Cơn nghiện hàng xa xỉ của người dân Trung Hoa

The end of evolution: a Vuitton bag for a girl. Photo courtesy francois karm.

Thử hỏi bất kỳ cửa hàng bán đồ xa xỉ nào khách ‘sộp’ ở đâu là nhiều nhất thì hầu hết sẽ trả lời là Trung Hoa. Những năm sau 2008 không hẳn là dễ dàng đối với các nhãn hiệu xa xỉ nhưng cơn khát hàng hiệu không thể thỏa mãn (unquenchable) của người dân Trung Hoa đã bù đắp cho tốc độ tiêu thụ chậm ở châu Âu. Theo một số ước tính, nửa số tiền thế giới chi ra cho đồ hiệu trong năm sau sẽ đến từ ví tiền người dân Trung Hoa. Tuy nhiên, cơ quan thuế Trung Hoa lại đang bỏ lỡ nguồn thu từ sự đam mê trưng diện của người dân nước này: khoảng 2 phần 3 hàng xa xỉ người Trung Hoa mua (và thường cũng sản xuất tại Trung Hoa) là ở nước ngoài. Vì sao người dân Trung Hoa tiêu nhiều cho hàng hiệu đến vậy khi đi du lịch?

Phải đến gần đây người dân Trung Hoa mới có đủ tiền để phô trương. Giờ đây, với tầng lớp trung lưu đang ngày một đông lên và số triệu phú tăng vọt (2,8 triệu người theo thống kê gần nhất), họ đang nhanh chóng bắt kịp với thế giới. Ở một đất nước vẫn chuộng “khoe giàu”, hàng hiệu và những chuyến du lịch cao cấp là mong ước của rất nhiều người. Công ty Global Blue, công ty chuyên xử lý chi tiêu miễn thuế của khách nước ngoài, ước tính rằng 82% khách Trung Hoa coi mua sắm là phần cốt yếu trong kế hoạch du lịch của họ. Ở Vương quốc Anh, họ tiêu trung bình gần 1.700 bảng (2.800 đôla) một người cho mỗi chuyến đi, gấp 3 lần mức trung bình của cả thị trường. Phần lớn con số này dành cho việc mua sắm; du khách Trung Hoa sẵn sàng mua đồ Prada vào ban ngày và tối về ngủ trong các khách sạn 2 sao.

Lý do chính cho việc mua sắm ở nước ngoài là giá cả. Thuế nhập khẩu cao, thuế tiêu thụ cũng như các chính sách ‘giá hớt váng’ có thể khiến người mua phải trả thêm tới 50% ở Trung Hoa so với nơi khác. Theo LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ Pháp, một chiếc túi xách Louis Vuitton ở Beijing đắt hơn ở Paris 30%. Đảm bảo hàng xịn cũng là lý do khác khiến người Trung Hoa thích các cửa hiệu châu Âu hay Mỹ hơn ở nước họ. Còn cả cơ hội được ‘nổ’ nữa: người ta muốn khoe rằng mình đã đi nước ngoài, vì thế mà cái mác ‘Made in Italy’ hơn hẳn ‘Made in China’, Wan-Yu Cho, một nhân viên nói tiếng Trung ở làng Bicester, khu vực mua sắm ngoại ô ở phía nam nước Anh nói. Khách Trung Hoa chiếm tới 42% tổng số hàng hoàn thuế bán được; năm ngoái mức chi tiêu của họ tăng gần gấp rưỡi. Cuối cùng, vì làm quà (lại một cách khoe mẽ nữa) thường là lí do khách du lịch Trung Hoa mua hàng xa xỉ, một người đàn ông thành đạt (hay phụ nữ - với số lượng ngày một nhiều hơn – hãng tư vấn Bain ước tính phụ nữ mua một nửa số đồ hiệu ở Trung Hoa so với chỉ 10% vào năm 1995) không thể về nhà nếu chưa có một hóa đơn hành lý phụ trội hoành tráng.

Kinh tế Trung Hoa tăng trưởng chậm lại và các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn tham nhũng và tặng quà xa hoa đã kìm hãm thị trường xa xỉ phẩm sau nhiều năm với mức phát triển 2 con số. Cái thời mà những chai rượu vang giá 800 đôla được nhập khẩu theo từng máy bay một đã qua rồi. Nhưng trong khi sự phô trương của cải đã bớt phổ biến ở giới cao cấp, giới trung lưu mới nổi Trung Hoa vẫn coi hàng hiệu là cách thể hiện sự thành đạt. ‘Dior’ và ‘Rolex’ vẫn là từ khóa được tìm kiếm phổ biến trên các trang tiểu blog (microblog) nước này. Không những thế, theo Scott Malkin từ Value Retail – công ty điều hành Bicester và 8 làng mua sắm tương tự ở châu Âu, người Trung Hoa mua sắm ở nước ngoài còn vì ‘trải nghiệm’ và câu chuyện mà họ có thể kể lại sau này. (Bicester có những tủ điện thoại công cộng màu đỏ mà khách du lịch xếp hàng để chụp ảnh). Cơn cuồng mua sắm (shopping-spree) của người Trung Hoa có vẻ còn tiếp diễn dài dài.

Đăng Duy
The Economist


Tags: china

7 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc