Chuyện Lữ Mông

theo Tuệ Tâm, hat tip to lê quang hải,
-----
Nhận thức của con người đều theo nguyên tắc: cái gì tiến nhập vào trước thì sẽ trở thành quan niệm. Cha mẹ, thầy cô, hàng xóm, bạn bè...từ nhỏ gieo vào đầu một đứa trẻ hệ quan niệm Đúng/Sai, Tốt/Xấu, Nên/Không nên, Giỏi/Dở,....và chúng ta đánh giá người khác dựa trên hệ nhận thức đó. Tuy nhiên, nếu một người luôn dùng ánh mắt của quá khứ đi nhìn người khác, thì sẽ không tránh được những kết luận sai lầm.

Có một số người bạn thời tiểu học, trung học và đại học đã để lại ấn tượng rất sâu sắc, nhưng chỉ mấy năm sau cà phê với nhau, mình phát hiện rằng những người này cũng chỉ có nhiêu đó nói miết. Nhiều thầy cô xưa mình ngồi nghe thấy ngưỡng mộ, nhưng gặp lại thì thấy cách nghĩ của họ đã cũ quá rồi. Ông bà cha mẹ mình cũng vậy, mỗi lần gặp là thấy họ nghĩ nhỏ và áp đặt quá, cứ nói với mình sự chắc ăn và ổn định, an toàn, danh lợi bé con con, miếng đất cái nhà, cái xe, cái công việc. Mình trước mặt họ thì vẫn vui vẻ, nhưng trong lòng đã nghĩ khác. Những giá trị nhân sinh và nghề nghiệp tiếp cận không còn giống nhau nữa, tuy tình cảm cá nhân vẫn còn đầy, nhưng không sao trò chuyện lâu được nữa.

Mình quan sát thấy, người có đầu óc mở có sự biến đổi nhận thức rất nhanh. Có bạn lúc nhỏ rất nhu nhược, thiếu quyết đoán, nhưng hiện tại tư duy lại sắc bén, nhanh nhẹn; có người vốn vô tư hào phóng thì nay lại trở nên hết sức nhỏ nhen, tham lam; có người lắm mồm lắm miệng nay lại trở nên trầm mặc ít nói; lại có người vốn là lạnh lùng ít nói, giờ thành người nói chuyện sắc sảo vô cùng, có người xưa ganh đua tỵ nạnh tham lam, sau ngộ ra mà hào sảng phóng khoáng hay giúp đỡ người khác rất đẳng cấp; có người xưa học dở mà giờ thành công vang dội; có bạn xưa học giỏi cực kỳ, giờ lại chật vật kiếm sống qua ngày hoặc công danh nhạt như nước ốc. Vì sao vậy?

Có một câu nói nổi tiếng trong Tam Quốc Chí: “kẻ sỹ ba ngày không gặp, khi gặp lại phải dùng con mắt khác mà đối đãi". Đây vốn là câu nói của nhân vật "hữu dũng vô mưu” Lữ Mông, tướng Đông Ngô, theo quân xuất chinh từ năm mười lăm mười sáu tuổi. Lữ Mông không theo quan văn, Tôn Quyền vì thế đã phải giảng giải đạo lý: “Nay các vị đều thân giữ trọng trách, nắm giữ việc quản lý lãnh đạo, cần phải đọc nhiều sách để khiến tự mình tiến bộ”.

Lữ Mông thoái thác: “công việc bề bộn, chỉ e không có thời gian đọc sách”. Thường ai không đọc sách hay thể dục, luôn nói câu "không có thời gian".

Tôn Quyền kiên nhẫn chỉ dạy: “Ta nào có bảo các ngươi phải dùi mài kinh sử để làm tiến sỹ. Các người nói xem có ai bận nhiều việc như ta không? Nhưng lúc còn trẻ ta đã đọc qua Kinh Thi, Thượng Thư, Lễ Ký, Tả truyện, Quốc ngữ,...Từ khi ta chấp chính đến nay lại cẩn thận nghiên cứu tất cả binh pháp gia, bản thân đã nhận được rất nhiều lợi ích. Ngươi có khí chất thông minh, có trí nhớ, học tập nhất định sẽ nhanh đạt kết quả. Tào Tháo cũng nói chính mình là lão già hiếu học, nên có được giang sơn. Các ngươi vì điều gì mà hết lần này đến lần khác không thể tự đọc sách?”.

Lỗ Túc, một trí thức lớn, sau khi thay Chu Du nắm giữ quân Ngô, trên đường đi ngang qua nơi đóng quân của Lữ Mông thì dừng chân. Lữ Mông bày rượu đãi. Lỗ Túc lúc ấy vẫn cho rằng Lữ Mông hữu dũng vô mưu, khinh khi trong lòng, nhưng do lỡ quá bước thì đành tiếp chuyện. Nhưng trong tiệc rượu, Lỗ Túc thấy dáng đi cách nói của Lữ Mông khác biệt 1 cách tự nhiên, sang trọng hẳn lên. Rồi hai người luận bàn việc thiên hạ, Lỗ Túc vô cùng kinh ngạc nói: ”Ta luôn cho rằng đệ chỉ có sức lực chứ không có đầu óc, cho đến hôm nay ta đã thấy sai".

Lữ Mông nói: “Kẻ sĩ (tức người có đọc sách, có triết học sâu, trọng logic và sự thật, khách quan) ba ngày không gặp, khi gặp lại phải nhìn bằng cặp mắt khác xưa. Những đánh giá người khác khi mình còn trẻ....đều không còn đúng nữa".

Tags: transform

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc