Tệ quan liêu và trẻ mồ côi

Photo courtesy Ashley Van Haeften.


Một đạo luật mới sẽ giúp việc nhận nuôi trẻ em mồ côi tại Nhật Bản dễ dàng hơn.

Nằm khuất trong một con phố giữa các đại sứ quán và các gia đình giàu có, Hiroo Friends là một trong những cô nhi viện tốt nhất của Tokyo. Trung tâm này chăm sóc cho 42 đứa trẻ với số nhân viên cũng tầm khoảng đó. Trẻ có phòng ngủ riêng và học ở những trường công lập tốt nhất của thành phố. Điều mà ít đứa trẻ nào ở đây có được là cơ hội được sống trong một gia đình bình thường.

Trong số gần 39.000 trẻ em trong trại trẻ mồ côi trên khắp Nhật Bản, chỉ 12% có thể tìm được cha mẹ nhận nuôi, tỷ lệ thấp nhất trong các nước giàu. Hầu hết trẻ em được đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng sẽ ở đó cho đến khi trưởng thành. Các gia đình Nhật Bản nhận nuôi hơn 80.000 trường hợp mỗi năm, nhưng chủ yếu là khi trẻ đã trưởng thành, thường để họ có thể gánh vác vấn đề tài chính của gia đình. Trong năm 2014 chỉ có 513 trẻ em được nhận nuôi; tháng 3 năm 2015, có 4.731 trẻ được nhận nuôi.

Theo ông Yoshiko Takahashi, người quản lý tại trung tâm Hiroo, văn hóa là một nguyên nhân. Hầu hết người Nhật rất ngại ngần khi nhận nuôi trẻ không có liên quan huyết thống với mình. Nhưng các thủ tục pháp lý và sự quan liêu cũng tạo ra rào cản. Cha mẹ ruột vẫn sẽ là người giám hộ hợp pháp của trẻ dù trẻ đã ở trong trung tâm chăm sóc trong nhiều năm, thường hứa hẹn sẽ đưa trẻ ra khỏi trung tâm nuôi dưỡng nhưng không bao giờ làm như vậy, khiến việc nhận nuôi khó khăn hơn. Toà án bất đắc dĩ phải mạnh tay hơn với những cặp cha mẹ ruột không thể hoặc không muốn chăm sóc con cái của họ.

Vấn đề này chưa từng nhận được nhiều sự quan tâm từ chính phủ, cho đến gần đây. Yasuhisa Shiozaki, Bộ trưởng Bộ sức khỏe, lao động và phúc lợi, quyết định hành động một phần bởi thực tế khiến người ta giật mình: mặc dù dân số Nhật Bản suy giảm, và số lượng các cặp vợ chồng không có con ngày càng nhiều, số lượng trẻ em trong các trung tâm nuôi dưỡng đang tăng.

Nhiều trẻ bị bố mẹ bỏ bê hoặc bạo hành. Những trẻ trải qua thời thơ ấu trong các trung tâm nuôi dưỡng của nhà nước thường trở thành người thất nghiệp hoặc vô gia cư khi trưởng thành. Theo Kanae Doi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), một tổ chức phi chính phủ, hơn một nửa số trẻ em trong các trung tâm chăm sóc cũng đang bị lạm dụng. Ký túc xá đông đúc khiến các em không có không gian riêng tư, mỗi trẻ chỉ có chưa đầy năm mét vuông. Ngay cả những trẻ sống trong các trung tâm tốt hơn cũng có vấn đề của mình. Bà Takahashi ước tính rằng 10% số trẻ tại trung tâm Hiroo phải dùng thuốc để điều chỉnh hành vi.

Đạo luật phúc lợi trẻ em được sửa đổi của ông Shiozaki, sẽ có hiệu lực vào tháng tư tới, nhằm giúp khoảng một phần ba số trẻ em trong các trung tâm chăm sóc trên khắp Nhật Bản có gia đình nhận nuôi vào năm 2029. Hướng lâu dài là trại trẻ mồ côi không chỉ là nơi nuôi dưỡng mà còn giúp các em tìm được gia đình muốn nuôi dưỡng chúng. Toà án sẽ có nhiều quyền lực hơn trong vai trò đại diện cho cha mẹ nuôi.

Những thay đổi này đề cao sự chăm sóc của gia đình đối với trẻ. Trẻ được chào đón nhưng sẽ phải hỗ trợ nhiều hơn cho gia đình nếu đã đến tuổi lao động, Kazuhiro Kamikado--chuyên gia về phúc lợi cho trẻ em tại Đại học Nagano--nói. Thay đổi luật pháp là một điều; thay đổi cách suy nghĩ lại là điều hoàn toàn khác.

Minh Thu
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc