Ngày phán xét của Trung Quốc

bài bình sách của Patrick E. Tyler
ngày 9 tháng 9 năm 2001

Chính quyền Tổng thống Bush đang lờ mờ hình thành quan điểm về
Trung Quốc ngay khi đất nước này đang hướng tới một cuộc chuyển mình lịch sử đi kèm với một cuộc biến động lớn trong nước. Trên thực tế, cuộc biến động ấy đã bắt đầu.

Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, do đó sẽ nới rộng hơn bao giờ hết những lỗ hổng trên bức vạn lý tường rào về thương mại đã bảo vệ vị thế độc quyền của các ngành thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, phục vụ thị trường nội địa 1,3 tỷ người.

Thuế quan sẽ giảm xuống mức cho phép các công ty như Sony, General Electric, Siemens, Nokia và hàng trăm công ty khổng lồ khác vào Trung Quốc trên một sân chơi bình đẳng với hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước đang lù đù của nước này, nhiều trong số đó có khả năng bị phá sản trong bối cảnh cạnh tranh điên cuồng. Hàng triệu công nhân Trung Quốc có thể sẽ bị cuốn phăng khỏi các nhà máy bị đóng cửa, gia nhập đội ngũ khoảng 200 triệu người thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp, những người đã đổ dồn về các thành phố và thị trấn để tìm kiếm việc làm. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả họ đều hành động giống như người nông dân được cho là đã cắt tai tai một nhân viên thu thuế trong một cuộc bạo loạn năm nay.

Cũng quan trọng không kém, Trung Quốc sẽ có một bộ máy lãnh đạo mới trong năm tới, vì Chủ tịch Giang Trạch Dân, Thủ tướng Chu Dung Cơ và Chủ tịch Quốc hội Lý Bằng đều dự kiến sẽ nghỉ hưu. Có thể sẽ không có một Thomas Jefferson trong số những gương mặt mới và trẻ trung hơn này, những con người dự kiến sẽ nắm Bộ Chính trị đương quyền, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc, họ sẽ cởi mở, tự do hơn và hiện đại hơn nhờ vào tuổi tác và cam kết của họ đối với những cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng năm 1978. Như vậy, cuộc cách mạng kinh tế của Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài trong thập kỷ thứ ba, cuối cùng cũng đã đặt nền móng cho ngày phán xét về chính trị vốn đã bị trì hoãn bấy lâu.


Không có gì bảo đảm rằng ngày phán xét ấy sẽ diễn ra trong yên bình hay trật tự, như tác giả Gordon G. Chang đã nhắc nhở chúng ta với một loạt những lập luận sâu sắc trong cuốn sách ''The Coming Collapse of China'' (tạm dịch Sự sụp đổ nhãn tiền của Trung Quốc) Chang, người đã dành gần hai thập kỷ sống tại Trung Quốc, mới đây, làm cố vấn cho hãng luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison của Mỹ, cho rằng đất nước này là một "bể xăng" chỉ trực đợi tia lửa mà việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ mang tới.

Chang cho biết, "Trên lý thuyết, ngay cả bây giờ, Trung Quốc có vẻ mạnh mẽ và năng động." Tuy nhiên, thực tế, nó là một con rồng giấy. Nếu nhìn sâu xa sẽ thấy một Trung Quốc yếu đuối, một quốc gia đang suy vi trong dài hạn và thậm chí bên bờ vực sụp đổ. Các dấu hiệu mục ruỗng dường như ở khắp mọi nơi.''

Chang không đi theo hướng tiếp cận có hệ thống khi giải thích sự sụp đổ của Trung Quốc, mà đưa ra một loạt những giai thoại -- có chuyện thú vị, có chuyện không -- mà ông đã khám phá ra về Trung Quốc khi là luật sư, doanh nhân và một nhà quan sát tinh tường. Có quá nhiều chi tiết lặp lại trong cuốn sách đầu tiên này của ông, nhưng ông đã nêu lên mối quan ngại chính đáng về việc liệu Trung Quốc có thể chống đỡ được những thay đổi kinh tế sắp tới hay không.

Vào tháng 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng xu hướng ngày càng có nhiều các cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân, công nhân, các nhà bất đồng chính kiến về tôn giáo và sắc tộc, đôi khi lên tới đến hàng chục ngàn người, cho thấy rằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới'' có thể gây ra những nguy hiểm và áp lực ngày càng tăng'', có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới ''ổn định xã hội '' và cản trở ''việc thực hiện suôn sẻ công cuộc cải cách''. Tương tự như vậy, hồi mùa hè này, hai chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Công nghệ Massachusetts, George Gilboy và Eric Heginbotham đã lập luận trên tạp chí Foreign Affairs rằng ''tập hợp những cải cách sắp tới'' – điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – ''có thể sẽ khởi đầu quá trình thay đổi chính trị sẽ kéo dài và hỗn loạn hơn sự hình dung của bất kỳ ai."

Điểm đáng chú ý của những dự đoán này là chúng được đưa ra rất đúng lúc, ngay khi bắt đầu thời kỳ của chính quyền Tổng thống Bush, những con người lên nắm quyền coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm ẩn cho hòa bình và ổn định ở châu Á, là kẻ quyết tâm thống trị khu vực và chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự chống lại Đài Loan. Trên thực tế, Trung Quốc đặt trọng tâm chính vào các vấn đề nội bộ.

Cố vấn an ninh quốc gia của George Bush, Condoleezza Rice, trong quan điểm của mình, ngả theo hướng rằng một mâu thuẫn không thể tránh khỏi sẽ hình thành khi miêu tả Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, nhiều nhân vật nổi bật đã thúc giục Bush tiếp cận Bắc Kinh theo cách ôn hòa hơn. Vụ va chạm hồi đầu năm giữa một máy bay do thám của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc, và sau đó là việc Tổng thống chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đã làm gia tăng cảm giác xung đột.

Tiên đoán về một thảm họa là quan điểm phổ biến trong giới quan sát Trung Quốc, tuy nhiên điều thú vị là nhiều người trong số họ, bao gồm cả Gordon G. Chang, nhận ra rằng điều Trung Quốc mong muốn nhất là một môi trường ổn định để đạt được mục tiêu thịnh vượng về kinh tế. Suy cho cùng, họ cũng đã trải qua 150 năm với chiến tranh, xâm lược, đói kém và sự suy đồi của quốc gia.

Như Chang đã phát hiện ra, Trung Quốc là một quốc gia đầy mâu thuẫn. Nhiều ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước gần như đã phá sản; hệ thống ngân hàng đang chồng chất nợ xấu mà không hay biết; nông nghiệp còn lạc hậu; ô nhiễm môi trường đang vượt khỏi tầm kiểm soát; và việc can thiệp cùng với sự tham nhũng của chính phủ đang giết chết nhiều doanh nghiệp mới. Nhưng nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc, vốn đã giao thương với thế giới trong nhiều thập kỷ, tiếp tục phát triển mạnh, đóng góp hơn một nửa sản lượng kinh tế của đất nước. Dự trữ ngoại hối ở mức 166 tỷ USD vào cuối năm 2000. Và dân Trung Quốc đã trở thành những người tiết kiệm nhiều nhất thế giới, với 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm được đưa vào chương mục tiết kiệm. Chang đã vắn tắt thảo luận những vấn đề này. Ông thậm chí còn lưu ý rằng trong các ngành của Trung Quốc, bất kỳ đâu có những câu chuyện thành công, hàng chục ngàn nhà quản lý Trung Quốc sẽ đổ xô đến để học hỏi. Điều này không có vẻ giống chủ nghĩa Bôn-sê-vích.

Sự thay đổi về kinh tế và việc tạo ra các thị trường là một quá trình đau thương, giống như bài học mà Mỹ đã học được trong suốt thập kỷ suy thoái những năm 1990 và trong thời kỳ hỗn loạn Internet ngày nay. Giờ đây, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một sốc thậm chí còn lớn hơn thế, có lẽ để trở nên tốt đẹp hơn, nhưng cũng có thể, dù sao cũng vẫn phải nói ra, để trở nên tồi tệ hơn.

Tuấn Minh
NYTimes
The Coming Collapse of China Paperback – July 31, 2001
by Gordon G. Chang
372 pages. Random House. $16.06

Tags: bookchina

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc