Những kẻ nắm vận mệnh

Những kẻ nắm vận mệnh
by John H. Summers,
ngày 14 tháng 5 năm 2006,

"Sức mạnh của những người bình thường bị hạn chế bởi xã hội họ sống hằng ngày, nhưng ngay cả trong vòng quay công việc, gia đình và hàng xóm, họ dường như thường bị dồn ép bởi những sức mạnh mà chính họ không thể hiểu cũng chẳng thể chi phối."

Câu mở đầu cuốn "The Power Elite" ("Tinh hoa quyền lực") của C. Wright Mills chẳng có gì ấn tượng nếu không muốn nói là nhạt nhẽo. Nhưng khi cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên cách đây tròn 50 năm vào tháng trước, nó đã châm ngòi cho một lối sống đầy nỗi lo lắng về sự tồn tại và dè dặt với chính trị. Mills — một người theo chủ nghĩa vô chính phủ đến từ Texas, vai rộng, thích lái xe máy, từng dạy môn xã hội học tại Columbia — cho rằng "chìa khóa xã hội học" về nỗi lo của người Mỹ không nằm trong những bí ẩn của tiềm thức hay trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản, mà trong một
xã hội được tổ chức quá chặt chẽ. Ở trên đỉnh cao nhất của chính phủ, quân đội và các tập đoàn, một nhóm thiểu số đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới "từng ngõ ngách" của xã hội Mỹ. Mills viết, "Đến chừng mực mà các sự kiện quốc gia được quyết định, chính những tinh hoa quyền lực này là người quyết định chúng."

Lập luận của ông đã vấp phải chỉ trích từ mọi phía. Arthur Schlesinger Jr. viết trên tờ New York Post, "Tôi chờ đến lúc Mills cởi bỏ chiếc áo nhà tiên tri của mình và trở lại với tư cách một nhà xã hội học". Trong mục bình sách, Adolf Berle cho rằng tuy cuốn sách chứa đựng "một mức độ sự thật đến mức khó chịu" nhưng Mills mới chỉ vẽ nên "một bức tranh biếm họa đầy giận dữ, chứ không phải một bức ảnh thật sự." Những người theo chủ nghĩa tự do không thể tin nổi một cuốn sách về quyền lực ở nước Mỹ lại hầu như không nói gì về Tòa án tối cao, trong khi những người theo khuynh hướng bảo thủ coi nó như bệnh học tâm thần cánh tả ("ngôn ngữ khó hiểu xã hội học", Thời báo Time viết). Năm 1959, Liên Xô cho dịch cuốn sách này nhưng cho rằng đây là cuốn sách ủng hộ nước Mỹ. Lời giới thiệu trong bản dịch tiếng Nga viết, "Mặc dù Mills bày tỏ thái độ hoài nghi và phê phán đối với chủ nghĩa tự do và giới cầm quyền tư sản, nhưng những hy vọng và cảm thông của ông vẫn đứng về phía họ."

Mặc dù vậy, "Tinh hoa quyền lực" thu hút được lượng khán giả đa dạng cả trong và ngoài nước. Fidel Castro và Che Guevara đã tranh luận về cuốn sách này tại vùng núi Sierra Maestra. Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir dẫn trích đoạn của cuốn sách trên tập san cấp tiến Les Temps Modernes của họ. Tại Mỹ, Mills nhận được hàng trăm lá thư từ các tu sĩ Tin lành, giáo sư, sinh viên, người theo chủ nghĩa hòa bình và binh sĩ. Một binh nhì đồn trú tại San Francisco viết: "Tôi thực sự biết ơn khi đọc được trên giấy những điều mà trước đây mình từng nghĩ đến. Khi đó, với tôi những ý tưởng đó dường như quá xa lạ đến mức tôi không dám chia sẻ với bất kỳ ai." Sau các cuộc bạo loạn trên thế giới vào năm 1968, CIA xác định Mills là một trong những trí thức thuộc phong trào Tân Tả (New Left) có ảnh hưởng nhất trên thế giới, dù khi đó ông đã mất được sáu năm.

"Tinh hoa quyền lực" có giá trị lịch sử dường như chắc chắn. Đây là cuốn sách đầu tiên đưa ra một mô hình quyền lực quan trọng nắm giữ các cơ quan an ninh quốc gia bí mật. Mills đã thấy "kỷ nguyên hậu hiện đại" hậu ý thức hệ (như cách ông đặt tên sau này) ngay từ khi khởi đầu, và cuốn sách của ông hiện vẫn là những lý lẽ nền tảng đòi hỏi sự lãnh đạo chính trị phải chịu trách nhiệm một cách dân chủ — một yêu cầu được lặp đi lặp lại và ngày càng gia tăng qua từng thập niên, được đề cập trong các cuốn sách như "Revolt of the Elites" ("Cuộc nổi dậy của giới tinh hoa") của Christopher Lasch (1995), "Wealth and Democracy" ("Thịnh vượng và dân chủ") của Kevin Phillips (2002), "Sorrows of Empire" ("Nỗi buồn đế chế") của Chalmers Johnson (2004) và "What's the Matter With Kansas?" ("Chuyện gì xảy ra với Kansas?") của Thomas Frank (2004).

Phần lớn nội dung trong "Tinh hoa quyền lực" là bút chiến không khoan nhượng chống lại "chủ nghĩa đa nguyên lãng mạn" trong những học thuyết hiện hành về nền chính trị Mỹ. Cuốn sách đề cập đến việc phân chia quyền lực trong Hiến pháp đẩy lùi khuynh hướng tự nhiên của tập trung quyền lực, trong khi các đảng chính trị và các cộng đồng tự nguyện thỏa hiệp xung đột lợi ích, đặt đại diện của người dân dưới ảnh hưởng của dư luận. Mills viết "Học thuyết cân bằng" này vẫn đúng với "quyền lực bậc trung". Nhưng xã hội mà nó vẽ ra đã bị lu mờ.

Ông lập luận, lần đầu tiên trong lịch sử các vùng lãnh thổ ở Mỹ tạo thành một xã hội đại chúng tự ý thức. Nếu trước đây nền kinh tế từng có nhiều đơn vị sản xuất (gần như) tương đương nhau, bắt nguồn từ nhiều địa phương hoặc khu vực, thì giờ đây nó chỉ đáp ứng cho nhu cầu của vài trăm tập đoàn. Nếu chính phủ đã từng là tập hợp các bang kết nối với nhau bởi Quốc hội thì giờ đây nó chỉ chịu trách nhiệm trước các mệnh lệnh của một ban quản trị mạnh. Nếu quân đội đã từng là một hệ thống dân quân chịu đựng được kỷ luật rèn luyện lâu dài thì giờ đây nó tiêu tốn một nửa ngân sách quốc gia trong khi các đô đốc và tướng lãnh yên vị trong tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới.

"Phương tiện quyền lực tuyệt vời" này đặt lên ngai các trùm sò kinh tế, chính trị và quân sự, bao gồm cả quyền ngăn cản các vấn đề và ý tưởng được trình lên Quốc hội ngay từ đầu. Hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng tiếng nói của dư luận sẽ dẫn dắt các vấn đề chính trị. "Nhưng giờ đây chúng ta phải thừa nhận rằng niềm tin ấy chỉ là những bức tranh trong truyện cổ tích", Mills viết. "Chúng không hề thể hiện đầy đủ dù là mô hình gần giống phương thức vận hành của hệ thống quyền lực ở Mỹ".

Một nhóm nhỏ những người đứng đầu ba lĩnh vực này đại diện cho một tầng lớp tinh hoa mới, có tính cách và hành vi phản ánh các đặc tính phản dân chủ của tổ chức mà họ đứng đầu. Các tập đoàn tuyển dụng từ các trường kinh doanh và thiết kế các chương trình đào tạo giám đốc điều hành đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt. Quân đội lựa chọn các tướng lĩnh và đô đốc từ các học viện quân sự và khắc sâu "ý thức đẳng cấp" bằng việc cách ly họ khỏi đời sống tổ chức xã hội. Thời gian tập sự tại địa phương ngày càng khó trở thành tấm hộ chiếu để bước chân vào các phòng ban điều hành của chính phủ. Trong số những người được bổ nhiệm thuộc chính quyền Eisenhower, Mills nhận thấy một số lượng lớn những người chưa từng tham gia tranh cử ở bất kỳ cấp độ nào.

Mills nói, trên đỉnh của cân bằng quyền lực rõ ràng đó là "một tập hợp phức tạp các bè phái chồng chéo" cùng chung tay trong "các quyết định ảnh hưởng tầm cỡ quốc gia." Thay vì hoạt động trong bí mật, chính những người này — cùng trò chuyện tại các nhà thờ, câu lạc bộ, trường học — luân phiên đảm nhiệm các vị trí giống nhau. Mills chỉ ra sự thay đổi nhân sự tại Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và các tập đoàn. Ba vị trí hoạc định chính sách hàng đầu quốc gia — ngoại trưởng, bộ trưởng ngân khố và bộ trưởng quốc phòng — đều do những người từng là giám đốc điều hành của các tập đoàn đảm nhận. Tổng thống là một vị tướng quân đội.

Mills không thể trả lời được phần lớn các câu hỏi quan trọng nhất mà ông nêu ra. Nhóm tinh hoa quyền lực này ra quyết định như thế nào? Ông không biết. Liệu các thành viên của nhóm tinh hoa quyền lực tạo ra các vị trí đó hay đơn thuần ngồi vào những vị trí có sẵn? Ông không thể nói rõ. Họ có chung những lợi ích nào? Ông khẳng định "sự trùng hợp lợi ích" một phần được sắp xếp xoay quanh "tổ chức chiến tranh thường trực" (a permanent war establishment?), nhưng ông chẳng làm gì ngoài việc khẳng định nó. Ông nói, phần lớn thời gian, giới tinh hoa quyền lực đứng độc lập với nhau. "Tầng lớp tinh hoa có tổ chức này thường trong tình trạng căng thẳng: họ chỉ bắt tay với nhau ở vài vấn đề chung và chỉ khi xảy ra 'khủng hoảng' nào đó." Mặc dù ông kêu gọi độc giả của mình xem xét kỹ lưỡng quyền quyết định tối cao, cuốn sách của ông đã không xem xét kỹ lưỡng bất kỳ một quyết định nào.

Sự mơ hồ này khiến cho "Tinh hoa quyền lực" dễ dàng bị cáo buộc là đầy thuyết âm mưu. Trong một bài viết gần đây mang tên "Ai thống trị nước Mỹ?" trên tạp chí Playboy, Arthur Schlesinger Jr. nhắc lại hoài nghi của mình về lập luận của Mills, gọi đó là "một phóng tác tinh vi về ác mộng Mỹ". Trong lời bạt vào năm 2000, Alan Wolfe chỉ ra rằng trong khi Mills nói tương đối đúng về những cách tự làm giàu của các trùm sò tập đoàn, sức tưởng tượng của ông về chủ nghĩa tư bản Mỹ tự mãn không dự đoán được các động lực cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu. Và gần đây, chúng ta đã thấy rằng "các thời điểm khủng hoảng" không phải lúc nào cũng gắn kết các tướng lĩnh quân đội và các chính trị gia.

Tuy nhiên, "Tinh hoa quyền lực" vẫn chứa đựng nhiều câu hỏi mà cho đến nay vẫn khiến chúng ta băn khoăn lo lắng. Liệu một nền dân chủ mạnh mẽ có thể cùng tồn tại với các đặc tính phi luân lý của các trùm sò tập đoàn? Và trong kỷ nguyên an ninh quốc gia hiện nay, có hay chăng tranh luận của công chúng đồng nghĩa với dân chủ? Mills lập luận, xu hướng trong hoạt động đối ngoại là nhánh hành pháp do các tướng lĩnh nắm quyền bỏ qua Liên Hợp Quốc, trong khi Quốc hội chẳng còn quyền nào ngoài việc thể hiện "niềm tin chung, hoặc thiếu niềm tin." Các chính sách có xu hướng được công bố dưới dạng học thuyết, và sau đó thông qua các phương tiện truyền thông để thuyết phục công chúng. Các nhà ngoại giao chuyên nghiệp trong Bộ Ngoại giao tin rằng họ không thể thành thực báo cáo tin tức tình báo. Trong khi đó không khí bí mật chính thức dần lan rộng. "Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, giới cầm quyền nhắc tới một tình huống 'khẩn cấp' mà không có một kết cục dự đoán được", Mills đã viết một câu vẫn còn gây tác động mạnh và đáng lo ngại như cách đây 50 năm. "Những trùm sò như vậy là những kẻ theo chủ nghĩa thực tế có suy nghĩ lập dị: nhân danh chủ nghĩa thực tế, họ đã xây dựng một thực tế đầy hoang tưởng."

John H. Summers giảng dạy lịch sử trí thức tại Đại học Harvard. Ông hiện đang viết một cuốn tiểu sử về C. Wright Mills.

Phương Thùy
NYTimes

Bài trước: Người Mỹ bí ẩn
Tags: book

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc