Tầm nhìn về thời đại khi dầu lửa không còn là vua

Photo by Zbynek Burival on Unsplash.

bài viết của Dwight Garner,

ngày 20 tháng 9 năm 2011,

nguồn: nytimes, Quỳnh Anh dịch,

Daniel Yergin là chuyên gia năng lượng có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, và cuốn sách đưa tên tuổi ông đến với công chúng là “The Prize: Thiên sử thi về Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực” (1991). Cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất, giành được giải Pulitzer và được chuyển thể thành sê-ri phim truyền hình ngắn nổi tiếng trên PBS. Trong hai thập kỷ kể từ đó, tác giả Yergin hoạt động như một cá nhân nghiên cứu chính sách độc lập, gần như độc quyền về chủ đề năng lượng và địa chính trị. Ảnh hưởng của ông lớn như vậy cho nên người ta sẽ không mấy ngạc nhiên nếu đối thủ của ông đệ đơn kiện chống độc quyền nhắm vào ông.

Tác giả Yergin trở lại với phần tiếp theo của cuốn “The Prize.” Phần này có tên gọi “The Quest: Năng lượng, An ninh và Tái tạo thế giới hiện đại,” và thật sự, cuốn này thậm chí còn
hay hơn cuốn trước. Cuốn sách sắc sảo, vô tư và cập nhật nhiều sự kiện đáng báo động. (Các sự kiện như lõi lò phản ứng hạt nhân tan chảy một phần tại khu liên hợp hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, những biến động chính trị ở Ai Cập và Libya, và vụ truy tìm và bắn chết Osama bin Laden, tất cả đều diễn ra trong năm nay, đều được đưa vào nội dung tranh luận của cuốn sách.) Tác giả Yergin không chấp nhận hành động phủ nhận biến đổi khí hậu, và vẫn bàn về chủ đề nhiên liệu sạch hơn trong tương lai. Cuốn sách chuyên sâu của ông tuyên bố rằng chúng ta (có lẽ) đang vùi đầu vào màn hình những chiếc máy tính xách tay và thiết bị công nghệ đẹp đẽ, nhưng chính bàn chân chúng ta (cùng lúc đó) đang dẫm trong dầu lửa bẩn thỉu.

Cuốn “The Quest” sẽ là cuốn sách phải đọc đối với các CEO, các nhà bảo tồn, các nhà lập pháp, các tướng lĩnh, gián điệp, chuyên viên công nghệ, nhà văn chuyên viết truyện ly kỳ, những kẻ khủng bố đầy tham vọng và nhiều đối tượng khác. Nhưng sẽ không dễ đọc. Đây là một cuốn sách rất đồ sộ và không hề dễ chịu; quyết định đọc cuốn sách cũng chẳng khác gì quyết định hôn nhân, hay quyết định thuê xe dài hạn, hoặc quyết tâm leo lên đỉnh Everest. Chắc chắn phải cắm trại nghỉ chân định kỳ trên ngọn núi 804 trang này. Sẽ cần có Sherpa giúp đỡ—có thể là con bạn tiếp tế cho bạn trà, cà phê và rượu rum để lấy sức đọc sách. Gần đến đỉnh có thể bạn sẽ thấy xác của những người không đi được đến cùng.

Quy mô của cuốn sách tự nó là một lời tuyên ngôn về môi trường. Ý nghĩ rằng hàng chục ngàn bản in, được sản xuất từ cả một khu rừng bị chặt phá, sau đó sẽ lên máy bay và được vận chuyển đi khắp nơi gióng lên lời cảnh báo. Tôi không sở hữu thiết bị đọc sách điện tử và chưa từng muốn có một cái. Nhưng có lẽ đã đến lúc; sử dụng Kindle hoặc iPad, đặc biệt là khi giá thiết bị đã giảm xuống, chắc chắn là một lời tuyên bố về mặt bảo vệ môi trường.

“The Quest” mang tham vọng trở thành cuốn bách khoa toàn thư; nên (hầu như) không có những đoạn tóm lược dễ đọc. Điều lôi cuốn bạn là những đoạn viết độc lập rất chắc tay, hay nhất trong số đó là phần tác giả Yergin gọi là “thế giới mới của dầu lửa.” Ví dụ bao gồm sự tan rã của Liên Xô và cuộc chạy đua kiểm soát các mỏ dầu ở các nước cộng hòa mới tuyên bố độc lập. Cuộc đua chết chóc này được biết đến như một “Ván cờ lớn” mới.

Tác giả Yergin thuật lại đầy hấp dẫn tiến trình theo thứ tự thời gian của vụ sáp nhập chóng vánh trong ngành năng lượng vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi sáu công ty—BP và ARCO, Exxon và Mobil, và Chevron và Texaco—hợp lại chỉ còn ba. Tác giả hiểu thấu đáo vụ việc 11 tháng 9, chiến tranh Iraq, cơn bão Katrina và những lý do toàn cầu rối rắm vì sao giá dầu tăng đột biến giữa năm 2004 và 2008 rồi cuối cùng đạt mức kỷ lục $147 một thùng. Ông đánh giá cao sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới. “Đâu đó khoảng năm 2020,” tác giả Yergin đưa ra nhận xét, Trung Quốc “có thể vượt lên trước Mỹ ở vị trí quốc gia tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới.”

Ông xem xét khái niệm về “đỉnh dầu”—ý tưởng rằng nguồn cung của thế giới đang nhanh chóng cạn kiệt—và chủ yếu bác bỏ khái niệm này. Nhờ có công nghệ mới, ước tính tổng dự trữ của thế giới tiếp tục tăng. Nhưng có nhiều lý do khác để thoát ra khỏi dầu lửa, không phải tất cả các lý do đều là môi trường sinh thái.

Một trong những mối lo ngại của giả Yergin là Iran sở hữu bom nguyên tử và làm đảo lộn cân bằng quyền lực ở Trung Đông. Nước Iran có vũ khí hạt nhân đặc biệt đáng sợ, ông viết, vì phương Tây đang thiếu “đối thoại trực tiếp với Tehran, điều này có thể làm tăng khả năng ‘vô tình’ đối đầu hạt nhân.” Tác giả cũng lo ngại về các cuộc tấn công qua hệ thống mạng trong tương lai vào lưới năng lượng, thậm chí có khả năng xảy ra một “Trân Châu Cảng trên mạng”.

Tác giả Yergin dành một phần lớn cuốn sách của mình cho các nguồn năng lượng tái tạo: gió, ánh sáng mặt trời trực tiếp, nhiên liệu sinh học và thủy điện, và một số nguồn khác. Ông đặc biệt quan tâm đến khả năng xuất hiện “công nghệ đột phá”, hoặc các nguồn năng lượng có khả năng thay đổi cục diện mà hiện con người không thể lường trước được. Ông gọi đó là các “Google” của ngành năng lượng, và lưu ý rằng các nhà đầu tư mạo hiểm đang ngày càng quan tâm đến việc tài trợ các nghiên cứu tìm kiếm những “công nghệ đột phá” này.


Xuyên suốt cuốn sách là những đoạn tiểu sử ngắn, toàn diện về cả các nhà lãnh đạo thế giới và các nhân vật ít được biết đến, như H. L. Williams, cha đỡ đầu của giàn khoan ngoài khơi; nhà toán học Princeton John von Neumann, người tiên phong trong dự báo thời tiết điều khiển bằng máy tính; và Roger Revelle, khi giảng dạy tại Harvard vào những năm 1960, đã hướng dẫn Al Gore về sự nóng lên toàn cầu.

“The Quest” có ý nghĩa ở cả cấp vi mô cũng như vĩ mô; nói cách khác, nó đem lại nhiều bất ngờ thú vị. Tác giả Yergin in hoa câu châm ngôn của giới kinh doanh dầu lửa: “Nhanh vui, nhanh buồn.” Ông trích dẫn nhà lãnh đạo Venezuela, Juan Pablo Pérez Alfonso, người sáng lập OPEC, và đã gọi dầu lửa là “phân của quỷ.” Ông liệt kê khó khăn Jimmy Carter phải kiên nhẫn chịu đựng để biến độc lập năng lượng thành vấn đề trung tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Carter cho rằng, nỗ lực này “lao tâm khổ tứ như trong một cuộc chiến.” (Moral Equivalent Of War) Các nhà phê bình chế giễu ông bằng chữ viết tắt của cụm từ trên: MEOW.

Khi nói đến đánh giá tương lai năng lượng của thế giới, tác giả Yergin ủng hộ kiểu Churchil. Tác giả lập luận rằng chúng ta nên xem xét tất cả các nguồn năng lượng có thể, theo cách Winston Churchill xem xét dầu lửa khi ông phát biểu trước Quốc hội Anh năm 1913. “Chúng ta không được phụ thuộc vào bất kỳ loại dầu nào, bất kỳ nhà máy lọc dầu nào, bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ tuyến đường nào, bất kỳ mỏ dầu nào,” Churchill nói. “An toàn và an ninh trong dầu lửa nằm ở tính đa dạng và chỉ nhờ vào tính đa dạng.”

Một trong những lời kết của tác giả Yergin tập trung vào tầm quan trọng của việc suy nghĩ nghiêm túc về một nguồn năng lượng “có khả năng gây tác động lớn nhất trong tất cả các nguồn.” Đó chính là hiệu suất cao. Ông chỉ ra rằng đây là một ý kiến đơn giản nhưng cũng lại là một ý tưởng lạ kỳ “khó hiểu nhất”. Các tòa nhà, xe hơi, máy bay, máy tính và các sản phẩm hiệu suất cao hơn có khả năng thay đổi thế giới của chúng ta.

Hành vi cá nhân theo lối cũ cũng vậy. Tác giả Yergin xem xét người Nhật, những người hiếm khi có được nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Ông đưa ra khái niệm mottainai, một từ khó dịch, giải thích vì sao người Nhật tiết kiệm giấy gói quà để sử dụng hết lần này đến lần khác. Lời dịch hay nhất cho từ mottainai, theo tác giả Yergin, đó là “quá quý giá nên không được lãng phí.”

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc