Các vị thánh và những lá cờ

Union Flag*. Photo courtesy Rum Bucolic Ape.

Lá cờ Vương quốc liên hiệp Anh do những người ủng hộ Brexit phất lên có thể mất hết lý tưởng thiêng liêng.

Khi tương lai chính trị và hiến pháp của Vương quốc liên hiệp Anh đang nằm trong tay các thẩm phán đáng kính ở London, những người biểu tình mong muốn Anh quan hệ mật thiết với châu Âu ở Scotland và Ireland lại lớn tiếng yêu cầu một đường biên giới rõ ràng hơn. Rất nhiều vấn đề tưởng chừng đã có câu trả lời ổn thỏa dường như cần xem lại. Chỉ những ai dũng cảm lắm mới đặt cược cả đống tiền vào Vương quốc Anh và tin rằng cách thức tồn tại như hiện nay của nó sẽ còn tiếp tục lâu dài ở thế kỷ 21 này. Và nếu Vương quốc Anh không duy trì được hình thái hiện tại, rất nhiều thứ khác có thể thay đổi theo, bao gồm cả hình ảnh quen thuộc của 3 nhân vật linh thiêng trong Kitô giáo được đặt chung trên một lá cờ.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn. Lá cờ của Vương quốc Anh kết hợp biểu tượng của các thánh bảo hộ cho các vùng đất hợp thành, bao gồm thánh George của vùng England (nước Anh) với một chữ thập đỏ đơn giản trên nền trắng; thánh Andrew của Scotland với chữ thập chéo màu trắng trên nền xanh dương; và thánh Patrick của Ireland với chữ thập chéo màu đỏ trên nền trắng. Hình ảnh của các vị thánh ẩn hiện trong những ký ức của cộng đồng ở vùng đất mà các ngài bảo hộ, đồng thời kết nối những vùng đất đó tới những bờ cõi xa xôi khác, nhưng đến nay không biểu tượng nào thoát khỏi tranh cãi.

Thánh George là một nhân vật còn nhiều bí mật. Người ta tin Ngài là một người lính trẻ, đã bị tra tấn và chặt đầu sau khi chống lại Hoàng đế La Mã Diocletian trong cuộc bức hại những người theo Kitô giáo vào năm 303. Truyền thuyết cho rằng Ngài lớn lên ở thành phố Lydda của La Mã, gần địa phận Tel Aviv ngày nay, hay còn được gọi là Lod trong tiếng Hebrew và Al-Ludd trong tiếng Ả Rập. Nước Anh là một trong nhiều vùng đất khẳng định có mối liên kết với Ngài; Ngài cũng được dân chúng nước cộng hòa Malta và Georgia tôn thờ, và ở xung quanh khu vực Levant (cận Đông) và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có nhiều đền thờ thánh George nơi người Hồi giáo thường xuyên hành hương. Nhiều người theo chủ nghĩa tự do đặt câu hỏi liệu một anh hùng Kitô giáo tôn sùng các cuộc Thập Tự Chinh có phải là người bảo hộ phù hợp cho một nước Anh đa văn hóa. Nhưng người ta cũng có thể lập luận rằng thánh George có tư tưởng tiến bộ: theo cách hiểu này, Ngài là một nhân cách can đảm vượt lên áp bức về văn hóa của đế chế La Mã vốn lấy quyền lực làm tôn chỉ. Dù biểu tượng chữ thập của Ngài vẫn được người hâm mộ bóng đá hay người bảo thủ cực hữu giương cao; hay được treo ở các nhà thờ địa phương và cả quán rượu, người Anh sẽ còn tranh cãi xem thánh George thuộc về đâu.

Thánh Andrew, một ngư phủ và môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, là một nhân vật lớn trong lịch sử của tôn giáo này, nhưng có người cho rằng Ngài không có nhiều mối liên hệ với Scotland. Không chỉ Hải quân Nga mà cả nhân dân các nơi như thành phố Patras của Hy Lạp (nơi khi xưa Ngài bị hành hình), Ba Lan, đảo Síp và Romani đều tôn thờ Ngài. Người dân Scotland tôn thờ Ngài sớm nhất từ đầu thời kỳ trung cổ. Việc này bắt đầu kể từ khi một tu sĩ có tên Regulus mang một phần di hài của Ngài đến vùng đất là khuôn viên Đại học Saint Andrew hiện nay. Trong thế kỷ 9, khi vua Angus khải hoàn với bức ảnh chân dung và cây thập giá của Ngài, mối liên kết đã trở nên chặt chẽ. Nhiều người Scotland tin rằng vị thánh người Ireland tên là Columba hay Columcille, người đã biến miền biển phía tây của Scotland trở thành một vùng thánh địa soi sáng cho những miền đất khác, là vị thánh có vai trò lịch sử thực tế hơn nhiều. Nhưng dấu gạch chéo màu trắng trên nền xanh vẫn được coi là lá bùa hộ mệnh cho giấc mơ độc lập của người Scotland, và một ngày nào đó nó có thể sẽ tung bay ở Brussels như ngọn cờ của một Scotland độc lập với tư cách thành viên của Liên minh châu Âu. Nếu điều này trở thành sự thật, nó sẽ bị xóa khỏi lá cờ của Vương quốc liên hiệp Anh, chấm dứt sự kết hợp giữa biểu tượng của thánh George và thánh Andrew, xuất hiện lần đầu vào năm 1606 và được công nhận chính thức một thế kỷ sau đó.

Nguồn gốc của thánh Patrick mang tính địa phương nhiều hơn, mặc dù thật khó xử cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland, vị thánh này đến từ Vương quốc Anh. Sinh ra vào cuối thời La Mã, có thể ở hạt Cumbria (Anh) hoặc vùng tây nam Scotland, Ngài đã bị bắt và đưa đến Ireland từ khi còn là một cậu bé. Sau đó Ngài trốn thoát, có lẽ là tới Pháp, và trở lại để cảm hóa vùng đất nơi mình từng bị giam giữ. Vị thánh này được người dân trên toàn Ireland tôn thờ, đặc biệt là ở phía bắc và phía tây, và bởi cả những người Ireland xa quê vẫn hoài nhớ cố hương; nhưng biểu tượng của Ngài trên lá cờ (được đưa vào lá cờ Vương quốc liên hiệp Anh vào những năm đầu thế kỷ 19, sau khi Quốc hội Ireland bị giải tán) có rất ít tính cộng hưởng. Đội bóng bầu dục thành công của Ireland và nhà thờ Anh giáo (cả hai đều là tổ chức đảo-Ireland-thống-nhất (all-island institutions) và mang hơi hướng nước Anh) thuộc về số ít các tổ chức đã sử dụng lá cờ này.

Lá cờ hiện nay có một điểm gây khó xử đó là không có biểu tượng của thánh David, vị thánh bảo hộ của xứ Wales, người sáng lập tu viện và là tổng giám mục ở thế kỷ 6. Nhưng ít ra, sự gắn kết giữa Ngài và vùng đất Ngài bảo vệ là có cơ sở vững chắc nhất. Biểu tượng của Ngài gồm có một hình chữ thập màu vàng trên nền đen. Nhưng với người dân xứ Wales có số phận dường như luôn gắn liền với nước Anh, hình ảnh của một con rồng đỏ trên nền màu xanh lá cây và màu trắng vẫn quen thuộc hơn nhiều hình ảnh cây thập giá. Năm 2014, khi Scotland rục rịch đòi độc lập, nhiều người tự hỏi làm thế nào để lá cờ mới có thể kết hợp biểu tượng chữ thập của thánh David trong khi bỏ biểu tượng của thánh Andrew. Người ta vẫn chưa tìm ra được ý tưởng thiết kế nào đáp ứng tính thẩm mỹ.

Có lẽ còn một lá cờ mà người dân Anh sẽ ít được nhìn thấy hơn, là lá cờ gồm mười hai ngôi sao trên nền xanh dương của Liên minh châu Âu. Nhưng gần đây Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson đã phải lúng túng trước câu hỏi của nghị sĩ Andrew Rosindell thuộc Đảng Bảo thủ, thắc mắc rằng liệu có nên treo lá cờ của Khối Thịnh vượng chung (có hình một quả cầu vàng trên nền xanh) vốn chẳng mấy ai biết tới thường xuyên hơn hay không. "Lá cờ đó cũng hay đấy," bộ trưởng nổi giận sau khi được một phụ tá cho xem hình ảnh phác thảo, "nhưng tôi sẽ không hứa treo nó đâu."

Phương Anh
The Economist


* The national flag of the UK is known as the Union Jack or Union Flag. The modern flag dates from 1801, when it was formed from the St George's Cross (red on white), St Patrick's Saltire (red x-shaped cross on white) and St Andrew's Saltire (white cross on blue).
Tags: ireland

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc