$uperHubs: Giới tinh hoa tài chính & Mạng lưới của họ thống trị thế giới như thế nào?

Sandra Navidi dùng khoa học mạng để mô tả cách thức giới tinh hoa tài chính thống trị thế giới của chúng ta

bài bình sách của Valentin Schmid

ngày 1 tháng 2 năm 2017

nguồn: theepochtimes, Quỳnh Anh dịch,

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chỉ diễn ra trong vài ngày vào tháng 1, khi giới tinh hoa quốc tế đáp máy bay đến Davos, Thụy Sĩ, đàm phán, kết nối, đi đến thỏa thuận và lại rời đi. Họ là những tỷ phú như George Soros và
Ray Dalio, hoặc các quan chức như lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Chính những người gặp nhau chỉ vài ngày tại các hội nghị như WEF là người định hình chính sách công và thị trường, và do đó đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Những người này là ai, và chúng ta biết bao nhiêu về họ? Sự xuất hiện công khai được lên kế hoạch cẩn thận tại các hội nghị như WEF hoặc trên các phương tiện truyền thông chỉ đơn thuần là bề mặt của một mạng lưới những người giàu có và có ảnh hưởng, những người có xu hướng chỉ giao thiệp với người cùng giới và giao dịch của họ thường được thực hiện trong bí mật.

May mắn cho chúng ta, Sandra Navidi, Giám đốc điều hành công ty tư vấn BeyondGlobal và bản thân bà cũng là người trong giới ở cấp cao nhất, đã viết một cuốn sách giải mã
quy tắc trong giới thượng lưu tài chính và mạng lưới của họ. Trong "$uperHubs: Giới tinh hoa tài chính & Mạng lưới của họ thống trị thế giới như thế nào” tác giả Navidi không chỉ đưa ra các ví dụ về những nhân vật lớn nhất thế giới tài chính, các nhân vật “superhubs” trong tựa đề sách (tạm dịch: siêu trung tâm tài chính), mà còn phân tích mạng lưới với tư cách một hệ thống—và mối nguy hiểm tiềm tàng của nó đối với xã hội.

“Chúng ta hiểu được làm thế nào các yếu tố như tính cách alpha của các superhub, cuộc tìm kiếm sức mạnh không mệt mỏi, và mong muốn để lại di sản cho đời sau thúc đẩy họ đi đến vị trí hàng đầu trong mạng lưới và mang lại khả năng tiếp cận những cơ hội chưa từng có,” tác giả Navidi viết.

Khi bạn nghĩ về một người khao khát quyền lực và tiền tài thì bạn nghĩ đến ai? Có lẽ ai đó như George Soros, một người thường xuyên tham dự WEF. Tuy ông từng kiếm được rất nhiều tiền với tư cách nhà đầu tư quỹ phòng hộ, nhưng làm thế nào ông nổi bật lên như vậy?

“Ban đầu Soros xây dựng hình ảnh một nhà đầu tư cực kỳ thành công. Tuy nhiên, trong một thế giới có vô số người kiếm được rất nhiều tiền, chỉ riêng thành công tài chính không đủ để phân biệt ông với những người khác trong giới,” Navidi viết.

Tác giả tiếp tục kể rằng Soros sau đó trở thành một nhà lãnh đạo tư tưởng (ông đã phát triển lý thuyết tài chính về tính phản xạ) và một nhà từ thiện. Và giờ ông có khả năng tiếp cận với gần như bất kỳ ai trên hành tinh—ông đã sử dụng khả năng này để kiếm thêm tiền và định hình thế giới theo quan điểm của mình.

Lý thuyết mạng
Tuy vậy, Soros chỉ là một phần của một mạng lưới những người quyền lực, mà Navidi phân tích theo khung lý thuyết của khoa học mạng, lý thuyết của lĩnh vực này đang được sử dụng trong sinh học và công nghệ thông tin, và nhiều ngành khác.

“Tất cả các mạng, dù là tự nhiên hay nhân tạo, đều hoạt động theo cùng một cách. Theo luật 'gắn bó ưu tiên', tất cả các điểm nút thường thích gần các điểm nút khác có nhiều kết nối nhất, bởi vì số lượng kết nối lớn hơn làm tăng cơ hội sống sót của từng cá nhân,” Navidi viết.

Tác giả sử dụng quá trình tự nhiên này để giải thích các hiện tượng kinh tế xã hội, chẳng hạn như bất bình đẳng thu nhập. “Những nhà điều hành nhiều kết nối nhất sẽ thu hút những mối liên hệ mới nhất với chất lượng cao nhất và tất cả họ đều gắn kết với nhau. Chuyên môn tài chính giúp tối ưu hóa vị trí của họ nhằm tối đa hóa của cải tích lũy từ trước, điều này lại càng khiến họ trở thành mắt xích được yêu thích. Do đó, của cải lại tạo ra một khoảng không đặc quyền đặc lợi đồng nhất hóa các nhà tài chính giàu có và quyền lực nhất thế giới hơn nữa.”

Thế là tác giả Navidi, vốn có quen biết hầu hết những người bà đề cập tới trong sách, đã nghiên cứu về khoa học mạng để phân tích giới tinh hoa tài chính, và xác nhận những gì chúng ta cũng đã nghi ngờ—rằng giới tinh hoa đang sử dụng hệ thống này cho lợi ích của họ, cho dù cố tình hay vô ý.

$uperHub tốt, Hệ thống xấu?
Cuốn sách của Navidi cá biệt ở chỗ nhiều trường hợp tác giả phê phán khá mạnh nhưng lại tránh đưa ra chỉ trích cụ thể ở nhiều trường hợp khác. Một mặt, Navidi chỉ trích mạnh hệ thống tài chính và các mạng lưới tinh hoa tài chính mà tác giả mô tả là vô đạo đức, thiếu phê phán và không công bằng.

“Hành động tập thể của họ dẫn đến cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, nổi loạn và có nguy cơ gây thất bại hệ thống,” tác giả viết.

Mặt khác, bà tránh đưa ra chỉ trích trực tiếp đối với các cá nhân như George Soros hoặc Jamie Dimon, hoặc các tổ chức như Cục Dự trữ Liên bang và IMF. Tuy nhiên, bà có đưa ra những câu chuyện tiêu cực về các superhub từng bị công chúng ghét bỏ, như cựu giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn và cựu Giám đốc điều hành của Lehman Brothers, Dick Fuld, cho thấy những quyết định tồi tệ có thể dẫn đến việc bị loại bỏ khỏi mạng lưới.

Nhưng sau đó, một lần nữa, Navidi nói ngay lập tức rằng “cuốn sách này, tuy phê phán và đưa ra những vấn đề gây tranh cãi, không phải là cuốn sách 'bôi bác giới ngân hàng'.”

Và tác giả nêu ra và giải thích nhiều vấn đề gây tranh cãi đang gây khó khăn cho thời đại của chúng ta—từ lạm quyền điều tiết, đến mạng lưới các “bạn bè/chiến hữu cũ”, đến toàn cầu hóa và tài chính hóa nền kinh tế.

“Tuy nhiên, các hệ thống với các vòng lặp gia cố không được kiểm soát, cuối cùng sẽ tự hủy. Thông qua các vòng phản hồi và quy luật quyền lực, superhub và mạng lưới của họ đã góp phần đáng kể vào việc làm lệch hệ thống. Các cú sốc có thể khắc phục như khủng hoảng tài chính đã không thể cân bằng lại vì các mạng lưới superhub có ảnh hưởng quá lớn đã ngăn chặn các thay đổi cơ bản để bảo vệ lợi ích của họ.”

Mặc dù “$uperHub” tránh chỉ trích trực tiếp các ngân hàng và cá nhân hiện đang nắm quyền, cuốn sách vẫn miêu tả rất chi tiết những người định hình xã hội của chúng ta và giới thiệu lý thuyết mạng như một cách giải thích hệ thống phức tạp của các mối quan hệ cá nhân hoạt động trong tất cả các tổ chức.

Vậy làm thế nào để chúng ta sửa đổi hệ thống? Navidi cho rằng các superhubs có trách nhiệm lớn nhất trong việc hiệu chỉnh lại hệ thống bởi họ nắm giữ nhiều quyền lực nhất. Nhưng tác giả cũng kêu gọi tất cả chúng ta cùng chịu trách nhiệm trong mạng lưới của mình.

Vì tất cả chúng ta đều là những người điều khiển hệ thống bằng các hành động riêng lẻ và các vòng lặp nguyên nhân-kết quả, nên tất cả chúng ta phải đóng góp tích cực để thay đổi. Hy vọng rằng, cùng nhau nỗ lực, chúng ta sẽ thành công trong việc thay đổi cấu trúc độc quyền của các mạng lưới để tạo ra một hệ thống đa dạng hơn, công bằng hơn và bền vững hơn, mang lại lợi ích cho tất cả.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc