Ảnh hưởng lâu dài của Mao Trạch Đông

Chủ tịch sẽ tiếp quý vị ngay bây giờ* Photo courtesy Jason Hargrove.

nguồn: The Economist, Quỳnh Anh dịch,

Trong số những nhà độc tài tàn bạo của thế kỷ 20, chỉ mình huyền thoại và tư tưởng của Mao Trạch Đông vẫn còn vang vọng.

Tên tuổi của các nhà độc tài tàn bạo nhất thế kỷ 20 đồng nghĩa với tội ác. Hitler, Pol Pot, Stalin: thậm chí chỉ nói đùa về những người này cũng là vô duyên. Thế nhưng danh tính của một vị độc tài lại mang tác động nhẹ hơn. Sự thực là nhiều người vẫn còn tôn kính ông. Khuôn mặt ông được in trên gần như tất cả đồng tiền giấy đang lưu hành trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàng ngàn người xếp hàng hằng ngày để tham quan thi hài của ông được ướp và đặt nằm trong lồng kính. Khi Barack Obama còn đương nhiệm tổng thống, một nhà thiết kế ở Trung Quốc đã ghép trang phục của Mao Trạch Đông với mặt của Obama và in lên áo phông. Nhiều người—kể cả du khách phương Tây—đã mua áo vì hình ảnh hấp dẫn. Có lẽ họ không nghĩ rằng, trên thực tế, họ đang đánh đồng nhà lãnh đạo nước Mỹ với nhân vật gây ra cái chết cho hàng chục triệu người.

Mao Trạch Đông vẫn luôn như vậy: một bạo chúa mà
hình ảnh của ông trên thế giới được nhào nặn và chỉnh trang bất chấp con người thực của ông. Hình ảnh ấy không có những nỗi kinh hoàng ông từng gây ra—giết hại địa chủ, đàn áp trí thức và nạn chết đói hàng loạt từng quét sạch đất nước hồi đầu những năm 1960. Cuốn “Hồng bảo thư” của ông được những sinh viên nổi loạn tại các trường phương Tây cũng như những người nổi dậy ở các nước đang phát triển háo hức tìm đọc. Không hề có sự xấu hổ về mặt thời trang khi mặc bộ đồ kiểu Mao Trạch Đông. Không có đứa trẻ nào bị quở trách khi hỏi ai là con mèo mạnh nhất Trung Quốc. (Chủ tịch Meo.)

Theo mô tả của Julia Lovell, giáo sư tại Birkbeck, Đại học London, về “Tư tưởng Mao Trạch Đông: Lịch sử toàn cầu”, vị chủ tịch khó hiểu đã truyền cảm hứng cho các nhà cách mạng trên khắp thế giới, từ vùng cao nguyên Peru đến rừng rậm Campuchia, từ các quán cà phê ở Paris đến nội thành nước Mỹ. Hệ tư tưởng của Mao Trạch Đông, được chắt lọc vào một số khẩu hiệu hàm súc (“tạo phản hữu lý”, “vì nhân dân phục vụ” và “pháo đả tư lệnh bộ” chính là tất cả những điều bạn cần biết), đã góp phần gây ra đau thương và loạn lạc không chỉ ở đất nước của ông, mà còn lan ra cả thế giới. Ông là bộ não đằng sau Pol Pot và những cánh đồng chết ở Campuchia. Chính sự sùng bái cá nhân đối với Mao Trạch Đông đã khuyến khích một Kim Il Sung ghen tị đẩy chính mình lên tầm cao phi lý tương tự; Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng kinh hoàng ấy cho đến ngày hôm nay.

Sự sùng bái Mao Trạch Đông không kết thúc cùng với những hỗn loạn của thời kỳ Cách mạng Văn hóa trong những năm 1960 và 1970. Sự sùng bái vẫn ngoan cường tồn tại mà không nhận được sự chú ý nó xứng đáng. Theo như bà Lovell lập luận, thiếu công trình nghiên cứu về tác động toàn cầu của tư tưởng Mao Trạch Đông không chỉ do thiếu sự quan tâm. “Đây cũng là kết quả do thành công của Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông trong việc truyền đạt một câu chuyện đặc biệt về quá khứ,” bà viết. Hình ảnh của Mao Trạch Đông vẫn tiếp tục bị thao túng. Nó vẫn mang sức hấp dẫn mạnh mẽ ở Trung Quốc và nhiều nơi khác.

Nguồn gốc của huyền thoại này ngạc nhiên thay lại nhờ rất nhiều vào một người Mỹ. Bà Lovell khám phá vai trò đáng kinh ngạc của Edgar Snow trong việc tạo ra huyền thoại về Mao Trach Đông hơn một thập kỷ trước khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền lực vào năm 1949. Snow là một nhà báo đã tiến vào được vùng tây bắc xa xôi, đích đến của Mao Trạch Đông và những người theo ông sau cuộc Vạn lý Trường chinh tháo chạy khỏi sự truy kích của lực lượng Tưởng Giới Thạch. Cuốn sách ông viết về căn cứ du kích và những cuộc gặp gỡ với Mao Trạch Đông, “Ngôi sao đỏ trên bầu trời Trung Quốc”, xuất bản năm 1937, đã trở thành cuốn sách bán chạy toàn thế giới.

Không nhà báo nào khác tiếp cận được như vậy. Miêu tả của Snow về Mao Trạch Đông, khi đó mới hơn 40 tuổi, là một người theo chủ nghĩa lý tưởng mong muốn cứu Trung Quốc khỏi chế độ chuyên chế tham nhũng của Tưởng Giới Thạch và xây dựng một đất nước dân chủ khiến thế giới kinh ngạc. Theo như Snow, mục đích của Mao Trạch Đông là đánh thức người Trung Quốc “tin vào nhân quyền” và thuyết phục họ “đấu tranh cho một cuộc sống công bằng, bình đẳng, tự do và nhân phẩm.” Còn gì để phản đối cơ chứ?

Cuốn sách của Snow, theo bà Lovell, “đã tạo ra Mao Trạch Đông như một nhân cách chính trị quốc gia và toàn cầu trước khi có Tư tưởng Mao Trạch Đông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Bản dịch tiếng Trung đã thu hút giới trẻ thành thị, có học thức ở Trung Quốc đến với sự nghiệp của Mao Trạch Đông. Ở nước ngoài, nó trở thành cuốn cẩm nang cho những người chống phát xít ở Nga, cho du kích Huk ở Philippines và cho các nhà cách mạng chống Anh ở Ấn Độ. Theo lời bà Lovell, đó là văn bản cốt lõi cho hàng ngàn người Ấn Độ tham gia cuộc nổi dậy của những người theo tư tưởng Mao Trạch Đông ở đó và vẫn còn sục sôi.

Những mô tả của bà Lovell về những câu chuyện trên toàn cầu này (và nhiều câu chuyện khác) về tư tưởng Mao Trạch Đông được nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy màu sắc. Bà kết thúc cuốn sách của mình bằng cách xem xét lưu danh của Mao Trạch Đông tại chính Trung Quốc. Đây là nơi tầm quan trọng của niềm tin biểu hiện rõ ràng nhất.

Thiên hạ đại loạn
Sau nhiều năm Mao Trạch Đông ngày càng bị tách ra khỏi văn hóa chính trị Trung Quốc, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang cố gắng tái lập quyền lực của cố chủ tịch. Ông yêu cầu Đảng viên phải ôn lại hệ tư tưởng Mao Trạch Đông. Những thành công của Trung Quốc trong kỷ nguyên “cải cách và mở cửa” gần đây không nên được dùng vào việc phỉ báng thời kỳ trước dưới thời Mao Trạch Đông, ông nhấn mạnh. Theo cách này, ông Tập đã trở thành con cưng của những nhà tư tưởng theo Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, những người từ lâu đã nản lòng do Đảng hướng về thị trường tự do kiểu chủ nghĩa tư bản . Họ ủng hộ thái độ của ông Tập thiên về kiểu nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo hơn.

Điều này càng trở nên quan trọng khi xem xét chính sách đối ngoại của ông Tập. Cuốn sách của bà Lovell đưa ra một lời nhắc nhở có giá trị rằng, dưới thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc muốn trở thành người lãnh đạo một cuộc cách mạng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó đã cố gắng hạ thấp khía cạnh này của Tư tưởng Mao Trạch Đông—có lẽ do e ngại sẽ gia tăng nghi ngờ của phương Tây đối với chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã nói rõ rằng ông muốn biến Trung Quốc thành người chơi trung tâm trên trường quốc tế. Ông cho hay chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc đã và đang “mở ra con đường mới” cho các nước khác. Có tiếng vọng của quá khứ trong lời của Tập Cận Bình.

Dẫu vậy, khó mà giữ được sự tương đồng. Ông Tập không phải đang làm nhiệm vụ cách mạng. Ông muốn đảm bảo một không gian an toàn toàn cầu cho chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, chứ không phải chuyển đổi thế giới sang chủ nghĩa này. Ông không ủng hộ các cuộc nổi dậy. Ông vui mừng xây dựng mối quan hệ thân thiện với các cường quốc phi cộng sản nếu họ không thách thức quyền cai trị của ông.

Trong nước, ông Tập sử dụng Tư tưởng Mao Trạch Đông như một cách thi hành kỷ luật đảng: nhắc lại lời của chủ tịch Mao thể hiện lòng trung thành với đảng do vị cố chủ tịch này góp phần lập nên. Ông Tập sẽ không muốn đảng viên hiểu tư tưởng Mao Trạch Đông theo nghĩa đen; bà Lovell lưu ý rằng, rốt cuộc, Mao Trạch Đông “sở hữu năng lực thiên bẩm” về những lý luận biện minh cho sự bất nhất và mâu thuẫn. Ông từng nói “thiên hạ đại loạn, tình thế đại hảo.”

Tập Cận Bình không muốn tình trạng hỗn loạn kiểu Hồng vệ binh do Mao Trạch Đông gây ra vì e ngại đảng sẽ không trụ nổi. Trong nhiều mặt, ông đối lập với Mao Trạch Đông. Ông muốn sự ổn định bằng bất kỳ giá nào. Dẫu vậy, cuốn sách của bà Lovell khuyên rằng: “Giống như một loại virus đang ngủ đông, tư tưởng Mao Trạch Đông tỏ rõ là một năng lực tiềm tàng trơ gan trên toàn cầu.”


* June 26, 2010, Toronto G20 Riot -- Maoists burn their torch in a distraction that leads to the initial conflict on Queen Street, between Spadina and Soho.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc