Hillary Clinton nói về 'Trật tự thế giới'

Hillary Clinton bình sách 'Trật tự thế giới' của Henry Kissinger, bản tiếng Việt do Sơn Phạm dịch,

Hillary Rodham Clinton,
ngày 4 tháng 9 năm 2014

Ong chúa. Photo courtesy United States Mission.

Khi nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta chỉ thấy hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Sự hung hăng của Nga ở Ukraine, chủ nghĩa cực đoan và sự hỗn loạn ở Iraq và Syria, một bệnh dịch chết người ở Tây Phi, căng thẳng lãnh thổ leo thang ở biển Đông và biển Hoa Đông, một nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng không đủ mạnh, không đủ sức tạo ra sự thịnh vượng chung — trật tự của thế giới tự do mà Mỹ đã mất nhiều thế hệ để xây dựng và bảo vệ dường như đang phải chịu áp lực từ mọi phía. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người bày tỏ sự hoài nghi và thậm chí lo sợ về vai trò và tương lai của chúng ta trên thế giới.

Trong cuốn sách mới của mình, "Trật tự thế giới", Henry Kissinger đã nói
về tầm vóc lịch sử của thách thức này. Những phân tích của ông, dù vẫn có một số khác biệt về các chính sách cụ thể, phần lớn đều phù hợp với chiến lược tổng quát trong nỗ lực suốt sáu năm qua của chính quyền ông Obama để xây dựng một cơ chế về an ninh và hợp tác toàn cầu trong thế kỷ 21.

Trong Chiến tranh Lạnh, sự cam kết của cả hai chính đảng để bảo vệ và mở rộng một cộng đồng các quốc gia ủng hộ tự do, kinh tế thị trường và hợp tác cuối cùng đã đem lại thành công cho chúng ta và thế giới. Lời khái quát về tầm nhìn đó của Kissinger vẫn còn đúng đắn cho tới ngày nay: "Một trật tự mang tính hợp tác và không ngừng mở rộng giữa các quốc gia thực hiện các quy tắc và chuẩn mực chung, đón nhận các hệ thống kinh tế tự do, cam kết không xâm phạm lãnh thổ, tôn trọng chủ quyền quốc gia, và áp dụng các hệ thống quản trị dân chủ và có sự tham gia của mọi đối tượng."

Hệ thống này, được giúp sức nhờ sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ, cùng với các quốc gia đồng minh, đã giúp chúng ta đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, và mang lại lợi ích to lớn cho
người Mỹ và hàng tỷ người khác. Tuy nhiên, nhiều người trên thế giới hiện nay — đặc biệt là hàng triệu thanh niên — không biết những câu chuyện thành công này. Đây là trách nhiệm của chúng ta cũng như của các nhà lãnh đạo nước Mỹ.

Điều này đặc biệt quan trọng tại thời điểm khi nhiều người đang tự hỏi, như Kissinger đã nói, "Có phải chúng ta đang đối mặt với một thời kỳ mà các lực lượng nằm ngoài sự ràng buộc của mọi trật tự sẽ quyết định tương lai?"

Đối với tôi, đây là một câu hỏi quen thuộc. Khi tôi nhậm chức tại Bộ Ngoại giao vào tháng 1 năm 2009, mọi người đều biết rằng đó sẽ là thời điểm của những thay đổi chóng mặt, nhưng không ai có thể khẳng định tất cả những thay đổi đó có ý nghĩa gì. Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ mang lại các hình thức hợp tác mới hay đưa chúng ta quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ và sự bất hòa? Những công nghệ mới sẽ giúp người dân buộc các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình hơn hay để giúp những kẻ độc tài kiểm soát những người bất đồng chính kiến? Những cường quốc mới nổi như Trung Hoa, Ấn Độ và Brazil sẽ trở thành người có thể cùng chúng ta giải quyết các vấn đề toàn cầu hay là kẻ chuyên phá bĩnh? Ảnh hưởng ngày càng lớn của các nhóm/tổ chức phi nhà nước sẽ được quyết định bởi các mối đe dọa từ mạng lưới khủng bố và băng đảng tội phạm, hay bởi sự đóng góp của các tổ chức NGO dũng cảm? Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia sẽ mang lại sự đoàn kết hay khơi nguồn các xung đột?

Trong bài phát biểu nhận giải Nobel vào tháng 12 năm 2009, Tổng thống Obama đã giải thích những thách thức bao trùm mà chúng ta phải đối mặt. Sau Thế chiến II, ông nói, "Nước Mỹ đi đầu thế giới trong việc xây dựng một kết cấu gìn giữ hòa bình. . . . Tuy nhiên, sau một thập kỷ của thế kỷ mới, kết cấu này đang oằn mình dưới sức nặng của các mối đe dọa mới".

Tôi rất tự hào khi được trợ giúp tổng thống bắt đầu tái định hình và củng cố trật tự toàn cầu, để đáp ứng những nhu cầu trong thời đại mà chúng ta ngày càng phụ thuộc lẫn nhau này. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, chúng tôi đã đặt được những nền móng quan trọng, từ củng cố khối liên minh, cập nhật tình hình với các tổ chức quốc tế và hành động dứt khoát trong những vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran và các mối đe dọa từ Osama bin Laden.

Khó khăn trong nhiệm kỳ thứ hai càng khẳng định rằng đây là một kế hoạch mang tầm vóc của cả thế hệ, đòi hỏi sự cam kết của Mỹ và các đối tác trong nhiều năm tới. Kissinger viết rằng chính sách ngoại giao không phải là "một câu chuyện có khởi đầu, có kết thúc," mà là "một quá trình kiểm soát và giảm nhẹ những khó khăn luôn có khả năng tái diễn." Điều này gợi nhớ tới lời nhận xét của John F. Kennedy rằng hòa bình và tiến bộ "không dựa trên một cuộc cách mạng đột ngột trong bản tính con người, mà trên một quá trình tiến hóa dần dần trong các thể chế mà con người xây dựng nên...một quá trình -- một cách để giải quyết vấn đề".

Mỹ, trên tất cả, là một quốc gia luôn tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Và những cam kết không ngừng nghỉ của chúng ta để khôi phục và bảo vệ trật tự toàn cầu sẽ quyết định liệu chúng ta có xây dựng được một tương lai hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng nơi tất cả mọi người có cơ hội sống hết mình với tiềm năng được Chúa ban tặng hay không.

Phần lớn cuốn "Trật tự thế giới" được dành để phân tích thử thách này. Đó là một Kissinger cổ điển, với sự kết hợp đặc biệt giữa sự uyên bác và tính sắc sảo cùng với sở trường xâu chuỗi các sự kiện — một dòng chảy rất dài trong trường hợp này. Ông bao quát từ Hòa ước Westphalia tới tốc độ của vi xử lý, từ Tôn Tử tới Talleyrand và Twitter. Ông tìm quan điểm của người Ấn Độ (về trật tự thế giới) qua những sử thi của đạo Hindu; quan điểm của người Hồi giáo qua sự nghiệp của Muhammad; quan điểm của người châu Âu qua cuộc Chiến tranh Ba mươi năm tàn khốc (gợi ra so sánh với Trung Đông ngày nay); quan điểm của người Nga qua "lập trường cứng rắn trên thảo nguyên, nơi những bộ lạc du mục tranh giành các nguồn tài nguyên của một vùng lãnh thổ rộng lớn không có biên giới cố định." Cái nhìn xuyên suốt này có thể giúp chúng ta hiểu rõ nhiều vấn đề từ sự hung hăng của Vladimir Putin đến chiến lược đàm phán của Iran, ngay cả khi nó đặt ra một câu hỏi khó: "làm thế nào để đưa những kinh nghiệm và giá trị lịch sử khác nhau vào trong một trật tự chung."

Với những thách thức hiện nay, phân tích của Kisinger về khu vực châu Á -Thái Bình Dương và Trung Đông đặc biệt có giá trị.

Khi nói đến châu Á, ông lưu ý rằng tất cả các cường quốc đang lên của khu vực, bao gồm Trung Hoa, có tầm nhìn riêng về trật tự khu vực và toàn cầu, được hình thành từ bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh hiện tại của chính họ. Làm thế nào để chúng ta hòa hợp những tầm nhìn khác nhau này — xây dựng sự hợp tác với Trung Hoa trong khi vẫn duy trì mối quan hệ với các quốc gia khác, những lợi ích và giá trị của chúng ta trong một khu vực ổn định và thịnh vượng — sẽ quyết định liệu chúng ta có thể giải quyết các thách thức toàn cầu trên quy mô rộng lớn hơn.

Trong cuốn sách "Hard Choices" (Những lựa chọn khó khăn) tôi đã mô tả các chiến lược mà Tổng thống Obama và tôi xây dựng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tập trung củng cố các liên minh truyền thống; nâng cao và dung hòa sự đa dạng của các tổ chức khu vực như ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và APEC (Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương); và đưa Trung Hoa tham gia nhiều hơn vào các hoạt động -- cả song phương, thông qua các diễn đàn mới như Đối thoại Kinh tế và Chiến lược, và đa phương, trong những tình thế mà áp lực khu vực sẽ khiến Trung Hoa ứng xử có tính xây dựng và chia sẻ quyết định về các vấn đề từ tự do hàng hải đến biến đổi khí hậu, thương mại và quyền con người. "Xoay trục sang châu Á," như chúng ta đã biết, tập trung vào việc thiết lập một trật tự trong khu vực dựa trên pháp quyền để có thể đảm bảo sự phát triển trong hòa bình của các cường quốc mới và thúc đẩy các chuẩn mực và giá trị phổ quát.

Chính sách ngoại giao đa phương và chuẩn mực này thường tốn nhiều thời gian và gây nản chí, hiếm khi được chú ý ở trong nước, nhưng những lợi ích lâu dài nó đem lại có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Và nếu không có một trật tự khu vực có hiệu quả, những thách thức sẽ lan rộng. Chỉ cần nhìn vào Trung Đông. "Không nơi nào mà thách thức đối với trật tự quốc tế phức tạp hơn khu vực này -- xét theo cả hai khía cạnh: việc tổ chức trật tự khu vực và việc đảm bảo khả năng tương thích của trật tự đó với hòa bình và ổn định ở phần còn lại của thế giới," Kissinger nhận định.

Kissinger là một người bạn, và tôi đã trông cậy nhiều vào những tư vấn của ông khi tôi làm ngoại trưởng. Ông thường xuyên cập nhật thông tin cho tôi, chia sẻ với tôi những quan sát sắc sảo về các nhà lãnh đạo nước ngoài và cho tôi đọc báo cáo về những chuyến công tác của ông. Mặc dù chúng tôi nhìn nhận thế giới và một số thách thức theo những cách khác nhau, và ủng hộ những cách giải quyết khác nhau ở hiện tại và trong quá khứ, những gì xuyên suốt trong cuốn sách mới này là một lời khẳng định điều chúng tôi, và Tổng thống Obama, cùng chia sẻ: niềm tin vào vai trò lãnh đạo tất yếu và không ngừng nghỉ của Mỹ vì một trật tự công bằng và tự do.

Không có lựa chọn khả thi nào khác. Không một quốc gia nào khác có thể tạo ra một liên minh vững chắc và cung cấp các nguồn lực cần thiết để ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu phức tạp ngày nay. Nhưng sự lãnh đạo này không phải là một đặc quyền sẵn có; nó là một trách nhiệm luôn đi kèm với sự quyết tâm và khiêm tốn của mỗi thế hệ.

May mắn thay, Mỹ có được vị thế đặc biệt để dẫn đầu trong thế kỷ 21. Nó không chỉ là bởi sức mạnh quân sự lâu dài hoặc khả năng phục hồi của nền kinh tế, mặc dù cả hai đều hoàn toàn cần thiết. Đó là nhờ những thứ sâu sắc hơn thế. Những điều tạo nên một quốc gia như chúng ta hôm nay – sự đa dạng và cởi mở của xã hội, sự tận tâm với quyền con người và các giá trị dân chủ — đã cho chúng ta lợi thế riêng có trong việc xây dựng một tương lai nơi sự tự do và hợp tác được ưu tiên trên hết những chia rẽ, sự độc tài và phá hoại.

Đây không chỉ là chủ nghĩa lý tưởng. Để thiết lập và duy trì một trật tự quốc tế, Kissinger lập luận, quyền lực cần có tính chính danh. Với mục tiêu này, Kissinger, nhà hiện thực nổi tiếng, lại trở nên đầy lý tưởng. Ngay cả khi có mâu thuẫn giữa các giá trị của chúng ta và các mục tiêu khác, nước Mỹ, ông nhắc nhở, đã thành công bằng cách bênh vực và ủng hộ chứ không phải lảng tránh các giá trị của mình, và đã dẫn đầu bằng cách kêu gọi các dân tộc và các thể chế xã hội cùng tham gia. Tính chính danh không chỉ là ở các chính phủ. Nếu sức mạnh của chúng ta giúp đảm bảo sự cân bằng quyền lực, là nền tảng của trật tự quốc tế, thì các giá trị và nguyên tắc của chúng ta sẽ làm cho thứ quyền lực này có thể chấp nhận được và trở nên hấp dẫn đối với những người khác.

Vì vậy, bệ đỡ của sự lãnh đạo không chỉ là về việc duy trì sức mạnh mạnh quân sự và chính sách ngoại giao linh hoạt; nó còn là về sự bảo vệ cho quyền con người, về việc thúc đẩy các quyền và vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, về việc tạo ra không gian cho một xã hội dân sự hưng thịnh và các điều kiện cho sự phát triển toàn diện.

Những cơ sở lập luận mang tính chiến lược này đã dẫn đường cho những mục tiêu của tôi trong vai trò Ngoại trưởng, về sử dụng tất cả các công cụ của chính sách đối ngoại, dù đôi khi chúng bị coi là mềm yếu. Tôi gọi đó là "sức mạnh thông minh", và tôi vẫn tin đó sẽ là hình mẫu để duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trong những thập kỷ tới. Chúng ta phải sử dụng khéo léo thế mạnh của mình. Và trong một thời đại mà tính chính danh được quyết định bởi nhân dân chứ không phải bởi chính phủ, nước Mỹ đang ở vị trí tốt hơn nhiều so với các đối thủ độc tài.

Kissinger cũng nhận ra điều này. Ông hiểu thế giới đã thay đổi như thế nào kể từ khi ông còn là Ngoại trưởng, đặc biệt là sự phân tán quyền lực và ảnh hưởng ngày càng tăng của các lực lượng nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và cá nhân công dân, theo cả cách tốt và xấu, đều đang ngày càng tập trung vào các vấn đề quốc tế và giải pháp cho những vấn đề đó. Kết quả là, chính sách đối ngoại hiện nay can hệ nhiều đến con người không kém gì (sự can hệ của nó đến) nhà nước. Kissinger lưu ý ngay rằng những thay đổi đó đòi hỏi một trật tự bao quát hơn và khôn ngoan hơn trật tự đã có trong quá khứ. "Bất kỳ hệ thống trật tự thế giới nào, để bền vững, cần phải được thừa nhận là công bằng -- không chỉ bởi các nhà lãnh đạo, mà còn bởi các công dân," Kissinger viết.

Đó là sự thật trên thế giới, và nó cũng là sự thật ở nước ta. Đất nước của chúng ta luôn thể hiện tốt nhất, và lãnh đạo của chúng ta có quyền lực lớn nhất, khi chúng ta cùng chung một mục đích và chia sẻ một sứ mệnh, và thúc đẩy sự thịnh vượng và công bằng xã hội ở trong nước. Duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới phụ thuộc vào việc làm sống lại Giấc mơ Mỹ trong tất cả chúng ta.

Trong quá khứ, chúng ta đã từng thử nghiệm với biệt lập và rút lui, nhưng luôn lắng nghe lời kêu gọi để đứng lên lãnh đạo khi cần. Đây là lúc tranh luận về vai trò của nước Mỹ với thế giới và vai trò của thế giới với Mỹ. Chúng ta cần phải đối thoại thành thật với nhau -- tất cả chúng ta -- về cái giá và những động lực của vị trí lãnh đạo toàn cầu, và những điều là cần thiết để nước Mỹ an toàn và vững mạnh.

Chúng ta có rất nhiều để nói. Đôi khi chúng ta sẽ có bất đồng. Nhưng đó chính là dân chủ. Một cuộc đối thoại rộng khắp trên toàn quốc thực sự là cách duy nhất giúp chúng ta xây dựng sự đồng thuận chính trị để ứng phó với những mối nguy và cơ hội của thế kỷ 21. Cuốn sách của Henry Kissinger giải thích đầy thuyết phục cho lý do tại sao chúng ta phải làm điều đó và làm thế nào để chúng ta có thể thành công.

Minh Thu
Washington Post


Trật tự thế giới (bài điểm sách của Đoàn Hưng Quốc)

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc