Thucydides và Lịch sử Chiến tranh Peloponnese

shared from fb Lytra Do,
-----
Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh phương Tây và là nơi biết bao cuộc chiến tranh đã đi vào huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp cũng như Sử thi Iliad và Odyssey của Homer đã trở thành kiến thức chung của nhân loại từ lâu, nhưng có lẽ nhiều người Việt Nam chúng ta chưa biết đến cuộc Chiến tranh Peloponnese, cuộc chiến tranh được coi là lớn nhất tính từ thời Hy Lạp sơ khai cho đến thế kỷ V trước CN, thậm chí còn lớn hơn cả cuộc Chiến tranh thành Troy. Đây là cuộc nội chiến kéo dài hơn một phần tư thế kỷ giữa hai thế lực hùng mạnh nhất Hy Lạp là Athens và Sparta cùng các đồng minh của mỗi bên, cuộc chiến tranh mà Thucydides đã chép vào sử sách.

Hy Lạp vào thời cuộc chiến tranh này (431-404 trước CN) là một quốc gia cường thịnh, đã thuộc địa hóa hầu như toàn bộ vùng bờ biển Ionia của Tiểu Á, phần lớn Sicily, miền nam Italy, một số thành bang khác ở châu Âu và Bắc Phi, và vừa chiến thắng cuộc xâm lược kéo dài 50 năm của Ba Tư (năm 499-449 trước CN, thường được gọi là Chiến tranh Ba Tư). Athens sau Chiến tranh Ba Tư nổi lên như một thế lực hải quân hùng hậu nhất Hy Lạp, mặc dù là thành bang có thể chế dân chủ đầu tiên trên thế giới (508 trước CN) và vẫn duy trì dân chủ đến giai đoạn này nhưng thực chất Athens đã trở thành đế quốc và bắt đầu can thiệp quân sự vào các mâu thuẫn giữa các thành bang Hy Lạp nhằm tranh giành bá quyền với Sparta, mở màn cho cuộc chiến tranh này. Sparta, trái lại, đã được các thành bang khác công nhận bá quyền trong Chiến tranh Ba Tư, và mặc dù có thể chế oligarchy (tập quyền) nhưng có đường lối chính trị ôn hòa, đã buộc phải tham chiến để bảo vệ các đồng minh và bá quyền của mình. Cuộc chiến tranh kéo dài và mở rộng đến cả các thuộc địa của Hy Lạp ở Tiểu Á, Sicily và Italy.

Thucydides sinh khoảng năm 460 trước CN trong một gia đình giàu có ở Athens, mất khoảng năm 400 trước CN. Ông sở hữu một số mỏ vàng ở Thasos, một hải đảo ngoài khơi xứ Thrace. Năm 424 trước CN, ông được phong làm tướng của Athens và được phái đến Thasos trong thời gian tướng quân Brasidas của Sparta tiến hành cuộc viễn chinh thôn tính Thrace; trước cuộc hành binh thần tốc của Brasidas, Thucydides đã đem quân đi cứu Amphipolis, một thành có tầm chiến lược quan trọng hàng đầu ở Thrace, nhưng không đến kịp để ngăn Amphipolis đầu hàng Brasidas. Vì chiến bại trận này, ông đã phải lưu vong 20 năm trời. Ông đã dành quãng thời gian lưu vong để ghi vào sử sách hầu như toàn bộ các sự kiện quan trọng nhất của cuộc chiến tranh dài hơn một phần tư thế kỷ mà ông là chứng nhân, như ông đã thuật lại: “Cũng là do số phận tôi phải làm kẻ lưu đày khỏi quê xứ suốt hai mươi năm sau khi giữ quyền chỉ huy ở Amphipolis; và vì hiện diện cùng với cả hai bên tham chiến, và đặc biệt hơn là cùng với người Peloponnese do cảnh lưu đày của mình, tôi đã có thời gian rảnh rỗi để quan sát mọi việc khá đầy đủ.”

Với sự khiêm nhường của một nhà hiền triết, Thucydides đề cập rất ít đến vai trò của chính mình trong cuộc chiến tranh này, nhưng ông lại phác họa sống động đến từng chi tiết bức tranh Hy Lạp từ thời sơ khai cho đến cuộc chiến tranh này; ông không thi vị hóa cũng không cường điệu hóa các sự kiện lịch sử, mà mô tả chúng một cách chân thực và đầy đủ nhất, tái hiện toàn cảnh các xứ ở Hy Lạp trong cuộc chiến, gồm các thành bang độc lập với những thể chế và phong tục tập quán riêng, bị cuốn vào cuộc chiến tranh này hoặc đứng về phía Sparta hoặc Athens; các chiến lược, cách thức và phương tiện chiến tranh của từng thành bang, các cuộc hòa đàm và đàm phán ngoại giao, các phong tục và lễ hội, luật pháp chung và riêng của từng xứ sở... tất thảy đều hiện lên rõ nét trong cuốn sử ký này, cũng như những diễn từ đầy triết lý và hùng biện của các nhân vật lừng danh trong lịch sử.

Cuốn Lịch sử Chiến tranh Peloponnese của Thucydides được đánh giá rất cao về tính chân xác của các sự kiện và tính triết học, các sử gia Hy Lạp thế hệ sau ông như Ctesias, Diodorus, Strabo, Polybius và Plutarch coi tác phẩm của ông là khuôn mẫu của lịch sử đích thực. Thucydides nhìn lịch sử dưới góc độ lịch sử chính trị, những phân tích của ông về các sự kiện chính trị không chịu ảnh hưởng của các suy xét về mặt đạo đức truyền thống. Tác phẩm của ông là tác phẩm đầu tiên ghi lại những phân tích về mặt chính trị và đạo đức trong các sách lược chiến tranh của một dân tộc. Ông được gọi là cha đẻ của ‘lịch sử khoa học’ và đồng thời là cha đẻ của ‘chủ nghĩa hiện thực chính trị’. Ông nói với chúng ta: “... câu chuyện một phần dựa trên những gì tôi tận mắt thấy, một phần dựa trên những gì người khác đã thấy hộ tôi, độ chính xác của câu chuyện thuật lại này luôn được thử thách bằng những cuộc thẩm tra chi tiết nhất và nghiêm ngặt nhất có thể... Tôi e rằng việc thiếu tính lãng mạn trong cuốn sử ký của tôi sẽ làm nó bớt phần thú vị đi đôi chút; nhưng nếu nó được đánh giá là hữu ích bởi những người tìm tòi với mong muốn có được sự hiểu biết chính xác về quá khứ như một phương tiện giúp giải đoán tương lai, mà trong tiến trình của nhân loại nếu quá khứ đó không lặp lại ắt cũng phải có sự tương đồng, thì tôi sẽ lấy làm mãn nguyện. Nói tóm lại, tôi đã viết tác phẩm của mình không phải như một bài luận chỉ để nhận được tràng vỗ tay hoan ngênh trong chốc lát mà như một tài sản vĩnh tồn.”

Trên thực tế, di sản mà Thucydides để lại đã vượt gần 2500 năm để đến với chúng ta, và ông là người góp phần biến lịch sử Hy Lạp thành một phần không thể thiếu được của lịch sử thế giới.

Tags: book

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc