Okinawa: thiên đường du lịch và pháo đài phẫn nộ của Nhật Bản

Okinawa. Photo courtesy Jiashiang.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Đông Á kéo theo rắc rối cho quần đảo Ryukyu.

Tại thời điểm này trong năm, những mảng băng trôi đang nghiền lên những bãi biển miền bắc Nhật Bản, nhưng tại quần đảo Ryukyu ở miền Nam người nông dân vẫn đang thu hoạch mía. Các quần đảo Nhật Bản kéo dài trên một khoảng rất dài: từ mũi đất Soya ở phía bắc Hokkaido có thể thấy một vết mờ trên đường chân trời chính là đảo Sakhalin thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Từ hòn đảo nhỏ Yonaguni, hòn đảo cuối cùng trong chuỗi đảo Ryukyu, đôi khi bạn có thể nhìn thấy những ngọn núi phía đông Đài Loan.

Trong năm mới âm lịch, quần đảo Ryukyu, hợp thành quận Okinawa, tràn ngập du khách. Okinawa ngày càng nổi tiếng là một hòn đảo thiên đường với tất cả mọi người. Các chuyến du lịch trọn gói đem tới rất nhiều gia đình du khách từ Trung Quốc đại lục tới sân bay Naha, thủ phủ của tỉnh Okinawa, để tham quan mặt trời mùa đông, tới trung tâm mua sắm miễn thuế và thưởng thức món thịt hộp xào đặc sản. Khoảng 400km xa hơn về phía nam, một chiếc tàu du lịch len lỏi giữa các rạn san hô vào cảng chính của đảo Ishigaki và đưa khách du lịch Đài Loan đến tìm những viên ngọc trai đen địa phương. Một vài nhà thám hiểm thậm chí đã tới tận Yonaguni, cùng lặn biển với những chú cá mập đầu búa hoặc đứng trên bờ cảng Kubura để xem các ngư dân kéo mẻ lưới cá kiếm đánh được trong ngày. Hòn đảo nằm ở giữa dòng hải lưu mang sự sống Kuroshio, vốn được xem như một dòng Gulf Stream của vùng tây Thái Bình Dương.

Về mặt an ninh quân sự, Okinawa được coi là một đảo đồn trú. Tiếng gầm rú của những chiếc tiêm kích F-15 chắc chắn là một đặc trưng trong cuộc sống thường ngày ở Naha, nhưng hầu hết du khách thấy rất ít sự hiện diện quân sự ở đây. Cảm giác yên bình không phải chỉ là điều bịa đặt trong tờ quảng cáo du lịch. Chủ nghĩa hòa bình vốn ăn sâu vào ý thức của người dân Okinawa. Cựu thống đốc Masahide Ota từng kể rằng đặc điểm chính của vương quốc Ryukyu, vốn độc lập cho đến khi bị Nhật Bản sáp nhập vào năm 1879, là "dốc lòng vì hòa bình và không có vũ khí". Người Okinawa thích kể chuyện về Basil Hall, một thuyền trưởng hải quân đã đến thăm hòn đảo vào năm 1816 và đã kinh ngạc trước một vương quốc hòa nhã, lịch thiệp và dường như không có vũ khí. Thuyền trưởng Hall sau này đã kể lại với Napoleon Bonaparte tại St Helena và khiến vị hoàng đế lưu vong này kinh ngạc với những câu chuyện về Ryukyu. "Nhưng không có vũ khí, làm sao họ chiến đấu?" Napoleon thốt lên.

Thật sự thì, vẫn có vũ khí. Nhưng nằm giữa các nước láng giềng to lớn hơn, là Trung Quốc và Nhật Bản, khuyến khích chuẩn mực đạo đức theo Nho giáo là điều thích hợp với người dân Ryukyu. Và hòa bình là một điều mong manh, ngay cả ngày nay. Cũng như Hokkaido đã trải qua thời kỳ chiến tranh lạnh đầy cạm bẫy đối diện với Liên Xô, quần đảo Ryukyu cũng bị cuốn vào địa chính trị của thế kỷ 21 ở Đông Á. Yonaguni cách Đài Loan chỉ hơn 100 km, và thật khó mà tưởng tượng xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ trên đất nước ấy sẽ không ảnh hưởng tới Nhật Bản. Yonaguni cũng là đảo có người sinh sống của Nhật Bản gần nhất với quần đảo Senkaku, hiện đang được Trung Quốc ngày càng quyết liệt khẳng định chủ quyền (và gọi là Điếu Ngư). Trên một ngọn đồi phía sau Kubura một hàng rào lưới và giám sát CCTV đang được dựng lên xung quanh một căn cứ mới cho 160 binh sĩ từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Căn cứ này có nhiệm vụ tiến hành giám sát các vùng biển và không phận xung quanh. Yonaguni đã trở thành một chiếc bẫy mới.

Căn cứ này đã gây nên tranh cãi với 1.500 người dân trên đảo, hơn hai phần năm số người đã bỏ phiếu phản đối. Ngay cả những người ủng hộ cũng đổ lỗi cho phe cánh hữu Nhật Bản, đặc biệt là cựu thống đốc Tokyo, Shintaro Ishihara, trong việc châm ngòi tranh chấp Senkaku. Cuối cùng, căn cứ được chính quyền trung ương trang bị đầy đủ và hứa hẹn về lợi ích kinh tế có được từ căn cứ đã thuyết phục được người dân.

Nhiều căn cứ nữa đang được lên kế hoạch xây dựng cho khu vực nam Ryukyu. Đang có ý kiến về việc xây một sân bay trực thăng tại khu Ishigaki đông dân cư hơn, từ đó quản lý quần đảo Senkaku. Tất cả đám xi măng và dây thép gai thậm chí có thể thuyết phục ngay cả ông Donald Trump đang hoài nghi rằng Nhật Bản sẽ hết lòng đảm đương trách nhiệm của mình trong liên minh với Mỹ. Shinzo Abe, vị thủ tướng diều hâu, không cần nhiều khích lệ.

Rất ít người ở Okinawa nghĩ rằng xung đột với Trung Quốc đang sắp tới, hoặc thậm chí là có khả năng xảy ra. Nhưng nhiều người không hài lòng với căng thẳng địa chính trị hiện tại cùng chính phủ hiếu chiến đang gieo rắc những trại quân sự đáng nguyền rủa: trước đây, phía nam Ryukyu đã từng chỉ có một căn cứ radar nhỏ.

Điều này hoàn toàn đối lập với vùng mũi phía bắc của chuỗi đảo. Okinawa, chiếm 0,6% diện tích đất của Nhật Bản, đóng vai chủ nhà chứa tới ba phần năm tất cả căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và một nửa trong số hơn 53.000 lính Mỹ. Gần một phần năm diện tích đảo chính được dùng làm căn cứ Mỹ. Trong suốt 70 năm qua, Okinawa đã là điểm tựa cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.

Người Mỹ đến đây lần đầu tiên vào năm 1850, dùng pháo hạm đưa Ryukyu cũng như Nhật Bản đến với thương mại mậu dịch. Người Mỹ xuất hiện trở lại vào cuối Thế chiến II, chiến đấu cam go với chính nước Nhật Bản. Các nhà chức trách Nhật Bản, những người trước chiến tranh đã cố gắng dập tắt các nền văn hóa và ngôn ngữ địa phương, đã tức giận phòng thủ ở Okinawa để cứu các "hòn đảo quê hương". Khoảng một phần tư người dân Okinawa đã chết, hoặc bị bắt trong cuộc chiến tàn bạo. Những người sống sót ngẩng lên thấy người Mỹ đã thành chủ nhân mới của họ. Người Mỹ sau đó không chỉ khuyến khích khẩu vị với món thịt hộp, mà còn nuôi dưỡng một bản sắc địa phương khác biệt, hy vọng sẽ làm giảm ham muốn tái gia nhập Nhật Bản của Okinawa. Khi Okinawa thật sự trở lại vào năm 1972, các căn cứ vẫn ở lại. Sự tức giận mang đến cho người dân Okinawa cảm giác chia rẽ, và thậm chí đã có cả một phong trào độc lập nhỏ.

Spam today, spam tomorrow
Trong các cuộc bầu cử, người dân Okinawa bỏ phiếu áp đảo cho các ứng cử viên chống lại các căn cứ của Mỹ cùng với tiếng ồn, tai nạn và tội phạm liên quan. Tuần này, Thống đốc Okinawa, ông Takeshi Onaga, đã bay tới Washington để thuyết phục chính quyền Trump không thực hiện việc xây dựng một căn cứ mới cho thủy quân lục chiến Mỹ rất không được lòng dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, cũng đang trên đường đến Nhật Bản, được cho là nhằm nhấn mạnh tính vững chắc của liên minh và tính cần thiết trong việc Nhật Bản và Mỹ cùng hợp tác.

Tại Tokyo đồng minh của ông Abe phát biểu không mấy tôn trọng người dân Okinawa, nhưng né tránh đề nghị xây căn cứ lớn ở khu trung tâm. Okinawa tự coi bản thân phải chịu hai ách thuộc địa, của cả Nhật Bản và Mỹ. Đáng buồn thay, với những căng thẳng trong khu vực chỉ có khả năng tăng lên, tình trạng khuất phục của Okinawa có lẽ vẫn như vậy. Và sự pha trộn kỳ lạ của thiên đường du lịch cùng với căn cứ quân sự tua tủa sẽ càng làm tăng thêm bất hòa.

Quỳnh Anh
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc