'Định mệnh và quyền lực: Cuộc phiêu lưu ở nước Mỹ của George Herbert Walker Bush'

'Định mệnh và quyền lực: Cuộc phiêu lưu ở nước Mỹ của George Herbert Walker Bush', tác giả Jon Meacham.
bài bình của Jim Kelly,
ngày 9 tháng 11, năm 2015.

George H.W. Bush là một ngoại lệ trong các tổng thống Mỹ thời hiện đại
vì ông đã không xuất bản cuốn tự truyện nào sau khi rời Nhà Trắng năm 1993. Đúng là ông có viết một cuốn sách về chính sách đối ngoại của chính quyền ông cùng với Brent Scowcroft, cố vấn an ninh quốc gia của mình, và sau đó cho phép một bộ sưu tập các bức thư và trích đoạn nhật ký được xuất bản. Nhưng ông đã cho thấy mình không hề có hứng thú với loại tự truyện ‘dày như cục gạch’ mà các tổng thống khác đã tung ra như "RN: Những hồi ức của Richard Nixon" hay "Ronald Reagan: Một cuộc đời Mỹ" hay "Cuộc đời tôi" của Bill Clinton. Ngay cả Hillary Clinton, người chưa trở thành tổng thống để thêm vào danh sách này, đã viết hai cuốn hồi ký dày mà cuốn nào trong số đó cũng khiến bạn đi khập khiễng nếu vô tình rơi vào chân.

Bush thể hiện sự khôn ngoan khi hợp tác sâu rộng với Jon Meacham trong cuốn "Destiny and Power" ("Định mệnh và Quyền lực"), không chỉ cho phép người viết tiểu sử của mình tiếp cận nhật ký và các thành viên gia đình mình mà còn tham gia một loạt các cuộc phỏng vấn trong giai đoạn 2006-2015. Meacham — từng là biên tập viên điều hành tại Random House, biên tập viên của tạp chí Newsweek và tác giả của "American Lion" ('Sư tử Mỹ'), một câu chuyện rất hay về nhiệm kỳ tổng thống của Andrew Jackson đã giành được giải thưởng Pulitzer năm 2009 — đáp lại xứng đáng sự tin tưởng của Bush bằng cách tạo ra một cuốn sách khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc và thường xuyên gây xúc động về vị cựu Tổng thống và những gì Bush gọi tắt là L, di sản (legacy) của ông.

Người đọc sẽ phản ứng thế nào với sự hợp tác đầy “tình thương mến thương” này giữa ngài tổng thống và nhà viết tiểu sử? Đáng ngạc nhiên là
phản ứng rất tốt nhờ nguồn thông tin Meacham tiếp cận được cũng như việc ông không bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ. Điều này cho phép ông miêu tả Bush với những sắc thái tinh tế khác thường. Bush, được bạn bè gọi là "41" để phân biệt ông và con trai, tổng thống thứ 43, hiện lên trong cuốn sách với nhiều tham vọng hơn, nhiều tâm tư hơn và giàu cảm xúc hơn hẳn người ta thường nghĩ. Ông có thể dễ dàng đánh bại cựu Chủ tịch Hạ viện John Boehner trong cuộc thi giành nước mắt của độc giả.

Bush, 91 tuổi, cũng thường đưa ra những quan sát sắc sảo và dí dỏm về những thói quen của người khác; giai thoại của ông trong chuyến công du châu Á với Bill Clinton có thể là lời mô tả hài hước nhất về sự thu hút và lòng tự tôn của tổng thống thứ 42 mà tôi từng đọc (Bush 41 kể "Anh ta cứ nói suốt. Thật chẳng biết xấu hổ"). Và nhờ vào cách hỏi khéo léo của Meacham, Bush đã thôi từ chối đánh giá nhiệm kì của con trai mình như mọi khi và chỉ trích nặng nề Phó Tổng thống Dick Cheney, một phân tích mang sức nặng đặc biệt vì chính Bush từng nắm vị trí này dưới thời Reagan.

Lớn lên trong nhung lụa, Bush được biết đến là dị ứng với việc tự vấn bản thân, và vì thế dù cố gắng hết sức, Meacham cũng không khai quật được khoảnh khắc bước ngoặt nào (“Rosebud” moment) soi sáng động lực đã thúc đẩy Bush trong suốt sự nghiệp của ông. Có lẽ động lực ấy thực sự đơn giản như những gì Bush nói với Meacham một cách ngắn gọn như một bức điện báo: "Động lực của tôi luôn luôn là một mục tiêu, . . anh biết đấy, là trở thành thủ lĩnh." Khi bị gặng hỏi thêm, Bush cũng không cho biết gì nhiều hơn: "Dù bạn đang làm gì. Hãy là số 1." Cha của Bush, ông Prescott từng là thượng nghị sĩ Mỹ của bang Connecticut, nhưng Tổng thống Bush đã không kế thừa ’gene’ chính trị đó nhiều bằng khao khát "phụng sự, để lại dấu ấn, và được tham gia vào cuộc chơi" theo lời của Meacham. Mặc dù mang phong cách khiêm nhường, Bush không bao giờ hoài nghi việc mình là người tốt nhất cho công việc, dù đó là chủ tịch của một công ty dầu ở Texas, một nghị sĩ quốc hội hai lần đắc cử (và thất bại khi chạy đua vào Thượng viện) hay ở các vị trí nhằm làm đẹp CV dưới quyền của Nixon và Gerald Ford như: đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đặc phái viên của Mỹ về Trung Hoa và giám đốc Cục Tình báo Trung ương.

Sự ngưỡng mộ của Meacham đã khiến ông lướt nhanh qua một số quyết định gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Bush như đề cử ông Clarence Thomas vào Tòa án Tối cao. Meacham phê phán Bush mạnh mẽ nhất khi Bush khẳng định ông "không liên quan" gì tới thỏa thuận vũ-khí-đổi-con-tin của chính quyền Reagan năm 1987, một lời nói dối rõ ràng khiến tác giả sửng sốt. Nhưng dù thế giọng văn của Meacham vẫn mang nhiều nỗi buồn hơn là tức giận, ông miêu tả vụ việc là "không xứng đáng với bản tính của ông."

Cách tiếp cận đầy cảm thông này cho phép Meacham miêu tả Bush trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong cuộc đời ông một cách đầy cảm hứng và kịch tính. Năm 1944, ở tuổi 20, trong một trong hàng chục chuyến bay ném bom Bush thực hiện khi còn là một phi công hải quân, máy bay của ông bị trúng đạn và Bush ra lệnh cho hai đồng đội của mình nhảy dù (hit the silk). Sau nhiều giờ lênh đênh trên một chiếc bè cứu sinh ngoài Thái Bình Dương, Bush được một tàu ngầm cứu, nhưng các đồng đội của ông đã không bao giờ được tìm thấy. Nhiều thập kỷ sau đó Bush vẫn rơi nước mắt khi kể với Meacham, "Tôi tự hỏi — vẫn còn tự hỏi — liệu mình đã làm tất cả những gì có thể".

Bi kịch tồi tệ nhất đời Bush là cái chết vì bệnh bạch cầu ở độ tuổi lên ba của bé gái Robin, đứa con thứ hai của ông.. Cả George cũng như vợ, bà Barbara, thậm chí chưa từng nghe nói về bệnh bạch cầu khi bác sĩ của họ ở Midland, Texas báo tin và sau đó là nhiều tháng điều trị đau đớn tại bệnh viện Memorial Sloan Kettering ở New York. George W. khi đó mới 6 tuổi còn Jeb chưa đầy năm, hai anh em ở nhà với cha ở Texas trong khi Barbara vẫn ở New York. Bush nức nở khi kể với Meacham về Robin, và thừa nhận rằng nỗi đau vẫn sâu sắc đến nỗi "bình thường tôi cố đẩy nó ra xa, đẩy nó lùi lại."

Bush chưa bao giờ được coi là có tài hùng biện, và cả hai lần ông thốt ra những cụm từ đáng nhớ đều phản tác dụng. Cách miêu tả đầy màu sắc về các đề xuất thuế của Reagan là "ảo thuật kinh tế phù thủy" (“voodoo economics”) trong chiến dịch chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 1980 suýt chút nữa đã tiêu diệt cơ hội liên danh với Reagan năm đó của ông. Hay lời cam kết tại đại hội đảng Cộng hòa năm 1988, "Nghe tôi nói đây: Không có thuế mới," có thể đã giúp ông vào Nhà Trắng, nhưng khi mối đe dọa đóng cửa chính phủ hai năm sau đó buộc ông phải nuốt lời, ông đã phải trả giá đắt.

Tuy nhiên, có một lần lời ông nói nói đã mở đường cho thành tựu nổi bật nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, và câu đó không hề được lên kịch bản trước. Sau khi Saddam Hussein tràn vào Kuwait tháng 8 năm 1990, chính quyền Mỹ và các đồng minh của mình không biết phải phản ứng ra sao. Các lựa chọn vẫn đang được thảo luận khi Bush, đến từ Trại David vào một buổi chiều Chủ nhật và đang khó chịu do sự chần chừ vì vấn đề ngoại giao, tuyên bố với các phóng viên: "Hành động này sẽ không được tha thứ. Hành động này sẽ không được tha thứ, hành động xâm lược này đối với Kuwait." Một tuyên bố cứng rắn như vậy gây sốc thậm chí ngay cả các cố vấn thân cận nhất của ông. "Ngài lấy đâu ra câu 'Hành động này sẽ không được tha thứ' vậy?" Scowcroft hỏi. "Tôi tự nghĩ ra", ông Bush trả lời. "Đó là những gì tôi cảm thấy."

Đây là Bush lúc rực rỡ nhất: quyết đoán, dám lãnh trách nhiệm, quyết liệt với nhiệm vụ. Liệu bạn có thể là một nhà lãnh đạo bẩm sinh nhưng không phải là một tổng thống có hiệu quả không? Đó là câu hỏi trung tâm về nhiệm kì duy nhất của Bush và Meacham né tránh một câu trả lời dứt khoát. Nền kinh tế suy giảm không khiến Bush quan tâm nhiều như chính sách đối ngoại, và sự chán ghét ông dành cho chiến dịch tranh cử để giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai dẫn đến cuộc tranh luận thảm họa với hai ứng cử viên khác là Clinton và Ross Perot, khi ông thường xuyên mắc lỗi khi trả lời và liếc nhìn đồng hồ. Lập luận của Meacham khá thuyết phục khi cho rằng các vấn đề sức khỏe dai dẳng của Bush (thuốc chữa bệnh Grave tuyến giáp của ông cần được điều chỉnh liên tục, và ông đã có nhiều cơn rung tâm nhĩ) góp phần vào thất bại này, chúng bào mòn năng lượng của ông và khiến ông hay giận dữ và cáu kỉnh.

Bush bị ảnh hưởng nặng về bởi thất bại này, ngập trong nỗi sợ theo suốt cuộc đời về việc khiến những người dựa vào mình thất vọng và để lại một nhiệm vụ chưa hoàn thành. "Chúa ơi, thật kinh khủng," ông nói với Meacham. "Toàn bộ cuộc sống của chúng ta dựa trên cố gắng hoàn thành từng mục tiêu, và thất bại thật là đau." Nhưng điều càng khiến ông đau hơn là người mà ông đã thua cuộc: một người mà ông coi là một "kẻ trốn nhập ngũ" vì tránh đi lính trong chiến tranh Việt Nam, một nhận xét mà Meacham đã quá lịch sự để nói cũng ứng vào chính con trai của Bush. Người như thế còn nói làm gì đến "bổn phận, danh dự và đất nước", Bush viết trong nhật ký.

Lịch sử có cách để làm cho những gì đã xảy ra trông như đã có thể dự đoán được khi nhìn lại, nhưng thất bại mang tính quyết định của Bush trước Clinton vào năm 1992 khiến việc tám năm sau George H.W. Bush sẽ trở thành "tổng thống duy nhất kể từ John Adams được thấy con trai mình cũng giành phần thưởng tối thượng trong nền chính trị Mỹ", theo lời Meacham, trở nên khác thường. Gần như tất cả bạn bè của Bush cha nghĩ rằng Jeb – người hiếu học hơn – có nhiều cơ hội vào Phòng Bầu dục hơn George W.; thậm chí ngoại trưởng James A. Baker, đã có lần nói đùa rằng George W. "suýt chút nữa đã thành một tội phạm vị thành niên".

Meacham phỏng vấn cả Bush cha và các con của ông về quan điểm này, và George W. là thẳng thắn nhất, thừa nhận ông là một "thằng hề" và "hỗn láo", không quan tâm đến việc ổn định cuộc sống. "Hoàn toàn khác với Jeb, người yêu sớm và kết hôn khi còn học đại học và sớm có em bé. Em trai tôi đơn giản là một kiểu người khác." Bush cha nói ngắn gọn hơn, gọi "toàn bộ ý tưởng rằng Jeb là ứng cử viên chắc thắng hơn bởi vì ông hiểu biết nhiều hơn . . . Tôi nghĩ Jeb có nhiều cơ hội chiến thắng hơn George.” là nhảm nhí. Cuộc bầu cử thống đốc ở Texas và Florida năm 1994 đã làm vấn đề này lắng xuống, ít nhất là quanh bàn ăn nhà Bush: George W. có một chiến thắng đáng ngạc nhiên còn Jeb thất bại cũng theo cách đáng ngạc nhiên như vậy. (Jeb sau đó chiến thắng năm 1998 và giữ chức trong tám năm. Hãy theo dõi để xem liệu George H.W. Bush có vượt qua Adams về số người con bước vào phòng Bầu dục).

Hai nhiệm kỳ tổng thống của Bush 43 là chủ đề của một cuốn sách khác, nhưng Meacham đã kịp khéo léo phác họa những gì người con trai học được từ nhiệm kỳ của cha mình, trong đó bao gồm việc duy trì nền tảng quan điểm bảo thủ và tôn giáo và trên tất cả là tạo ra một tầm nhìn. Meacham đào sâu thêm về việc một số trong những bài học đó đã định hình quyết định xâm lược Iraq của Tổng thống Bush năm 2003 như thế nào, trong đó có cả mức độ ông được cha tư vấn (nhiều hơn ông thừa nhận, Meacham ngụ ý) và trái ngược với một số tin cho rằng có bất đồng giữa hai cha con về quyết định lật đổ Saddam Hussein bằng quân sự.

Khám phá mới và gây bất ngờ của Meacham là việc Bush 41 nghĩ những phát biểu của Bush 43, bao gồm cả lần gọi Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên là "trục ma quỷ" vào năm 2002, là gay gắt một cách không cần thiết tới mức nào. Và Bush 41 đổ phần lớn lỗi về giọng điệu đó cho Dick Cheney, Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền của ông và là người mà Bush 41 cho rằng đã trở nên hiếu chiến hơn theo thời gian, có lẽ do ảnh hưởng của người vợ, Lynne, người mà Bush 41 suy đoán là "một quân sư sắt đá, cứng rắn và có khả năng thao túng".

Cheney "có đế chế của riêng mình ở đó và tự làm việc theo ý mình", ông Bush nói. "Sai lầm lớn mắc phải là đã để Cheney thiết lập một kiểu 'bộ ngoại giao riêng' của anh ta. Tôi nghĩ rằng họ đã đi quá xa. Nhưng đó không phải lỗi của Cheney, đó là lỗi của tổng thống".

Meacham đưa những nhận xét này cho Cheney và sau đó là Bush 43 xem. "Một nụ cười khẽ" thoáng qua khuôn mặt của Cheney khi ông đọc chúng. "Hấp dẫn đấy," ông nói. Ông thừa nhận rằng ông đã trở nên cứng rắn hơn sau sự kiện 11/9, và nhấn mạnh rằng cách ông cấu trúc văn phòng của phó tổng thống khác với cách Bush 41 đã làm dưới thời Reagan như vậy là vì Bush 43 muốn thế. "W. là người đưa ra các quyết định. Tôi là một phó tổng thống có ảnh hưởng như vậy là bởi vì đó là những gì ông ấy muốn."

Bush 43 có vẻ sửng sốt bởi những ý kiến của cha hơn so với Cheney, nhấn mạnh rằng cha của ông "sẽ không bao giờ nói với tôi: 'Này, con cần phải kiềm chế Cheney. Anh ta đang phá hỏng chính quyền của con đấy.' Điều đó không giống với tính cách của cha tôi." Thật khó có thể nói Bush 43 bị tổn thương như thế nào bởi những nhận xét này vì ông nhanh chóng nói thêm rằng "dù gì đi nữa, tôi không đồng ý với nhận định đó của cha." Tuy nhiên, Meacham đã khôn khéo chỉ ra rằng vào nhiệm kỳ thứ hai Bush đã chặt đôi cánh của Cheney và trở nên ít hiếu chiến hơn. "Mặc dù họ không bao giờ nói về điều đó, Bush 41 và Bush 43 có lẽ đã đồng điệu với nhau suốt từ đầu nhiều hơn những gì họ biết."

"Định mệnh và Quyền lực" phản ánh những phẩm chất của cả nhân vật và người viết tiểu sử: khôn ngoan, cân bằng, thận trọng với một sự trân trọng sâu sắc dành cho lịch sử và những nhân vật đã định hình nó. Nếu như Meacham đôi khi lịch sự thái quá, "Định mệnh và Quyền lực" không bị thất bại vì điều đó. Cách tiếp cận êm ái, nhẹ nhàng hơn của ông đã thành công trong việc xây dựng hình tượng một George H.W. Bush dễ đồng cảm hơn và phức tạp hơn so với việc để cựu Tổng thống tự chấp bút cuốn tự truyện của mình.

Đăng Duy
NYTimes

Destiny and Power: The American Odyssey of George Herbert Walker Bush Hardcover – Deckle Edge, November 10, 2015
by Jon Meacham
864 pages. Random House. $17.79

Bài trước: Quyền lực xoay vần
Tags: book

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc