So sánh Việt Nam với Nhật Bản thì buồn cười quá

shared from fb Thuy Thi Nguyen.
-----
So sánh Việt Nam với Nhật Bản thì buồn cười quá, ai lại làm thế. Kinh tế Nhật chả gì cũng xếp hàng thứ 4 thế giới, giáo dục đứng nhất châu Á, y tế thì cũng đầu bảng. Về quốc phòng an ninh, tuy Nhật không có anh lính chiến nào, nhưng bốn bên vững vàng đâu có sợ ai xâm lược. Còn Việt Nam thì ai cũng hiểu rồi, đang đâu đó áp chót các bảng xếp hạng. Thôi, không có so sánh khập khiễng như vậy, buồn cười lắm!

Nhưng nghĩ lại, cùng là con người với nhau, cứ nói chuyện con người đi xem sao. Đằng ấy hơn trăm triệu người, đằng này cũng ngót trăm triệu rồi. Chưa kể nước Nhật đang già đi nhanh chóng, mỗi năm dân số giảm mất cả triệu người, còn Việt Nam thì đang hừng hực khí thế dân số có nhiều lao động trẻ. Tương lai "sánh vai" của Việt Nam là dựa vào con người đang sẵn có đây chứ đâu. Thì đây, thử kể chuyện con người.

Trong khi hôi bia, hôi của từ xe gặp tai nạn trở thành "sự kiện truyền thông" bên xứ mình thì ở cách đó 6 giờ bay, khi hàng trăm ngàn người phải trải qua cảnh màn trời chiếu đất vì sóng thần, máy ATM chảy ra ê hề tiền mặt mà người Nhật vẫn không nhặt vì… không phải của mình.

Hồi nọ đi chợ ở Hà Nội thấy mấy quả chanh từ thúng hàng của người bán rơi ra lề đường, bà mẹ chở con đi xe máy phía sau đã hối con "lặt, lặt đi con kìa". Trong khi có lần tôi để quên điện thoại ở sân trường ở Nhật hơn nửa ngày, lúc quay lại vẫn thấy nó đang nằm sởi nắng.

Đi ăn tiệc ở mình khổ nhất là ôm khư khư mấy cái túi xách. Ai có bao nhiêu đồ quan trọng thì cứ ngoắc hết lên cổ cho chắc. Đi tiệc tùng ở Nhật, mọi người thường kê một cái bàn lớn góc khuất nào đó, người đến dự sẽ để hết túi xách, áo khoác lên bàn đó để ăn uống cho thoải mái, lúc ra về thì lần lượt của ai nấy lấy.

Trong trường học Việt Nam, nhặt được của rơi trả lại người mất (hoặc nộp lại cho nhà trường, công an) là rất đáng khen ngợi. Có khi học sinh còn được tuyên dương dưới cột cờ vào buổi chào cờ sáng thứ 2. Đúng thế, làm được việc tốt là đáng khen. Nhưng nghe ra có gì đó hơi lạ, chắc vì nó không phổ biến nên mới có lễ khen. Một việc đúng nên làm như vậy là hiển nhiên, mà vẫn ít quá hay sao để còn vỗ tay khen thưởng?

Hồi đi học phổ thông, tôi bị mất từ cục tẩy, bút chì, mất khăn, mất áo, mất cặp sách, mất dép. Bạn bè ở ký túc xá sinh viên còn mất cả cái ấm đun nước, cục sạc điện thoại, mất cả gói mì tôm. Ôi thôi gọi là cái gì cũng mất.

Ai lấy? Sinh viên lấy cắp lẫn nhau. Rộng ra nữa nếu có đổ tội cho "người ngoài" thì là bạn bè của sinh viên vào lấy cắp của sinh viên.

Trong khi bạn bè Nhật bảo nếu nhặt được của rơi mà không trao lại cho người mất, hay không giao nộp lại cho cảnh sát, thì sẽ bị coi như là ăn cắp. Nhặt được vật không phải của mình mà đem giao nộp hay trả lại là việc làm hiển nhiên của một người bình thường.

Cảnh sát khu vực ở Nhật có cái xe đạp trông hay hay, thường chạy lòng vòng quanh khu phố cả ngày, gọi là mawari-san. Họ dường như "rỗi việc" nên thấy toàn đi chỉ đường và báo cáo nhặt được của rơi, truy ra tung tích của người mất để còn giả lại. Trẻ em và người già có vẻ thích các anh chàng mawari-san này vì họ rất thân thiện, tốt bụng, chu đáo.

Đến đây lại phải nhớ "tuyên dương khen thưởng kịp thời" mấy trăm cán bộ chiến sĩ công an giao thông của ta đã không nhận hối lộ, giữa muôn trùng vây vẫn giữ vững tính liêm khiết chính trực của người công an nhân dân. Thật là đáng khen!

Nói chung, "cái gì không phải của mình thì đừng có nhận" – trẻ em Nhật được dạy như vậy từ khi biết nhận biết hành vi. Và dù hiện tại số trẻ em Nhật được sinh ra hàng năm ít hơn số trẻ em Việt Nam, chúng vẫn cứ được dạy kĩ lưỡng từng chút những điều đơn giản như vậy, để trở thành những người bình thường. Khi lớn lên chúng sẽ là công dân của một xã hội bình thường, nơi mọi người tin rằng làm việc tốt là một điều bình thường.

Hiện nay Việt Nam có nhiều trẻ em hơn, nhiều lao động trẻ hơn, rồi sắp tới ta sẽ có nhiều người hơn Nhật Bản. Rồi thì sao? Rồi thì định "sánh vai" cùng Nhật Bản ư? Đừng có huyên thuyên nữa.

Người lớn cứ sống cho bình thường, dạy trẻ con sống bình thường nữa. Thôi khỏi hô hào người tốt việc tốt, miễn luôn cả khen thưởng gấp, xin nghỉ luôn cả cái chống chủ nghĩa cá nhân cơ hội này nọ. Phàm đã là người bình thường thì thấy việc tốt nên làm, việc xấu nên tránh. Có gì đâu mà phải lớn tiếng. Cứ làm người bình thường đi đã rồi mới nói được các chuyện vĩ đại (may ra có) về sau.

Tags: japan

10 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc