Cùng trên toa xe chở dầu*: Thời kỳ khó khăn đối với các nhà sản xuất dầu

Photo credit: The Economist.

Ngành công nghiệp dầu mỏ đã và đang chịu nhiều biến động, nhưng một bộ phận trong ngành vẫn chưa chịu chấp nhận.

Đe dọa đối với dầu
Có người gọi nơi đây là "Texarabia" (chơi chữ ghép giữa Texas và Ả Rập – Arabia). Tại Midland, Tây Texas, cứ 40 mẫu đất trống lại có một cụm máy bơm khai thác dầu từ nền đá phiến của lưu vực Permian có độ sâu tới 3.700 m. Trong bãi đậu xe của của đội bóng địa phương West Texas Drillers có một cụm máy bơm khai thác vẫn cần mẫn làm việc. Ở bảo tàng Dầu khí Permian Basin ngoài rìa thị trấn, đang có triển lãm “những chú lừa gật gù” (máy bơm dầu) cổ từ thời những năm 1930. Ngay trong khu đất phía sau đấy là một cụm máy bơm đang làm việc, nhẹ nhàng lên và xuống.

Dù vậy, đi thêm 20 dặm về phía bắc, các cụm máy bơm bị lu mờ bởi hàng trăm tua bin gió quay vù vù ngay phía trên. Trên những cánh đồng bông, lung linh màu trắng trong nắng sớm mùa thu, là một thoáng những đường nét viền nên quang cảnh về các nguồn năng lượng.

Bạn có thể nghĩ những người cứng đầu trong ngành dầu khí sẽ không ưa tuabin gió đang hướng tới tương lai khi thế giới không còn nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng Joshua Johnson, người điều hành một chuỗi các khu đất cho thuê để khai thác dầu trong khu vực, tự hào chỉ cho phóng viên chỗ dầu thô bóng loáng ông trữ trong những bể chứa dung tích 500 thùng dầu, nhìn vấn đề hoàn toàn khác và nói rằng: "Tôi nghĩ những công nghệ mới này là điều tuyệt vời." Theo ông, năng lượng tái tạo sẽ là một nguồn bổ sung quan trọng cho dầu mỏ khi nhu cầu của thế giới về năng lượng tăng lên. Tuy nhiên, ông bác bỏ sự nóng lên toàn cầu: "Ở đây lúc nào cũng nóng như địa ngục."

Permian Basin là khu vực khai thác dầu mới nhất, và đang trải qua giai đoạn bùng nổ đầu tư nhỏ, bất chấp suy thoái xuống sâu nhất trong thị trường dầu mỏ kể từ những năm 1990. Số lượng giàn khoan đã tăng 60% kể từ tháng Năm, trong khi ở các lưu vực đá phiến khác ở Mỹ , con số chỉ nhích lên một chút. Kỹ thuật nứt vỡ thủy lực lấy dầu lên từ giếng khoan; quanh vùng Midland quang cảnh các xe tải lớn màu đỏ tập trung xung quanh một giếng khoan trông như những toa xe của gánh xiếc, bơm chất lỏng và cát ở áp suất cao, đã lại trở nên quen thuộc (mặc dù lượng khoan vẫn còn ít hơn một nửa mức độ ở đỉnh cao vào năm 2014).

Cho tới hiện tại, trong năm nay Phố Wall đã tài trợ hơn 20 tỷ USD cho các công ty dầu khí Mỹ, chủ yếu là để mua đất và khai thác ở Permian. Một số người cho rằng triển vọng bị thổi phồng lên, nhưng ông Scott Sheffield không nghĩ như vậy, ông là chủ của Pioneer Natural Resources, một trong những nhà sản xuất lớn nhất trong khu vực. Ông cho rằng vùng Permian được tạo thành từ nhiều lớp đá chứa dầu 250 triệu năm tuổi, có thể khai thác được lượng dầu ngang với mỏ dầu Ghawar ở Saudi Arabia, vốn có trữ lượng chiếm hơn một nửa tài nguyên dầu mỏ của cả vương quốc. Điều này có lẽ chỉ là mơ ước, nhưng nó cho thấy nhuệ khí trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đang hồi phục sau khi giá dầu giảm mạnh.

Câu chuyện về Permian là một ví dụ khi sự kết hợp của may mắn, kiến thức địa chất, công nghệ, luật pháp và lòng quyết tâm thực sự có thể tiếp tục đem lại dầu mỏ với trữ lượng dồi dào. Những khám phá như vậy có vẻ đã giải quyết câu hỏi lâu năm của ngành công nghiệp dầu mỏ về vấn đề chừng nào tài nguyên sẽ cạn kiệt. Trong cuốn sách mới của mình, "Thị trường điên loạn: Một thế kỷ hoảng sợ, khủng hoảng và sụp đổ về dầu mỏ," Blake Clayton phân ra bốn thời đại khi thế giới hoảng sợ về "cao điểm dầu”. Đầu tiên là sự xuất hiện của xe cơ giới, khi giá dầu bắt đầu tăng cao. Thời đại tiếp theo trùng với Thế chiến II. Thời đại thứ ba là vào những năm 1970, khi OPEC đẩy giá dầu lên cao. Thời đại thứ tư bắt đầu vào giữa những năm 2000 khi giá dầu bắt đầu tăng lên 140 USD một thùng. Tuy nhiên, Jeremiahs đã luôn luôn bị chứng minh là sai. M. King Hubbert, người đi đầu trong nhóm người tin vào cao điểm dầu, dự đoán từ năm 1956 rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ không bao giờ vượt quá 33 triệu thùng dầu một ngày. Sản lượng hiện tại đang là 97 triệu thùng dầu một ngày. Theo công ty dầu BP của Anh, trữ lượng dầu toàn cầu được tìm thấy đã tăng 50% trong 20 năm qua, và ở mức sản xuất hiện tại sẽ kéo dài được khoảng 50 năm (xem biểu đồ). 

Nhiều quá cũng không tốt
Khi mối quan tâm về khí hậu tăng lên, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và nhà đầu tư đã chuyển từ lo lắng về nguy cơ thiếu hụt dầu sang lo ngại về thị trường thừa cung. Trong những kịch bản xấu nhất, các chuyên gia cho rằng nếu có cơ hội 50/50 giữ nhiệt độ ấm lên toàn cầu dưới 2ºC, chỉ được đốt 35% nguồn trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đã biết hiện tại (chủ yếu là than và dầu). Nếu giới hạn mục tiêu là 1.5ºC, chỉ được sử dụng 10% trữ lượng. Như ông Clayton cho hay: "Dầu sẽ trở nên lỗi thời từ lâu trước khi các giếng dầu của thế giới khô cạn."

Ông Sheffield của Pioneer cũng đồng ý với ý kiến trên, khiến cho ông trở thành một người lập dị giữa các đồng nghiệp người Mỹ. Ông cho rằng nhu cầu toàn cầu đối với dầu có thể đạt đỉnh trong vòng 10-15 năm tới do mức tăng trưởng toàn cầu chậm và do sự xuất hiện quy mô lớn của xe điện chạy bằng năng lượng tái tạo. Để chuẩn bị cho ngày đó, ông nói, Pioneer đang xem xét bán tài sản tại những nơi khác ở Mỹ để tập trung vào Permian, ông lập luận rằng ở đây đủ rẻ để cạnh tranh khi thế giới đang giảm nhu cầu đối với dầu.

Giống như Pioneer, một số công ty tổng hợp lớn hơn, đặc biệt là công ty châu Âu, đang thay đổi khi đặt cược về tương lai của dầu, chủ yếu là do gần đây giá dầu sụt giảm. Chẳng hạn, Royal Dutch Shell, tập đoàn dầu mỏ lớn của Anh-Hà Lan, đang rút khỏi Bắc Cực vì khoan dầu ở đó quá đắt đỏ. Tập đoàn Total của Pháp không muốn đầu tư nhiều hơn vào cát dầu ở Canada cũng vì những lý do tương tự. Nhưng họ cũng nhận thức được rằng nếu nhu cầu đi vào suy giảm dài hạn, ai có dầu giá rẻ nhất sẽ tồn tại lâu nhất. Simon Henry, giám đốc tài chính của Shell, cho biết công ty dự kiến cao điểm nhu cầu dầu xảy ra trong 5-15 năm tới. Tập đoàn dự định tập trung vào các nguồn dự trữ tại vùng nước sâu có giá rẻ nhất ở những khu vực như Brazil, nơi các khoản đầu tư có thể hoàn vốn trong khoảng thời gian đó. Tập đoàn cũng có thể cắt giảm việc thăm dò dầu mỏ. Cả tập đoàn Total cũng đang hy vọng tìm dầu chi phí thấp. Tập đoàn này đã mua một cổ phần nhỏ trong vụ nhượng quyền dầu 40 năm ở gần Abu Dhabi, với hy vọng dầu vùng Vịnh sẽ luôn luôn giữ được giá rẻ.

Phần lớn là do những mỏ dầu dồi dào nhất đang nằm trong tay các nước OPEC, và do đó các công ty phương Tây rất khó có thể nắm được các mỏ ấy, một số tập đoàn dầu lớn đang chuyển sang khí đốt để bổ sung cho dầu (xem biểu đồ). Năm nay Shell đã hoàn thành một việc mua lại với giá 54 tỷ USD công ty BG, nhà sản xuất khí tự nhiên và dầu của Anh, đưa khí gas lên gần một nửa tổng sản lượng của tập đoàn. Giới kinh doanh dầu cho rằng kinh doanh gas phức tạp hơn nhiều so với dầu; cần đầu tư vốn trước để phát triển, cần có đường ống vận chuyển và hệ thống giao hàng mới, vì vậy lợi nhuận có thể thấp hơn. Tuy nhiên, ngay cả trong những kịch bản bi quan nhất cho tương lai của nhiên liệu hóa thạch vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng của khí gas tốt hơn so với dầu.

Cẩn trọng không mạo hiểm
Một số tập đoàn cũng xem xét khả năng về công nghệ năng lượng tái tạo, trong trường hợp công nghệ này phát triển nhanh chóng. Total đã mua các doanh nghiệp pin và năng lượng mặt trời, mặc dù ông chủ tập đoàn, Patrick Pouyanné, khẳng định rằng nếu không có lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt thì họ sẽ không có khả năng làm vậy. Ông Henry của tập đoàn Shell cho biết mô hình kinh doanh của tập đoàn có thể ngày càng giống quỹ đầu tư quốc gia như của Na Uy, chuyển hướng đáng kể dòng tiền từ dầu sang công nghệ các-bon thấp. BP của Anh, tiên phong trong khái niệm "Vượt ra khỏi Dầu khí", đã phải hối tiếc bởi đầu tư năng lượng mặt trời không mang lại lợi nhuận, đang thận trọng xem xét việc đầu tư nhiều hơn vào năng lượng gió, lần đầu tiên trong năm năm qua. Khi bản chất của quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên rõ ràng hơn, các tập đoàn này cho biết họ có thể phải đầu tư hàng chục tỷ đô-la để phát triển các doanh nghiệp năng lượng mới.

Philip Whittaker của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) lưu ý rằng trong quá khứ các dự án dầu như máy in tiền, bởi vì giá trị của một thùng dầu thêm vào có thể vượt xa chi phí sản xuất. Mức chênh lệch nhỏ dần đi vì các mỏ dầu trở nên khó tìm hơn, nhưng các nhà đầu tư vẫn thích tính chất rủi ro-lợi nhuận tương đối cao của ngành công nghiệp này. Một khi công ty dầu bù đắp được chi phí phát triển một khu khai thác, lợi nhuận từ đó có khi kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Ông nói rằng không rõ liệu đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể thay thế tính chất rủi ro-lợi nhuận cao của dầu. Các công ty dầu mỏ có bảng cân đối tài chính rất lớn và thực hiện đầu tư vốn lớn ở mức tương xứng, nhưng trong ngắn hạn rất khó nhìn thấy năng lượng tái tạo có thể đạt được quy mô để trở thành phần quan trọng trong kinh doanh của công ty. Có lẽ việc lắp đặt số lượng lớn tuabin gió ngoài khơi ở vùng biển sâu gió lớn cũng tương tự như khoan dầu ngoài biển sâu. Nhưng các công ty dầu mỏ càng giống các công ty điện lực, thì hồ sơ rủi ro của họ càng giống hồ sơ của một công ty tiện ích buồn tẻ. Họ cũng sẽ phải tiếp cận với người tiêu dùng , đây không phải điều ngành công nghiệp có đầu óc kỹ thuật này thấy hứng thú.

Trên quy mô lớn hơn nhiều, chính phủ Saudi hy vọng theo đuổi chiến lược đa dạng hóa tương tự thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng một phần của Saudi Aramco. Một phần số tiền thu được, ước tính lên đến 150 tỷ USD, sẽ được đưa vào quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ nhằm đầu tư vào công nghệ ngoài dầu mỏ. Một số người cho rằng vương quốc này gần đây sản xuất dầu mỏ ở mức kỷ lục vì họ hy vọng sớm kết thúc thời đại dầu mỏ. Nhiều người khác lại cho rằng họ chỉ đơn giản là muốn thu hồi lại thị phần từ các nhà sản xuất khác.

Trong khi đó, nhiều công ty dầu ở Mỹ dường như im hơi lặng tiếng. Một số người cho rằng các tác nhân thị trường làm tốt hơn việc cắt giảm khí thải so với hành động phối hợp của các chính phủ. Họ chỉ ra rằng việc chuyển từ than sang khí đá phiến đã cắt giảm lượng khí thải xuống mức thấp mười năm. Nhiều người hy vọng rằng sự cạn kiệt đầu tư gần đây trong ngành sẽ dẫn đến thiếu hụt làm tăng vọt giá dầu trước giai đoạn cuối thập kỷ này. Nhưng theo ông Whittaker của BCG, đó có thể là tiếng reo hò cuối cùng của thị trường dầu mỏ, trước cú huých cuối cùng tiến vào thời điện khí hóa.

Quỳnh Anh
The Economist


* On the oil wagon, chơi chữ 'get on the bandwagon' = ủng hộ người khác làm một công việc và hy vọng đạt được kết quả tốt.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc