế độ dân chủ trực tiếp và của cá nhân ông Minder. Vậy đề xướng Minder đòi hỏi những gì và nguyên nhân từ đâu ?

Đề xướng Minder tên gọi chính thức là « Initiative populaire contre les rémunérations abusives », (đề xướng nhân dân chống lạm dụng trong lương bổng), tiếng Đức còn đốp chát quyết liệt hơn : « Volksinitiative gegen Abzockereï » (đề xướng nhân dân chống mánh khoé trục lợi), gọi tắt là « Abzocker Initiative », động từ abzocken có nghĩa là dùng những phương tiện bất chính để chiếm đoạt cái gì. Mục đích đề xướng là tăng cường quyền kiểm soát của các cổ đông để ngăn cản các đại công ty trả thêm, ngoài lương chính thức, những khoản thù lao khổng lồ cho các nhân viên chóp bu (tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, v.v) qua những hình thức như tiền thưởng (bonus), tiền bồi thường khi rời công ty (golden parachute), tiền bồi thường không cạnh tranh (compensation for non-competition), có thể lên đến hàng triệu hoặc chục triệu quan Thuỵ Sĩ cho những « siêu sao » kinh tế. Đối tượng là các công ty Thuỵ Sĩ được định thị giá trên các thị trường chứng khoán Thuỵ Sĩ và nước khác, các biện pháp tóm tắt như sau :

Các cổ đông họp đại hội hàng năm ấn định tổng số tiền thù lao của hội đồng quản trị, ban giám đốc và ban tư vấn. Họ bầu lại mỗi năm chủ tịch và từng thành viên ban quản trị, ban thù lao và người đại diện độc lập.
Các quỹ hưu trí (là những cổ đông lớn của các công ty) phải lấy ý kiến các thành viên của mình, bầu theo quyền lợi của họ và thông báo đã bầu ra sao.
Các cổ đông có thể bầu từ xa bằng các phương tiện điện tử và không thể uỷ nhiệm người hoặc cơ quan được ký thác (thường là ngân hàng).
Những khoản tiền thưởng và bồi thường kể trên đều bị nghiêm cấm.
Điều lệ của công ty quy định những khoản tiền các thành viên ban giám đốc có thể nhận hoặc vay từ công ty, nhiệm kỳ của họ cũng như số lần họ có thể có tham gia hội đồng quản trị nơi khác.
Những vi phạm các qui định trên sẽ bị phạt tù cho đến 3 năm và phạt tiền tương đương với 6 năm lương.

Tóm lại, từ nay các hội đồng quản trị không còn được tha hồ tự ấn định các mức thù lao của chính mình và ban giám đốc và phải chịu một sự giám sát chặt chẽ chưa từng có. Cho tới nay, những đại hội cổ đông, thường là vài ba năm một lần, chỉ là những dịp thông qua những quyết định của ban giám đốc và hội đồng quản trị, tiếng nói yếu ớt của vài cổ đông cá nhân không lay chuyển sự nhất trí giữa những người cùng giới, cùng quyền lợi kinh tế, thành viên ban giám đốc này cũng nằm trong hội đồng quản trị quỹ hưu trí kia, và cùng là cổ đông với nhau cả ở công ty nọ. Các biện pháp ông Minder đề ra nhằm tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của các cổ đông nhỏ và hạn chế sự thông đồng giữa lãnh đạo công ty và các cổ đông lớn.
Stéphane Hessel painted portrait - Indignez-vous. Photo courtesy Abode of Chaos

Đề xướng Minder không phải là một cuộc cách mạng mà nhằm tiêm một liều thuốc đạo đức vào nền kinh tế tư bản Thuỵ Sĩ, phản ánh những bất bình của dân chúng trước những món tiền kếch sù các lãnh đạo công ty tự ban cho mình, trong khi bao người điêu đứng vì khủng hoảng kinh tế. Nó « gãi đúng chỗ ngứa » của đa số dân chúng nhưng trước hết nó xuất phát từ một sự phẫn nộ cá nhân, trong một hoàn cảnh nhất định, của một người quyết tâm đi tới cùng trong ý tưởng của mình, ông Thomas Minder.

Robin Hood của các cổ đông nhỏ hay cuộc chiến giữa David và Goliath
Thomas Minder, năm nay 52 tuổi, thượng nghị sĩ độc lập (không thuộc đảng nào), là chủ nhân một xí nghiệp nhỏ với khoảng 20 nhân viên, công ty Trybol sản xuất kem đánh răng và một số mỹ phẩm khác như dầu gội đầu, dầu tắm, kem nuôi da v.v. Khách hàng của hãng Swissair ngày trước còn nhớ ống kem và chai nước súc miệng Trybol nhỏ xíu xinh xắn trong túi quà tặng, vừa đủ dùng cho chuyến bay dài nhưng cũng đủ chứng minh chất lượng Thuỵ Sĩ cho phép một công ty gia đình làm bạn hàng một hãng máy bay có tầm cỡ quốc tế. Nhưng chính quan hệ thương mại này đã suýt là thảm kịch của công ty Trybol và gia đình Minder. Tháng 10 năm 2001, các máy bay nằm đất, mọi chuyến bay bị huỷ vì Swissair mang nợ chồng chất, cạn tiền không còn chi trả nổi các hoá đơn. Hợp đồng 500 triệu quan Thuỵ Sĩ của Trybol bị cắt đứt đột ngột. Để cứu vãn cơ nghiệp đã được ông nội và cha xây dựng từ hơn 100 năm khỏi nguy cơ phá sản theo Swissair, Thomas Minder hết lời năn nỉ Pieter Bouw, chủ tịch hội đồng quản trị hãng Swiss ra đời trên tro tàn của Swissair, ký hợp đồng mới với mình. Khi biết là Swissair quịt tiền Trybol nhưng lại trả trước 12 triệu quan TS (tương đương với 10 triệu euros ngày nay) cho Mario Corti, vị giám đốc mới, để thưởng công lao đưa hãng máy bay đến phá sản, ông Minder điên tiết và quyết định tuyên chiến với những « managers trục lợi », những kẻ theo ông đe doạ nền kinh tế Thuỵ Sĩ xây dựng trên những công ty nhỏ và vừa, được quản lý theo các nguyên tắc cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm.

« Kinh nghiệm ấy đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của tôi về môi trường làm ăn và chính trị liên bang », Thomas Minder nói. Từ đó ông ta lao vào tranh đấu cho các xí nghiệp nhỏ, chỉ trích và kiện các hãng lớn khai thác nhãn hiệu Thuỵ Sĩ nhưng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước lương thấp như Trung Quốc hay Đông Âu khiến công nhân trong nước mất việc. Ông tham gia chính trường và không dựa vào đảng phái nào trúng cử thượng nghị sĩ đại diện bang Schaffhausen năm 2011. Cứng cỏi, ăn nói thẳng thừng, dứt khoát không nhân nhượng trong lập trường của mình, không ngần ngại đối đầu với những đại công ty, những đại gia có thế lực nhất, ông Minder được thiện cảm của nhiều người, được ví với một Robin Hood của những cổ đông nhỏ, nhà hùng biện của các xí nghiệp nhỏ và chủ nghĩa yêu nước trong kinh tế.
...
Hầu như mọi phản ứng và phân tích ngay buổi chiều chủ nhật lịch sử ấy đều đánh giá đây là một thắng lợi vẻ vang hiếm có của một cá nhân, lại càng đáng nể khi đơn phương độc mã thách thức và thắng thế những thành phần thống trị kinh tế. Quả vậy, tuy được sự hậu thuẫn của một uỷ ban ủng hộ đa số là trí thức, giáo sư, chuyên gia kinh tế và một vài chủ xí nghiệp, chính khách và viên chức cao cấp, quá trình vận động đề xướng trong suốt 7 năm vẫn dựa trên ông Minder là chính, nhất là trong thời gian đầu. Ông Minder đi khắp nơi, tham gia đủ mọi buổi nói chuyện, thảo luận, kiên trì tranh thủ công chúng. Ngược lại, phía bên kia là một liên minh hùng hậu của những đảng và chính khách phái hữu, những hiệp hội, nghiệp đoàn chủ nhân, những nhân vật nhiều quyền thế và sức mạnh tài chính. Dẫn đầu liên minh này là Hiệp hội các xí nghiệp Thuỵ Sĩ, economiesuisse, quy tụ 100 hội ngành nghề và 20 phòng thương mại các bang, đại diện cho 100 000 xí nghiệp lớn nhỏ. Càng gần đến ngày bỏ phiếu, liên minh chống đề xướng càng tung ra mọi chủ bài hòng đảo ngược thế cờ. Số tiền economiesuisse đã tiêu cho cuộc vận động ước tính là 8 triệu quan TS (khoảng 5,2 triệu euros), cao hơn gấp 40 lần ngân sách khiêm tốn 200 000 quan TS của phía ủng hộ, phần lớn do ông Minder bỏ từ túi ra. Chính sự chênh lệch này đã có ảnh hưởng ngược lại, làm hình ảnh một David chống Goliath càng rõ nét, kiếm thêm không ít phiếu thuận cho ông Minder.

Song đồng minh lớn nhất của Thomas Minder lại là chính những đối thủ của ông, đối tượng của đề xướng : những Marcel Ospel được thưởng 23 triệu quan TS tiền chia tay năm 2008 sau khi ngân hàng UBS lỗ hơn 20 tỷ quan làm cả nên kinh tế Thuỵ Sĩ lung lay; những Brady Dougan lãnh 70,9 triệu quan tiền bonus cộng với 19,1 triệu tiền lương thành 90 triệu tròn trịa cho năm 2009, sau khi ngân hàng Credit Suisse lỗ 8,2 tỷ quan năm 2008; những Bob Diamond được thưởng 20 triệu bảng Anh năm 2012 sau khi đã phải từ chức tổng giám đốc ngân hàng Barclays bị phạt 290 triệu bảng Anh vì tham gia gian xảo tỷ suất Libor; những Stephen Hester được thưởng 2,4 triệu bảng Anh năm 2012, sau khi đã sa thải 30 000 nhân viên từ khi nhậm chức năm 2008 và ngân hàng Royal Bank of Scotland đã lỗ 28 tỷ bảng Anh năm 2008, con số lỗ lã cao nhất trong lịch sử các công ty Anh, chỉ thoát phá sản sau khi đã được quốc hữu hoá 80 % và tiêm thêm 45 tỷ bảng Anh từ tiền thuế của dân, v.v. và v.v.

Những xì căng đan liên tiếp ở nhiều nước, những nhà tài phiệt lãnh mỗi năm những món tiền khổng lồ một người dân thường làm cả đời cũng không mơ ước có được một phần nhỏ, trong khi lẽ ra họ phải chịu trách nhiệm những lỗ lã không kém khổng lồ, những bê bối của các ngân hàng do họ quản lý, gây căm phẫn ở mọi nước và thuyết phục dân chúng Thuỵ Sĩ ủng hộ đề xướng Minder. Và « phát súng ân huệ » cho liên minh chống đề xướng là cái đã nhanh chóng được mệnh danh là « hiệu ứng Vasella ».

Khi David phải cám ơn Goliath tự bắn vào chân mình
Chỉ hai tuần trước cuộc bầu phiếu, ngày 18.2.2013, một bản tin làm rúng động dư luận cả Thuỵ Sĩ : Daniel Vasella, 59 tuổi, chủ tịch đại công ty dược phẩm Novartis, người lương cao nhất Thuỵ Sĩ trong hàng chục năm, sẽ lãnh 12 triệu quan TS tiền bồi thường không cạnh tranh mỗi năm trong sáu năm, tổng cộng là 72 triệu quan sau khi chia tay với công ty. Đó là không kể một số bổng lộc khác. Daniel Vasella là tổng giám đốc Novartis từ 1996 đến 2010 và chủ tịch hội đồng quản trị từ ba năm nay. Mức lương hàng năm của ông trên dưới 20 triệu quan TS khi là tổng giám đốc và 13-15 triệu quan khi chủ toạ hội đồng quản trị, theo ước tính tổng cộng cho 17 năm cộng tác với Novartis là 421 triệu quan, phần lớn dưới hình thức cổ phần và quyền chọn (option). Nếu biết rằng ông hiện hoặc từng có chân trong nhiều hội đồng quản trị và tư vấn khác, như của các công ty American Express, Siemens, DaimlerChrysler, của đại học Harvard và viện Institute for Management Development (IMD), v.v. thì có thể đoán gia tài ông đủ để nuôi tới mấy đời con cháu. Riêng công ty PepsiCo chẳng hạn đã trả ông từ 250 000 đến 300 000 đô la mỗi năm từ 2003 đến 2009 để có tên ông trong hội đồng quản trị.

Một người như thế có cần phải đòi hỏi Novartis trả cho mình 72 triệu quan để không làm gì trong sáu năm trong khi tất nhiên vẫn có thu nhập hàng triệu từ những nơi khác ? Câu hỏi đặt ra không phải chỉ từ những người dân tầm thường mà ngay cả trong những giới tai to mặt lớn và nội bộ economiesuisse, càng lúng túng vì Vasella nằm trong uỷ ban của họ. Ông Minder không cần lên tiếng, báo chí mọi nơi và mọi khuynh hướng đều chỉ trích nặng nề, và chủ tịch economiesuisse, ông Rudolf Wehrli tuyên bố : « Tôi chia sẻ sự phẫn nộ chung. Bản thân tôi cũng hết sức phẫn nộ. Những mức lương và tiền bồi thường như thế quả là khiêu khích... Tôi hoàn toàn không thể thông cảm ông Vasella. Đây là một sự ích kỷ và bất cần người khác ít khi nào thấy được trong xã hội. Tôi thật sự á khẩu, không thể hiểu được người ta có thể cần tiền tới mức đó để làm gì. »

Dưới áp lực của dư luận và của chính những người cùng giới cùng phái, Daniel Vasella tuyên bố từ bỏ khoản tiền bồi thường và chống chế là đã dự tính tặng một phần hoặc toàn bộ số tiền đó cho các hoạt động từ thiện. Nhưng đã quá muộn và chẳng ai tin vào lòng từ thiện của ông khi biết là thoả thuận 72 triệu này đã ký kết với Novartis năm 2010, khi ông đồng ý thôi kiêm nhiệm tổng giám đốc để chỉ làm chủ tịch hội đồng quản trị, và được Novartis giữ kín với hi vọng cho tới sau cuộc bỏ phiếu đầu tháng 3.

Phản ứng dữ dội và từ mọi phía trong vụ này không chỉ do sự đối lập tả hữu thường tình mà còn vì những hiện tượng Vasella thật ra là sản phẩm của toàn cầu hoá hơn là của truyền thống tư bản Thuỵ Sĩ, vốn mang nặng ảnh hưởng của đạo đức Tin Lành. Những nhà tư bản đúng mác Thuỵ Sĩ là những người kín đáo về sự giàu sang của mình. Xã hội Thuỵ Sĩ điển hình cho tư duy tự do kinh tế nhưng đề cao sự chừng mực và khiêm tốn, không ưa những gì thái quá, trong mọi lĩnh vực, kể cả chính trị. 

Những đòi hỏi « không thích đáng » là vài đề nghị được đưa ra ngay sau kết quả cuộc bỏ phiếu, khi đảng Xã hội và vài nhóm khác ủng hộ đề xướng Minder thừa thắng xông lên, muốn đi xa hơn : cấm những « golden hello » là những khoản tiền thưởng trước khi nhậm chức được các công ty giải thích là để chiêu mộ anh tài, đánh thuế những bonus, giới hạn khoảng cách giữa các mức lương thấp nhất và cao nhất không quá 1:12, v.v. Đấy là luật chơi, bên thắng cuộc muốn thực thi kết quả đạt được, nếu không nhiều hơn. Bên thua phải phục tùng đa số nhưng cũng tích cực kiểm soát để cái mình không muốn nhưng phải chịu không đi xa hơn những gì đã được thông qua...

Bài trước:  Tại sao Hugo Chavez là tồi tệ đối với Venezuela 

Tại sao vụ đình công ngành dệt may năm 1913 ở Mỹ lại kì lạ nhất từ trước tới nay?
Elinor Ostrom và bài toán lạm dụng tài nguyên 
Thụy Sĩ sẽ làm gì với những phòng nhỏ giống gara ôtô? 
Nông dân Thụy Sĩ cũng ăn thịt... chó, mèo
Tags: economics

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc