Sức ép đến từ Amazon

Photo courtesy Pablo.

Amazon đã làm đảo lộn (upended) nhiều ngành công nghiệp và thay đổi cách cả thế giới mua sắm nhưng hãng này cũng cần cẩn thận với việc lạm dụng quyền lực của mình.

Khi Jeff Bezos rời công việc trong ngành tài chính và chuyển tới Seattle 20 năm trước để mở công ty mới, ông đã thuê một ngôi nhà có gara giống như nơi đã từng sinh ra Apple và HP. Tuy bắt đầu bằng việc bán sách, ông đặt tên công ty là Amazon bởi con sông hùng vĩ này mới phản ánh tầm mức tham vọng của ông. Trong tuần này, công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới đã cho ra mắt điện thoại thông minh đầu tiên của hãng. Amazon không chỉ coi đây là một thiết bị liên lạc thông thường mà hơn thế sẽ là một nền tảng tuyệt vời cho việc mua sắm (ingenious shopping platform) và là cách thu thập dữ liệu khách hàng để có thể đưa ra những gợi ý sản phẩm chuẩn xác hơn.

Chiếc điện thoại này mang những đặc tính tiêu biểu của Amazon. Đó là sự mở rộng không ngừng: nếu đã có thể chuyển phát sách và máy giặt, thì sao không phải là điện thoại? Đó là khả năng chuyển đổi giữa thế giới thực của những nguyên tử và thế giới số của bit: Amazon có một trong những hệ thống phân phối ấn tượng nhất thế giới và thậm chí đã vươn tới các lĩnh vực điện toán đám mây (cloud computing), sách điện tử, phát video và tải nhạc. Đó là quyết tâm coi trọng thị phần hơn lợi nhuận trước mắt. Và đó là cảm giác đôi chút gai người (slightly creepy feeling) khi Amazon đã biết quá nhiều về người dùng của họ. Cho tới giờ đây, ‘cơn đói’ không thể thỏa mãn (insatiable appetite) ấy vẫn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng khi quy mô và sức mạnh của hãng càng tăng thì đây sẽ là hiểm họa khi nó đi quá xa.

Khách hàng đã mua sản phẩm này cũng mua…
Vào lúc này, sự ngưỡng mộ vẫn lấn át nỗi sợ. Rất nhiều thứ ngày nay thế giới coi là hiển nhiên từng được ông Bezos giới thiệu. Ghi số thẻ tín dụng của mình vào một trình duyệt web từng bị coi là điên rồ cho tới khi Amazon cho thấy mua hàng trực tuyến dễ dàng và an toàn như thế nào. Một khi đã mua được sách, người dùng sẽ thử những thứ khác. Ngày nay, thị trường thương mại điện tử toàn cầu trị giá 1,5 nghìn tỷ đôla.

Amazon cũng là hãng đã khích lệ đánh giá sản phẩm từ khách hàng. Ngay từ đầu, hãng đã cho phép người mua cho điểm và đánh giá sách. Điều này vẫn gây khó chịu (irk) cho một số nhà phê bình chuyên nghiệp và một số các xếp hạng 5 sao có phần quá rộng rãi (fulsome five-star ratings) có thể từ vợ hoặc chồng của tác giả. Nhưng nhìn chung, các đánh giá này mang lại những lời khuyên có giá trị cho người mua. Ngày nay, mọi thứ từ ứng dụng tới khách sạn hay vòi nước đều có thể được xếp hạng trực tuyến và các trang bán lẻ sẽ không được coi là hoàn hảo nếu thiếu đánh giá của khách hàng.

Rồi tới những ngành công nghiệp đã bị Amazon đảo lộn. Đầu tiên là sách. Amazon đã hai lần làm thay đổi ngành xuất bản – đầu tiên là khiến bất cứ cuốn sách nào trên thế giới sẵn có một cách nhanh chóng và rồi biến sách điện tử trở nên phổ biến. Trước khi Amazon giới thiệu Kindle năm 2007, các thiết bị đọc sách điện tử khó sử dụng (fiddly) và ít người dùng. Kindle rất dễ dùng, hoạt động được ở mọi nơi và cho phép gửi sách thẳng tới thiết bị thay vì phải thông qua máy tính. Amazon cũng tiên phong sử dụng mô hình điện toán đám mây. Năm 2006, hãng bắt đầu cho thuê dung lượng máy tính theo giờ. Lựa chọn thuê thay vì phải mua sức mạnh điện toán giúp giảm rất nhiều chi phí và sự phức tạp trong việc lập công ty mới. Dịch vụ đám mây của Amazon đã được các dự án khởi nghiệp như Netflix, Instagram, Pinterest, Spotify và Airbnb sử dụng và đã khai sinh (spawn) cả một ngành công nghiệp mới.

Apple có thể nổi tiếng hơn với vai trò phát kiến sáng tạo nhưng Amazon có lẽ có ảnh hưởng không kém đối với sự vận động của thế giới số. Và hãng vẫn đang tiếp tục thử nghiệm. Không bị giới hạn (unconstrained) bởi hình ảnh tự dựng lên về một công ty chỉ chuyên về một thứ, Amazon đã bước chân (dabble) vào nhiều lĩnh vực từ tìm kiếm trên internet tới công nghệ robot và phát triển phim ảnh, truyền hình.

Nếu bạn nhìn đời bằng lăng kính màu hồng (rose-tinted glasses) thì thực sự Amazon có vẻ đã mang khái niệm ‘dài hạn’ trở lại với chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon. Vào thời kỳ phố Wall còn bị ám ảnh bởi kết quả kinh doanh quý và việc mua lại cổ phiếu quỹ (share buybacks), thì Amazon đã làm rõ với các cổ đông rằng nếu phải chọn giữa tạo ra một khoản lợi nhuận và đầu tư vào những lĩnh vực mới, họ sẽ luôn lựa chọn cái thứ hai. Trong khi các ông lớn công nghệ khác ‘ngồi’ trên đống tiền lãi kỉ lục (record piles of cash), Amazon vẫn còn nhiều ý tưởng về những nơi để đầu tư và đổi mới. Các nhà đầu tư có lẽ cũng hài lòng với điều này. Ở nhiều thời điểm, hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu (price-to-earnings ratio) của Amazon đã vượt quá 3.500. Hãng gắn lợi ích của các nhà điều hành hàng đầu với các cổ đông bằng cách trả cho họ chủ yếu bằng cổ phiếu: mức lương cao nhất chỉ 175.000 đôla một năm.

Lựa chọn khổng lồ, hóa đơn thuế tí hon
Vấn đề là nhiều đặc tính tốt (virtues) kể trên lại đi kèm với các mặt xấu (vices). Amazon bị cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh, ngược đãi người lao động và chèn ép đối thủ. Amazon tuyên bố lương của nhân viên trong các nhà kho ở Mỹ của hãng cao hơn 30% so với ở các cửa hàng bán lẻ lớn. Về thuế thì có đôi chút khác biệt. Lý do chính khiến hóa đơn thuế thấp như vậy vì hãng không tạo ra lợi nhuận do Amazon đã hết sức tích cực (một cách hợp pháp) dồn lợi nhuận về các nước thuế thấp. Đã nhiều năm mở chiến dịch chống lại việc áp thuế bán ra (sales taxes) cho các giao dịch trực tuyến, gần đây họ lại thay đổi thái độ và thu thuế bán ra trên ngày càng nhiều bang ở Mỹ.

Về việc chèn ép đối thủ, phần lớn đây chính là kết quả của sự tàn khốc trong thế giới tư bản (savage magic of capitalism). Amazon đã đè bẹp các nhà sách địa phương nhưng theo cách không khác gì Tesco hay Walmart đã đè bẹp các cửa hàng tạp hóa – tạo ra cách mua sắm rẻ hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan chống độc quyền (antitrust regulators) cũng phải đảm bảo rằng Amazon sẽ không lạm dụng sức mạnh thị trường của họ trên cơ sở từng trường hợp. Ví dụ, tranh chấp đang diễn ra giữa Amazon và Hachette – một nhà xuất bản lớn – có thể trở thành tiêu chuẩn cho cuộc chiến giữa nhà bán lẻ và nhà cung cấp. Nhưng khi hãng bán sách điện tử đang thống trị thị trường gỡ bỏ nút ‘đặt trước’ và kéo dài thời gian giao sách của Hachette, hành động đó không hề giống với tuyên bố của ông Bezos về sự chú trọng tới dịch vụ khách hàng.

Có lẽ nghịch lý (paradox) nằm ở chỗ mối lo ngại lớn nhất về Amazon lại chính là hậu quả từ tầm nhìn dài hạn của hãng. Thật khó mà cạnh tranh với một công ty có những cổ đông không trông đợi họ sẽ tạo ra lợi nhuận. Quy mô to lớn và việc chấp nhận hoạt động không có lãi, thậm chí lỗ đã dựng nên những rào cản lớn cho các đối thủ tiềm năng. Điều này không thể kéo dài mãi. Điều đáng lo là Amazon chỉ đang đợi các đối thủ bật bãi (go out of business) trước khi tăng giá. Nếu điều này xảy ra, các cơ quan điều tiết cần phải can thiệp mạnh mẽ. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho công ty khác – Alibaba của Trung Hoa chẳng hạn, và một số nhà đầu tư sẽ phải tiếc nuối khoản thu nhập không bao giờ đến của Amazon. Nhưng người tiêu dùng sẽ một lần nữa hưởng lợi như họ đã từng có khi công ty khởi nghiệp nhỏ bé ban đầu của ông Bezos mở rộng tầm với tới vô vàn khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.

Đăng Duy
The Economist

Tags: economics

9 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc