Bài học từ mô hình trợ giúp DNNVV của Ireland

Ireland là quốc đảo nằm trong biển Bắc Băng Dương, có diện tích 70.282 km2 với dân số khoảng 4,7 triệu người. Từ khi Ireland gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, kinh tế đạt được tốc độ phát triển đáng kể. Nông nghiệp chỉ sử dụng 13% lực lượng lao động, chăn nuôi cung cấp 90% nguồn thu nhập từ nông nghiệp. Công nghiệp phát triển và đa dạng. Kinh tế Ireland trong những năm gần đây đã chuyển đổi đáng kể từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ tập trung xuất khẩu. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu của châu Âu với mức sống theo đầu người của Ireland chỉ bằng 60% mức trung bình của châu Âu, GDP đầu người của Ireland ngày nay đứng thứ 16 trên thế giới.

Chính sách kinh tế của chính phủ Ireland tập trung vào xuất khẩu và khuyến khích đầu tư nước ngoài đã đem lại sự tăng trưởng vượt bậc cho Ireland trong suốt thập kỷ 90. Ireland xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng chế biến thực phẩm, đồ uống, quần áo, đồ thủ công, hoá chất, dược, máy điện tử, thiết bị thông tin. Ireland gia nhập Liên minh châu Âu năm 2002. Hiện nay có hơn 1000 công ty đa quốc gia hoạt động tại Ireland, hầu hết trong số đó là công ty của Mỹ.

Hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp ở Ireland gồm nhiều cơ quan, đầu mối chỉ đạo chung là Bộ Việc làm, Doanh nghiệp và Đổi mới Sáng tạo; cơ quan chịu trách nhiệm chính hỗ trợ DNNVV là Enterprise Ireland và các cơ quan liên quan.

I. Mô hình trợ giúp DNNVV
1. Bộ Việc làm, Doanh nghiệp và Đổi mới Sáng tạo
Nhiệm vụ: hỗ trợ tạo việc làm tốt bằng cách thúc đẩy sự phát triển môi trường kinh doanh cạnh tranh, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động theo chuẩn công nghệ cao và phát triển tại các thị trường bền vững, chủ trương xuất khẩu. Thu hút đầu tư nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp bản địa, phát triển theo chuỗi với các tập đoàn đa quốc gia, đổi mới và sáng tạo.

Trong giai đoạn khủng hoàng tài chính 2008-2011, ở Ireland hơn 300.000 người mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp lên tới 14,1% (3/2011) so với mức 4,9% (3/2008), trong số này hơn 50% người thất nghiệp hơn 1 năm. Chương trình hành động việc làm (bắt đầu từ 2012) được thiết kế nhằm tạo ra 100.000 việc làm mới (thuần) vào năm 2016, và 2.000.000 người có việc làm vào năm 2020, do 46 cơ quan, bộ, ngành chịu trách nhiệm thực hiện.

Chương trình năm 2014 với 385 hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Trong đó chú trọng các hoạt động cải tổ, sáng tạo trong các lĩnh vực: dữ liệu lớn/phân tích dữ liệu; công nghệ thông tin; dịch vụ một cửa cấp giấy phép cho ngành bán lẻ; tiết kiệm năng lượng; đổi mới y tế; tinh thần khởi nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp bản địa nâng cao năng suất.

2. Enterprise Ireland: là cơ quan Chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bản địa, thúc đẩy phát triển các công ty đẳng cấp quốc tế của Ireland có vị trí vững chắc trên thị trường toàn cầu, từ đó có thể giúp Ireland và khu vực thêm thịnh vượng. Enterprise Ireland hợp tác với các doanh nghiệp để giúp họ khởi sự, tăng trưởng, đổi mới và có thể xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Với cách này, cơ quan này có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và phát triển khu vực một cách bền vững và đảm bảo công ăn việc làm. Những trọng tâm hoạt động của Enterprise Ireland bao gồm 5 lĩnh vực: (i) Tăng thị phần xuất khẩu; (ii) Đầu tư vào nghiên cứu và sáng tạo; (iii) Cạnh tranh bằng năng suất; (iv) Khởi nghiệp và mở rộng phạm vi hoạt động cho các công ty Ireland; (v) Định hướng cho các công ty trong khu vực. Ngoài ra, Enterprise Ireland cũng hỗ trợ các công ty quốc tế tìm kiếm các nhà thầu phụ Ireland, hỗ trợ các công ty quốc tế thiết lập hoạt động sản xuất thực phẩm và đồ uống tại Ireland.

Enterprise Ireland hiện có 32 văn phòng quốc tế tại châu Á (9), châu Âu (13), Bắc Mỹ (5), châu Mỹ La tinh (2), Trung Đông (2), châu Úc (1).

Về hỗ trợ tài chính, Enterprise Ireland có các hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi sự có tiềm năng tăng trưởng cao (HPSU) như:
- Trợ cấp nghiên cứu khả thi HPSU: hỗ trợ trang trải các chi phí lương, hành chính, phí tư vấn, phí tham gia hội chợ triển lãm, chi phí phát triển sản phẩm mẫu,
- Phiếu Đổi mới Sáng tạo: trị giá 5.000 euro cho các DNNVV giai đoạn đầu hợp tác với các trường đại học ở Ireland để tìm kiếm cơ hội kinh doanh hoặc giải quyết khó khăn về kỹ thuật, công nghệ.
- Phiếu Nâng cao tay nghề: hỗ trợ chi phí đào tạo phát triển phần mềm, nhằm khuyến khích nâng cao năng lực nhân sự về công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp khởi sự và DNNVV.
- Chương trình Phát triển doanh nhân Biên giới mới: có sự hợp tác của Viện Công nghệ, được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, với nhiều hình thức hỗ trợ từ cố vấn, không gian vườn ươm và giải thưởng 15.000 euro nhằm tăng tốc phát triển kinh doanh của họ.
- Quỹ Nghiên cứu khả thi cạnh tranh: hàng năm, kêu gọi ý tưởng sáng tạo từ các nhóm nghiên cứu, hỗ trợ điều tra nghiên cứu và tài trợ cho các dự án kinh doanh khả thi.
- Quỹ Khởi nghiệp cạnh tranh: đầu tư trực tiếp 50.000 euro để giúp doanh nghiệp đạt được các cột mốc kỹ thuật hoặc thương mại quan trọng như đánh giá cơ hội kinh doanh trên thị trường toàn cầu hay phát triển sản phẩm mẫu, chú trọng các ngành giáo dục, hàng không, xây dựng, y tế, dịch vụ và phần mềm.
- Quỹ HPSU đổi mới sáng tạo: đầu tư mạo hiểm (có thể lên tới 20 triệu euro) vào các doanh nghiệp khởi sự tiềm năng tăng trưởng cao để hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận vốn đầu tư phải cam kết huy động được từ các nhà đầu tư tư nhân khác hơn 4 lần số vốn từ Enterprise Ireland.

Về hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu: hỗ trợ nghiên cứu phát triển (150.000 - 650.000 euro), hỗ trợ thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài (500.000 euro), tổ chức các phái đoàn xúc tiến xuất khẩu (12 đoàn/năm).

Tổng cộng các chương trình, hiện Enterprise Ireland đang đầu tư tới 87 triệu euro cho nghiên cứu khoa học, 50 triệu euro cho chuyển giao công nghệ, 50 triệu euro vào các vườn ươm doanh nghiệp, 27 triệu euro vào các chương trình quản lý doanh nghiệp, quản lý 64 triệu euro vốn quỹ đầu tư mạo hiểm, 45 triệu euro cho các quỹ vốn mồi. Theo nghiên cứu độc lập, 1 euro do Enterprise Ireland đầu tư giúp tăng 6.69 euro cho doanh thu của doanh nghiệp.

3. Phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp Dublin: LEO Dublin có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho DNNVV, tổ chức các hội thảo hình thành ý tưởng kinh doanh, các khóa học tự khởi nghiệp, các chương trình cố vấn, các khóa đào tạo phát triển kinh doanh và quản lý, hình thành mạng lưới doanh nghiệp nữ và mạng lưới phát triển kinh doanh.

Về hỗ trợ tài chính cho DNNVV, LEO Dublin có 3 loại trợ cấp chính:
- Trợ cấp nghiên cứu khả thi: cấp cho mỗi DNNVV 10.000 euro để nghiên cứu và phát triển, sản xuất sản phẩm mẫu, chi phí tư vấn và tiếp thị thử nghiệm.
- Trợ cấp vốn mồi cho doanh nghiệp: cấp tới 80.000 euro cho mỗi DNNVV thành lập dưới 18 tháng để trang trải các chi phí đầu tư ban đầu, lương nhân viên, phí tư vấn.
- Trợ cấp mở rộng doanh nghiệp: cấp hơn 80.000 euro cho mỗi doanh nghiệp thành lập hơn 18 tháng để mua sắm thiết bị mới, lương nhân sự mới, phí tư vấn.
Tuy nhiên, do văn hóa kinh doanh ở Dublin đã phát triển và nhiều doanh nhân khởi nghiệp tìm kiếm nhu cầu hỗ trợ từ LEO Dublin, cơ quan này dần chuyển từ hình thức trợ cấp sang cho vay.
* LEO Dublin cũng hướng dẫn các doanh nghiệp (dưới 10 nhân công, doanh thu dưới 2 triệu euro/năm) đăng ký các khooản vay nhỏ từ Microfinance Ireland, trị giá 2.000-25.000 euro, có thời hạn từ 3-5 năm, lãi suất cố định 8,8%/năm.

Chương trình PLATO: bắt đầu ở Dublin từ năm 1993, hiện có mặt ở 11 nước EU. Kể từ đó, hơn 2.000 doanh nghiệp đã hoàn thành và tiếp tục gặt hái thành công từ chương trình. Chương trình được dẫn dắt bởi các giám đốc doanh nghiệp lớn ở địa phương. Doanh nghiệp ‘bảo trợ’ sẽ chỉ định các giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm để hỗ trợ chủ DNNVV trong 2 năm. Các chủ DNNVV gặp mặt nhóm để thảo luận các khó khăn trong việc điều hành doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm các chủ doanh nghiệp khác, và nhận được tư vấn từ nhiều chuyên gia nổi tiếng. Có cả các cơ hội được tư vấn trực tiếp 1-1, tham gia các hội thảo phát triển, chương trình đặc biệt để tối đa hóa khả năng cạnh tranh như ISO 9000. Nghiên cứu độc lập cho thấy, các doanh nghiệp hoàn thành chương trình doanh thu tăng 31%, thêm 26% việc làm mới, 97% giới thiệu với các doanh nghiệp khác, 50% mua lại doanh nghiệp thông qua mạng lưới Plato, kỹ năng quản lý các lĩnh vực kinh doanh chính tăng hơn gấp đôi.

Chương trình ‘Phiếu hòa mạng’: hỗ trợ 3.500 euro cho việc hình thành nền tảng thương mại điện tử như lập hoặc nâng cấp website, chi phí tư vấn công nghệ thông tin, thực hiện hệ thống thanh toán hoặc đặt hàng qua mạng, mua các phần mềm liên quan đến mạng internet.

Ngoài ra, LEO Dublin còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV khác như: Khởi sự doanh nghiệp (trợ giúp lập kế hoạch kinh doanh, đào tạo khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh, vườn ươm), Tăng tốc kinh doanh (trợ giúp tập trung sâu trong vòng 6 tháng), các chương trình đào tạo thực tiễn về marketing trên mạng, mạng xã hội v.v…

4. Hiệp hội Quỹ đầu tư mạo hiểm: IVCA có vai trò hỗ trợ tài chính và tư vấn về đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp khởi sự chưa niêm yết có triển vọng ở Ireland và cả châu Âu và Mỹ, với 15 công ty đầu tư mạo hiểm thành viên.

IVCA có 5 quỹ vốn mồi (tổng số vốn 135 triệu euro), 20 quỹ đầu tư mở rộng (tổng số vốn 1,6 tỉ euro, trung bình 75 triệu euro/quỹ). Ngày 17/1/2014, IVCA thành lập Quỹ mới với số vốn 100 triệu euro, nhằm đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ triển vọng ở Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2007-2012, các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư tổng giá trị 124 triệu euro, tập trung vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các ngành chất bán dẫn, công nghệ di động, nông nghiệp, y tế, với số tiền tối đa 10 triệu euro mỗi doanh nghiệp (với điều kiện doanh nghiệp phải cam kết huy động được từ các nhà đầu tư tư nhân khác gấp 4 lần con số đó). Trong số này, 25% giao dịch là từ các tập đoàn đa quốc gia như Google. Facebook, Microsoft, Intel, v.v… do lợi nhuận không chuyển về nước, nên đầu tư trở lại chính tại Ireland. Từ năm 2008 đến nay, các DNNVV Ireland đã huy động được 1,6 tỉ euro từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, cao thứ hai sau Phần Lan.

Khi đầu tư, Quỹ hợp tác với doanh nghiệp trong 10 năm, trong đó 5 năm đầu là đầu tư, 5 năm sau có thể bắt đầu gặt hái thành công, và doanh nghiệp trả dần vốn đầu tư. Kết quả khi đầu tư vào các doanh nghiệp mới, tỉ lệ thành công-bình thường-thất bại ước tính là 1-5-4, với tư duy chấp nhận rủi ro, quản lý dòng tiền và danh mục đầu tư, lấy lợi nhuận bù thiệt hại.

Một số nguyên tắc chính trong hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Chính phủ Ireland cũng như các nhà đầu tư tư nhân khác, không hề có đối xử đặc biệt nào dẫn đến sự phân biệt, bất bình đẳng (quy tắc pari passu). Quan điểm đầu tư, lợi ích giữa các bên: đầu tư và nhận vốn đầu tư phải được thống nhất ngay từ đầu; nhà nước (hay quỹ hỗ trợ) chỉ đầu tư vốn và tư vấn, không nhằm mục đích kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Quỹ đầu tư mạo hiểm phải có số vốn lớn, nếu vốn không đủ lớn sẽ không thành công. Việc hình thành hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm phải thông qua chính sách khuyến khích, dựa trên ý tưởng thực tế và khả thi thương mại hóa, không do quyết tâm chính trị.

5. Liên đoàn Doanh nghiệp và Giới chủ: (Ibec) là liên đoàn lớn nhất ở Ireland, đại diện cho lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và giới chủ ở Ireland, cung cấp dịch vụ trực tiếp tới 7.500 doanh nghiệp và trên 50 hiệp hội thương mại thành viên. Các chính sách và ưu tiên chiến lược do Hội đồng quốc gia và Ban quản trị xác lập, được thực hiện bởi đội ngũ quản lý. Ban Quản trị Liên đoàn do John Kennedy, Chủ tịch Tây Âu của Tập đoàn Diageo là Chủ tịch, và CEO của Tập đoàn Dawn Farm Foods là Phó Chủ tịch. Ban Quản trị họp mặt 9 lần/năm và chịu trách nhiệm về quản trị doanh nghiệp và đường hướng chiến lược. Liên đoàn được chia thành 5 bộ phận: chính sách, khu vực tư nhân, nhân lực, truyền thông và hoạt động thường xuyên. Liên đoàn có 6 văn phòng ở Dublin, Waterford, Cork, Limerick, Galway and Donegal.

Liên đoàn thực hiện các cuộc vận động hành lang, đưa ra giải pháp thực tiễn, không vì lợi ích ngắn hạn mà vì lợi ích chung toàn nền kinh tế, nhằm tác động chính sách phục vụ lợi ích doanh nghiệp như kêu gọi giảm thuế đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, và đầu tư vào tương lai. Thành viên của Liên đoàn có thể hoán đổi vị trí với cán bộ nhà nước để làm và hiểu công việc của nhau, thêm các mối quan hệ cộng sự, thuận lợi cho việc hình thành các chính sách sát thực tiễn. Trong hai năm qua, xuất khẩu (dịch vụ) hơn 30% kim ngạch, chủ yếu từ các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Microsoft, Intel v.v… tại Ireland. Hiện tại, mối quan tâm của Liên đoàn là dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, nội địa hóa và bảo mật dữ liệu.

Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Phần mềm Ireland (ISIN), một thành viên của Ibec, là dịch vụ trung gian tri thức và kết nối kinh doanh miễn phí tới các doanh nghiệp phần mềm nhằm xác định và hợp tác với các viện nghiên cứu liên quan.

ISIN được tài trợ bởi Enterprise Ireland và hỗ trợ bởi EU (vốn từ Horizon 2020), do Hiệp hội phần mềm Ireland quản lý. Cán bộ của ISIN gặp trực tiếp các doanh nghiệp (trung bình 350 DN/năm) để nắm bắt nhu cầu như giải quyết khó khăn hay tìm ý tưởng công nghệ mới, xác định và giúp kết nối doanh nghiệp với các đối tác nghiên cứu tiềm năng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như giám sát quá trình phát triển, hướng dẫn và tư vấn huy động vốn. ISIN cũng góp phần kết nối các trường đại học, doanh nghiệp phần mềm bản địa và các tập đoàn đa quốc gia thông qua các diễn đàn (ít nhất 1 lần/tháng) để thỏa thuận về tài sản trí tuệ, miễn trừ thuế và các giải pháp tài trợ vốn.

6. Cục Thực phẩm và Đồ uống: Bord Bia có nhiệm vụ kết nối các nhà cung cấp thực phẩm, đồ uống và làm vườn Ireland với các khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Bord Bia có trụ sở ở Dublin và mạng lưới văn phòng đại diện ở Amsterdam, Dusseldorf, London, Madrid, Milan, Moscow, New York, Paris, Shanghai and Stockholm...

Hiện nay, ở Ireland có 140.000 nông trại, chủ yếu thuộc sở hữu của các hộ gia đình (được truyền từ nhiều đời), tổng diện tích 4,5 triệu hecta (trên tổng 6,9 triệu hecta diện tích Ireland), chiếm 11% doanh thu xuất khẩu và sử dụng 8,6% lực lượng lao động. Ngành thực phẩm có số lượng doanh nghiệp bản địa lớn nhất, với trên 80% doanh nghiệp xuất khẩu tới 170 nước, sản xuất hơn 10% sản lượng sữa trẻ em toàn cầu qua các thương hiệu lớn như Abbot, Nestle…, xuất khẩu thịt bò lớn nhất tới Bắc bán cầu. Ireland hiện đang nhập hoa quả, gà, thủy sản.

Bord Bia hiện đang thực hiện dự án gắn thiết bị cảm ứng vào các con bò non từ khi mới sinh để có bộ dữ liệu hoàn thiện về bào thai, gen v.v… nhằm nghiên cứu tăng khả năng sinh sản. Dự án do Chính phủ tài trợ và nông dân tham gia đóng góp một phần.

Về chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp chứng thực chất lượng cỏ (chất lượng tối thiểu do công ty thực phẩm đảm bảo), kiểm soát và quản lý chất thải động vật: nông trại phải có đủ diện tích đất, số lượng phân bò tối đa cho phép trên mỗi đơn vị diện tích.

Do đặc thù nông nghiệp là ngành rủi ro cao và ít lợi nhuận, Bord Bia có nhiều hình thức trợ giúp nông dân, ví dụ như thông qua việc áp đặt quota lượng sữa được sản xuất trên mỗi nông trại bò sữa, nhằm giới hạn mức cung, giữ giá xuất khẩu. Trước đây mức quota tính riêng trên Ireland, hiện được tính trên toàn châu Âu, Bord Bia trả tiền (trợ cấp) cho nông trại để sản xuất không nhiều, có cân bằng giữa các nước giàu, nghèo trong Liên minh.

7. Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp: Dublin BIC là tổ chức công tư (nhận tài trợ của EU và chính phủ Ireland thông qua Enterprise Ireland và các nguồn vốn tư nhân) để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi sự.

Trong 25 năm qua, các chuyên gia tư vấn của Dublin BIC đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh, cung cấp dịch vụ vườn ươm doanh nghiệp (năm 2009 có 270 DN, nay là 355 DN), hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, từ đó đóng góp vào nền kinh tế Ireland:
- Tạo ra hơn 568 doanh nghiệp mới, hiện sử dụng hơn 5.500 lao động trực tiếp,
- Thành lập Quỹ vốn mồi tư nhân đầu tiên năm 1991, huy động được 1 triệu euro trên toàn Ireland,
- Quản lý Quỹ vốn mồi của Ngân hàng AIB trị giá 53 triệu euro,
- Đầu tư trên 70 triệu euro vào 167 doanh nghiệp,
- Hình thành mạng lưới nhà đầu tư cá nhân (chính thức) đầu tiên và đầu tư hơn 30 triệu euro thay mặt cho Halo Business Angel Partnership,
- Xây dựng vườn ươm tư nhân đầu tiên của Ireland và tiếp tục mở rộng diện tích thêm 600 m2 tại Trung tâm doanh nghiệp Guinness,
- Hỗ trợ (tài chính, tư vấn, mặt bằng…) cho gần 500 doanh nghiệp tại Trung tâm doanh nghiệp Guinness,
- Hợp tác với gần 6.000 chủ sáng lập doanh nghiệp và hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh cho hơn 1.635 ý tưởng mới.

8. Trường Kinh doanh Smurfit: (thuộc Đại học Dublin) là trường giảng dạy kinh doanh và trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Ireland. Trường cung cấp các chương trình thạc sĩ kinh doanh để trang bị cho sinh viên trở thành lãnh đạo doanh nghiệp tương lai. Smurfit là 1 trong 50 trường trên toàn thế giới được công nhận ở cả Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh.
Từ năm 2009 đến nay, Cơ quan viện trợ của Ireland (Irish Aid) đã tặng 97 suất học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh cho sinh viên Việt Nam và hiện có 25 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường theo Chương trình học bổng IDEAS. Bên cạnh nghiên cứu và giáo dục, đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột của trường Smurfit, thông qua Vườn ươm Đổi mới Sáng tạo Belfield và Trung tâm doanh nghiệp NovaUCD.

Vườn ươm Đổi mới Sáng tạo Belfield: Đổi mới sáng tạo tại đây chủ yếu trong 4 lĩnh vực: truyền cảm hứng sáng tạo cho sinh viên, áp dụng kiến thức trên giảng đường vào nghiên cứu ứng dụng, hợp tác với doanh nghiệp và khu vực công, phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp mới. Vườn ươm là hợp tác công tư, 1/3 vốn từ Enterprise Ireland và 2/3 vốn từ Đại học Dublin, có 45 văn phòng, 10 phòng thí nghiệm và 14 không gian làm việc chung. Giá thuê tại vườn ươm được tính theo thị trường, không cao nhưng cũng không phải hỗ trợ cho thuê giá rẻ, nhằm tạo môi trường thực tiễn cho doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là quản lý được tỉ lệ hợp lý số doanh nghiệp tốt nghiệp, rời vườn ươm và số doanh nghiệp muốn vào hoạt động.

Trung tâm doanh nghiệp NovaUCD: mở rộng từ thành công của Vườn ươm Belfield, được khánh thành tháng 10/2003, rộng 4.500 m2, dành cho các doanh nghiệp thành lập lâu dài. Việc xây dựng Trung tâm có sự đóng góp của 6 nhà đầu tư tư nhân: AIB Bank, Arthur Cox, Deloitte, Ericsson, Goodbody Stockbrokers, và Xilinx (75% trong tổng số 10 triệu euro), phần còn lại do Enterprise Ireland và Đại học Dublin tài trợ. Các cơ sở ươm tạo xanh và thiết bị mới phù hợp với các doanh nghiệp khởi sự trong lĩnh vực công nghệ sinh học cũng được tài trợ 1,3 triệu euro từ Enterprise Ireland và Đại học Dublin.

NovaUCD hiện hỗ trợ hơn 45 doanh nghiệp (sử dụng trên 200 lao động), thuộc nhiều ngành, lĩnh vực gồm công nghệ thông tin, sinh học, thiết bị y tế, mạng không dây và năng lượng tái tạo.

II. Bài học kinh nghiệm
- Nhà nước xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng đổi mới sáng tạo và hướng xuất khẩu, với mục tiêu cao nhất là tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
- Xác lập được một cơ quan đầu mối hoạch định chương trình hỗ trợ theo mục tiêu và phân bổ nguồn lực thực hiện (cơ quan Enterprise Ireland). Cơ quan này trực thuộc Chính phủ để có đủ thẩm quyền và nguồn lực, điều phối các cơ quan cùng thực hiện.
- Ngân sách Nhà nước tài trợ cho các hoạt động được phân xét theo đối tượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, do cơ quan doanh nghiệp (Enterprise Ireland) quyết định, sử dụng linh hoạt, hỗ trợ toàn diện các mặt hoạt động của doanh nghiệp.
- Một số tổ chức hỗ trợ là hợp tác công tư, được tiếp nhận tài trợ từ ngân sách và nguồn tư nhân (đóng góp của doanh nghiệp theo chương trình, trả tiền thuê tư vấn, mặt bằng…); vốn nhà nước cấp cho tổ chức hỗ trợ đó dưới dạng đầu tư vốn cố định ban đầu (chi phí lớn) hoặc được chuyển thẳng vào quỹ (đầu tư) phát triển doanh nghiệp của tổ chức này.
- Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, vốn nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp không nên chỉ đánh giá thành công - thất bại của từng doanh nghiệp đơn lẻ, cần theo dõi một nhóm doanh nghiệp (trong thời gian đủ dài, 5-7 năm), dưới hình thức như quản lý danh mục đầu tư, bảo toàn vốn cho quỹ.
- Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nên dưới dạng cho vay, hoặc cấp (thưởng cho ý tưởng xuất sắc) nhưng cần đặt điều kiện doanh nghiệp phải huy động được số vốn tối thiểu đáp ứng, để đảm bảo sử dụng nguồn vốn hỗ trợ một cách có trách nhiệm, hiệu quả.
- Để phát triển thị trường đầu tư mạo hiểm hoặc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đặt trụ sở và hoạt động tại Việt Nam, ngoài việc hình thành mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân, cần có các điều kiện khác như: hoàn thiện chính sách pháp lý về bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, môi trường minh bạch, hệ thống thuế, và nhất là hình thành văn hóa khởi nghiệp, có doanh nghiệp khởi sự ắt có nhà đầu tư mạo hiểm.
- Tích cực, chủ động tìm kiếm những nhà đầu tư hiểu rõ, hòa hợp môi trường văn hóa Việt Nam, nhất là các Việt kiều thành công, có ảnh hưởng ở nước ngoài, đầu tư trở lại Việt Nam, hình thành quỹ đầu tư chung để phát triển nền kinh tế trong nước.
- Cần có sự điều tiết hoạt động xuất khẩu đối với các ngành hàng chủ lực, không nên để cạnh tranh lẫn nhau về giá, xuất khẩu bằng mọi giá, gây tổn thất chung cho doanh thu toàn ngành, và cho cả nền kinh tế.
- Việt Nam chú ý xuất khẩu sang thị trường Ireland các mặt hàng có thế mạnh như hoa quả, gà, thủy sản.

Sơn Phạm

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc