Đi vào vùng hoàng hôn: Khi nhu cầu dầu không còn

Photo courtesy troy_williams.

Thoáng nhìn về kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

Stewart Spence từng là một quản lý khách sạn trẻ tuổi ở Aberdeen năm 1971 khi ông lần đầu tiên hiểu được ý nghĩa của cơn sốt dầu. Khách sạn Commodore của ông là nơi duy nhất trong thành phố Scotland có phòng tắm riêng khép kín. Một ngày kia, có một nhà điều hành dầu khí người Mỹ bước vào, mặc quần jean, giày cao bồi và đội mũ phớt. Khi chắc chắn rằng phòng ngủ có nhà tắm riêng khép kín, ông đặt 20 phòng trong vòng sáu tháng và thanh toán trước bằng hối phiếu ngân hàng. Người Mỹ ấy là ông chủ của một công ty dịch vụ dầu mỏ tên là Global Marine, đang vận chuyển ba giàn khoan dầu từ Vịnh Mexico đến Aberdeen. Từ đó bắt đầu bùng nổ dầu mỏ Biển Bắc ở Scotland. Nhà hàng bít tết, xì gà và các từ như công nhân giàn khoan hay thợ giàn khoan bắt đầu trở nên thông dụng. Người Texas nổi tiếng uống champagne Dom Perignon bằng vại. Họ sống cuộc sống giàu sang cho đến khi giá dầu sụt giảm vào năm 1986. Sau đó, họ biến đi nhanh như khi họ đến, ông Spence kể lại.

Kể từ những ngày ấy, dầu mỏ đã mang đến chu kỳ kinh tế lên xuống cho Aberdeen, nhưng chưa bao giờ cảm giác chán nản bao trùm thành phố như hiện nay. Năm 2012, thành phố có nhiều triệu phú trên 100.000 người hơn cả London và có sân bay trực thăng bận rộn nhất thế giới, đưa người lao động ra vào các giàn khoan. Nhưng giá dầu sụp giảm năm 2014 đã nhấn mạnh thực tế là sau gần nửa thế kỷ khai thác, nhiều mỏ dầu ngoài khơi của Aberdeen đã trở nên quá đắt đỏ do đó không bền vững. Số lượng việc làm đã giảm mạnh, và một số nhà sản xuất dầu đang trên bờ vực phá sản.

Khi thế giới bước vào hoàng hôn của thời đại dầu mỏ, một số người băn khoăn liệu khó khăn của Aberdeen có phải là dấu hiệu cho những điều đang đến với ngành sản xuất dầu mỏ trên thế giới. Ông Spence cho là như vậy. Ông vẫn điều hành khách sạn lịch sự nhất ở Aberdeen và sắp cho lắp đặt một trạm sạc cho xe chạy điện.

Không phải vội, nhiều cựu binh ngành công nghiệp dầu mỏ tuyên bố như vậy. Họ đồng ý rằng các khu vực dầu mỏ có chi phí cao như Biển Bắc của Scotland, cát dầu của Canada và vùng Bắc Cực của Nga có thể sẽ gặp rắc rối, nhưng vẫn trông đợi ít nhất một hoặc nhiều cuộc bùng nổ dầu mỏ sinh ra từ đống tro tàn của khủng hoảng ngày hôm nay, bởi vì trong hai năm qua có rất ít đầu tư vào việc tìm kiếm mở ra nguồn cung mới. Trong vài năm tới, họ cho rằng thị trường sẽ lại một lần nữa chuyển từ dư thừa sang thiếu thốn. Những người hưởng lợi lớn nhất là các nhà sản xuất ở những khu vực có chi phí thấp và trữ lượng dầu phong phú như Trung Đông, lưu vực Permian của Mỹ, khu vực tiền-muối (pre-salt) ở Brazil và các khu vực ở Tây Phi. Cho dù những vùng này có thể chứng kiến bùng nổ trong đầu tư, nhưng đó sẽ chỉ là ngắn hạn, bởi vì nhu cầu dài hạn đang giảm và thị trường có thể nhanh chóng trở nên dư cung.

Sau màn đêm
Khi thời điểm suy giảm cuối cùng của nhu cầu dầu mỏ tới thì ngành công nghiệp dầu mỏ, các chính phủ và thế giới nói chung sẽ thế nào? Tác động lớn nhất sẽ là ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào dầu. Theo Jason Bordoff, thuộc Trung tâm về chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia, thì những căng thẳng xã hội hiện nay thể hiện rõ ràng ở các quốc gia có ngân sách phụ thuộc dầu mỏ như Venezuela và Nigeria là lời cảnh báo về tương lai. Các nước vùng Vịnh đang thúc đẩy nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế tránh phụ thuộc vào dầu, như điều Ả Rập Saudi đã và đang làm. Mỹ có thể phải tính lại đối sách địa chính trị "đổi dầu lấy an ninh" của mình với nước này. Doanh thu từ dầu thấp đi có thể làm tăng bất ổn tại những khu vực như Iraq.

Về phần mình, các công ty dầu mỏ sẽ phải tìm kiếm lĩnh vực kinh doanh mới. Biển Bắc cho thấy một thoáng nhìn về những cơ hội phía trước. Gần khu vực Aberdeen, các công ty như Royal Dutch Shell đang cho ngừng hoạt động các bộ phận trong mạng lưới lớn các giàn khoan và đường ống được lắp đặt từ những năm 1970. Andrew McCallum, cố vấn pháp luật cho Cơ quan dầu và khí đốt của Anh, cho biết các công ty dầu mỏ có thể triển khai kỹ năng rút khỏi dịch vụ ở tất cả các dự án trên toàn thế giới.

Trông đợi ở Na Uy
Statoil, công ty dầu mỏ nhà nước Na Uy, là ví dụ về những việc các công ty dầu mỏ có thể làm trong tương lai. Đầu năm nay công ty này đã giành được hợp đồng cho thuê để xây dựng trang trại gió nổi lớn nhất thế giới 15 dặm ngoài khơi bờ biển Peterhead, phía bắc Aberdeen. Mỗi tuabin trong năm chiếc tuabin 6mW sẽ được gắn vào đáy biển trên một nền thép nổi, cho phép nó hoạt động ở vùng nước sâu hơn so với tuabin thông thường nhúng vào đáy biển. Do đó sẽ có thể tiếp cận với gió mạnh ngoài khơi xa, làm giảm giá thành sản xuất điện.

Quay trở lại Na Uy, Statoil cũng đang triển khai hai dự án để tích trữ CO2 dưới nước, là một trong những ví dụ công nghệ tiên tiến nhất được coi là chìa khóa loại bỏ các chất khí nhà kính trong khí quyển: thu nạp và lưu trữ carbon (CCS). Công nghệ này vẫn tốn kém và còn trong giai đoạn trứng nước, và các chính phủ chỉ hỗ trợ một cách không thường xuyên. Năm 2015, khoảng 28 triệu tấn CO2 được lưu trữ theo cách đó. Để giúp đáp ứng giới hạn 2ºC, Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng thế giới cần lưu trữ một con số khổng lồ khoảng 4 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2040.

Nhiên liệu sinh học là một cách khác nhằm đa dạng hóa. Tại cảng biển Bắc của Rotterdam, Neste, một nhà máy lọc dầu của Phần Lan, nhập chất béo thải ra từ các lò giết mổ trên thế giới và chuyển đổi thành dầu diesel sinh học cho ngành công nghiệp vận tải và hàng không. Nó đắt hơn dầu diesel thông thường, nhưng theo luật của Liên minh châu Âu thì trong hỗn hợp các loại nhiên liệu của các nước thành viên phải bao gồm 10% nhiên liệu sinh học vào năm 2020. Ông chủ của Neste, Matti Lievonen, nhớ lại rằng trong năm 2012 chín phần mười lợi nhuận hoạt động của công ty đến từ tinh luyện nhiên liệu hóa thạch, còn giờ đây năng lượng tái tạo chiếm 40%.

Không phải tất cả các công ty dầu mỏ đều muốn làm nhà sáng tạo. Nhiều công ty lên kế hoạch phát triển thêm khí đốt, nhưng cũng nhấn mạnh rằng nhu cầu của thế giới đối với dầu làm nguyên liệu cho hóa dầu sẽ giúp giữ ngành kinh doanh dầu mỏ tồn tại ngay cả khi nhu cầu từ xe hơi suy yếu. Cơ quan Năng lượng quốc tế dự đoán hóa dầu sẽ tăng nhu cầu dầu mỏ lên gần 6 triệu thùng một ngày trong 25 năm tới. Các công ty dầu mỏ đang tạo áp lực lên các chính phủ nhằm áp thuế carbon, vì tin rằng đó là cách tốt nhất để loại trừ than và thúc đẩy khí đốt tự nhiên, ít nhất là cho đến thời của năng lượng tái tạo và pin. Cho đến hiện nay, các chính phủ thể hiện rất ít sự quan tâm đối với các loại thuế như vậy. Cơ quan Năng lượng quốc tế tính toán rằng thị trường carbon chỉ chiếm khoảng 11% lượng khí thải liên quan đến năng lượng toàn cầu trong năm 2014. Ngược lại, 13% lượng khí thải có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp tiêu dùng.

Nhiên liệu dùng trong giao thông vận tải bị đánh thuế rộng rãi hơn, nhưng ở mức rất khác nhau, dao động từ cao ở châu Âu đến thấp ở Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng ở Mỹ dễ điều chỉnh mức tiêu thụ nhiên liệu hơn nơi khác thông qua các tiêu chuẩn hiệu quả nhiên liệu, và người tiêu dùng cũng ít để ý tới các tiêu chuẩn này hơn nhiều so với các loại thuế nhiên liệu.

Nhân tố rất quan trọng thường bị đánh giá thấp trong tương lai của dầu mỏ chính là người tiêu dùng. Sự lựa chọn của người tiêu dùng, cùng với lựa chọn của các nhà sản xuất và các chính phủ, sẽ quyết định số phận cuối cùng của dầu mỏ, bởi vì dầu cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa cho người tiêu dùng, cho những chiếc xe tải vận chuyển hàng hóa, cho xe ôtô đang đi lại và tạo ra biết bao đồ dùng bằng nhựa chất đầy trong nhà.

Báo cáo đặc biệt này bắt đầu bằng cách nhớ lại xe ôtô đã thay thế xe ngựa như thế nào. Các nhà quy hoạch đô thị đã không tìm được cách xử lý các vấn đề liên quan đến phân ngựa. Chính phủ đã mở đường, đặt biển hiệu giao thông và đặt ra luật pháp cho phép chiếc xe có động cơ tự hình thành. Tuy nhiên chính là sự quyến rũ của mẫu xe Model T đối với hàng triệu người tiêu dùng cuối cùng đã loại bỏ xe ngựa khỏi mặt đường.

Tương tự như vậy, các công ty dầu mỏ có thể chuyển sự chú ý sang nhiên liệu thay thế, chính phủ có thể xoay xở với các loại thuế nhiên liệu và phí tắc nghẽn, chi phí sản xuất pin có thể đột ngột giảm xuống và lưới điện có thể được chuyển đổi sang năng lượng mặt trời và gió. Nhưng không một sự phát triển nào trong đó có thể một mình kết thúc kỷ nguyên dầu mỏ. Chỉ khi nào doanh nghiệp có thể nắm bắt được trí tưởng tượng của người dân bằng loại xe mới làm thay đổi hoàn toàn việc đi lại, chứ không phải chỉ là thay đổi nhiên liệu, thì động cơ xăng sẽ bị loại bỏ khỏi mặt đường.

Điều này có thể thành hiện thực với xe ôtô tự lái chạy điện, thậm chí có thể không còn chỉ là những cái hộp bốn bánh di động, mà còn có thể là những văn phòng, khách sạn và trung tâm giải trí di động, chạy êm ru trên đường phố suốt ngày đêm. Hoặc có thể là một đổi mới khác trong tương lai. Một vở kịch mới ở London, "Dầu", dự đoán rằng thời đại hydrocarbon sẽ kết thúc với việc Trung Quốc khai thác Heli-3 trên Mặt trăng làm nhiên liệu cho xe hơi năng lượng hạt nhân và nhà cửa trên Trái đất. Dù hình dung cụ thể trong đầu bạn như thế nào, sẽ vẫn còn có nhiều cuộc chiến tranh và các cú sốc dầu mỏ. Nhưng khi các động cơ đốt trong cuối cùng đánh mất vị thế chủ chốt trên những con đường của thế giới thì thời đại của dầu mỏ cũng đến lúc phanh lại.

Quỳnh Anh
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc