Vì sao Hong Kong vẫn rất quan trọng với nền kinh tế Trung Hoa?


Trong khi các cuộc biểu tình lan khắp Hong Kong đang làm dấy lên những lo ngại về cách đối phó của Trung Hoa, một trong những câu hỏi gây đau đầu nhất cho cư dân ở đặc khu này là liệu số phận của thành phố có ý nghĩa gì đáng kể với phần còn lại của Hoa lục không. Hong Kong từ lâu đã là cầu nối giao thương và dòng chảy đầu tư giữa Trung Hoa và thế giới. Vai trò này đã mờ nhạt (diminish) trong những năm gần đây khi Trung Hoa mở cửa và tham gia trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu. Giới lãnh đạo Hong Kong cảnh báo những bất ổn gần đây sẽ chỉ khiến các công ty Trung Hoa càng bỏ qua thành phố này. Nếu chỉ nhìn vào quy mô thì họ có lý: Hong Kong giờ không còn quan trọng như trước. GDP của đặc khu này từ chỗ tương đương 16% của Trung Hoa năm 1997 – thời điểm được trả về Trung Hoa, giờ co lại (shrink) chỉ còn 3%. Điều này khiến nhiều ý kiến cả trong và ngoài Trung Hoa kết luận rằng Hong Kong đang dần trở nên không đáng kể về kinh tế. Có thật thế chăng?

Không thể kết luận vội vã như vậy được. Chỉ quan tâm tới quy mô tỷ lệ thì quá đơn giản. Do kinh tế Trung Hoa phát triển mạnh trong hơn hai thập kỉ qua, đà tăng trưởng trải rộng khắp cả nước với hơn 200 thành phố có dân số từ 1 triệu người trở lên và thu nhập tăng nhanh thì không một thành phố nào có thể giữ tỷ lệ chi phối trong GDP. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, Hong Kong vẫn là bộ phận không thể thiếu được của Trung Hoa. Về một số phương diện, vị trí của Hong Kong thực sự đã được củng cố chứ không phải bị xói mòn (erode) trong những năm gần đây. Hong Kong đã chứng minh họ đáng tin cậy hơn Đại lục với tư cách một nguồn tài trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán (equity financing). Từ năm 2012, các công ty Trung Hoa đã kêu gọi được 43 tỉ đôla ở thị trường Hong Kong so với chỉ 25 tỉ ở Đại lục theo số liệu của Dealogic. Hơn bất cứ đâu trên thế giới, Hong Kong còn giúp các công ty Trung Hoa tiếp cận thị trường vốn toàn cầu về trái phiếu và cho vay. Hơn nữa, Hong Kong là trung tâm chính của dòng đầu tư ra vào Trung Hoa, chiếm tới 2/3 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Hoa năm ngoái so với 30% năm 2005.

Tuy rất nhiều trong lượng tiền ấy chỉ ‘chảy ngang’ qua Hong Kong, các công ty nước ngoài cũng dùng thành phố này làm ‘trạm trung chuyển’ để đầu tư vào Trung Hoa vì những lợi thế không thành phố Đại lục nào có được: môi trường đầu tư ổn định được bảo vệ bởi tòa án công bằng, minh bạch, thực thi thượng tôn pháp luật (rule of law). Không chỉ các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài hướng tới Hong Kong, trong 5 năm qua chính phủ Trung Hoa đã biến thành phố này thành nơi thử nghiệm một loạt cải cách tài chính: con đường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ bắt đầu tại Hong Kong năm 2009 bằng việc dùng đồng tiền này để thanh toán giao dịch thương mại; Hong Kong cũng là nơi có thị trường trái phiếu ‘điểm tâm’ (dim sum bond) lớn nhất - loại trái phiếu vay nợ nước ngoài nhưng định giá bằng đồng nhân dân tệ; và một chương trình sắp được triển khai, lần đầu tiên cho phép mọi nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu niêm yết trên các thị trường Hoa lục qua trung gian của thị trường chứng khoán Hong Kong. Hong Kong cũng rất muốn ‘đăng cai’ những cuộc thử nghiệm này với niềm tin đúng đắn rằng chúng rất cần thiết cho sự tồn tại của một trung tâm tài chính mạnh (thriving).

Tóm lại, Trung Hoa hưởng được rất nhiều lợi ích từ quy chế đặc thù của Hong Kong. Đó là một thành phố tách biệt khỏi Đại lục nhưng lại có liên kết chặt chẽ, một phần lãnh thổ hòa nhập hoàn toàn với kinh tế toàn cầu do Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh kiểm soát. Ngay cả với sự đặc thù này thì cán cân quyền lực trong mối quan hệ của Hong Kong với Trung Hoa cũng đã rõ: khoảng một nửa lượng xuất khẩu của Hong Kong là tới Trung Hoa; 1/5 tài sản ngân hàng là các khoản vay cho khách hàng Trung Hoa; và nguồn thu từ du lịch và bán lẻ hầu hết đến từ Trung Hoa chiếm 10% GDP Hong Kong. Theo chiều ngược lại, sự tiếp xúc trực tiếp của kinh tế Trung Hoa với Hong Kong là gần như không có (vanishingly small). Nhưng sẽ là sai lầm chết người nếu kết luận Hong Kong không quan trọng với Trung Hoa. Nếu Trung Hoa làm tổn hại mối quan hệ đặc biệt này, Hong Kong sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất nhưng Trung Hoa cũng phải trả giá đắt.

Đăng Duy
The Economist

Tags: china

7 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc