Jared Diamond: Các quốc gia phục hồi sau khủng hoảng như thế nào? Giống như cách của con người thôi.

Sử gia về môi trường ăn khách nhất sẽ giải thích vì sao cuốn sách mới nhất của ông về cách các quốc gia vượt qua bất ổn, Upheaval, lại là cuốn sách mang tính chính trị nhất so với các tác phẩm trước đó của mình.

Andrew Anthony

Chủ nhật, ngày 21 tháng 4 năm 2019

nguồn: theguardian, Minh Thu dịch,

Thật khó tưởng tượng ra thời điểm nào thích hợp hơn để cuốn sách mới mang tên Upheaval của nhà sử học môi trường nổi tiếng Jared Diamond đến với Vương quốc Anh. Ngay dòng tít phụ của nó đã nói lên sự liên quan cấp thiết:
Các quốc gia đối phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào. Nếu ngay lúc này mà tầng lớp chính trị của chúng ta không cần đến (những) lời khuyên đó, thì chắc ta chẳng cần biết khi nào thì họ cần nữa.

Cuốn sách được tạo thành từ một số nghiên cứu trường hợp cụ thể của các quốc gia khác nhau trong cách họ xử lý khủng hoảng. Đó là Phần Lan sau cuộc chiến với Liên Xô, Chile và di sản của chế độ Pinochet, phản ứng của Nhật Bản trước vấn đề ngoại quốc thượng đẳng trong thế kỷ 19, Indonesia sau vụ thảm sát Suharto, nước Đức và công cuộc tái thiết sau chiến tranh, và hành trình tìm kiếm bản sắc hậu thuộc địa của Úc.

Nếu những lựa chọn đó có vẻ ngẫu nhiên, thì điểm chung giữa chúng chính là
việc Diamond đã dành rất nhiều thời gian ở tất cả các quốc gia mà ông bàn tới và nói được ngôn ngữ của một vài quốc gia trong số đó. Đối với Diamond, người nổi tiếng toàn cầu với cuốn sách bom tấn giành giải Pulitzer năm 1997, Súng, Vi trùng và Thép, vai trò ‘nhà ngôn ngữ học’ chỉ là một trong rất nhiều khả năng của con người đa tài này.

Diamond đã nghiên cứu sinh lý học tại Harvard và Cambridge và trở thành chuyên gia hàng đầu về túi mật. Ông cũng là nhà nghiên cứu về chim, nhà nhân chủng học, nhà xã hội học, nhà sinh học tiến hóa, nhà sinh thái học và nhà sử học môi trường với kiến thức nền tảng về khảo cổ học, di truyền học và dịch tễ học về bệnh của con người, đồng thời là giáo sư địa lý tại UCLA.

Upheaval là cuốn sách công khai nhất về chính trị của ông, mặc dù ông nói rằng đó chỉ là một phần của vấn đề được bàn tới. “Những cuộc khủng hoảng hiện đại này chủ yếu là khủng hoảng chính trị,” ông nói vậy khi chúng tôi gặp nhau tại khách sạn của ông ở Bloomsbury, trung tâm London. “Tôi không xem mình là một sinh vật chính trị (political animal, Aristotle) mà chỉ là một người quan tâm đến nhiều thứ.”

Đối với tất cả những sở thích phong phú của mình, Diamond nhấn mạnh rằng ông không có đủ hiểu biết sâu rộng đối với sự rạn nứt chính trị gây chia rẽ Vương quốc Anh. Ông cố tình tránh đề cập đến cả Brexit và Donald Trump trong cuốn sách vì tốc độ xảy ra của các sự kiện sẽ khiến bất kỳ cuộc thảo luận nào trở nên lỗi thời trước khi cuốn sách được xuất bản. Tuy nhiên, ông cho rằng, nước Anh tạo ra một cuộc khủng hoảng mà nó đã giải quyết được rồi.

“Có vẻ như giải pháp lâu dài cho nước Anh không phải là việc ra khỏi EU và họ đã từng ứng phó với vấn đề này trong những năm 1950 và 1960 rồi”, ông nói.

Trong Upheaval, Diamond so sánh các cuộc khủng hoảng quốc gia với các kiểu khủng hoảng cá nhân mà hầu hết chúng ta đều trải qua ở một giai đoạn nào đó trong đời: ly hôn, mất đi người thân, thất nghiệp. Cách chúng ta đối phó với khủng hoảng là thay đổi bản thân ở một số khía cạnh. Hồi phục là sự cân bằng giữa việc giữ lại những khía cạnh đã được chứng minh là hữu ích trong quan điểm cũ và sau đó tạo ra những cách xử lý mới để ứng phó với hoàn cảnh đã thay đổi.

Nhưng mục tiêu đầu tiên là nhận ra rằng bạn đang gặp khủng hoảng, bởi vì sẽ không có giải pháp nào nếu bạn không tìm ra được vấn đề. Tuy nhiên, trong các trường hợp cụ thể được nghiên cứu này, điều đáng chú ý là dường như việc từ chối thừa nhận khủng hoảng đã trở thành một lựa chọn được yêu thích hơn khi phải đối mặt với vấn đề hiện tại. Mối bận tâm của các đảng thường vượt qua cả mối bận tâm của quốc gia, bởi các nhà lãnh đạo thường chú ý đấu đá nội bộ hơn là xu hướng bên ngoài. Nghe có quen không?

Diamond gợi ý rằng Vương quốc Anh nên ở lại EU nhưng, như ông nói, “hãy biết nói lý lẽ một chút trong chính sách nhập cư”.

Một trong những yếu tố mà Diamond coi trọng trong việc xử lý khủng hoảng là một bản sắc dân tộc mạnh mẽ. Cuốn sách này là một lời lập luận đanh thép nếu không nói là khá lỗi thời về tầm quan trọng xuyên suốt của tinh thần dân tộc. “Các dân tộc có chủ quyền đã hiện diện và họ sẽ còn hiện diện trong tương lai gần.”

Ông cũng không quan tâm nhiều đến cách tiếp cận chồng chéo tới chính trị, trong đó các cuộc đấu tranh được phân định theo các yếu tố giới tính, dân tộc và văn hóa. Các yếu tố này cũng không phải nội dung chủ đạo trong chương nói về tương lai của Mỹ. Và ông không chắc chúng có nên góp mặt vào cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo hay không.

“Phe Dân chủ sẽ không giành được chiến thắng bằng cách nhấn mạnh các vấn đề về LGBTQ, và tương tự, điều tốt nhất cho cộng đồng LGBTQ sẽ là một chiến thắng của đảng Dân chủ, và cách tốt nhất để đảm bảo một chiến thắng cho phe Dân chủ là thuyết phục người Mỹ truyền thống và nương tay khi xử lý các vấn đề về LGBTQ.”

Ông nói rằng biên tập viên của ông đã đặt câu hỏi về quyết định né tránh các quyền của nhóm thiểu số, và lý do của ông là “trong khi vẫn còn nhiều việc phải làm, vai trò của phụ nữ và các vấn đề chủng tộc đã trở nên tốt hơn thay vì tệ đi. Trong khi những vấn đề mà tôi thảo luận đều là những vấn đề đang tệ đi.”

Và Diamond tin rằng sự gia tăng của việc di cư hàng loạt là một trong số những vấn đề đó. Ông cho rằng đó là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với thế giới các nước phát triển, một vấn đề mà các chính trị gia đều nhận ra nhưng hiếm khi công khai thừa nhận.

“Có khoảng một tỷ người châu Phi ở châu Phi và gần như tất cả trong số họ đều tốt hơn về mặt kinh tế, chính trị và an toàn cá nhân so với ở châu Âu,” ông nói. “Thực tế tàn khốc không phải là châu Âu không thể chấp nhận một tỷ người châu Phi mà là những người châu Âu sẽ không thừa nhận mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tế này.”

Ông thừa nhận rằng lập trường này đặt ông vào cùng một phe với những người như thủ tướng dân túy Hungary Viktor Orbán. “Thật không may là người ta có thể đi đến một kết luận chung khi có cùng những lý do đúng đắn và cả khi có cùng những lý lẽ xấu xí,” ông ấy nói. “Nhưng vì thiếu sự thảo luận trung thực, vấn đề đã bị những kẻ phân biệt chủng tộc lợi dụng, giống như ở Mỹ.”

Bản thân Diamond đã bị buộc tội phân biệt chủng tộc, đặc biệt là bởi các nhà nhân chủng học, những người đã chất vấn công trình của ông với người bản địa ở New Guinea, nơi ông đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng. Thật mỉa mai vì trong cuốn Súng, Vi trùng và Thép, Diamond đặt mục đích rõ ràng là bác bỏ cách đọc lịch sử theo kiểu phân biệt chủng tộc, ông cho rằng lý do châu Âu có thể thống trị toàn cầu là nhờ lợi thế địa lý.

Một nhà nhân chủng học đã xuất bản một bài báo khoa học mang tên F ** k Jared Diamond, trong đó ông cáo buộc người Mỹ hiền lành này đã ngụy trang “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” và “chủ nghĩa môi trường quyết định” (environmental determinism) là để bình thường hóa chủ nghĩa thực dân. Tôi hỏi Diamond tại sao nhà nhân chủng học ấy lại bực bội như thế? Ông ấy cho rằng lý do nằm ở sự thành công và phong cách viết đại chúng của mình. Quan điểm chính trị của ông ấy thì sao? Mặc dù ông ấy từ chối trả lời về vấn đề này, nhưng rõ ràng ông ấy thuộc phe bảo thủ của chủ nghĩa tự do.

“Tôi không nghĩ đó là lý do bởi vì thực tế là tôi khá phức tạp. Quan điểm của tôi về nhập cư chẳng ăn nhập gì với quan điểm cực kỳ tự do của người Mỹ về nhập cư, nhưng các nhà nhân chủng học sẽ khen ngợi quan điểm của tôi về trí thông minh của người New Guinea so với trí thông minh của người châu Âu.”

Diamond là một cụ ông 81 tuổi vui vẻ, với bộ râu kiểu người Amish mà không có ria mép và nói chuyện bằng âm giọng Boston không lệch đi đâu được. Thật khó để hình dung ông là một người đáng ghét, nhưng sự rõ ràng khi ông thể hiện ý tưởng của mình hiếm khi cho thấy sự nhượng bộ trước giới học thuật.

Tuy nhiên, ông phản đối việc Trump xây dựng bức tường ở biên giới Mexico, có vẻ gần như là bởi nó không đề cập đến thực tế nhập cư bất hợp pháp – 95% trong số đó bắt nguồn từ thị thực du lịch quá hạn. Tương tự như vậy, ông không tin chiến lược một “pháo đài châu Âu” là một chính sách thiết thực.

“Giải pháp lâu dài duy nhất cho anh, tức là cái giải pháp lâu dài duy nhất cho chúng ta ở Mỹ Latinh – là anh phải làm hết sức mình để cải thiện điều kiện ở Mỹ Latinh và làm hết mình để cải thiện điều kiện ở châu Phi. Người ta ước tính sẽ tốn khoảng 30 tỷ USD một năm để giải quyết các vấn đề về sốt rét và bệnh AIDS cho toàn thế giới. Đó là một phần rất khiêm tốn trong số tiền mà Liên minh châu Âu có, do đó, việc EU chỉ dành một khoản tiền nhỏ để giải quyết một vấn đề lớn của châu Phi – vấn đề sức khỏe cộng đồng, là hoàn toàn khả thi.”

Diamond đúng là một cái túi hỗn hợp. Ông chống lại chủ nghĩa dân tộc nhưng ủng hộ bản sắc dân tộc; ông nghĩ rằng người nhập cư là một nguồn lực bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ quốc gia nào nhưng phản đối việc di cư quy mô lớn; ông lo lắng về biến đổi khí hậu và bất bình trước việc hủy hoại môi trường nhưng làm việc với các công ty khai khoáng và dầu mỏ mà không hề vô cảm với sự nghiệp của họ; và ông là người ủng hộ kiên định của chủ nghĩa tư bản, nhưng phản đối sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng.

Có lẽ đó là lý do vì sao ông thường xuyên bị xuyên tạc, như cách ông chắc chắn sẽ trải qua với cuốn Upheaval này. Hoặc có lẽ nó chỉ là sự tổng hòa của các giá trị cốt lõi và tính linh hoạt, thứ sẽ là điều cần thiết để đối phó với các cuộc khủng hoảng cá nhân và khủng hoảng quốc gia mà các chính trị gia của chúng ta có lẽ cần quan tâm nghiên cứu.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc