Taipan của Gia tộc Thượng đẳng

Người thừa kế của Tập đoàn Jardine Matheson: Brian M. Powers;
Đế chế thương mại châu Á chọn một Taipan người Mỹ

by Nicholas D. Kristof
Nguyễn Hòa dịch, Minh Thu hiệu đính,

Struan & Co. (từng) là gia tộc vĩ đại ở châu Á, giàu có và quyền lực đến nỗi những thương nhân khác người châu Á đã phải kính sợ và ghen tị gọi họ bằng cái tên Gia tộc Thượng đẳng – thượng đẳng bởi họ giàu có nhất, hào phóng nhất, nhiều tàu thuyền nhất, làm ăn to nhất, nhưng trên hết, phần lớn là bởi Dirk Struan là một taipan, taipan của tất cả các taipan ở châu Á này.
- trích tiểu thuyết "Tai-Pan" của James Clavell.
[Taipan: 大班 – âm Hán Việt: đại ban (lớp lớn), chỉ tầng lớp doanh nhân điều hành các công ty, tập đoàn lớn ở Trung Quốc và Hồng Kông]

Công nghệ thông tin cũng không có sức mạnh ghê gớm bằng phép màu
xoay quanh vị taipan của tập đoàn Jardine Matheson – kết quả của nha phiến và tham vọng trở thành "ông trùm" của công ty thương mại nổi tiếng châu Á. Được kể lại dưới cái tên Struan & Co. trong các tiểu thuyết của James Clavell, Jardines không chỉ là một tập đoàn đa quốc gia; nó là một huyền thoại.

Ít nhất 9 con phố ở Hồng Kông được đặt tên theo các taipan của Jardines đã đứng vững trên vùng thuộc địa này của Anh trong suốt 145 năm buôn bán nha phiến và lụa trong thế kỷ trước và ngày nay là tất cả mọi thứ từ kem đến đầu tư tài chính. Taipan của Gia tộc Thượng đẳng - hay Hoàng tử Hong, như người ta vẫn gọi Jardines, được biết đến vì kế thừa vị trí của William Jardine, taipan đầu tiên, một người Scotland khôn ngoan được đặt biệt hiệu tiếng Trung là "chuột già đầu thép".


Hầu hết những taipan này – mà thế hệ đầu tiên đôi khi còn được chào đón bằng những phát súng thần công – đều có dây mơ rễ má với nhau, nắm toàn quyền ở Hồng Kông trước khi nghỉ hưu tại London hoặc tại tư gia ở Scotland. Vì vậy, cả Hồng Kông đã kinh ngạc trước tin một chuyên viên ngân hàng đầu tư mới 37 tuổi người Mỹ, với kinh nghiệm chỉ 14 tháng tại Jardines, được bổ nhiệm làm taipan tiếp theo.

Brian M. Powers trước kia là một cựu cầu thủ bóng bầu dục, cao mét tám với mái tóc vàng nhạt đã điểm vài sợi xam xám, trông quá thân thiện cho hình ảnh của một taipan. Nhưng anh ta có thể xới tung mọi thứ chỉ bằng lời nói của mình: những ý tưởng, những bình luận sâu cay và những phân tích bay trong không trung như loạt đạn từ khẩu súng săn. Và trong nhiều năm - kể từ công việc đầu tiên tại một công ty luật ở New York - anh đã khiến mình nổi bật hơn số đông bằng cách làm việc thâu đêm suốt sáng, dù ở đây khung giờ làm việc điên cuồng vẫn được coi là điều bình thường.

Vào ngày cưới cách đây 8 năm, Powers đã bận rộn với một giao dịch bất động sản và phải vội vã tới nhà thờ vào phút chót - chỉ để phát hiện ra rằng mình đã quên nhẫn cưới. Họ nhà gái hoảng hồn nhìn anh lục lại túi quần trước khi phải lao về nhà để lấy nhẫn.

Mùa thu năm ngoái, khi đang đàm phán để bán đi một ít cổ phần của Jardines trong American Oil, anh đã bay đến San Francisco để cố gắng có được một mức giá tốt hơn - một động thái có hiệu quả và gây ấn tượng với người đàn ông quan trọng nhất Jardines: Simon Keswick, taipan hiện tại đồng thời là họ hàng xa của William Jardine.

"Người dân Hồng Kông nghĩ rằng họ làm việc rất chăm chỉ", ông Keswick chia sẻ trong văn phòng của ông tại tòa 48 tầng trong khu trung tâm sầm uất của Hồng Kông. "Tôi nghĩ rằng Brian đã chứng minh người New York thậm chí còn làm việc chăm chỉ hơn".

Vậy nên, Keswick, 45 tuổi, tuyên bố hồi đầu tháng này rằng ông sẽ từ chức vị trí giám đốc điều hành của các công ty Jardine và chuyển giao cho Powers. Keswick sẽ vẫn là chủ tịch, nhưng, ông nói, ông sẽ dành nhiều thời gian bên ngoài hơn là ở Hồng Kông. Ông gọi Powers là người thừa kế, và nói đã coi Powers là một taipan.

Điều đó có thể hơi quá sớm, miễn là ông Keswick vẫn còn hiện diện ở đây. Nhưng người ta cho là, dù có Jardines hay không, thì những chiếc xe chuyển nhà vẫn sẽ xuất hiện vào khoảng chỉ một năm nữa tại số 35 đường Mount Kellett, khu dinh thự của những taipan tọa lạc trên đỉnh The Peak của Hồng Kông. Keswick, như lời đồn đại, vẫn sẽ tiếp tục giữ chức danh chủ tịch điều hành từ London, giống như người chú Sir John Keswick của ông đã từng làm vậy cách đây hai thập kỷ.

Powers có thể thừa kế ngôi nhà trên đường Mount Kellett, cũng như ngôi nhà thứ hai ở vùng Shek O ven biển. Hiển nhiên là anh này cũng sẽ có một vị trí trong hội đồng quản trị của Hong Kong và Shanghai Banking Corporation, cùng một vị trí đáng mơ ước như là quản lý của Câu lạc bộ Đua ngựa Hoàng gia Hồng Kông.

Nhưng trên hết, là điều hành cả tập đoàn Jardines. Là giám đốc điều hành, Powers sẽ đứng đầu một mạng lưới kinh doanh cognac ở Nhật Bản, điều hành khách sạn Oriental nổi tiếng ở Bangkok; giám sát hệ thống Pizza Huts ở Hawaii và 7-Eleven tại Malaysia; quản lý đội vận tải hoạt động khắp Thái Bình Dương cũng như việc xây dựng tại Trung Quốc và đầu tư tài chính trên khắp châu Á.

Đế chế này - với doanh thu năm 1986 là 1,3 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế là 61 triệu USD - sử dụng 61,000 lao động tại 22 quốc gia, nắm trong tay cả Jardine Matheson Holdings và Jardine Strategic Holdings, giữ quyền kiểm soát Hongkong Land Company, Mandarin Oriental Hotel Group và Dairy Farm.

Thêm vào danh sách này có thể kể đến một vài công ty lớn của Mỹ. Powers cho hay tập đoàn này đang tìm kiếm các thương vụ mua lại ở Mỹ và Anh, và đây có thể là một hợp đồng trị giá 2 tỷ đô-la hoặc một chuỗi các hợp đồng mua bán trị giá 100 triệu đô la. Keswick muốn hiện diện nhiều hơn tại Mỹ, và nói thêm rằng khoảng 5 năm nữa, Powers có thể sẽ muốn trở lại Mỹ và điều hành đội Jardines ở đó.

Nhưng sự quen thuộc với thị trường Mỹ không phải là lý do Powers được chọn. Thật vậy, quốc tịch của anh thậm chí còn có thể gây bất lợi trong thế giới bài ngoại của các công ty Hồng Kông do người Anh điều hành. Anh cũng thừa nhận rằng sự thẳng thắn rất Mỹ của mình đã khiến nhiều người ở đây xù lông lên. "Phong cách kinh doanh là khác nhau," anh chia sẻ. "Người Anh văn minh hơn người Mỹ nhiều."

Và dù Powers đã gia nhập câu lạc bộ Đua ngựa, đã cùng vợ giải trí một cách nghiêm túc tại dinh thự trên khu The Peak, sự hiện diện của họ tại các sự kiện xã hội ở Hồng Kông vẫn rất thầm lặng. "Tôi thích Hồng Kông," anh nói, "nhưng tôi dành nhiều thời gian để làm việc và tôi cống hiến cho công việc của mình."

Nhưng nếu Powers không phải lúc nào cũng thể hiện sự nhiệt tình của mình đối với việc bia rượu, thì sẽ không ai nghi ngờ sự tinh thông luật pháp và tài chính của anh. Những kỹ năng này dường như là chìa khóa cho sự nghiệp lên như diều gặp gió sau khi gia nhập Jardines vào tháng 4 năm 1986 trong vai trò "chiến lược gia trưởng". Tập đoàn này đang trong quá trình thu hẹp - sau một số khoản đầu tư tai hại vào bất động sản, vận tải và dầu mỏ.

Các đối thủ tranh giành quyền lực với Powers tại Jardines có kinh nghiệm và kiến thức riêng, nhưng không thể cạnh tranh với một phù thủy tài chính tại thời điểm cả tập đoàn đang bị chao đảo vì các vấn đề tiền nong. Powers ngay lập tức lên kế hoạch tái cấu trúc Jardines bằng việc mở một loạt các công ty con và tạo ra một mạng lưới chằng chịt các tập đoàn sở hữu lẫn nhau. Ông cũng đăng ký thêm một số tài sản của tập đoàn tại Bermuda, với niềm tin rằng nếu công ty đăng ký ở nước ngoài sẽ được lợi hơn khi Trung Quốc lấy lại Hồng Kông vào năm 1997.

Sự am hiểu về tài chính và chiến lược doanh nghiệp như vậy dường như đã gây ấn tượng với nhiều người ở Hồng Kông, trong và ngoài Jardines. "Có lẽ những nhà tài chính người Mỹ tinh nhanh hơn người Anh.” một nhà quản lý người Anh tại Jardines cho hay. "Không ai ở đây có bí quyết tài chính để tách các công ty này ra và đăng ký ở nơi khác rồi ngồi nhìn giá cổ phiếu tăng vọt."

Đối với Brian Powers, con đường trở thành một taipan bắt đầu ở Massapequa, Long Island, New York. Là con thứ ba của một gia đình có bốn người con và có cha là nhà môi giới chứng khoán, thời trung học, anh đã dành hết năng lượng cho bóng bầu dục. Ban đầu, anh thậm chí đã từ chối Đại học Yale để nhập học Đại học Holy Cross vì để trở thành một vận động viên thì đây là con đường đúng đắn nhất. Sau 2 năm, anh chuyển đến Đại học Yale.

"Khi anh ấy chơi bóng bầu dục, vị trí yêu thích của anh ấy là tiền vệ", vợ Powers nhớ lại. "Tôi nghĩ đó là vì anh ấy thấy thú vị và hấp dẫn khi đọc vị đối thủ."

Powers tốt nghiệp ngành kinh tế học với điểm số trung bình nhưng đạt loại xuất sắc ở khoa Luật, Đại học Virginia. Điểm tốt nghiệp của anh cao gần nhất lớp. Sau một năm làm giảng viên tại khoa Luật của Stanford, anh trở thành cộng sự của công ty luật Debevoise & Plimpton ở New York. Người ta nhớ đến anh như một người chăm chỉ, tiếp thu nhanh, và may mắn khi có chuyên môn về mua bán sáp nhập khi làn sóng này bắt đầu dấy lên tại Mỹ.

Sau hai năm tại Debevoise & Plimpton, Powers chấp nhận về làm luật sư cho Quỹ Ford. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức anh đã phải phụ trách một danh mục đầu tư lớn bao gồm các công ty đầu tư mạo hiểm và bất động sản.

Một trong những hành động đầu tiên của anh là dừng hai dự án bất động sản lớn vì tin rằng Quỹ có thể điều hành tốt hơn các nhà phát triển. Những người trong giới đều biết điều đó. Một số người nghĩ anh ấy quá tự đại và hiếu thắng. Nhưng hầu hết mọi người, bao gồm cả sếp của Powers, Jon L. Hagler đều thấy ấn tượng với hành động này. Hagler, hiện đang điều hành một công ty đầu tư tại Boston, nói: "Tôi chưa thấy một nhà đàm phán nào giỏi hơn. Anh ấy đã có tất cả tài năng."

Khi Powers đang làm việc ở Quỹ Ford thì nhận được cuộc gọi của nhà tài chính người Úc James D. Wolfensohn. Wolfensohn đã lên kế hoạch thành lập một ngân hàng đầu tư tại New York, và biết đến Powers qua một đối tác của Debevoise & Plimpton. Vậy là, sau bốn năm làm việc tại Quỹ Ford, Powers gia nhập hàng ngũ của Wolfensohn, trở thành cánh tay phải của Wolfensohn tại James D. Wolfensohn Inc.

Ngay sau khi công ty khai trương, một người đàn ông tên là Simon Keswick gọi đến. Ông ta đang ở văn phòng tại New York của công ty luật Coudert Brothers và muốn biết Powers có thể đến giúp ông ấy lập một thỏa thuận vào tối hôm đó không. Nổi tiếng thẳng tính, Powers hỏi lại vị taipan: "Đây là một câu hỏi không hay chút nào, nhưng ông là ai?"

Từ sự khởi đầu không mấy suôn sẻ này, mối quan hệ giữa hai người đã bắt đầu hình thành. Powers xử lý ngày càng nhiều thương vụ làm ăn của Jardines, bao gồm cả việc buôn bán hết sức phức tạp ở Hawaii của các nhóm lợi ích ngành mía đường trong đó có một vụ mua đứt bằng vốn của chính phủ và ngân hàng thương mại. "Đó là một vụ phi thường", ông Wolfensohn nhớ lại.

Thật vậy, đây là một trong những thành tích khiến Keswick quyết định mời Powers đến làm việc cho Jardines vào cuối năm 1985. Ban đầu, Powers vui mừng khi nhận được lời mời của Wolfensohn nhưng người vợ Paula của ông không thể dời đi vì đã có một công việc ở New York.

Keswick vẫn kiên trì, và cuối cùng Powers đã đến vào tháng Tư vào năm sau đó, giữ một ghế tại hội đồng quản trị với nhiệm vụ chỉ đạo chiến lược tài chính. Paula Powers hiện đang giảng dạy tại Trường Luật Columbia, đã sẵn sàng chuyển tới Hồng Kông. Cả hai người đều nghĩ đó là thời gian lý tưởng để con trai Jeremy của họ sống ở nước ngoài. Powers cho đến nay vẫn chưa học tiếng Trung, nhưng Jeremy 6 tuổi đang học theo giọng địa phương và đã biết một vài từ quan trọng như "su tiu", có nghĩa là khoai tây chiên.

Keswick dường như đã đề cập đến khả năng kế nhiệm với Powers ngay lần đầu tiên, nhưng cả hai đều nói rằng họ không cam kết gì về chuyện này. Và vẫn còn một vài ứng cử viên khác: David J. Davies là người đứng đầu Hongkong Land Company cho đến khi ông thà từ chức năm ngoái chứ không muốn nhìn nó bị xóa sổ; Martin G. Barrow, thành viên hội đồng quản trị và người đứng đầu một chi nhánh quan trọng cho đến khi ông được thăng chức hồi đầu năm nay, và Nigel Rich, giám đốc điều hành hiện tại của Hongkong Land.

Là một taipan mới nhậm chức, Powers sẽ phải đối mặt với cơ số thách thức. Mặc dù đa ngành nghề và đa quốc gia, nhưng phần lớn tài sản của công ty vẫn ở Hồng Kông. Thị trường bất động sản và tình hình kinh doanh ở đây cực kỳ nhạy cảm, mặc dù Bắc Kinh hứa hẹn sẽ cho phép Hong Kong duy trì lề lối tư bản như vậy thêm ít nhất 50 năm kể từ năm 1997.

Thách thức tiếp theo là sự nổi lên của một lớp đối thủ cạnh tranh kiểu mới ở châu Á. Đó là các doanh nhân địa phương. Trong hai thập kỷ qua, họ đã xây dựng đế chế của riêng mình để thách thức các nhóm tư bản Anh. Tại Hồng Kông, trong thập kỷ qua, Jardines thường xuyên bị đánh bại bởi các doanh nhân Trung Quốc như Sir Y.K. Pao và Lý Gia Thành.

Các doanh nhân này không chỉ là đối thủ mà còn là những mối đe dọa tiềm ẩn vì Jardines có thể sẽ trở thành mục tiêu bị mua lại. Một lý do khiến họ tiếp cận được các nhóm lợi ích của người Anh là bởi họ hiểu thị trường hơn - nói đúng hơn là bởi Jardines được điều hành bởi một người mới đặt chân đến đây.

Cũng không rõ chính xác Keswicks sẽ tiếp tục kiểm soát đến đâu. Gia tộc này là cổ đông lớn nhất của công ty, với khoảng 10% cổ phần. Anh trai của Simon, Henry Keswick là một cựu taipan và hiện đang sống ở London, vẫn liên tục can thiệp sâu vào Jardines.

William Phillips, giám đốc điều hành của Baring Securities Hong Kong Ltd. cho hay: "Tôi nghĩ nhà Keswicks vẫn sẽ giật dây từ London". Những người khác nói rằng Jardines vẫn sẽ được điều hành bên ngoài Hong Kong, nhưng sẽ có những cuộc thảo luận liên tục.

Powers có thể muốn có một chủ tịch thực sự. Anh nói mình chấp nhận việc phân chia công việc lãnh đạo để chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, taipan sẽ gặp một nguy cơ là “nếu mọi thứ đều tiến triển tốt, bạn rất dễ tự cho mình là Thượng đế.”

Nguyễn Hòa
NYTimes

Tai-Pan (Asian Saga) Mass Market Paperback – September 1, 1986
by James Clavell  (Author)
736 pages. Dell. $7.42

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc