Con đẹp nhất sẽ sống

Photo by Ricardo Porto on Unsplash.

bài bình sách của David Dobbs

ngày 18 tháng 9 năm 2017

nguồn: nytimes, Minh Thu dịch,

Charles Darwin, sinh năm 1809, dường như là một tác giả không bao giờ già đi đối với các độc giả. Số sách Darwin viết chỉ có 25 cuốn. Số sách viết về Darwin, theo danh mục thư viện toàn cầu WorldCat, là khoảng 7.500 cuốn, và số lượng này vẫn không ngừng tăng lên. “Dòng thác” này bắt đầu với 22 cuốn sách về Darwin được xuất bản năm 1860, một năm sau khi cuốn “Nguồn gốc muôn loài” của ông ra đời, rồi đến mức trung bình khoảng 30 cuốn/năm trong gần một thế kỷ tiếp theo, tăng vọt lên mức 50 cuốn/năm khi Thế chiến II kết thúc, và đạt mức hơn 100 cuốn/năm vào những năm 1980. Hiện tại chúng ta ở mức khoảng 160 cuốn/năm – tức là cứ hơn hai ngày sẽ lại có một cuốn về Darwin.

Dù với số lượng sách quá lớn như vậy, hầu hết các năm đều có
cuốn mang đến những bổ sung đáng chú ý, và năm 2017 cũng vậy. Trong số sách năm nay có một cuốn trao đổi thân thiện của nhà sinh vật học J. Scott Turner: ‘PURPOSE ANDDESIRE’ (‘Mục đích và Khát khao’). Tác giả lập luận rằng chủ nghĩa tân Darwin mang tính động lực ngày nay cần phải tìm chỗ cho thứ “mục đích” — khát khao — mà Turner chắc chắc rằng nó điều khiển mọi cơ quan, và nói rộng ra là cả quá trình tiến hóa. Tôi không mua, nhưng nó là một cuốn sách hay và là tiếng nói mạnh mẽ.

Những cuốn sách liên quan đến tác phẩm của Darwin cũng rất nhiều. Chẳng hạn, cuốn sách đầy tính giải trí của James Costa: DARWIN'S BACKYARD (Sân vườn nhà Darwin), dựa trên các thí nghiệm ngẫu hứng mà Darwin thực hiện tại Nhà Down (với ong và hàu, khoai tây và bồ câu) để chứng minh cách ông đã xây dựng lý thuyết chọn lọc tự nhiên của mình - cùng vài đề xuất làm thí nghiệm tại nhà cho độc giả; một chiến thắng không mấy vẻ vang. Xa hơn, cuốn COLLECTING EVOLUTION (Thu thập về sự tiến hóa) của nhà địa chất học Matthew J. James kể lại chuyến thăm quần đảo Galapagos của nhà tự nhiên học huyền thoại Rollo Beck các năm 1905-1906 với súng săn, túi vải bố và máy ảnh để thực hiện các quan sát có vai trò hỗ trợ quan trọng cho công việc của Darwin ở quần đảo này.

Và xa hơn nữa, DARWIN’S FIRST THEORY (Học thuyết đầu tiên của Darwin) của Rob Wesson đã, ‘lạy chúa tôi’, dám bàn đến một vài vùng hiếm hoi thực sự chưa được khám phá trong vương quốc Darwin. Lần theo các dấu vết của Darwin thời trai trẻ trên chuyến vòng quanh Beagle trong giai đoạn năm 1831-1836, Wesson thuật lại việc Darwin đã ấp ủ học thuyết đầu tiên, rất quan trọng và cũng là học thuyết ông yêu thích nhưng lại bị giới học thuật bỏ qua như thế nào: học thuyết về nguồn gốc của các rạn san hô. Cả về phương pháp lẫn tầm nhìn của ý tưởng này — tưởng tượng các hình thức dần dần thay đổi theo thời gian để đáp ứng các thay đổi trong điều kiện sống — cái ý tưởng ban đầu, thậm chí táo bạo này đã dự đoán và có lẽ đã truyền cảm hứng cho thuyết tiến hóa mà Darwin sẽ công bố vào hai thập kỷ sau đó.

Nhưng đó là một học thuyết khác của Darwin, ít được coi trọng nhất (ít nhất là đánh giá bởi những cuốn sách nổi tiếng), là ý tưởng gây kích động nhất của ông - và đến năm nay cuối cùng nó cũng nhận được sự quan tâm kỹ lưỡng mà nó xứng đáng.

Hơn một thập kỷ sau khi ông xuất bản cuốn sách “Nguồn gốc muôn loài”, trong đó ông cho rằng nguyên tắc của chọn lọc tự nhiên được hình thành bởi “đẹp sống xấu chết”, Darwin đã xuất bản một chuyên luận rắc rối khác – “Nguồn gốc loài người, sự chọn lọc trong tình dục.” Học thuyết này mở rộng ý tưởng mà ông đề cập ngắn gọn trong cuốn “Nguồn gốc muôn loài”. Ông nêu giả thuyết rằng đôi khi trong các sinh vật sinh sản hữu tính, thì xảy ra một kiểu chọn lọc khác: trong các ứng viên có sẵn, động vật không chọn con mạnh nhất, mà là con đẹp nhất, hấp dẫn và lôi cuốn nhất. Nói cách khác, đôi khi nó tuân theo quy tắc thẩm mỹ.

Darwin nghiền ngẫm ý tưởng này phần lớn là bởi ông thấy chọn lọc tự nhiên không thể giải thích cho những chi tiết trang trí đẹp đẽ mà ta thấy ở nhiều loài động vật trên khắp thế giới, đặc biệt là con đực: khuôn mặt và phần mông có lông màu sáng của nhiều con khỉ và vượn; phần chân và lưng màu trắng của loài bò đực Banteng ở Malaysia; những chiếc lông sặc sỡ cùng điệu nhảy giao phối của vô số loài chim bao gồm chim phướn, chim chuông ở New Zealand, chim hấp gió, chim ruồi và diệc, chim thiên đường lòe loẹt và chim trĩ, và công, kẻ khoe mẽ nổi tiếng, với chiếc đuôi lộng lẫy tưởng chừng như là vật cản cho cuộc sinh tồn lại là thứ chiều lòng những con cái đến mức chú công nào khéo quạt thường sẽ giành được nàng. Chỉ có sự ưu ái không ngừng dành cho những chi tiết như vậy — ở nhiều loài, “một lựa chọn của con cái” – mới có thể chọn lọc ra cách trang trí như vậy. Chọn lọc tình dục, như Darwin gọi nó, một thiên hướng dành cho cái đẹp hơn là sức mạnh đơn thuần, đã tạo thành một cơ chế tiến hóa riêng biệt, độc lập và đôi khi trái ngược với chọn lọc tự nhiên.

Nhưng trái với kỳ vọng của Darwin, nhiều nhà sinh học đã bác bỏ giả thuyết này. Vì một lẽ rằng, thuyết tiến hóa qua chọn lọc tình dục này của Darwin đe dọa vị trí của thuyết chọn lọc tự nhiên như một động lực thực sự và toàn năng đã định hình cuộc sống — một động lực kiến tạo mạnh mẽ và chuyên biệt đến mức đủ để thay thế Chúa. Ngoài ra, một số người cảm thấy thuyết chọn lọc tình dục của Darwin quá đề cao vai trò của con cái đưa ra lựa chọn dựa trên sắc đẹp. Như nhà động vật học St. George Jackson Mivart từng phàn nàn trong một bài đánh giá đầy ảnh hưởng về cuốn “Nguồn gốc của loài người” rằng “sự bất ổn của tính tùy hứng hoang dại ở con cái” là yếu tố hời hợt và quá thiếu thuyết phục để thúc đẩy một thứ quan trọng như sự tiến hóa.

Vì vậy, thuyết chọn lọc tình dục của Darwin đã không giành được thứ chiến thắng vinh quang như thuyết chọn lọc tự nhiên đã giành được. Kể từ đó, quan điểm ưu tiên khả năng thích nghi và “khỏe mạnh là trên hết”, coi chọn lọc tình dục như một tập hợp con của chọn lọc tự nhiên đã chiếm ưu thế, quyết định hướng diễn giải của hầu hết các đặc tính quan trọng. Lông vũ đẹp mắt hoặc khuôn mặt đối xứng (ở người) đã được định hình không phải là một ưu thế trong chọn lọc tình dục, mà là “dấu hiệu trung thực” của độ khỏe tiềm tàng cao hơn. Trong khi đó, thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại vào giữa những năm 1900, kết hợp thuyết tiến hóa của Darwin với di truyền học Mendel, đã định nghĩa lại rằng độ khỏe tiến hóa không phải là một đặc tính, mà là sự sống sót và lan truyền của từng gen tạo ra các đặc tính đó. Các gen, thay vì các đặc tính, đã trở thành đối tượng của chọn lọc tự nhiên.

Và mọi thứ vẫn gần như vậy cho đến bây giờ. Tuy nhiên, vào mùa hè này, gần 150 năm sau khi Darwin công bố thuyết chọn lọc tình dục trước sự đón nhận đa chiều của công chúng, Richard Prum, một nhà điểu học kiêm quản lý bảo tàng có phong cách ôn hòa đến từ Yale, đã xuất bản một cuốn sách nhằm đòi lại một chiến thắng rõ ràng hơn cho nó. Với cuốn CUỘC TIẾN HÓA CỦA CÁI ĐẸP, Prum đã dựa trên hàng thập kỷ nghiên cứu, hàng trăm bài báo, cùng một trí tuệ uyên bác, tâm hồn vui tươi và nghịch ngợm để chứng minh thuyết chọn lọc tình dục của Darwin ở một phiên bản phong phú hơn và muốn giải cứu sinh học tiến hóa khỏi “sự cố chấp của quan điểm thích nghi đầy tẻ nhạt và hạn chế về quyền lực thống trị của thuyết chọn lọc tự nhiên.” Ông cảm thấy sự cố chấp này đã khiến nhân loại có một cái nhìn nghèo nàn, thậm chí là sai trái về sự tiến hóa nói chung, và đặc biệt về là cách tiến hóa đã định hình các mối quan hệ giới tính và văn hóa nhân loại nói riêng.

Và Prum biết, ông ấy bước vào lãnh địa này để chiến đấu. Các nhà sinh vật học như Richard Dawkins, người bảo vệ mạnh mẽ cho quan điểm thích nghi trong thuyết tiến hóa của Darwin, không vui vẻ gì với quan điểm phản bác này. Nhưng đúng như quan điểm của mình, Prum tìm cách chiếm ưu thế qua những lời văn rõ ràng, duyên dáng và hấp dẫn, hơn là những lời lẽ tấn công ác ý. Giống như một chú chim đinh viên cất công thể hiện trước những đối tượng tiềm năng, ông không cố gắng để chiến thắng những đối thủ ba hoa tự cao tự đại của mình, mà là để thuyết phục những người có đầu óc cởi mở. Kết quả là cuốn sách trở thành một món ngon, vừa hấp dẫn vừa khác biệt.

Richard Prum trước hết là một người ngắm chim đầy say mê. Cá nhân ông đã nhìn thấy hơn một phần ba trong số 10.000 loài chim được biết đến trên thế giới. Dựa trên những quan sát và vốn đọc rộng của mình để phủ nhận quan điểm về tính thích nghi, ông khẳng định vẻ đẹp là một “dấu hiệu trung thực” của độ khỏe tiến hóa (evolutionary fitness). Sự chú ý của ông không bao giờ đi xa khỏi tự nhiên, và lời văn trong những đoạn về chim chóc thể hiện sự quan sát tinh tế, cụ thể đến từng chi tiết, một vốn hiểu biết sâu sắc và giàu tính gợi cảm. Ví dụ như khi miêu tả màn trình diễn rộn ràng của chú chim trĩ sao sặc sỡ kiêu sang, ông như khiến người đọc cảm thấy một chiếc dùi trống tinh tế lướt qua người.

Prum cũng là một chuyên gia về sự tiến hóa của lông vũ, và ông viết về chúng với sự thấu hiểu và trân trọng mà người ta thường nghe thấy từ các nhà phê bình nghệ thuật hài hước nhất – hãy nghĩ đến cảnh Kenneth Clark cãi cọ với nữ tu Wendy*. Prum đưa ra một lập luận đẹp và hợp lý rằng thay vì tiến hóa vì khả năng bay, lông vũ thực ra có thể đã tiến hóa với mục đích ban đầu là vỏ bọc đẹp đẽ cho những màn quyến rũ bạn tình: độ khỏe chỉ là một lợi ích thứ sinh của việc làm đẹp. Những ngụ ý phê bình nghệ thuật không phải tự nhiên mà có. Prum coi những con chim như những nghệ sĩ. Manakins (nhóm nghiên cứu của Prum) cẩn thận biên đạo các điệu nhảy của chúng. Các con đinh viên (bowerbird) đã thuần thục kĩ năng ấp tổ trong hàng liên đại (eon — cấp cao nhất trong hệ thống tính niên đại địa chất) trước khi các họa sĩ của loài người háo hức tìm hiểu trong suốt thời Phục hưng.

Chim đinh viên đực đã cho Prum một số ví dụ thuyết phục nhất trong lập luận của ông. Những con chim đặc biệt này mời gọi bạn tình tiềm năng của chúng bằng cách xây dựng các vòng tròn, hình nón hoặc các cấu trúc giống như ống khói từ cành cây, sau đó trang trí cả công trình, phần nền bên trong và xung quanh chúng bằng đá, vỏ sò, vỏ bọ cánh cứng, nấm đa sắc và các loại đồ nghệ thuật khác mà chúng tìm thấy. Cả công trình kiến trúc và hành vi của con đực đều mời gọi con cái quan sát và xem xét trong khi vẫn để cho cô nàng có không gian riêng và một đường lui rõ ràng. Prum còn viết rằng, ở một số loài đinh viên, con đực tỉ mỉ sắp xếp và thu vén công trình của mình, kiểm tra nó từ nhiều góc độkhác nhau và tinh chỉnh cẩn thận, với sự chu đáo như của một người bán hoa cầu kỳ. Con đực của một số loài lại đứng lấp ló đằng sau một cái cây hoặc một phần bí mật trong công trình để quan sát con cái kiểm tra thành quả của chúng. Nếu cô nàng thích những gì mình nhìn thấy, cô nàng sẽ vươn cổ và rướn đuôi mời gọi, và con đực sẽ để giao phối. (Việc này chỉ mất vài giây và cả hai sẽ không bao giờ gặp lại.) Nếu không thích, cô nàng sẽ rời đi.

Prum tin rằng những điều này và những lời gọi mời tán tỉnh tương tựở các loài khác là thứ sinh ra từ một cuộc trò chuyện dài, đa thế hệ, đồng tiến hóa giữa các đối tác giao phối. Phẩm chất thẩm mỹ và xã hội của con đực liên tục bị kiểm tra, đánh giá và (thông qua chọn lọc) sửa đổi tùy thuộc việc chúng có làm hài lòng bạn tình tiềm năng hay không. Do đó, sở thích cá nhân của con cái, Prum nói, giúp thúc đẩy sự tiến hóa.

Giống như tất cả các kiểu chọn lọc, điều này không nhằm đạt được bất kỳ mục tiêu cụ thể nào; nó chỉ hình thành và phát riển theo yêu cầu của độ khỏe, hoặc trong trường hợp này, là yêu cầu về cái đẹp. Dĩ nhiên, một đặc tính được chọn vì nó đẹp có thể gây ra nhiều vấn đề khi những công dụng trang trí đó lại đi được ngược lại ưu tiên về độ khỏe. Nhưng cuối cùng, điều quan trọng nhất, và thường là điều bù đắp cho những vấn đề đó là sự tán tỉnh “đầy tính thẩm mỹ” này, Prum nói, đã tạo ra một môi trường, những thiên hướng và các nghi lễ — một loại văn hóa — mang lại cho con cái sự lựa chọn, tự chủ và an toàn. (Như đã lưu ý, con cái không có được tất cả mọi thứ; một khi con đực và con cái giao phối xong và chia tay, con cái sẽ nuôi con một mình.)

Prum coi những lựa chọn thẩm mỹ như một động lực “tái định hình thẩm mỹ” — một sự định hình mang tính tiến hóa của hành vi giao phối, và thậm chí rộng hơn, là hành vi xã hội của con đực, bởi áp lực phải thấu hiểu sở thích của con cái. Prum nhấn mạnh đây không phải là về việc con cái mê hoặc, hoặc thống trị con đực; nó chỉ đơn giản là về việc lựa chọn những con đực cho phép con cái tự chủ và có quyền lựa chọn.

Đến điểm này, khi đã đưa ra lập luận rất tốt ở loài chim, Prum chuyển sang những ngụ ý về chọn lọc tình dục ở loài người. Ông nhanh chóng khai thác cả tài liệu về động vật và con người để chỉ ra làm thế nào, đối với mỗi đặc tính của con người, các giải thích theo quan điểm về tính thích ứng lại thất bại trong khi các giải thích theo tính thẩm mỹ lại thuyết phục hơn và thành công. Danh mục Những Điều Chọn Lọc Tự Nhiên Không Thể Giải Thích Nhưng Chọn Lọc Tình Dục Có Thể Giải Thích Dễ Dàng bao gồm đồng tính luyến ái, xu hướng một vợ một chồng, thiên hướng và khả năng quan hệ tình dục ngoài thời kỳ sinh sản của phụ nữ, sự “đầu hàng” của nam giới khi các bộ phận cơ thể teo rút theo thời gian ngoại trừ bộ não và sự tiến bộ trong chăm sóc gia đình, điều rất hiếm thấy ở những người vượn đồng loại và những anh em họ linh trưởng gần gũi của chúng ta. Đấy là mới chỉ kể ra một vài điều.

Ví dụ, hãy xem xét những đặc điểm nổi bật này của con người: mối quan tâm thường xuyên đối với tình dục, bộ ngực đẹp vĩnh cửu, dương vật lớn và cuối cùng nhưng không hề kém quan trọng, cơn cực khoái của phụ nữ. Ngoại trừ mối quan tâm liên tục đến tình dục (và có thể là cơn cực khoái ở phụ nữ) còn có thể thấy ở loài tinh tinh lùn Bonobo, không có đặc điểm nào trong số này phát triển ở loài vượn đồng loại của chúng ta. Prum lập luận rằng chúng tiến hóa ở người vì chúng giúp phụ nữ đánh giá tiềm năng của nam giới. Khi quan hệ tình dục mang lại cực khoái với nguy cơ mang thai tương đối thấp, nó trở thành con đường không chỉ để sinh sản mà còn để đánh giá xem nam giới chú ý đến mức độ nào đối với ham muốn, thị hiếu và lựa chọn của phụ nữ. Prum cho rằng, về cơ bản, con người tiến hóa để thỏa thuận và làm tình với nhau như một loại nghi thức thể hiện. Phòng ngủ mới là tổ ấm của chúng tôi.

Một trong những điểm đáng chú ý của Prum là, xét đến tất cả những điều trên đây, chúng ta có nhiều lựa chọn. Tất cả những lựa chọn này, ông nói, được hình thành bởi những đối lập giữa giải phẫu, sinh lý học, động cơ và thiên hướng giữa nam và nữ. Prum lập luận rằng đối với những đối lập này, các loài sinh sản dị tính có xu hướng phản ứng theo một trong hai hướng. Một phản ứng là để con đực dùng cơ thể lớn hơn để kiểm soát hoặc ép buộc con cái và kiềm chế sức mạnh của nó trong việc liệu con cái sẽ giao phối và sinh sản với ai và tần suất như thế nào. Kiểu phản ứng này phổ biến ở nhiều loài vịt và khỉ đột, những con đực thống trị và đe dọa bằng vũ lực để ra lệnh chỉ riêng nó được giao phối với con cái trong bầy của chúng và thường giết chết con của những kẻ đến trước. Một phản ứng khác là qua con đường thẩm mỹ — giải quyết sự khác biệt giữa nhu cầu và ham muốn của con đực và con cái bằng các hành vi và nghi thức thể hiện sự tôn trọng đối với các ưu tiên của phía kia và quyết định giải quyết ưu tiên của họ.

Prum đề xuất rằng con người chúng ta đã phát triển theo con đường thứ hai, và rằng, với sức mạnh tư tưởng, lương tâm và động cơ hành động của mình, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình tiến hóa về thẩm mỹ và xã hội đó. Điều này, ông khẳng định, là lý do tại sao chúng ta không nên coi vẻ đẹp chỉ là dấu ấn của sự đảm bảo chất lượng mà thuyết tiến hóa thông thường đã nêu. Bởi hơn thế, vẻ đẹp tạo thành nền tảng của một động lực tiến hóa hoàn thiện và phức tạp — điều có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với nhau.


* Kenneth Clark: nhà sử học nghệ thuật, giám đốc bảo tàng và phát thanh viên người Anh, nổi tiếng với series Civilization về nghệ thuật phương Tây; Nữ tu Wendy: Wendy Mary Beckett một nữ tu nổi tiếng qua loạt phim tài liệu truyền hình của BBC về lịch sử nghệ thuật vào những năm 1990.

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc