Chính sách Xoay trục

'Chính sách Xoay trục: Tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ ở Châu Á', Kurt Campbell

bài bình của James Crabtree.

Trong một cuộc biểu dương lực lượng vào tháng trước, tàu khu trục William P Lawrence của Hải quân Mỹ đã tới gần Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một hòn đảo ở biển Nam Hoa được đặt theo tên một tàu chở trà của Anh bị chìm gần đó trong thế kỷ XIX. Một vài năm trước gần như chẳng ai từng nghe nói về nơi này. Sau đó, vào năm 2014, Trung Hoa bắt đầu quá trình nạo vét. Giờ đây, hòn đảo giống như một sân bay quân sự khổng lồ, một biểu trưng cho tham vọng mở rộng hoạt động quân sự trên khắp châu Á của Trung Hoa.

Những rạn đá nhỏ bé này tóm gọn tình huống tiến thoái lưỡng nan lớn hơn của Mỹ với đối thủ siêu cường của họ. Họ có nên đáp trả bất chấp nguy cơ làm phật lòng Trung Hoa như trong cuộc tập trận hải quân gần đây? Hay chơi đẹp và hy vọng Trung Hoa cũng vậy?

Tình thế khó khăn này là trung tâm trong cuốn sách "The Pivot" (tạm dịch: "Chính sách Xoay trục") của tác giả Kurt Campbell, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ trong các vấn đề châu Á từ năm 2009 đến năm 2013. Như ông đã nói, "châu Á đang giằng co giữa trật tự mở và tự do của
thế kỷ XXI và quay trở lại với mô hình phạm vi ảnh hưởng của thế kỷ XIX".

Cuốn sách của Campbell là một bản tuyên ngôn trên hai khía cạnh. Thứ nhất, tác giả của nó là một trong những người chịu trách nhiệm về cái gọi là "xoay trục" sang châu Á, một nỗ lực để tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu lục này do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng vào năm 2011, chủ yếu nhằm đối phó với những lo ngại về sự quyết liệt quá mức của Trung Hoa. Không chỉ được kính trọng trong khu vực, Campbell còn được sếp của ông là Hillary Clinton lắng nghe khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ. Vì thế, sẽ không quá khi cho rằng cuốn sách này như một đơn xin việc dài trong trường hợp bà Clinton chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Tuy nhiên về cơ bản, cuốn sách của Campbell nói về một chủ trương rộng hơn: đó là Mỹ nên xoay trục hơn nữa hướng tới châu Á, tham gia năng nổ vào tiến trình ngoại giao và chi phí quân sự cao hơn có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Điều này về cơ bản là hợp lý, bởi vì logic ban đầu phía sau chính sách xoay trục vẫn còn mạnh. Cho đến vài năm trước, Washington đã bị phân tâm bởi các điểm nóng khác trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Đông và Nga; nhưng châu Á vẫn là khu vực kinh tế nhất và chiến lược quan trọng nhất của thế giới.

Khi kêu gọi tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở đây hơn nữa, Campbell từ chối những cám dỗ của cách tiếp cận được gọi là "G2" được một số nhà ngoại giao Mỹ ủng hộ. Cách tiếp cận này sẽ tập trung vào xây dựng các mối quan hệ với Trung Hoa, và dưới dạng chính sách thực dụng cực đoan nhất của nó có thể hai quốc gia sẽ phân chia châu Á thành các vùng ảnh hưởng, làm suy yếu các tổ chức đa phương và khiến các nước láng giềng của Trung Hoa thấy bị đe dọa.

Thay vào đó, ông Campbell cho rằng Mỹ nên "giữ cho châu Á tránh khỏi bá quyền" — một tên gọi khác đối với sự thống trị của Trung Hoa — bằng cách mở rộng các liên minh hiện có với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với các nước như Ấn Độ và Indonesia, và tạo thế cân bằng phức tạp giữa cạnh tranh và hợp tác với chính Trung Hoa.

Tất cả điều này nghe có vẻ ổn trên lý thuyết, nhưng vẫn rất khó khăn trên thực tế. Việc Donald Trump trở thành ứng viên tổng thống đã cho thấy rõ công chúng Mỹ không có tâm trạng cho các dự án mở rộng ở những nơi xa xôi trên thế giới. Ngay cả khi Clinton thắng cử, cũng khó có khả năng Mỹ thực hiện các bước ngắn hạn quan trọng nhất để tăng cường sự hiện diện ở châu Á: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại do Mỹ dẫn đầu khó có thể vượt qua một Quốc hội chưa bao giờ ngừng nghi ngờ thương mại tự do, và chính Clinton cũng vừa phủ nhận vai trò của mình trong nó dưới áp lực từ đối thủ Bernie Sanders.

Tuy nhiên, cuốn sách có sức thuyết phục của Campbell lại vấp phải hai lỗ hổng. Đầu tiên, ông né tránh phần lớn câu hỏi về Mỹ nên cứng rắn tới mức nào với Trung Hoa nếu nước này tiếp tục vi phạm các quy tắc quốc tế — ví dụ như xây dựng thêm các đảo ở Biển Nam Hoa. Thứ hai, ông không nhìn nhận sâu sắc về phản ứng của Bắc Kinh trước các ngón đòn ngoại giao khác nhau của ông khi mà họ nghi ngờ Mỹ âm mưu cản trở sự trỗi dậy của Trung Hoa.

"Hầu như không có nhà hoạch định chính sách nào ở Mỹ nghiêm túc ủng hộ việc kiềm chế Trung Hoa", Campbell viết. "Bản thân khái niệm này . . rất ít hoặc không có liên quan đến những phức tạp của một châu Á phụ thuộc lẫn nhau, trong đó hầu hết các quốc gia có quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Hoa".

Mặc dù vậy, hầu hết các nước vẫn ngầm ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn của Mỹ chống lại người hàng xóm ngang ngược này, vừa để ngăn cản các động thái gây hấn của Bắc Kinh vừa để củng cố một trật tự khu vực dựa trên thị trường mở và các quy tắc chung. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào như vậy nhiều khả năng sẽ gây ra phản ứng giận dữ từ Trung Hoa.

Nói cách khác, đẩy mạnh xoay trục gần như chắc chắn là chiến lược hợp lý nhất về châu Á mà Mỹ đang có. Nhưng nó vẫn còn nhiều rủi ro. Chỉ có một sự kết hợp của sự kiên nhẫn đặc biệt và sự khéo léo trong ngoại giao của Mỹ mới có khả năng ngăn chặn một sự trở lại với thứ chính trị quốc tế đầy thô bạo hệt như thế kỷ XIX mà Campbell hết sức muốn tránh.

Đăng Duy
Financial Times

Bài trước: Nhà nước Israel
Tags: book

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc