Hội chợ Masterpiece: Năm thứ sáu may mắn

BT ArtBox project celebrating 25 years of Childline. Photo courtesy Dave Catchpole.

Hội chợ Masterpiece (Kiệt tác) cuối cùng cũng trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mùa nghệ thuật diễn ra vào hè hằng năm tại London sau khi hội chợ nghệ thuật và đồ cổ Grosvenor House kết thúc những năm dài hoạt động vào năm 2009. Với hơn 150 đơn vị quốc tế tham gia, hội chợ Masterpiece năm thứ sáu với những tác phẩm nghệ thuật mới và cũ, đồ cổ, đồ trang sức, đồ gốm, các sản phẩm nghệ thuật và thiết kế, đã thu hút một lượng khách lớn chưa từng có. Buổi tổng duyệt diễn ra vào ngày 24 tháng 6 có tới gần 9.000 khách tham quan, tăng 26% so với năm ngoái, và những ngày tiếp theo trong tuần, con số còn tăng nhiều hơn thế với tổng cộng 40.000 khách.

Quyết định của Ban tổ chức khi đẩy ngày khai mạc hội chợ lên sớm, sát với Tuần lễ Nghệ thuật London (diễn ra từ ngày 3 – 10/7) và trùng ngày với buổi đấu giá Old Master chứng tỏ là một quyết định đúng đắn. Sam Fogg, một nhà kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật thời Trung cổ, trước đó quyết định sẽ không tham dự hội chợ nữa, đã quay trở lại vào năm nay và cho biết ông đã bán được cả chục tác phẩm chỉ trong vài ngày đầu của hội chợ. Theo ghi nhận của các đơn vị triển lãm thì đây là lần đầu tiên hội chợ thu hút một số lượng lớn các nhà sưu tập và các giám đốc bảo tàng từ khắp châu Mỹ, châu Âu lục địa và châu Á như vậy.

Hội chợ thuận lợi hơn nhờ quyết định giảm số nhà kinh doanh các mặt hàng xa xỉ tham gia hội chợ. Ban đầu, sự hiện diện của họ được mong sẽ thu hút giới thượng lưu mua sắm và chi tiền cho cả những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng hầu hết những vị khách này lại chỉ đi xem hàng và những nhà sưu tập thực sự cuối cùng lại trở thành người săn tìm kho báu trong một rừng túi xách và váy áo. Năm nay, những xe đua, rượu sâm banh và dương cầm đã bị cho ra rìa, tuy nhiên gian hàng do Faberge tài trợ vẫn ở đó - một điểm sơ suất nhỏ. Công ty nổi tiếng này của Nga đã đóng cửa vào năm 1918, và người chủ hiện tại của thương hiệu chỉ mới bước chân vào ngành trang sức. Các gian hàng không bán các sản phẩm và cũng không bị kiểm tra nhưng các nhà triển lãm thì có. Nếu bị kiểm tra thì những món trang sức hiện đại của Faberge có lẽ đã không qua cửa được.

Nhìn chung, hội chợ đã có những bước tiến to lớn và những nhà triển lãm đã mang tới đây nhiều tác phẩm tuyệt vời. Kraemer từ Paris và De Backker từ Hà Lan đã có bài trình bày đặc biệt hấp dẫn. Công ty Kraemer, nhân dịp kỷ niệm 140 năm là chuyên gia trong lĩnh vực nội thất thế kỷ 18, đã dành niềm kiêu hãnh này cho một đồ vật đẹp như cổ tích: chiếc xe ngựa to chỉ cỡ một cốc bia, bên trong có lót một lớp nhung và được gắn những bức chạm khắc gỗ tinh tế. Sẽ có một chú dê trắng kéo xe và đưa vị hoàng tử trẻ tuổi băng qua vườn thượng uyển của cung điện. Với 1,1 triệu bảng Anh, một cô bé hay cậu bé thời nay có thể sở hữu món đồ này cho riêng mình. De Backker lại đem tới một bầu không khí khác, với gian trưng bày một tác phẩm đặc biệt: đôi cánh cửa gỗ Tây Ban Nha được chạm thô từ thế kỷ 15 (giá 27.500 bảng), mở ra bên trong là một bức tượng Thánh Sebastian kích thước thật có từ thế kỷ 14 (giá 100.000 bảng).

Trong số rất nhiều tác phẩm đáng chú ý khác, phóng viên đã bị thu hút đặc biệt bởi các tác phẩm giàu trí tưởng tượng của Lino Tagliapietra – bậc thầy thổi thủy tinh nay đã ngoài 80 tuổi ở Mallett; một chiếc đèn dầu bằng vàng của người Tây Tạng từ thế kỷ 19 đang tỏa ánh sáng dịu nhẹ trong gian hàng của Sue Ollemans, được một nhà sưu tầm từ Hồng Kông mua ngay sau đó; và một bức vẽ nhà thờ Christchurch, Spitalfields (tu sửa năm 1999-2000) của họa sĩ Leon Kossoff, được Offer Waterman đem đến hội chợ với giá 750.000 bảng và được bán ngay trong ngày tổng duyệt. Gian hàng của Adrian Sassoon thì trưng bày những tác phẩm bắt mắt làm từ vàng, bạc, sứ và thủy tinh được khách tham quan vây kín, trong khi gian của Michele Beiney nổi bật với các tác phẩm gốm cổ. Nukaga, nhà triển lãm Nhật Bản lần đầu tiên tham dự hội chợ, chào đón những vị khách tham quan với bức “Sóng” (1990) của Yayoi Kusama với hai màu chủ đạo nâu và vàng, được bình chọn là tác phẩm đẹp nhất hội chợ được sáng tác bởi một nghệ sĩ còn sống, trong khi trong gian hàng của họ, những tác phẩm tranh đương đại khác của Nhật Bản được treo đối diện những bức họa theo trường phái ấn tượng của Pháp. Ở đây, và những nơi khác tại Masterpiece, chất lượng và sự đa dạng đã có một cuộc trò chuyện sôi nổi.

Bích Nhàn
The Economist

Tags: art

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc