Vì sao Trung Hoa đang thành lập một "Ngân hàng Thế giới" cho châu Á?

Photo credit: The Moscow Times.

Ngoài các ngân hàng phát triển quốc tế hiện có (ADB, AfDB, CAF, EBRD, IADB), giờ đây sẽ thêm một chữ viết tắt nữa: AIIB, hay tên đầy đủ là: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á. Ngày 24 tháng Mười, đại diện 21 nước châu Á đã ký thỏa thuận thành lập AIIB, ngân hàng mà tên gọi cho thấy, sẽ cấp các khoản vay để xây dựng đường giao thông, tháp điện thoại di động và các loại hình cơ sở hạ tầng khác cho những khu vực nghèo ở châu Á. Trung Hoa dẫn đầu nỗ lực (spearhead) thành lập ngân hàng này và hy vọng sẽ chính thức đưa nó đi vào hoạt động vào cuối năm tới. Rõ ràng việc có thêm tiền cho các dự án quan trọng là dự định tốt, nhưng AIIB đã làm dấy lên tranh cãi bởi vì châu Á đã có tổ chức cho vay đa phương, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Vì sao Trung Hoa đang thành lập một ngân hàng phát triển mới cho châu Á?

Câu trả lời chính thức của Trung Hoa là châu Á có một khoản tiếu hụt tài trợ lớn cho cơ sở hạ tầng. ADB đã công bố bù đắp thiếu hụt ở mức khoảng 8 nghìn tỷ USD từ năm 2010 đến năm 2020. Những tổ chức hiện tại không có khả năng bù đắp thiếu hụt này: ADB có cơ sở vốn (khoản tiền đã được nộp và khoản cam kết nộp của các quốc gia thành viên) chỉ hơn 160 tỷ USD và Ngân hàng Thế giới là 223 tỷ USD. AIIB sẽ bắt đầu hoạt động với số vốn là 50 tỷ USD – chẳng thấm gì so với nhu cầu nhưng là một bước thúc đẩy hữu ích. Hơn nữa, trong lúc các khoản vay ADB và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tất cả mọi thứ từ bảo vệ môi trường đến bình đẳng giới, thì AIIB sẽ tập trung toàn bộ sức lực của mình vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Chí ít thì các quan chức ADB và Ngân hàng Thế giới đã chính thức chào đón ngân hàng mới này do Trung Hoa khởi xướng, và cho hay họ đã thấy cơ hội hợp tác.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường thì sáng kiến này của Trung Hoa đã gây ra một cuộc chiến ngoại giao gây cấn. Mỹ đã vận động các đồng minh không tham gia AIIB, trong khi Jin Liqun, một quan chức Trung Hoa sẽ là tổng giám đốc ngân hàng này, đã đi lại như con thoi giữa nhiều quốc gia để thuyết phục họ gia nhập nỗ lực trên. Tại buổi lễ khánh thành ngân hàng, Australia, Indonesia và Hàn Quốc đã vắng mặt, điều khiến nhiều người để ý. Trước công chúng, nước Mỹ và một số đồng minh phản đối (hold-out) sáng kiến này nêu quan ngại về vấn đề thiếu rõ ràng trong cách quản lý AIIB. Những người chỉ trích cảnh báo rằng ngân hàng do Trung Hoa khởi xướng này có thể không đạt được những tiêu chuẩn môi trường, lao động và đấu thầu cần có đối với sứ mệnh của người cho vay phát triển. Tuy nhiên, Trung Hoa đã nhất quyết rằng AIIB sẽ áp dụng nghiêm ngặt các thông lệ tốt nhất của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới. Căn cứ vào việc ngân hang sẽ được giám sát chặt chẽ như vậy, có lý do chính đáng để tin tưởng lời cam đoan của Trung Hoa.

Nhưng những căng thẳng thực tế không được nói ra bắt nguồn từ một sự thay đổi sâu sắc hơn: Trung Hoa sẽ sử dụng ngân hàng mới này để gia tăng ảnh hưởng, làm phương hại đến Mỹ và Nhật Bản, những cường quốc lâu năm ở châu Á. Quyết định tài trợ một ngân hàng đa phương mới của Trung Hoa thay vì đầu tư thêm vào các ngân hàng hiện tại phản ánh sự nóng lòng của quốc gia này khi chứng kiến tốc độ chậm chạp trong cải cách quản trị kinh tế toàn cầu. Đây cũng chính là lý do Ngân hàng Phát triển mới được thành lập bởi khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Hoa và Nam Phi). Mặc dù Trung Hoa là nền kinh tế lớn nhất ở châu Á, nhưng ADB do Nhật Bản thống trị; cổ phần có quyền biểu quyết của Nhật Bản gấp hai lần số cổ phiếu của Trung Hoa và chủ tịch ngân hàng này luôn là người Nhật Bản. Những cải cách nhằm trao thêm quyền cho Trung Hoa tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã bị trì hoãn trong nhiều năm, và thậm chí nếu có được thông qua thì Mỹ vẫn sẽ nắm giữ quyền lực lớn hơn rất nhiều. Điều dễ hiểu là Trung Hoa không thể mãi chờ đợi sự thay đổi. Do đó quốc gia này đã tự mình giải quyết vấn đề.

Phương Thùy
The Economist


Tags: china

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc