Lịch sử thời chiến: Các vùng đất tranh chấp

Đổ nát, nhưng chưa phải là dĩ vãng. Photo courtesy NARUMI.

Một cuộc tranh cãi mới về lịch sử Nhật Bản trong thời chiến đã nổ ra tại Liên Hiệp Quốc.

Quang cảnh hoang tàn của vùng Hashima, ngoài khơi bờ biển Nagasaki, được chọn là nơi quay cảnh trận chiến cuối cùng trong bộ phim mới nhất về James Bond: Skyfall. Giờ đây, hòn đảo hình chiến hạm này là nguyên nhân của một cuộc xung đột ngoài đời thực. Than từ những mỏ ngầm dưới đáy đảo đã góp phần vào sự phát triển của Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị 1868-1912. Thừa nhận vai trò đó, Chính phủ Nhật Bản đã đưa hòn đảo này, và 22 địa điểm khác, vào danh sách đăng ký công nhận Di sản thế giới của UNESCO.

Nhưng những oán giận âm ỉ của các nước láng giềng về chế độ thuộc địa của Nhật Bản và những nỗi kinh hoàng mà nước này gây ra trong Thế chiến II đã khiến đề nghị trên gặp nhiều phản đối. Hàng ngàn quân nhân Hàn Quốc đã bị ép lao động cưỡng bức ở Hashima và các đảo khác trong suốt thời gian chiến tranh. Tại cuộc họp ngày 20 tháng Năm với Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng đề nghị của Nhật Bản đã tạo ra "sự hiềm khích không cần thiết". Trung Hoa, nước hiếm khi chậm trễ trong việc chỉ trích Nhật Bản cố tình “quên” tội ác thời chiến, tất nhiên cũng phản đối dữ dội. Phát ngôn viên của bộ ngoại giao nước này nói rằng Nhật Bản đang cố gắng tôn vinh lịch sử chiếm đóng các nước khác.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng đề nghị đó chỉ liên quan đến thời kỳ Minh Trị chứ không phải các sự kiện trong chiến tranh. Và trên một số địa điểm khác có trong danh sách, bao gồm cả mỏ than Miike, có các bia khắc thừa nhận việc sử dụng lao động cưỡng bức. Theo nhà xã hội học nước Mỹ William Wetherall, lịch sử lao động cưỡng bức không chỉ như những gì phía Hàn Quốc nói, nhiều người Nhật cũng bị gọi nhập ngũ. "Tất cả các bên đang bẻ cong lịch sử để thuận với câu chuyện mình là nạn nhân."

Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO sẽ bỏ phiếu về đề nghị của Nhật Bản vào ngày 28 tháng 6. Nhưng các cuộc đàm phán gần đây giữa các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc ở Tokyo chẳng đưa hai bên đến gần nhau hơn được. Người Nhật tham dự chỉ vì áp lực từ các nước khác, một trong những nhân viên ngoại giao có mặt ở đó cho biết. Tất cả dường như còn lâu mới đạt tới sứ mệnh mà UNESCO tuyên bố "dựng xây hòa bình từ trong tâm trí mọi người".

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc