Chuỗi bán lẻ lớn bậc nhất thế giới phá sản

shared from fb Long Phan,
-----
Chuỗi bán lẻ lớn bậc nhất thế giới phá sản

2008, lần đầu tiên mình đưa cậu con trai vào cửa hàng Toys R Us tại thành phố Melbourne. Một cửa hàng đồ chơi thật tuyệt, mang đầy tính văn hoá. Toys R Us đã tạo ra một cộng đồng cho trẻ nhỏ. Những con Barbie Doll có mã số và có cơ hội giao lưu với các Barbie Dolls khác. Còn gì hơn thế.

Vậy mà, chỉ cách đây vài tháng thôi, Toys R Us với hơn 1.000 cửa hàng của mình tại Mỹ và Canada, và xin bảo hộ phá sản, xoá đi một đế chế bán lẻ bắt đầu từ năm 1948 khi Charles Lazarus tiếp quản cửa hàng bán xe đạp từ cha của mình và chuyển đổi nó thành cửa hàng bán đồ chơi Toys R Us đầu tiên.

3 lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của chuỗi bản lẻ đồ chơi đình đám này được giới phân tích chỉ ra (1) Thiếu chiến lược số hoá để cạnh tranh với Amazon, thậm chí với Walmart hay Target; (2) Chi quá nhiều tiền mở cửa hàng; (3) Mất cân đối vốn với những khoản vay lớn.

(1) Ở thời đại mà bất kỳ doanh nghiệp nào, nhất là bán lẻ, số hoá (digitalize) là việc sống còn để cạnh tranh thì Toys R Us đã không làm được. Mô hình kinh doanh bán lẻ mang tính truyền thống đã quá lỗi thời, cho dù họ cứ cố tự huyễn hoặc rằng doanh thu bán hàng qua chính website của họ là tốt. Nhưng thực tế có khi họ dùng thủ thuật kế toán để ghi nhận doanh thu trực tuyến nhiều hơn, mà nhiều khi nói dối nhiều quá nên chính bản thân họ tin doanh thu trực tuyến là có thật thì phải.

Một mô hình bán lẻ đa kênh Omni Channel là xu thế để có thể cạnh tranh được với Amazon, kẻ có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn về khả năng tiếp cận khách hàng cũng như giảm giá thành tạo giá trị cho khách hàng. Kể cả đối với Walmart hay Target, những đối thủ bán đủ thứ, Toys R Us cũng không cạnh tranh nổi, do đồ chơi có bản quyền bây giờ thì bán đầy trong các siêu thị, không còn là văn hoá mua sắm đồ chơi như cách đây 10 năm nữa. Mình tưởng tượng một ngày nào đó mà điện thoại cũng bán đầy trong siêu thị thì như thế nào nhỉ, chắc là tương lai không xa. Toys R Us với hơn 1.000 cửa hàng của mình mà không làm nổi Omni Channel (đừng nhầm với Multi channel).

(2) Chi quá nhiều tiền mở cửa hàng. Toys R Us với hơn 800 cửa hàng riêng tại Mỹ, chi phí cho mỗi cửa hàng gia tăng, chi phí nhân viên cũng tăng, trong khi hiệu quả một cửa hàng thì giảm bởi cạnh tranh, bởi mô hình bán lẻ lỗi thời. Hiệu quả hoạt động của Toys bị giảm mạnh, và họ phải đặt kỳ vọng cực lớn vào các đợt giáng sinh. Mà kết quả kinh doanh trong đợt giáng sinh 2017 lại không được như kỳ vọng. Theo một số chuyên gia, thay vì đầu tư mở cửa hàng thì Toys nên đầu tư nhiều hơn vào mảng trực tuyến.

(3) Vay nợ quá lớn. Trước khi xin bảo hộ phá sản, cân đối tài chính của Toys cho thấy họ sẽ phải đối mặt với 400 triệu USD nợ vay ngắn hạn phải trả đầu năm 2018. Dự nợ vay lên đến 5 tỷ USD, chỉ riêng tiền lãi một năm cũng lên đến 500tr USD. Các cổ đông lớn nhất kiểm soát Toys R Us là Kohlberg Kravis Roberts and Bain Capital, Vornado Realty Trust đã mua lại Toys bằng giao dịch Leverage Buyout (thâu tóm bằng tiền vay) với giá trị lên đến 6 tỷ USD vào năm 2005.

Toys “R” Us là chuỗi bán lẻ mới nhất gia nhập đội ngũ những chuỗi bán lẻ bị phá sản gần đây, bao gồm Gymboree, Payless ShoeSource and rue21. Bởi họ không thành công trong xây dựng Omni channel, không cạnh tranh nổi với Amazon, còn ở châu Á là Alibaba group.

Một điểm rất quan trọng khác, Toys R Us đã trả thù lao gấp 3 lần cho lãnh đạo công ty ngay trong năm trước khi xin bảo hộ phá sản với kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu, đặc biệt là vào dịp giáng sinh vừa qua. Điều này có khi lại tạo một động cơ lớn để lãnh đạo công ty "cook" doanh số và lợi nhuận ngắn hạn thay vì giúp công ty phát triển về chất. Điều này liên tưởng đến các gói ESOP ở ta.
Một bài học lớn.

Giống ai ấy nhỉ mọi người?

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc