Nông nghiệp Ba Lan: Miền đất của sữa và táo

Apple Tree Blossom. Photo courtesy włodi.

Một Liên minh châu Âu giàu có đang trì hoãn cải cách nông nghiệp

Ông Maciej Karczewski rất yêu thích công việc trồng táo ở Lower Silesia, gần Wroclaw. Vào những ngày xuân nắng ấm, ông ra thăm vườn cây rộng 40 héc-ta của mình, hào hứng khoe những cây táo đang đơm hoa kết trái thẳng hàng tăm tắp, xen giữa là những hàng cỏ điểm xuyết vài bông bồ công anh (dandelion).

Cha của ông Karczewski đã trồng táo từ 25 năm trước. Chàng thanh niên Karczewski theo học y tá tại Vương quốc Anh và làm vườn (horticulture) ở đại học Minnesota nhưng luôn tâm niệm sẽ quay về với vườn cây của gia đình. Trang trại của ông thuê 5 người làm việc thường xuyên suốt năm, 10 người vào mùa thay lá và 30 người vào vụ thu hoạch. Thời kỳ cao điểm vụ thu hoạch vào tháng Chín và Mười, ông Karczewski thuê người Ukraine vì lao động địa phương thường đắt đỏ và khó tìm.

Táo là một trong những mặt hàng xuất khẩu thành công nhất của Ba Lan. Năm ngoái, nước này đã vượt Trung Hoa trở thành nước xuất khẩu táo lớn nhất thế giới. Một phần ba sản lượng thu hoạch của Ba Lan - khoảng 1,2 triệu tấn, được xuất khẩu, chủ yếu sang Nga (chiếm 57%). Toàn bộ ngành nông nghiệp Ba Lan từ trồng ngũ cốc tới nuôi gia súc lấy thịt đang phát triển nhanh chóng. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Ba Lan đạt 85 tỉ zloty (27 tỉ USD), tăng 1.5% so với năm 2012.

Nông nghiệp có lẽ là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu. Ban đầu, nông dân là thành phần phản đối mạnh nhất (staunchest opponent) việc gia nhập Liên minh; ngay trước khi gia nhập, Đảng Nông dân Ba Lan (Polish Peasants’ Party) ước tính chỉ khoảng 600.000 trong tổng số 2 triệu nông dân ở nước này có thể tồn tại được. Tuy nhiên, khi là thành viên Liên minh, niềm vui đến bất ngờ khi tiền bắt đầu tuôn chảy: ngành nông nghiệp Ba Lan nhận được 40 tỉ euro (55 tỉ USD) giai đoạn 2007-2013 và sẽ tiếp tục nhận 42,4 tỉ euro từ nay cho tới năm 2020.

Nhờ các quỹ này của Liên minh châu Âu, thu nhập của nông dân đã tăng trung bình gấp 3 lần kể từ khi gia nhập, trong đó một nửa số này là trợ cấp bằng tiền mặt, bất kể nhu cầu ra sao. Các nông trại lớn đã hiện đại hóa và sản xuất hiệu quả hơn. Trong 10 năm qua, Ba Lan đã tăng gấp đôi sản lượng thịt gia cầm và trở thành nhà sản xuất hàng đầu Liên minh châu Âu về hoa quả mềm (soft fruits, loại quả nhỏ, không hạt như dâu tây và nho Hy Lạp) và nấm (cultivated mushrooms).

Tuy nhiên về lâu dài, trợ cấp nông nghiệp có cả hai mặt lợi và hại (mixed blessing). Ông Krzysztof Mularczyk thuộc Hội ‘Tình thương trong Thế giới Chăn nuôi’ (Compassion in World Farming), nói ‘Việc trở thành thành viên Liên minh châu Âu đã làm chậm công cuộc cải cách ngành nông nghiệp ở đây.’ Nông nghiệp Ba Lan vẫn rất manh mún (fragmented), chỉ đóng góp 3,4% GDP nhưng chiếm tới 12,4% lực lượng lao động. Một nửa số nông trại là tự cung tự cấp (subsistence) và 92% trong số này có diện tích nhỏ hơn 20 héc-ta. Trong báo cáo gần đây về Ba Lan, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã chỉ trích mạnh mẽ hệ thống an sinh xã hội quá thiên về bảo vệ quyền lợi cho nông dân, KRUS, cũng như các ưu đãi thuế họ được hưởng. Nhiều nông dân vẫn cố bám trụ với các mảnh ruộng nhỏ xíu chỉ để đủ tiêu chuẩn hưởng lợi từ KRUS.

Nông dân là bộ phận cử tri quan trọng. Dân số nông thôn chiếm tới 39%. Đảng Nông dân Ba Lan đang liên minh với đảng cầm quyền Diễn đàn Dân sự (Civic Platform) và lãnh đạo đảng này - ông Janusz Piechocinski hiện là Phó Thủ tướng. Đảng của ông Janusz Piechocinski đang yếu thế và bị chia rẽ và có thể không đủ mức tối thiểu 5% số phiếu để có ghế trong Quốc hội vào kỳ bầu cử năm sau, nhưng cho tới lúc đó, cơ hội cải cách là rất nhỏ.

Vấn đề mà những người nông dân Ba Lan lo lắng nhất vẫn là cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Các nhà xuất khẩu táo và thịt đang phải chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập khẩu của Nga và phần lớn họ phải nhờ đến lao động từ Ukraine khi vụ thu hoạch tới. Ông Karczewski đang làm các thủ tục visa và giấy phép lao động (work permit) cho nhân công Ukraine của ông và vẫn mong chờ những điều tốt đẹp.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: poland

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc