Hoàng tộc Nhật Bản đang bị thu hẹp đáng kinh ngạc

Photo courtesy Benjamin Hollis.

Nếu phụ nữ không thể kế thừa Ngai vàng Hoa Cúc, có lẽ sẽ không còn ai kế vị.

Chết vì làm việc quá sức được coi là một đặc trưng tại nơi làm việc ở Nhật Bản đến nỗi có riêng một từ để nói về việc này: karoshi. Đối với Nhật hoàng, karoshi, hay ít nhất là việc chết trong khi đương nhiệm, cho tới nay là bắt buộc, vì không có điều khoản nào trong Luật Hoàng gia áp dụng cho Hoàng tộc, nói về việc nghỉ hưu tự nguyện. Điều đó có vẻ có chút bất công đối với Nhật hoàng Akihito nay đã 83 tuổi bị ung thư tuyến tiền liệt và đã phải phẫu thuật tim. Tuy nhiên, tuần trước, khi nội các của thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn dự luật cho phép Nhật hoàng thoái vị—chỉ lần này thôi, nhắc bạn vậy—những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nhật Bản đang giận sôi lên. Họ sùng kính Nhật hoàng đến cực độ, bất chấp ý muốn của Ngài ấy. Và họ nói, ông Abe đem một truyền thống linh thiêng ra để đùa nghịch.

Mười tháng trước, trong một tuyên bố trên truyền hình, Nhật hoàng Akihito bóng gió về mong muốn từ chức. Ông nói, tuổi tác và tình trạng sức khoẻ suy giảm đang lên tiếng và khiến ông khó thực hiện nhiệm vụ chính thức của mình được trọn vẹn. Ông nói rõ ràng rằng những nhiệm vụ này không chỉ mang tính nghi thức mà còn liên quan đến việc kết nối sâu sắc với người dân thường Nhật Bản.

Hiến pháp hậu chiến của nước này quy định rằng Nhật hoàng không phải là thượng đế đứng trên pháp luật, như đã từng trước khi Nhật thất bại năm 1945. Thay vào đó, Nhật hoàng là "biểu tượng của nhà nước ... có được vị trí của mình từ ý nguyện của người dân", những người rõ ràng đang nắm chủ quyền trong tay. Kể từ trước khi lên ngôi khi cha ông -- Nhật hoàng Hirohito qua đời -- vào năm 1989, ông Akihito và phu nhân - bà Michiko đã thể hiện mong muốn đưa Hoàng tộc xuống mức như người dân bình thường, đôi khi theo nghĩa đen — ví dụ, quỳ xuống khi họ khấn vái các nạn nhân của những vụ thiên tai thường xuyên ở Nhật Bản. Trong tuyên bố vào năm ngoái, Nhật hoàng nói rằng hiểu rõ nhiệm vụ của ông là biểu tượng của nhà nước cũng là trau dồi "nhận thức ở cùng với người dân". Do đó, việc đi lại của ông khắp Nhật Bản, thậm chí đến những nơi xa xôi nhất, là "hành động quan trọng" đối với ông.

Những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lại coi khinh việc hạ mình như vậy. (Ông Akihito được cho là đã bị xúc phạm khi năm ngoái, các học giả bảo thủ nói rằng ông chỉ nên kiên trì cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ của đạo Thần Shinto). Tệ hơn, trong mắt họ, ông Akihito đi tìm sự tha thứ từ những nước láng giềng và những kẻ thù cũ cho những hành động trong thời chiến của Nhật. Những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan phủ nhận Nhật Bản là một kẻ hung hăng hay đã gây nên những tội ác; họ nói rằng Nhật Bản là nạn nhân, bao gồm cả việc là nạn nhân hứng chịu việc ném bom hạt nhân. Họ vui mừng khi, sau chiến tranh, những người chiếm đóng Mỹ tại Nhật và giới tinh hoa chính trị đã thay đổi hình ảnh của Nhật hoàng Hirohito, người đã đồng lõa với chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, thành một con người theo chủ nghĩa hòa bình mẫu mực.

Việc Nhật hoàng Akihito được dân chúng đặc biệt yêu quý cho thấy những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng đầu, mặc dù có ảnh hưởng, chỉ là phần thiểu số. Một hoàng gia cởi mở hơn và dễ tiếp cận hơn đã thay đổi sự hấp dẫn của hoàng gia sau thời kỳ xa xôi của Nhật hoàng Hirohito— mặc dù còn phải đợi một thời gian nữa trước khi những thành viên hoàng gia đi xe đạp tới siêu thị như những người đồng cấp ở Scandinavia. Và do đó, ngày càng có nhiều sự cảm thông trước lời yêu cầu được nghỉ hưu của Nhật hoàng Akihito (ông gợi ý rằng ông cũng có thể giải thoát nước Nhật khỏi các nhiệm vụ tang lễ chính thức cầu kỳ của mình khi sau này ông quy tiên). Ông Abe, một người bảo thủ cực đoan về các vấn đề của hoàng gia, gần như không thể phản đối. Sau khi được nội các phê duyệt, Quốc hội Nhật Bản có thể thông qua luật thoái vị trong tháng tới. Nhật hoàng Akihito được cho là sẽ truyền lại Ngai vàng Hoa Cúc cho con trai ông, Thái tử 57 tuổi, Naruhito, vào cuối năm 2018.

Theo đó, Thái tử Naruhito sẽ là người nắm giữ ngai vàng thứ 126—mặc dù nếu bạn tin vào dòng dõi đế vương liên tục được tiếp nối bắt đầu từ khi Nhật hoàng Jimmu được sinh ra (hậu duệ của Nữ thần Mặt trời) vào ngày 11 tháng 2 năm 660 trước Công nguyên, thì vẫn có lý do cho sự xuất hiện của những nhân vật thần tiên. Nhưng ngay lập tức một vấn đề khác xuất hiện: chỉ có một số lượng rất ít các ứng cử viên trong tương lai cho việc kế vị chỉ dành cho nam giới.

Như để nhấn mạnh hoàng gia đang thu hẹp lại, giống như toàn bộ dân số Nhật Bản, tuần trước cháu gái cả của Thái tử Naruhito, Công chúa Mako 25 tuổi, tuyên bố muốn kết hôn với một người không thuộc hoàng tộc. Luật Hoàng gia quy định rằng một phụ nữ kết hôn với thường dân phải rời khỏi hoàng tộc. Tuy nhiên, người này sẽ nhận được một khoản tiền được cho là hơn 1 triệu USD. Điều này sẽ khiến hoàng gia chỉ còn lại 18 thành viên, 13 trong số đó là phụ nữ. Akihito có bốn người thừa kế là nam: Thái tử Naruhito; em trai của Thái tử Naruhito - Hoàng tử Akishino; Con trai 10 tuổi của Akishino - Hoàng tử Hisahito; và anh trai vẫn còn đang sống của Nhật hoàng Akihito - Hoàng tử Masahito 81 tuổi. Nói cách khác, rất nhiều kỳ vọng đang được đặt lên vai Hisahito trong việc bổ sung cho cuốn gia phả của Hoàng tộc. Điều gì sẽ xảy ra nếu như vị hoàng tử ấy không có hứng thú với các cô gái?

Đây không còn là thế giới của riêng đàn ông nữa
Về giải pháp đối với sự thu hẹp này, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan không làm được tác dụng gì. Họ khăng khăng rằng, theo lời ông Kenneth Ruoff, người đứng đầu các cuộc nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Portland, không được có bất kỳ sự sai lệch nào so với truyền thống liên tục theo huyết mạch nam giới— theo quan điểm của họ, nếu huyết mạch nam giới ấy chấm dứt thì Nhật Bản cũng chấm hết. Đôi khi những gợi ý về việc trở lại với tục lấy thê thiếp (ông nội của Nhật hoàng Akihito do một người thiếp sinh ra) được nghiêm túc đưa ra nhưng chỉ là một trò đùa.

Điều gì đó sẽ phải thay đổi. Chuyện đó đã suýt xảy ra khoảng một chục năm trước đây. Vào thời điểm đó, dường như Thái tử Naruhito không có người thừa kế tiềm năng nào, và thủ tướng lúc bấy giờ Junichiro Koizumi đã sẵn sàng đưa ra luật cho phép phụ nữ lên ngôi, cũng như việc truyền ngôi theo huyết mạch phụ nữ. Mặc dù 4/5 những người được thăm dò ý kiến ở Nhật Bản không có phản đối gì với ý tưởng này, một số ít người lại phản đối rất mạnh mẽ. Nhưng trước thông tin bất ngờ rằng vợ của Hoàng tử Akishino, Công nương Kiko, đã mang thai sau hơn một thập kỷ kể từ lần sinh trước, người ta đã vội vàng xếp xó luật đó. Vài tháng sau, Hisahito ra đời như tia sáng cuối đường hầm.

Đảng Dân chủ đối lập muốn khôi phục ý tưởng cho phép các phụ nữ hoàng tộc thành lập chi họ của hoàng tộc sau khi kết hôn. Để chống lại điều đó, Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe có vẻ đã sẵn sàng đề xuất một ý tưởng cò cưa xoa dịu—phụ nữ đã kết hôn được phép thực hiện một số nhiệm vụ chính thức của hoàng gia. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp cho vấn đề hoàng tộc đang bị thu hẹp đáng kinh ngạc. Ông Abe đã thể hiện bản thân mình là người ủng hộ phụ nữ, nhưng ngoại trừ vấn đề ngai vàng. Nhưng lúc nào đó những người bảo thủ sẽ phải chịu nhượng bộ —hoặc chịu trách nhiệm trước nền cộng hòa.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc