Vì sao Argentina lại tiếp tục vi ước?

Global Panorama, Buenos Aires. Photo courtesy David Berkowitz.

Argentina chỉ còn quỹ thời gian đến 12h đêm ngày 30 tháng Bảy để có thể tránh không bị vi ước (default, không tôn trọng được cam kết tài chính của mình, chưa hẳn là vỡ nợ - insolvent) lần thứ 8 trong lịch sử. Nguồn cơn dẫn tới hạn mốc này bắt nguồn từ năm 2001 – thời điểm gần đây nhất Argentina vi ước các khoản nợ của mình. Lần đó, hầu hết các chủ nợ chuyển các khoản nợ quá hạn thành các chứng khoán mới trong hai đợt tái cấu trúc diễn ra năm 2005 và 2010. Tuy nhiên, một vài chủ nợ, đứng đầu là quỹ NML Captial (một quỹ đầu cơ trục lợi - vulture fund, công ty con của tập đoàn Elliott Management, chuyên đầu tư vào các món nợ được cho là rất yếu hoặc sắp bị vi ước), đã chọn giải pháp khác. Họ vơ vét (scoop up) các khoản nợ bị vi ước với giá rẻ mạt (chỉ bằng 20% giá trị trên sổ sách) nhằm đòi cho được toàn bộ số tiền cho vay cộng với lãi tại các tòa án New York, nơi ban hành luật đối với các trái phiếu gốc.

Chính cuộc chiến pháp lý dai dẳng này hiện đang đẩy Argentina đến bờ vực bị vi ước lần nữa. Năm 2012, thẩm phán cấp quận tại New York - Thomas Griesa đã ra phán quyết (ruling) cấm Argentina trả tiền cho các chủ nợ nắm giữ trái phiếu đã chuyển đổi nếu nước này không trả đúng số tiền quỹ NML Capital yêu cầu. Phán quyết của thẩm phán Griesa dựa trên điều khoản ngang hàng (pari passu clause) trong các hợp đồng trái phiếu gốc (quy định nghĩa vụ trả nợ cho các khoản vay không thế chấp cho các chủ nợ nước ngoài phải được xếp ngang hàng với các chủ nợ không thế chấp trong nước nếu con nợ bị phá sản). Tháng trước, Tòa án Tối cao Mỹ đã khước từ không liên quan đến vụ việc này, giữ nguyên phán quyết của Thẩm phán Griesa và vì vậy Argentina buộc phải đối mặt với các lựa chọn gai góc: trả cho quỹ NML Capital 1,3 tỷ USD tiền gốc cộng với lãi do tòa quy định; thương lượng phương thức thanh toán nợ với quỹ này; hoặc ngừng trả tiền cho những người nắm giữ trái phiếu chuyển đổi. Hạn thanh toán cho những người nắm giữ trái phiếu chuyển đổi ngày 30 tháng Sáu đã bị lỡ. Thời gian ân hạn (grace period) sẽ kết thúc ngày 30 tháng Bảy này, tức là Argentina sẽ bị vi ước lần nữa.

Từ lâu, nhiều người vẫn tin rằng một thỏa thuận nào đó sẽ đạt được. Điều này phù hợp với lợi ích những người nắm giữ trái phiếu chuyển đổi, vì họ sẽ vẫn tiếp tục được thanh toán. Và cũng rõ ràng phù hợp với những chủ nợ cứng rắn (holdout), đồng thời để các thị trường vốn quốc tế thấy được khả năng phục hồi của Argentina. Tuy nhiên, thời gian đang cạn dần và vẫn chưa hề có dấu hiệu thỏa thuận lớn lao (substantive) nào sẽ đạt được. Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner kiên quyết phản đối việc trả tiền (stump up) cho các quỹ đầu cơ trục lợi. Argentina tuyên bố họ không thể dàn xếp được với các quỹ này mà không viện tới điều khoản Rights Upon Future Offers (RUFO) đối với các trái phiếu đã được tái cấu trúc. Điều khoản này sẽ hết hiệu lực ngày 31 tháng Mười Hai tới, quy định Argentina không thể tự nguyện đưa ra các đề nghị mới cho các quỹ này hấp dẫn hơn so với các lần tái cấu trúc năm 2005 và 2010 nếu không áp dụng tương tự cho tất cả những người nắm giữ trái phiếu.

Thẩm phán Griesa đã bác các yêu cầu từ phía Argentina đề nghị hoãn thi hành phán quyết cho đến khi điều khoản RUFO hết hiệu lực. Có thể ông Griesa sẽ ch nhẹ tay hơn với đề nghị từ phía quỹ NML Capital. Nếu không đạt được dàn xếp nào vào phút chót hoặc trì hoãn quyết định (can-kicking) thì Argentina sẽ lại vi ước lần nữa (hay ‘Griefault’ như được chia sẻ trên mạng xã hội Twitter). Tuy nhiên, dù tác động kinh tế đối với Argentina là như thế nào thì ảnh hưởng của lần vi ước này đối với thị trường bên ngoài cũng trong vòng kiểm soát. Không mấy nhà đầu tư ngạc nhiên nếu Argentina vi ước và số nợ chưa trả của nước này theo luật nước ngoài chỉ là 29 tỷ USD, chưa thấm vào đâu so với con số 81 tỷ USD nước này bội ước (renege) hồi năm 2001.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc