Bà Ngoại trưởng


Vào ngày Hillary Clinton trở lại Điện Capitol sau thất bại không trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ để chạy đua vào chiếc ghế tổng thống năm 2008, các nhân viên của bà đã đeo băng-đô, mặc quần soóc thể thao và tổ chức một giải đấu bóng bàn trong văn phòng để giúp bà lấy lại niềm vui. Bực tức vì bị Barack Obama cho nếm mùi thất bại do thua kém về công nghệ, bà trở thành một ngoại trưởng hào hứng với kỹ thuật số, ủng hộ việc sử dụng Twitter cho công tác ngoại giao và từng nói với một nhóm các chuyên viên phụ trách công nghệ rằng, "Hãy làm việc với tôi như làm việc với một ứng dụng."

Tại Bộ Ngoại giao, dù dường như bà chỉ lướt qua những vấn đề chính trị trong nước, bà vẫn luôn để mắt tới trận địa này, thậm chí ngay sau một bữa tối với Nữ hoàng Elizabeth tại Cung điện Buckingham, bà đã gọi điện cho một chính trị gia New York, người vừa giành chiến thắng trong cuộc đua khó khăn vào chiếc ghế Nghị sĩ Quốc hội. Bà đã không hề tiết lộ với chồng về kế hoạch tấn công sào huyệt của Osama bin Laden. Ngài cựu tổng thống chỉ biết tin nhờ một cuộc gọi đêm khuya của Tổng thống Obama ("có thể Hillary đã nói với anh," tổng thống nói với Bill Clinton khi đó đang mù tịt thông tin).

Đó là những thời khắc hay nhất trong "HRC," cuốn sách
mô tả khoảng thời gian bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng của hai tác giả Jonathan Allen, nguyên phóng viên của tờ Politico và Amie Parnes, phóng viên tờ The Hill tại Washington. Các cuốn sách về những nhân vật chính trị đương đại hiếm khi ra mắt đúng thời điểm, nhưng cuốn sách này đạt được điều đó. Clinton sẽ xuất bản một cuốn hồi ký về những năm tháng của bà ở Bộ Ngoại giao vào tháng 6 này, một cuốn sách hứa hẹn sẽ là một chiếc bánh được nướng cẩn thận, được rắc topping dày đặc và sẽ có chút vị ngọt nhân tạo. Những tranh cãi về nhiệm kỳ của bà trên cương vị nhà lãnh đạo ngoại giao hàng đầu của đất nước đã diễn ra trong nhiều tháng và sẽ còn trở nên gay gắt hơn. Allen và Parnes dường như xuất hiện thật đúng lúc để mang đến những thông tin mới rất cần thiết về nhân vật này, một người vừa quá quen thuộc vừa quá bí ẩn. Rất ít chính khách đương đại có được sức ảnh hưởng đáng sợ như Hillary Clinton ở năm thứ 22 của sự nghiệp nổi danh trên trường quốc tế, và bất kỳ ai có thể giúp chúng ta bước xa thêm vài dặm trên con đường lý giải điều này đều xứng đáng nhận được lời cảm ơn và sự tôn trọng.

Nhưng Allen và Parnes chỉ giúp chúng ta đi được một quãng ngắn. Clinton trong cuốn sách của họ là phiên bản điển hình của Đảng Dân chủ: lịch thiệp khi thất bại và không lùi bước trong đàm phán, cộng tác ăn ý gần như hoàn hảo với ông Obama và hiếm khi ra quyết định sai lầm dù hoàn cảnh có phức tạp đến đâu. Nếu không vì cái chết của Đại sứ Christopher Stevens ở Benghazi — một bi kịch mà, theo báo cáo của Ủy ban Đặc biệt về Tình báo Thượng viện Mỹ, các trợ lý cấp thấp có thể ngăn chặn được nếu ông được bảo vệ tốt hơn — thì bà có thể đã có một hồ sơ sự nghiệp không tì vết, theo quan điểm của các tác giả. Nhưng Allen và Parnes bị sao lãng quá nhiều bởi các mối quan hệ giữa các nhân viên khiến đôi khi chính bà Clinton hoàn toàn bị bỏ qua trong bối cảnh câu chuyện. Nếu người đọc mua "HRC" với hy vọng hiểu được cương vị ngoại trưởng đã khiến Hillary Clinton thay đổi quan điểm của mình về sức mạnh của nước Mỹ như thế nào, thì thật đáng tiếc, họ sẽ chỉ được đọc về việc liệu Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon có phải đã từng "say nắng" bà hay không. Khi ai đó đôi khi quá xem xét các trao đổi dù là nhỏ nhất của các nhà lãnh đạo để tìm kiếm một cái nhìn sâu sắc về quá khứ và tâm lý — có một ranh giới mong manh giữa việc phân tích sâu sắc một cái ôm chân tình và việc tự cho mình là một phóng viên chuyên về ngôn ngữ cơ thể — tôi thấy dễ dàng cảm thông với hai phóng viên khi tìm kiếm ý nghĩa từ những chi tiết dù nhỏ nhất.

Có lẽ bà Clinton hết lòng tận tụy, không mệt mỏi và chân thành như họ nói, nhưng không dễ để tin hoàn toàn câu chuyện của họ khi họ dường như không trò chuyện với bất kỳ ai ngoài những người thân cận của bà. Một trong những thất bại ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền ông Obama — không thể thuyết phục được Israel ngừng xây cất khu định cư Do Thái tại vùng đất chiếm đóng của người Palestine — hầu như không được đề cập đến. Liệu bà Clinton, người có nhiều kinh nghiệm hơn ông Obama về tình hình Israel, có đoán được rằng nỗ lực của ông sẽ phản tác dụng? Liệu có phải bà bị loại hoàn toàn khỏi chu trình ra quyết định? Và nếu như vậy, điều này nói lên điều gì về tầm ảnh hưởng của bà? Thay vì trả lời những câu hỏi như vậy, cuốn sách giống như một bản đánh máy tốc ký. Ngay cả những câu hết lời khen ngợi cũng được trích dẫn mà không có chú giải cụ thể: "Bà ấy có một động lực mạnh mẽ hơn chỉ là quyền lực", một số cá nhân mạnh dạn xin dấu tên cho biết. "Bà ấy làm việc dựa trên một tôn chỉ đạo đức rất mạnh mẽ."

Allen và Parnes chủ yếu là phóng viên trên lĩnh vực chính trị, không phải chuyên gia về các vấn đề đối ngoại, và có lẽ kết quả thuyết phục nhất của họ, được củng cố nhờ những chi tiết ấn tượng, là cho thấy những cách thức bà Cliton chưa bao giờ thực sự lơ là chính trị trong nước. Có thể hơi quá khi nói rằng bà đã lên kế hoạch cho cuộc đua tiếp theo ngay từ khi cuộc đua trước kết thúc, nhưng rõ ràng bà cũng không lơ là. Mùa hè năm 2008, bà đã tiến hành một hoạt động lớn dành cho những người ủng hộ bà, tự mình nói lời cảm ơn không phải 500, không phải 1000, mà là tới 16.000 người. Bà đã tận dụng vị trí của mình ở Bộ Ngoại giao để xây dựng một mạng lưới các đồng minh, từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến Laura Bush. Allen và Parnes cho chúng ta biết, tất cả những bản tin về số dặm bay của bà trong những chuyến công du chỉ là một phần trong nỗ lực quan hệ công chúng được phối hợp đồng bộ của Clinton và đội ngũ bầu cử của mình, những người biết rằng các cử tri ngưỡng mộ nghị lực can trường của bà.

Trong vai trò người bạn đời của bà trên con đường chính trị, Bill Clinton đã hoàn thành những tình huống công việc điển hình: Trước công chúng, ông nổi tiếng về những thành công của mình, nhưng một cách bí mật, ông là một người làm việc lạnh lùng. Nhân viên đã lập một danh sách các đối thủ chính trị, những người đã ủng hộ ông Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008, và ngài cựu tổng thống đã tìm cách loại trừ từng người một, thường bằng quyền ủng hộ chính thức của mình trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ để cố gắng cô lập người chống đối và bổ nhiệm những đối thủ của họ. Ông không chỉ trả thù cho sự thất bại của vợ mình trong năm 2008, mà còn dọn đường cho cuộc bầu cử của bà vào năm 2016: "Trong trường hợp bà Clinton gặp khó khăn trong cuộc bầu cử sơ bộ, sau sự việc trên, rất nhiều người sẽ suy nghĩ thật kỹ về việc quay sang ủng hộ đối thủ của bà," Gerry Connolly, một đại diện của đảng Dân chủ bang Virginia, nói với hai tác giả.

Còn nhiều tư liệu hấp dẫn khác nữa trong cuốn sách, những manh mối cho các phóng viên, và cả cho các nhà sử học, để theo dõi. Các tác giả ngụ ý rằng Clinton không hoàn toàn hiểu rõ về hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Trong bài phát biểu thừa nhận thất bại năm 2008, các trợ lý đã phải thuyết phục bà đưa vào một câu mà sau này trở thành những dòng đáng nhớ nhất: nay đã có "18 triệu vết nứt" trên bức tường kính định kiến vô hình ngăn cản một phụ nữ chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. "Đây không phải là vấn đề là phụ nữ hay không," bà nói với các trợ lý, mặc dù đối với nhiều người ủng hộ bà, chính xác là như vậy. Sau đó, bà dường như khó hiểu khi một đoạn video với hình ảnh bà cởi mở và vui tươi trên sàn nhảy tại một bữa ăn tối ngoại giao ở Nam Phi, được lan truyền trên mạng.

Allen và Parnes cũng đề cập đến việc Bill Clinton đã sửa lại bài phát biểu của bà thừa nhận thất bại và tuyên bố ủng hộ Barack Obama ở Đảng Dân chủ mà không được sự đồng ý của bà — điều này đặt ra nhiều câu hỏi về các giới hạn đặt ra giữa bà và chồng; và liệu các trợ lý hàng đầu của bà có cảm thấy họ có khả năng để từ chối yêu cầu của ông không. "Đó là bài phát biểu của tôi," bà nói với nhân viên của mình, và sửa lại như bản gốc, tuy có giữ một vài dòng truyền cảm hứng nhất của cựu Tổng thống.

Từ thời điểm chúng ta đang đứng vào lúc này, còn hai năm rưỡi nữa cho đến cao trào của chiến dịch tranh cử năm 2016, "HRC" có lẽ là một kim chỉ nam có giá trị nhất cho một thông điệp tương lai, một dấu hiệu cho thấy những gì những người gần gũi nhất với Hillary Clinton cho là những thời khắc đáng nhớ nhất. Bạn gần như có thể nghe thấy Philippe Reines, cố vấn "tài tình" về quan hệ công chúng của Clinton, đang phân loại những tình tiết: "Hãy đưa tin này cho các tác giả của "HRC", và giữ lại các tài liệu loại A — các cuộc hội thoại riêng với tổng thống, những tính toán riêng của bà trong đầu về cuộc tấn công Bin Laden — cho cuốn sách của riêng bà ấy". Hãy quen với những đề tài dễ gây bàn tán, và biết bản chất của chúng là gì: Bạn có thể sẽ nghe về chúng khá nhiều đấy.

Jodi Kantor là phóng viên của tờ New York Times và là tác giả cuốn sách "The Obamas".

Minh Thu
NYTimes

Bài trước: Kẻ mơ tưởng

8 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc