Giới lãnh đạo tinh hoa của Singapore

Nguồn: Journal of Current Southeast Asian Affairs, Nguyễn Hòa dịch,

Thông qua "The Ruling Elite of Singapore: Networks of Power and Influence" (tạm dịch: Giới lãnh đạo tinh hoa của Singapore: Mạng lưới quyền lực và ảnh hưởng),
Barr đã góp phần quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về thượng tầng chính trị và những mờ ảo trong giới lãnh đạo của đất nước này. Những phân tích sáng suốt về hệ thống bên trong của trung tâm quyền lực đất nước xuất hiện đúng vào thời điểm Singapore đang có những thay đổi chính trị mang tính thời đại. Nhờ bố cục rõ ràng và phong cách viết dễ hiểu, tác phẩm của Barr được đánh giá cao không chỉ bởi các học giả mà còn bởi một lượng đông độc giả quan tâm tới chính trị và lịch sử Singapore.

Cuốn sách được chia thành tám chương liên quan đến các khía cạnh khác nhau của việc lãnh đạo và vai trò then chốt của gia đình họ Lý trong bối cảnh đương thời. Sau phần giới thiệu ngắn, Barr tóm tắt các luận điểm của mình trong Chương 2. Bốn chương tiếp theo kể về nền chính trị của giai cấp cầm quyền theo thời gian, từ thời kỳ tiền độc lập đến khi Thủ tướng Lý Hiển Long tiếp quản lãnh đạo đất nước. Barr miêu tả chi tiết về cách mà tầng lớp lãnh đạo đầu tiên được hình thành xung quanh vị cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và quá trình ông cùng những người kề cận tạo dựng cơ chế đầu tiên cho việc tuyển dụng quan chức lãnh đạo cấp cao mà đến ngày nay vẫn còn được áp dụng. Trong chương 4, Barr tập trung vào việc Lý Quang Diệu củng cố quyền lực của mình và con đường trở thành nhân
vật hàng đầu trong số các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Singapore. Chương 5 và 6 thảo luận sự phát triển của Singapore dưới thời Lý Quang Diệu cũng như thời kỳ chuyển tiếp sang Lý Hiển Long – con trai ông. Những chia sẻ thực tế về tầng lớp lãnh đạo hiện tại (vào khoảng năm 2012) được đề cập tại chương 7. Trong chương cuối cùng Barr bày tỏ ý kiến của mình về tình hình chính trị sau cuộc bầu cử năm 2011. Tại thời điểm đó, phe đối lập lần đầu tiên tạo ra cú đột phá ngoạn mục.

Theo Barr, sự chuyển mình của Singapore kể từ khi độc lập có thể được chia giai đoạn theo ba thế hệ lãnh đạo. Người đầu tiên và có ảnh hưởng nhất là Lý Quang Diệu. Tiếp đó là thủ tướng Ngô Tác Đống. Cuối cùng, giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn hiện tại bắt đầu dưới thời con trai của Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long. Barr cũng viết rất cụ thể về 5 đặc điểm tiến bộ giải thích rõ nhất về mạng lưới quyền lực của quốc gia đặc biệt này: "Singapore là đất nước nhỏ về diện tích và dân số; nơi ra đời của “tầng lớp lãnh đạo cấp cao”; với sự cai trị của Lý Quang Diệu và gia tộc; là trung tâm “Trung Hoa tính” trong bản sắc dân tộc của Singapore; và có tầm quan trọng về mặt quân sự (mặc dù không hoàn toàn tuyệt đối). Những cụm từ này về sau cũng được sử dụng như từ khóa cấu thành bố cục cho các phần tiếp theo. Sự hình thành của những nhà lãnh đạo cấp cao được bắt đầu từ trước thời độc lập. Khi đó Lý Quang Diệu và những nhà lãnh đạo tương lai thường tập trung lại với nhau, sau này nhóm đó được gọi là “Nhóm Oxley”, bắt nguồn từ địa chỉ nhà của ông Lý Quang Diệu tại số 38 đường Oxley. Những bề tôi thân cận này trở thành lực lượng cốt cán của Đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party). Lực lượng cốt cán của nhóm tiếp tục hoạt động tới năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Lý Quang Diệu. Đây là một nhóm đặc biệt gồm những người Lý Quang Diệu biết khi ông học tại Anh và họ cũng là số ít trong số những người nói tiếng Anh.

Theo thời gian, mô hình lựa chọn cán bộ kế cận cấp cao được hình thành rõ nét hơn. Lý Quang Diệu và những người đồng sự của mình tập trung vào nhóm người đạt học bổng quốc gia. Trong số đó có một số lượng lớn người đạt Học bổng Thủ tướng (khoảng 4-10 sinh viên/năm từ năm 1964 – 1970 và tổng cộng có 41 sinh viên, trong đó có 11 người nắm giữ những vị trí cấp cao trong bộ máy chính phủ (trang 26f). Năm 1971, chương trình tuyển dụng thông qua việc trao học bổng này được bổ sung bằng việc thành lập Học bổng du học cho Lực lượng Vũ trang Singapore (SAFOS), một chương trình chỉ dành cho nam cán bộ phục vụ nghĩa vụ quân sự. Thật thú vị, đợt đầu tiên có cả con trai của Lý Quang Diệu, Thủ tướng hiện tại.

Trong khi thiết lập một hệ thống tuyển dụng quan chức cấp cao, Lý Quang Diệu và các đồng sự của mình cũng đồng thời củng cố quyền lực trong nước, kiểm soát mọi mặt của đời sống thương mại và xã hội trong thành bang. Mặc dù phần lớn lãnh đạo là người Trung Quốc với một vài đồng sự là người Ấn, Đảng Hành động Nhân dân bắt đầu chọn thêm các nhà lãnh đạo người Mã Lai (p.39). Việc cầm quyền cũng mở rộng đến các bộ phận khác của xã hội. Barr đề cập đến việc gạt ra bên lề cơ quan tư pháp và lập pháp sau năm 1968 (trang 31) và việc tiếp quản các nghiệp đoàn thông qua các chuyên gia có trình độ học vấn sau năm 1977 (trang 48). Vào năm 1981, hơn 4/5 dân số Singapore sống trong nhà công cộng của chính phủ (Hội đồng Phát triển Nhà ở, viết tắt là HDB). Căn hộ HDB không chỉ là một yếu tố then chốt trong chính sách phúc lợi của đảng Hành động Nhân dân, còn gọi là nhà ở giá cả phải chăng và hợp lý mà còn cho phép chính phủ kiểm soát ai sống ở đâu. Cùng với sự phát triển xã hội này, tầng lớp lãnh đạo cấp cao cũng nắm quyền kiểm soát hoặc nhúng mũi sâu vào thế giới của các doanh nghiệp Singapore. Thông qua các hiệp hội Trung Quốc (trang 33), và gần đây là các quỹ đầu tư chính phủ như Temasek và GIC, chính phủ hoặc Đảng Hành động Nhân dân không chỉ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp các công ty mà còn theo đuổi một chính sách phát triển kinh tế để lại ít khoảng trống cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến lượt nó, điều này đẩy những người Singapore trẻ tuổi và đầy tham vọng vào cảnh ít có khả năng tìm được công việc hấp dẫn bên ngoài các công ty được kiểm soát bởi chính phủ hoặc nhà nước (trang 59).

Theo thời gian, chính phủ của Lý Quang Diệu đã thành lập quyền kiểm soát tất cả các khía cạnh trong đời sống của người Singapore - từ hành pháp sang lập pháp và tư pháp đến các nhóm xã hội và thế giới doanh nghiệp. Chế độ này cũng đã xác định một con đường cho giới lãnh đạo cấp cao mà Barr có miêu tả như sau: "Một người đàn ông trẻ cần giành được một suất học bổng hàng đầu. Và chính suất học bổng này sẽ buộc anh ta phải nhập ngũ. Sau đó anh ta cần phải thể hiện mình có năng lực cao và chứng minh mình có thể đáp ứng tốt các yêu cầu không chỉ của các bậc thầy quản trị mà còn của các bậc thầy về chính trị. Thường có một khoảng thời gian - thường là nhiều năm - anh ta phải làm việc cùng với một thành viên cao cấp của ban lãnh đạo cấp cao, với con đường tốt nhất cho người không có mối quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân được làm việc gần gũi với Lý Quang Diệu, hoặc sau này là Lý Hiển Long. Từ đó anh ta sẽ thăng tiến trong 1 hoặc nhiều bộ ngành quan trọng như Văn phòng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng bộ Giáo dục, Bộ trưởng bộ Tài chính, Bộ trưởng bộ Thương mại Công nghiệp và Bộ trưởng bộ Nội vụ. Nếu ông Lý và tầng lớp lãnh đạo thân cận đánh giá rằng vị quan chức trẻ tuổi này có tiềm năng tham gia chính trường, anh ta sẽ được mời làm việc trong Đảng Hành động Nhân dân, vận động cho quốc hội và nếu anh ta đáp ứng được yêu cầu, anh ta sẽ được bổ nhiệm vào nội các một cách nhanh gọn"(trang 48f ). Cơ chế lựa chọn này vẫn còn rất khắt khe. Theo Barr, một hiện tượng thú vị khác là dù có thêm nhiều thành viên gia nhập giới lãnh đạo cấp cao, nhưng số lượng nhân tài tương đối ít, dẫn đến tình huống "chính phủ tiếp tục phục hồi lại đội quân cũ để đối phó với khủng hoảng và rắc rối" (trang 47).

Một khía cạnh khác của hệ thống tuyển chọn lãnh đạo cấp cao của Singapore là sự phân biệt đối xử, mà Barr có thảo luận trong chương thứ năm của mình. Một mặt, chính sách nhập cư thực tế hướng tới việc ưu tiên người Trung Quốc nhằm duy trì sự thống trị về chủng tộc (trang 68). Mặt khác, quá trình tuyển chọn bắt đầu quá sớm trong hệ thống giáo dục mà tầng lớp lãnh đạo cấp cao thực tế đang tái tạo ra: Mặc dù chương trình học bổng và các gói viện trợ cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn khá phát triển, những trường chuyên và lớp chọn trong những trường bình thường thường thu hút phần lớn học sinh đến từ tầng lớp trung lưu Trung Quốc (trang 73). Các cơ sở giáo dục nổi bật nhất đã mở đường cho các học bổng tài năng "được nhóm thành “gia tộc” của các trường học (vào những năm 1990), với các gia tộc nổi bật nhất là gia tộc Raffles và gia tộc Hwa Chong luôn chiếm 70% -80% các suất học bổng và cung cấp ứng viên hàng đầu cho tầng lớp lãnh đạo cấp cao" (trang 75). Một điểm mạnh của cuốn sách đó là Barr đã giải thích quá trình này một cách tường tận cho người ngoài cuộc.

Ông cũng đưa ra những miêu tả thú vị về những cá nhân quyền cao chức trọng và hệ thống cấp bậc chính quyền năm 2012 (trang 115f). Trong phần tổng kết tình hình hiện tại của các chính trị gia cấp cao ở Singapore, Barr gợi ý rằng "Singapore sẽ dễ hiểu hơn nhiều nếu bạn đặt những khái niệm về quản lý hiện đại và thông thường sang một bên, chỉ còn dân chủ, và bắt đầu từ tiền đề một doanh nghiệp gia đình Trung Quốc, hoàn thiện bởi một người sáng lập, một con trai cả, mạng lưới quan hệ guanxi và các vấn đề về sự tiếp nối giữa các thế hệ" (trang 108). Thách thức đối với các doanh nghiệp gia đình, tất nhiên, là quá nhiều quyền lực có thể được trao cho một người. Điều này có nghĩa là những người gần gũi nhất với người sáng lập, cũng như chính bản thân người sáng lập không phải chịu trách nhiệm gì. Do đó, nguy cơ cấp bách nhất mà việc tự tuyển chọn tạo ra là tạo ra một hệ thống "tư duy nhóm" (trang 109). Đây là nhận xét được nêu ra bởi các nhà bình luận như Donald Low trong bối cảnh của đất nước thành bang này

Sau khi vạch ra được các hoạt động chung của giới lãnh đạo cấp cao Singapore, Barr trình bày về tương lai của Singapore. Kể từ thời điểm Barr viết tác phẩm này, Lý Quang Diệu đã qua đời (trong năm kỷ niệm 50 năm Singapore) và cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức, đáng chú ý là Barr đã dự đoán được sự phát triển diễn ra như thế nào kể từ đó. Theo ý kiến của Barr, điểm yếu về cơ cấu của phe đối lập là nó hiện diện một cách ưu tú như Đảng Hành động Nhân dân (trang 135), dù phần nào mang tính dân chủ và trung thực hơn. Điều này làm cho tác giả "gặp khó khăn trong việc xác định một đối thủ có khả năng thách thức gia tộc họ Lý" (trang 142) – dù từ bên trong hay bên ngoài Đảng Nhân dân Hành động (PAP). Sự thống trị của PAP và Thủ tướng Lý chỉ mới được củng cố bởi cuộc bầu cử gần đây vào tháng 9 năm 2015, nhấn mạnh sự quả quyết của Barr rằng "không có phe chủ lực nào ở nước này thậm chí còn tìm kiếm sự thay đổi lớn" (trang 142). Và thậm chí nếu có một số nhóm - tất nhiên, các nhóm đối lập cũng như các phương tiện truyền thông trực tuyến và các nhà học giả vẫn tồn tại – thì thất bại trong bầu cử vẫn có nghĩa là tất cả các đồng minh của PAP đều tiếp tục làm việc trong các phương tiện truyền thông, các doanh nghiệp, các thể chế hành chính (trang 136). Barr tiếp tục gợi ý rằng "sơ đồ mạng lưới quyền lực và tầm ảnh hưởng được miêu tả trong cuốn sách này có thể sẽ được thừa nhận 1 thời gian dài trong tương lai: sự thống trị về văn hóa và sắc tộc bởi người Trung Quốc từ nền tảng xã hội và giáo dục tương đồng; được xoa dịu bằng mạng lưới quan hệ cá nhân các cấp, đặc biệt là trong các vấn đề tuyển dụng và tái bổ nhiệm; quan liêu và chuyên nghiệp; và bị chi phối bởi những học giả quân nhân (người Trung Quốc). Hơn nữa, rất có thể nó sẽ tiếp tục tập trung vào gia tộc họ Lý" (trang 142).

Cuốn sách của Barr cung cấp cái nhìn hoàn hảo về sự vận hành của tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Singapore. Cái nhìn chi tiết của ông về cơ chế tuyển dụng giới lãnh đạo cấp cao cũng như biểu đồ mẫu về con đường dẫn đến quyền lực của một số lãnh đạo cấp cao không chỉ làm cho cuốn sách trở nên nổi bật bởi sự hiểu biết chính xác về Singapore mà còn cho phép cuốn sách được sử dụng như tài liệu hướng dẫn cụ thể để kết nối các thành viên ưu tú và quyền lực của giới lãnh đạo cấp cao. Tác giả có thể miêu tả tường tận như vậy là nhờ khoảng thời gian dài ông nghiên cứu về Singapore, cho phép ông đặt diễn biến thời cuộc vào một bối cảnh rộng hơn. Viết như một người ngoài cuộc giúp Barr tránh những mạng lưới quan hệ cá nhân thân mật ràng buộc người ta vào những nhóm nhỏ và cho phép ông có một cái nhìn sâu sắc hơn. Barr cũng miêu tả chi tiết về cuộc đấu tranh thất bại của Ngô Tác Đống. Cuộc đấu tranh này nhằm thiết lập nền tảng quyền lực riêng của bản thân ông sau khi ông tiếp quản chức Thủ tướng thay Lý Quang Diệu.

Tuy nhiên, việc Barr không có mặt ở Singapore khiến ông không có cái nhìn về một vài cuộc tranh luận nổi lên trong chiến dịch tranh cử năm 2011 và vẫn tiếp tục tồn tại kể từ đó. Vấn đề dân số Singapore ngày càng trở nên cấp thiết vì nạn nhập cư liên tục; người nhập cư đến từ Trung Quốc quá đông và hầu hều là những nhóm không được chào mời. Các tầng lớp thượng lưu, và xã hội nói chung, phân biệt giữa những người nhập cư Trung Quốc "gốc" (và con cháu của họ), tổ tiên của người Singapore ngày nay, với những người nhập cư gần đây đến từ Trung Quốc đại lục. Việc phân định này có thể hạn chế số thành viên thường trực trong nhóm cán bộ nguồn. Trong tương lai, việc tuyển dụng sẽ dựa trên những người Singapore trẻ tuổi, nói tiếng Anh (thường là ngôn ngữ duy nhất) như tiếng mẹ đẻ. Các cuộc tranh luận gần đây cũng tập trung vào những thách thức của chế độ quân chủ thất bại. Đây là điểm mà Barr cụ thể hóa vấn đề của tư duy nhóm theo bối cảnh nước này. Mặc dù PAP có quyền kiểm soát hoàn toàn chính trị và kinh tế trên cả nước nhưng hệ thống hà khắc với kiểu tuyển dụng lãnh đạo này đã bỏ ra rất ít khoảng trống cho sáng tạo và tư duy mới. Một chính trị gia - xuất thân từ công chức – xuất thân từ quân nhân có con đường thăng tiến giống cha mẹ ưu tú của mình. Những người này chiếm 5% dân số và thường xa rời đời sống bình thường của những người dân Singapore bình thường. Những căng thẳng này chính xác nằm ở đâu và phải hòa giải thế nào sẽ là một chủ đề đáng để Michael Barr lưu tâm. Trong khi đó, cuốn sách hiện tại của ông cung cấp cái nhìn sâu sắc về giới lãnh đạo cấp cao Singapore đương thời và các chính sách của họ.

Nguyễn Hòa
Journal of Current Southeast Asian Affairs

Ruling Elite of Singapore, The: Networks of Power and Influence
by Michael D. Barr
224 pages. I.B.Tauris. $150.98

Tags: book

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc