Cú điện tăng xe... pháo: Mỹ và Nga đàm, Ukraine vẫn đánh


Những cuộc đụng độ mới ở Donbas có thể cho thấy ông Vladimir Putin đang thử ông Donald Trump

Thời điểm rất đáng quan ngại. Chỉ một ngày sau cuộc điện đàm đầu tiên có vẻ thân mật giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Putin, cư dân tại thị trấn nhỏ Avdiivka thuộc phía Ukraine trên tuyến xung đột với người ly khai được Nga hậu thuẫn, đã nghe thấy nhiều tiếng vọng của hỏa lực pháo binh hạng nặng. Cuộc xung đột Nga khơi mào ở Ukraine hồi năm 2014 đã phần nào đóng băng trong hai năm qua. Nhưng ngày 29 tháng 1 nó lại bùng lên mạnh mẽ hơn.

Ba ngày sau, ngày 01 tháng 2, thi hài của bảy binh sĩ người Ukraine thiệt mạng trong chiến đấu đã được đưa đến Kiev. Maidan, quảng trường thành phố từng là hiện trường cuộc cách mạng năm 2014 của nước này, một lần nữa lại đông kín người. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những thông điệp ủng hộ các binh sĩ và kêu gọi tiếp tế nhu yếu phẩm cho các nạn nhân, cùng với video các cuộc không kích bằng tên lửa Grad của Nga. Binh sĩ Ukraine đã nhận được nhiều tin nhắn có vẻ như đã được gửi từ phía Nga: "Đối với chỉ huy của các anh, các anh chỉ là bị thịt mà thôi". Kể từ đó các cứ điểm khác thuộc Ukraine dọc theo tiền tuyến đã bị tấn công, và con số tử vong ngày càng tăng.

Sau bùng nổ xung đột, đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu chịu trách nhiệm giám sát ngừng bắn đã đổ lỗi cho "lực lượng kết hợp giữa Nga và quân ly khai" về việc khai chiến. Lực lượng Ukraine đang âm thầm tiến vào "vùng xám" trong những tháng gần đây, chiếm giữ vài cứ điểm tại một số thị trấn nhỏ. Các lực lượng nổi dậy có thể thấy đó là thời điểm thích hợp để phản công.

Cho dù ai là người bắt đầu cuộc chiến tranh, thì nạn nhân là 16.000 thường dân ở Avdiivka, những người bị cắt điện nhiều ngày khi thời tiết đang ở mức nhiệt độ -20°C, và rất nhiều người dân trong vùng lãnh thổ của quân nổi dậy đang thiếu nước. Bạo lực làm rõ hơn khó khăn trong việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk, ký vào tháng 2 năm 2015, vốn được hai bên hiểu theo cách khác nhau. Đối với phe Kiev và những người ủng hộ phương Tây, thỏa thuận này là con đường cho Ukraine tái thiết lập quyền kiểm soát phía đông và đóng cửa biên giới với Nga, sau đó sẽ thực hiện chuyển giao quyền lực cho các khu vực. Tuy nhiên, Nga lại coi những thỏa thuận ấy là cách duy trì kiểm soát đối với miền đông Ukraine, giữ biên giới mở và đòi hỏi Kiev công nhận Donbas là một khu vực tự trị trong Ukraine. Điều này sẽ đem lại cho Nga ảnh hưởng lâu dài lên tương lai của Ukraine.

Từ quan điểm của Ukraine, bạo lực là lời cảnh báo đối với các các đồng minh Mỹ và châu Âu, khi một số nước đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. "Ai dám nói về việc dỡ bỏ biện pháp trừng phạt trong tình hình này?" ông Petro Poroshenko, tổng thống Ukraine, đã đặt câu hỏi và rút ngắn chuyến thăm tới Đức để xử lý cuộc khủng hoảng. Ông Poroshenko sau đó tuyên bố rằng ông sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu quốc gia về việc gia nhập NATO—vấn đề vốn được Nga xem là một lằn ranh đỏ [red line: lằn ranh đỏ - thuật ngữ chính trị, để chỉ giới hạn vô hình trong các hành xử giữa các quốc gia] và chính bản thân NATO không mong muốn.

Nghi ngờ về ông Donald
Giới quan sát tình hình nước Nga cho rằng ông Putin có thể đã cố tình dấy lên các cuộc xung đột để thử người đồng cấp Mỹ mới nhậm chức. Ông Trump đã hứa hẹn về mối quan hệ tốt hơn với Moscow. Ông Putin có lẽ quyết định thăm dò xem liệu ông Trump có sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ đối với hành động của Nga ở Ukraine, điểm chính trong mâu thuẫn giữa hai nước. Chính phủ Nga cho biết vấn đề Ukraine đã được thảo luận trong cuộc điện đàm.

Trong quá khứ, khi chiến sự leo thang tới mức đáng lo ngại thì Nhà Trắng hoặc Bộ Ngoại giao sẽ nhanh chóng đưa ra phát ngôn với từ ngữ mạnh mẽ lên án sự xâm lược của Nga và ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ đối với Ukraine. Lần này phải mất hai ngày Bộ Ngoại giao mới có phát ngôn "quan ngại sâu sắc"; và không đề cập gì đến Nga. Phản ứng này được Moscow ghi nhận thích đáng. "Washington đổ lỗi lên phe [ly khai] cộng hòa, không thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev và không nói một lời nào về vai trò của Nga," tờ Rossiiskaia Gazeta, tờ báo chính thức của nhà nước Nga, đã hân hoan viết như vậy.

Điện Kremlin cũng ghi nhận khi Mỹ không có phản ứng nào đối với tin tức về việc ông Aleksey Anatolyevich Navalnyy, nhà lãnh đạo đối lập và vận động chống tham nhũng, sẽ tiếp tục bị xét xử về tội vu cáo. Ông Navalny đã cam kết sẽ tranh cử đối đầu với ông Putin trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới, nhưng giờ đây có khả năng sẽ phải quan sát cuộc tái tranh cử của ông Putin từ trong nhà tù.

Quỳnh Anh
The Economist

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc