Ireland có thể là nước phải chịu tổn thất nhiều nhất từ Brexit

Photo credit: The Economist.

Ngày 25 tháng 10 năm nay, John Bruton và Bertie Ahern, hai cựu thủ tướng Ireland, đã xuất hiện trước một ủy ban của Thượng nghị viện Vương quốc Anh để thảo luận về tác động của quyết định Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu lên người hàng xóm phía tây của nước này. Cả hai ông đều buồn rười rượi. Ông Bruton cho hay Brexit có thể giáng lên nền kinh tế Ireland một đòn thậm chí còn nặng hơn đối với kinh tế Anh quốc--mặc dù, như ông châm biếm nói thêm, "chúng tôi không có tiếng nói nào trong quyết định đó." Kể từ năm 1973, khi cả hai nước tham gia vào tổ chức tiền thân của Liên minh châu Âu là Cộng đồng Kinh tế châu Âu thì các doanh nghiệp Ireland đã trở nên gắn bó với doanh nghiệp Anh, ông Ahern cho biết. Dỡ bỏ những mối quan hệ đó sẽ gây ra “tổn thất nặng nề”.

Fergal O'Brien của IBEC, một nhóm vận động hành lang doanh nghiệp, cho rằng tai họa đầu tiên đã rơi xuống. Do đồng bảng Anh suy yếu, xuất khẩu sang Anh đã trở nên kém cạnh tranh hơn, và nhập khẩu từ Anh rẻ hơn. Vương quốc Anh chiếm tới 2/5 mức xuất khẩu của các công ty Ireland, và chiếm một tỷ lệ tương tự đối với tổng sản lượng nông sản xuất khẩu. Những người nông dân sản xuất thịt bò và sữa đang gặp nhiều khó khăn, và một số trang trại nấm của Ireland vốn xuất khẩu 4/5 sản phẩm của họ sang Anh đã phải đóng cửa. Ông O'Brien cho rằng tình trạng tồi tệ này sẽ càng xấu hơn bởi đồng bảng Anh rớt giá và Brexit gây ra tình trạng kinh doanh bất ổn ảnh hưởng đến nhu cầu tại Anh. "Khi đối tác của anh tự bắn vào chân mình, anh cũng bị liên lụy."

Một khi Vương quốc Anh thực sự rời khỏi Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp Ireland sẽ phải đối mặt thêm nhiều khó khăn hơn nữa. Nói chung, những ai nghĩ đến xuất khẩu thì nơi đầu tiên họ nghĩ đến là Vương quốc Anh, ông Alan Barrett, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội - một viện chính sách ở Dublin, cho biết. Và nhiều người lao động Ireland học hỏi kinh nghiệm và được đào tạo ở bên kia biển Ireland (Irish Sea). Hậu Brexit, các công ty Ireland sẽ phải vất vả mới có thể thoát khỏi thị trường nội địa nhỏ bé của mình và sẽ phải tuyển dụng từ thị trường nhân lực nhỏ hơn. Các chuỗi phân phối và cung ứng vốn đan chéo qua cả hai hòn đảo. Nếu việc kiểm soát và mức thuế hải quan lại được áp dụng, các mối liên kết này sẽ bị phá vỡ. Thương mại sẽ tiếp tục giảm do các quy định về tất cả mọi thứ từ ghi nhãn thực phẩm đến tiêu chuẩn môi trường đều thay đổi.

Chính phủ Ireland đặc biệt lo lắng về biên giới giữa Bắc Ireland, một phần của Vương quốc Anh, và nước Ireland cộng hòa ở phía Nam. Trong nhiều thập kỷ, Bắc Ireland chịu xung đột giữa người theo phe Cộng hòa, những người đấu tranh cho một Ireland thống nhất, và người theo hợp nhất chủ nghĩa (Unionist) cam kết ở lại với Vương quốc Anh. Thỏa thuận Hòa bình Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1998 là cam kết giữa chính phủ Vương quốc Anh, Ireland, và cấp quản lý được trao quyền của Bắc Ireland để loại bỏ kiểm soát tại biên giới Bắc-Nam.

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mối liên kết kinh doanh, chính trị và văn hóa--như thể một "khu di chuyển chung"–một thỏa thuận lâu dài về việc công dân của cả hai đảo có thể tự do di chuyển. Brexit có thể "đánh thức nhiều con chó đang ngủ say", ông Noel Whelan, một nhà phân tích chính trị ở Dublin, cho hay. Trừ khi Vương quốc Anh ở lại trong thị trường thống nhất của Liên minh châu Âu và chấp nhận công dân di chuyển tự do--điều khó có thể xảy ra--thì sự ổn định của miền Bắc đang gặp nhiều nguy cơ.

Một giải pháp đang được thảo luận là không áp đặt kiểm soát hải quan và nhập cư giữa hai nước mà là giữa hai hòn đảo. Các viên chức của Vương quốc Anh sẽ có mặt tại các cảng và sân bay của Cộng hoà Ireland; còn cư dân Bắc Ireland sẽ phải xuất trình hộ chiếu khi đi tới những phần còn lại của Vương quốc Anh. Điều này có thể còn ít khó chịu hơn việc phải củng cố biên giới Bắc-Nam. Nhưng biên giới ấy sẽ sớm chia rẽ Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, và Liên minh châu Âu sẽ phải đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào chính phủ Anh và Ireland có thể đưa ra, Dara Murphy, bộ trưởng Ireland về các vấn đề châu Âu, cho biết. Mối quan tâm chính của Ireland, ông nói, là đảm bảo rằng cả nước Anh và phần còn lại của châu Âu hiểu những rủi ro Brexit đặt ra đối với hòa bình và thịnh vượng ở cả hai phần của Ireland.

Chính phủ Ireland đang tìm cách cứu vãn những gì có thể. IDA Ireland, cơ quan đầu tư quốc gia, đang tăng cường nỗ lực để đem tới lực lượng lao động có đào tạo và thuế doanh nghiệp thấp cho các nhà đầu tư nước ngoài. Feargal O'Rourke của văn phòng PwC tại Dublin cho rằng dịch vụ tài chính mang lại nhiều triển vọng nhất. Các nhà tư vấn Ireland đang mời chào ý tưởng về việc các ngân hàng có trụ sở tại London có thể giữ "hộ chiếu" cho phép họ làm ăn trên toàn Liên minh châu Âu bằng cách di chuyển một phần hoạt động của họ sang Ireland, điều ít phiền hà hơn so với chuyển hoàn toàn trụ sở. Một số người cho rằng Ireland có thể tăng thêm khoảng 20.000 việc làm từ ý tưởng này.

Trước tình hình Brexit sẽ gây thiệt hại cho Ireland trên nhiều mặt, những việc làm này sẽ chỉ như một giải khuyến khích. Nhưng không có chỗ cho sự than vãn. Brexit càng gây ít thiệt hại cho Vương quốc Anh thì càng tốt hơn cho Ireland, nhà bình luận chính trị Johnny Fallon cho hay, và điều đó có nghĩa là Ireland phải cố gắng thuyết phục phần còn lại của châu Âu cấp cho Anh những điều khoản hào phóng khi rời khỏi liên minh châu Âu. "Một số người ở châu Âu sẽ rất vui mừng khi thấy Vương quốc Anh sụp đổ hậu Brexit," ông nói. "Nhưng Ireland không muốn thế. Chúng tôi tha thiết mong nước Anh đứng vững."

Quỳnh Anh
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc