Tài nguyên cát: sự thiếu hụt không ngờ ở cấp độ toàn cầu

Camel ride in the Thar desert near Jaisalmer, India. Photo courtesy vil.sandi.

Nhờ hoạt động xây dựng bùng nổ ở châu Á, cát đang có nhu cầu cao.

“Cát tặc” Ấn Độ đang làm ăn phát đạt. Tờ Times of India ước tính rằng thị trường cát bất hợp pháp trị giá khoảng 150 tỷ rupee (2,3 tỷ USD) một năm; chỉ riêng một khu khai thác ở Tamil Nadu, 50.000 xe tải cát được khai thác mỗi ngày và buôn lậu sang các bang lân cận. Các băng nhóm trên khắp đất nước thường xuyên sử dụng bạo lực, tranh giành thu lợi nhuận từ sự bùng nổ xây dựng.

Phần lớn nền kinh tế toàn cầu hiện đại phụ thuộc vào cát. Hầu hết cát được đổ vào ngành công nghiệp xây dựng, nơi cát được sử dụng để làm bê tông và nhựa đường. Một số lượng cát mịn nhỏ hơn được sử dụng để sản xuất thủy tinh và thiết bị điện tử, và, đặc biệt ở Mỹ, để khai thác dầu từ đá phiến dầu trong ngành công nghiệp fracking (ngành khai thác thủy lực). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cát và sỏi là những vật liệu được khai thác nhiều nhất trên thế giới. Một báo cáo năm 2014 do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) ước tính, mỗi năm, cát và sỏi chiếm đến 85% trọng lượng của tất cả sản phẩm khai mỏ trên toàn cầu.

Với việc ngành xây dựng nhà cửa ở phương Tây vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc khủng hoảng 2007-2008, châu Á đã và đang là nguồn cầu chính đối với cát, lớn hơn nhiều so với phương Tây. Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Freedonia cho thấy, trong 13,7 tỷ tấn cát được khai thác trên toàn thế giới để phục vụ xây dựng vào năm ngoái, 70% được sử dụng ở châu Á. Chỉ riêng ở Trung Quốc đã sử dụng một nửa trong số này, khi chính phủ nước này ước tính rằng họ đã xây dựng 32,3 triệu ngôi nhà và 4,5 triệu km đường từ năm 2011 đến năm 2015.

Cát cũng thường được dùng để tạo nền móng cho chính việc xây dựng. Nhờ đổ một số lượng lớn cát xuống biển, ngày nay, diện tích của Singapore đã rộng ra hơn 20% so với thời điểm nước này độc lập vào năm 1965. Trung Quốc và Nhật Bản đã lấn biển với những vùng đất còn rộng lớn hơn thế, và Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế bức xúc khi xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá tranh chấp ở Biển Đông. Ở những nơi khác, việc lấn biển lại là sự cần thiết không mong muốn: Maldives và Kiribati phải đối phó với mực nước biển dâng bằng cách lấy cát từ các đảo nhỏ hơn hoặc dưới đáy biển để đắp lên những đảo lớn hơn. Khi mực nước biển dâng cao hơn nữa, và dân cư đô thị phình to ra—Liên Hợp Quốc dự đoán sẽ tăng gần 1 tỷ người vào năm 2030— người ta sẽ lùng sục cát thậm chí còn nhiều hơn.

Cát có vẻ như rất dồi dào, nhưng là trên thực tế, nó đang trở nên khan hiếm. Không phải tất cả các loại cát đều hữu ích: cát sa mạc quá mịn nên không thể dùng cho hầu hết các mục đích thương mại. Các vùng cát dự trữ cũng cần phải nằm ở gần địa điểm xây dựng; vì chi phí vận chuyển rất cao so với giá nên việc vận chuyển cát đi xa là không kinh tế. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản các quốc gia có nguồn tài nguyên trong nước hạn chế (và rủng rỉnh về tài chính). Singapore và Qatar là các nhà nhập khẩu lớn; tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai được xây dựng bằng cát nhập khẩu từ Úc.

Cát đang được khai thác với tốc độ lớn hơn nhiều so với khả năng tái tạo trong tự nhiên, và sự suy giảm trữ lượng cát hiện đang làm tổn hại đến môi trường. Việc nạo vét cát ở sông và biển làm ô nhiễm môi trường sống tự nhiên, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp đánh bắt cá và trồng trọt ở địa phương. Việc khai thác cát ở hồ Poyang, Trung Quốc— UNEP tính toán rằng đây có thể là khu khai thác cát lớn nhất thế giới—được cho là đã khiến mực nước hạ thấp. Các bãi biển ở Morocco và Caribbean đã bị nạo sạch cát, làm giảm khả năng hấp thụ nước khi thời tiết có bão. Một báo cáo gần đây về các vấn đề môi trường đang nổi lên của một nhóm nhà khoa học, đứng đầu là William Sutherland tại Đại học Cambridge, chỉ ra rằng những rủi ro đó sẽ chỉ gia tăng khi tình trạng khan hiếm cát tồi tệ hơn.

Ở phương Tây, những lo ngại như vậy đã dẫn đến việc hạn chế những nơi có thể khai thác cát. Ví dụ, ở Mỹ, việc khai thác cát xa bờ hoặc gần khu dân cư lớn bị hạn chế. Các quy định cũng đã được đưa ra tại nhiều nước đang phát triển. Việc các bờ biển cứ mỏng dần và một số hòn đảo biến mất hoàn toàn, đã khiến Indonesia và Malaysia cấm xuất khẩu cát sang Singapore. Myanmar đã cấm khai thác cát trên một số bờ biển, Campuchia và Việt Nam đưa ra những hạn chế việc xuất khẩu.

Trái ý muốn
Nhưng các quy định không phải luôn luôn được thực thi. Ông Sumaira Abdulali thuộc quỹ Awaaz Foundation, một tổ chức từ thiện ở Mumbai, cho rằng các quan chức Ấn Độ có nhiệm vụ giám sát việc khai mỏ thường bị đe dọa bởi bọn “cát tặc”; ngay cả khi các băng nhóm có giấy phép, chúng thường khai thác vượt quá giới hạn cho phép mà không hề bị phạt. Nhà nước không có nhiều nỗ lực theo dõi việc buôn bán cát, vì vậy cát khai thác bất hợp pháp có thể được giao dịch tương đối dễ dàng. UNEP ước tính rằng một nửa số cát được sử dụng trong xây dựng và công nghiệp ở Morocco có nguồn gốc từ khai thác ven biển bất hợp pháp. Trớ trêu thay, những bãi biển đang bị nạo sạch cát để giúp xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch. Tại Campuchia, các tổ chức từ thiện cáo buộc rằng việc xuất khẩu cát sang Singapore đã không được báo cáo đầy đủ một cách có hệ thống để che đậy việc khai thác mỏ bất hợp pháp. (Tháng 11, chính phủ Campuchia phản ứng bằng cách ngưng tất cả việc xuất khẩu cát.)

Trên thực tế, hoàn toàn có sản phẩm thay thế cát. Bùn có thể được sử dụng cho việc khai hoang lấn biển, rơm và gỗ để xây dựng nhà ở, và bột đá để làm bê tông. Nhựa đường và bê tông có thể được tái chế. Ông Zoe Biller thuộc công ty nghiên cứu Freedonia cho rằng quy trình sản xuất sẽ chuyển sang sử dụng những lựa chọn thay thế này khi giá cát tăng lên. Ở một số nước giàu, sự thay đổi này đã được tiến hành, và được khuyến khích bởi chính sách của chính phủ. Theo Hiệp hội Sản phẩm khoáng của Anh, 28% vật liệu xây dựng sử dụng ở Anh vào năm 2014 đã được tái chế. Kế hoạch tái chế 75% thủy tinh vào năm 2025 của châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng cát công nghiệp. Singapore có kế hoạch dựa vào các chuyên gia người Hà Lan cho dự án khai hoang lấn biến tiếp theo của mình. Sử dụng hệ thống đê điều và máy bơm, nước này sẽ ít phụ thuộc hơn vào cát.

Việc nhu cầu của Singapore giảm đi có thể sẽ không khuyến khích việc khai thác bất hợp pháp ở các nước lân cận. Giá cả tăng cao cuối cùng sẽ buộc các nhà xây dựng ở các nước đang phát triển phải tìm những lựa chọn thay thế cát. Nhưng nếu việc thực thi pháp luật không được cải thiện, giá cát cao cũng làm cho việc khai thác bất hợp pháp hấp dẫn hơn. Bất chấp những hậu quả tai hại, bọn cát tặc sẽ tiếp tục cào bới cát trong một thời gian nữa.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc