Lối đi ngọc lục bảo: Brexit đe dọa ngành công nghiệp cho thuê máy bay của Ireland

Photo courtesy Gavin.

Với Dublin, những lợi ích tiềm ẩn của Brexit đi kèm với thách thức.

Những tòa nhà kính văn phòng nằm ven các cảng ở Dublin vẫn đứng đó đầy tự hào; nhưng các ngân hàng đã xây lên chúng thì không còn giữ được vẻ như vậy. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm sụp đổ sáu ngân hàng lớn nhất của Ireland. Trong vòng 5 năm, Dublin từ vị trí thứ 10 tụt xuống thứ 70 trên bảng xếp hạng những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới của Z/ Yen, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London. Việc nước Anh sẵn sàng rời khỏi thị trường chung châu Âu làm lóe lên những tia hy vọng rằng cơ may dành cho Dublin có thể sẽ trở lại. Có một trụ sở nói tiếng Anh để từ đó tiếp tục kinh doanh bên trong Liên minh châu Âu có thể là điều hấp dẫn đối với các ông chủ ngân hàng ở London. Nhưng ngày càng có nhiều lo lắng rằng những tác động đối với Dublin không chỉ toàn điều tốt đẹp.

Để biết tại sao, hãy nhìn vào ngành tài chính phục vụ việc cho thuê máy bay, có lẽ là ngành thành công nhất của thành phố này. Brexit là chủ đề nổi bật nhất trong các cuộc đối thoại bên lề tại hai hội nghị về tài chính cho thuê máy bay lớn nhất thế giới tổ chức tại Dublin trong tháng này. Thu hút hơn 4.500 nhân vật quyền lực, những nhà cho thuê và các ông chủ ngân hàng trong ngành hàng không, các cuộc tụ họp như vậy thường tập trung vào các vấn đề như giá máy bay và chu trình hàng không. Năm nay, vấn đề địa chính trị chiếm trọn thời gian thảo luận. “Tại Ireland, về phía tây, chúng tôi bị Trump bao vây, còn về phía đông là Brexit,” một người kỳ cựu trong ngành thở dài thất vọng.

Việc cấp tài chính và cho thuê máy bay là ngành công nghiệp đặc thù của Ireland. Lịch sử của ngành cho thuê máy bay bắt đầu vào những năm 1970 như một cách để Aer Lingus, hãng hàng không quốc gia của Ireland, khai thác những chiếc máy bay trong mùa đông với lượng hành khách ít ỏi. Trước đó, các hãng hàng không sở hữu tất cả máy bay của họ. Việc cho thuê cho phép họ có thể tài trợ việc mở rộng hoặc thu hẹp nhanh chóng đội bay của mình mà không vướng vào nợ nần. Năm 1980, số máy bay được thuê chỉ là 2%. Giờ đây, con số đó là hơn 40%.

Đối với một quốc gia có dân số dưới 5 triệu người, Ireland đã tạo nên một câu chuyện thành công toàn cầu về cho thuê máy bay. Các công ty Ireland quản lý hơn 5.000 máy bay thương mại, trị giá trên 130 tỷ USD, chiếm một nửa số máy bay cho thuê và một phần tư đội bay toàn cầu. Mặc dù, đã có lúc, người ta chủ yếu cho rằng các công ty cho thuê này của Ireland hợp tác với các hãng hàng không châu Phi đang gặp khó khăn không thể nhận được các khoản vay ngân hàng, nhưng giờ đây, hầu như tất cả mọi người đều thuê máy bay, ông Peter Barrett, ông chủ của công ty SMBC Aviation Capital, cho biết.

Các hãng cho thuê máy bay đã tận dụng cơ hội khi các ngân hàng sụp đổ, và thuê lại văn phòng trước đây của các ngân hàng này ở trung tâm Dublin. Ngành công nghiệp này ở Ireland hiện đang tăng trưởng rất nhanh, làm méo mó số liệu kinh tế của đất nước này. Mức tăng trưởng GDP 26% chính thức vào năm 2015 phần lớn là kết quả của việc các hãng cho thuê mua rất nhiều máy bay mới; phần còn lại của nền kinh tế có lẽ chỉ tăng trưởng khoảng 5%.

Mặc dù hãng cho thuê máy bay đầu tiên của Ireland, Guinness Peat Aviation (GPA), sụp đổ vào năm 1993, Ireland vẫn là trung tâm toàn cầu về ngành công nghiệp này. 14 trong số 15 hãng cho thuê máy bay lớn nhất thế giới hoạt động ở đây. Patrick Blaney, ông chủ trước đây của GPA, nêu lên một loạt những hấp dẫn. Dublin có nguồn nhân lực sẵn có và được đào tạo trong việc quản lý và cấp tài chính cho việc thuê máy bay. Thành phố này là trụ sở của cơ quan đăng ký máy bay quốc tế cho phép chủ sở hữu các máy bay có thể nhanh chóng lấy lại các máy bay của họ nếu một hãng hàng không không thể thanh toán tiền thuê. Và chế độ thuế suất thấp của Ireland cũng làm tăng thêm biên lợi nhuận vốn mỏng manh của ngành công nghiệp này. Thuế doanh nghiệp thấp ở mức 12,5%, các khoản miễn thuế cố định đầy hào phóng và mạng lưới rộng lớn của điều ước quốc tế tránh đánh thuế hai lần, tất cả đều giúp sức thêm cho ngành công nghiệp này.

Thoạt nhìn, Brexit không hề có tác động trực tiếp nào tới những lợi thế này. Nhưng nó làm cho ngành công nghiệp này phải lo lắng. Một cuộc khảo sát các giám đốc điều hành của các hãng tài chính phục vụ cho thuê máy bay trong tháng này do hãng tư vấn Deloitte thực hiện cho thấy 38% các vị giám đốc nghĩ Brexit sẽ làm mất đi tính hấp dẫn của Ireland như một trung tâm cho thuê máy bay. Tỷ lệ này đối với các nhà quản lý bên ngoài Ireland còn cao hơn nhiều, ông Pieter Burger ở hãng Deloitte cho hay. Họ biết rằng các trung tâm tài chính khác như Hồng Kông và Singapore đang tích cực thu hút những hãng cho thuê rời bỏ Dublin bằng những mức thuế suất thấp hơn và các ưu đãi khác. Gần một phần ba số giám đốc điều hành các hãng tài chính cho thuê máy bay nói rằng họ có thể chuyển hoạt động ra khỏi Ireland nếu nước này thay đổi chính sách thuế theo chiều hướng xấu.

Đây là điểm mà Brexit đưa đến mối đe dọa tiềm tàng cho Ireland. Pháp và Đức từ lâu đã muốn Ireland thống nhất hệ thống thuế doanh nghiệp của nước này với hệ thống của họ với tỷ suất thuế cao hơn nhiều. Sau Brexit, nước Anh, đồng minh lớn duy nhất của Ireland phản đối hệ thống thống nhất thuế suất của châu Âu, sẽ không còn chiếc ghế trên bàn đàm phán. Nhiều người tại Ireland tin rằng Liên minh châu Âu đã gần đạt được điều mình muốn. Họ minh chứng bằng số tiền phạt lớn do Ủy ban châu Âu áp cho Apple năm ngoái, khi gã khổng lồ công nghệ này bị kết tội trả quá ít tiền thuế ở Ireland, và họ cũng chỉ ra những kế hoạch chuẩn hóa các quy tắc về cách tính thuế doanh nghiệp.

Dublin đúng là có những thuận lợi đối với các công ty đang né tránh một Brexit đầy khó khăn: dân cư nói tiếng Anh, hệ thống pháp luật rất tương đồng và sự quản lý nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nhiều hãng cho thuê máy bay nói rằng họ sẽ kín đáo nhẹ nhõm nếu hàng loạt các ông chủ ngân hàng rời London không đến đây. Thành phố này vốn đã thiếu thốn không gian văn phòng, nhà ở, đường sá và những trường học quốc tế. Các chuyên viên Ngân hàng trung ương Ireland đang lo lắng về việc liệu họ có đủ chuyên môn cần thiết để điều tiết một số các giao dịch phức tạp khi chúng có thể rời khỏi nước Anh. Ngay cả khi Ireland vẫn giữ được lợi thế về thuế của mình, việc các nhà tài chính ồ ạt rời khỏi London hậu Brexit có thể sẽ không phải là một thuận lợi không tỳ vết.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: ireland

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc