Làm thế nào để chủ nghĩa tư bản có được đạo đức và tính nhân văn?

nguồn: washingtonpost, Minh Thu dịch,

Điều gì đang diễn ra, những lùm xùm về Trump, Brexit và sự chuyển
sang chủ nghĩa độc tài ở Brazil và Đông Âu? Gần đây rất nhiều cuốn sách ra đời cố giải nghĩa về tương lai của chủ nghĩa tư bản dân chủ.

Robert Kuttner với cuốn “Liệu dân chủ có thể tồn tại trước chủ nghĩa tư bản toàn cầu?”. Steven Brill thấy nước Mỹ trong tình cảnh ngày càng hỗn loạn về chính trị và kinh tế với cuốn “Tailspin”. Anand Giridharadas miêu tả một xã hội “Được ăn cả (ngã về không)”. William Galston lo lắng về “chủ nghĩa chống đa nguyên”; Barry Eichengreen băn khoăn về “cơn cám dỗ của chủ nghĩa dân túy”. Alan Greenspan và Adrian Wooldridge tuy ca ngợi lịch sử “chủ nghĩa tư bản ở Mỹ” nhưng e ngại rằng chúng ta đang mất dần lòng khoan dung đối với gốc rễ của nó - ‘sự hủy diệt mang tính sáng tạo’. Jonathan Tepper và Denise Hearn miêu tả sự suy giảm của cạnh tranh trong “Điều bí ẩn của chủ nghĩa tư bản”. Ngay cả tôi cũng có đóng góp khiêm tốn của riêng mình cho thể loại này trong năm nay.

Bây giờ xin giới thiệu Paul Collier, giáo sư tại Đại học Oxford, với lập luận thú vị, đầy thuyết phục rằng những rạn nứt kinh tế sâu sắc ở Anh và Mỹ đang “xé toang kết cấu xã hội của chúng ta”.

“Lo lắng, giận dữ và tuyệt vọng đã phá vỡ lòng trung thành chính trị của con người, niềm tin của họ đối với chính phủ, thậm chí là niềm tin của họ đối với nhau”, Collier viết trong cuốn “Tương lai của chủ nghĩa tư bản”. Ông cho rằng, với sự tập trung đến tàn nhẫn vào lợi nhuận, bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng cơ hội ngày càng lớn, chủ nghĩa tư bản Anh-Mỹ đã
đánh mất đáng kể tính chính danh của nó về mặt kinh tế, chính trị và đạo đức.

Collier đổ lỗi nhiều cho ý thức hệ của phe cánh tả với niềm tin quá mức vào chính phủ, và cả ý thức hệ của phe cánh hữu với niềm tin quá mức vào các thị trường tự do. Ông kêu gọi quay trở lại kiểu lý tưởng cộng đồng trung dung, thực dụng, đặc trưng của những năm ngay sau Thế chiến II, khi người dân tập trung vào thịnh vượng chung và giúp đỡ lẫn nhau giúp tăng cường niềm tin và hợp tác.

Từng học kinh tế học, công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất của ông là về nguyên nhân nghèo đói của các nước châu Phi. Ông hiện là nhà nghiên cứu hàng đầu tại Ngân hàng Thế giới và đã được phong tước Hiệp sĩ.

Tuy nhiên, cuốn sách mới nhất của ông cũng nói về tinh thần nhân văn và chuẩn mực đạo đức nhiều như kinh tế học.

Collier than rằng chính sự biến đổi xã hội từ “nhà nước đạo lý” (“ethical state”?) sang “nhà nước vú em” (“paternalistic state”) đã làm xói mòn ý thức chia sẻ và trách nhiệm cá nhân của chúng ta, và chuyển nghĩa vụ tạo ra một xã hội công bằng từ mỗi cá nhân sang cho chính phủ.

Theo mạch văn này, ông tiếp tục than về sự sụp đổ của “đạo đức doanh nghiệp”, là kết quả của việc chấp nhận những quan niệm sai lầm như tham lam là điều tốt hay mục đích duy nhất của kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận và giá cổ phiếu.

“Liệu có bất kỳ nhân viên nào của bất kỳ công ty nào thức dậy vào buổi sáng và nghĩ rằng 'hôm nay tôi sẽ tối đa hóa giá trị cổ đông' không?”, ông hỏi. Collier so sánh lòng tin tưởng và tinh thần vì mục đích chung của nhân viên ở các công ty Nhật Bản với sự hoài nghi của nhân viên ở Mỹ — một sự hoài nghi yếm thế được củng cố bằng những khoản thù lao lố bịch dành cho các giám đốc điều hành để đảm bảo rằng họ chỉ trung thành với các cổ đông.

Collier cũng than vãn về sự xói mòn của “đạo đức gia đình” theo đó cha mẹ sẽ không ly thân hay ly hôn và luôn quan tâm tới con cái, mọi người đều có trách nhiệm khi cha mẹ về già hoặc anh chị em, con cháu đang gặp rắc rối. Ông cho rằng sức cám dỗ của sự thỏa mãn cá nhân đã gây ra kết quả thảm hại ở các vùng nông thôn và các thành phố công nghiệp cũ như Sheffield (Anh), nơi ông lớn lên, nơi ngành công nghiệp thép từng một thời thịnh vượng giờ đã suy tàn và để lại cho gia đình và bạn bè của ông một cuộc sống khó khăn, công việc bất mãn và tương lai tệ hại. Mang âm hưởng từ những tác phẩm của Charles Murray, Isabel Sawhill và Robert Putnam, Collier coi sự xuống cấp của đạo đức gia đình là mắt xích quan trọng trong vòng luẩn quẩn dẫn đến khoảng cách giàu nghèo cũng như khác biệt trong động lực kinh tế ngày càng lớn và nguy hiểm giữa các siêu đô thị như New York và London với những nơi khác.

Cuốn sách “Tương lai của chủ nghĩa tư bản” mang sức hấp dẫn khó tả của một bài giảng từ một vị giáo sư Oxford uyên bác tuy hơi gay gắt. Một người Mỹ có thể thấy đôi chỗ hơi hàn lâm, hoặc “Anh” quá. Và độc giả mọi nơi có lẽ sẽ hoàn toàn đúng khi hoài nghi về đề xuất của ông buộc giám đốc các công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý với việc bỏ qua lợi ích chung khi ra quyết định với công ty của riêng mình.

Nhưng ý tưởng tăng thuế đối với những người hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản hiện đại thì tốt hơn nhiều. Những người đó bao gồm các chủ đất được hưởng lợi lớn nhờ những lý do không liên quan gì đến họ, những người lao động có thu nhập cao ở khu vực đô thị thịnh vượng nhờ “hiện tượng tích tụ” - nơi nhiều người thông minh, nhiều công ty tiềm năng lớn mạnh tụ tập lại trong cùng một khu vực. Tác giả cũng muốn đánh thuế vào mọi giao dịch tài chính để thu về khoản lợi nhuận siêu lớn từ lĩnh vực khổng lồ này, nơi nguồn vốn và tài năng khan hiếm bị phân bổ quá thiếu hợp lý. Tất cả doanh thu tăng thêm đó sẽ được đưa đến những “Youngstown” và những “Sheffield” của thế giới, không phải để cung cấp phúc lợi cao hơn mà là để bắt đầu tạo ra các cụm công nghiệp mới với việc làm cho những người bị bỏ lại phía sau.

Những phân tích hay giải pháp của Collier không mang tính chủ nghĩa xã hội - như Adam Smith, vị cha đẻ thường bị hiểu lầm của ngành kinh tế học hiện đại. Điều Collier muốn nói là việc khôi phục trách nhiệm đạo đức đối với hệ thống thị trường đang mất dần năng lực. “Những gì đã xảy ra gần đây không phải là bản chất của chủ nghĩa tư bản”, Collier kết luận. “Nó là một trục trặc nghiêm trọng phải được sửa cho đúng.”

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc