Giải cứu nông dân Myanmar khỏi bẫy nợ: Một chặng đường dài

Farming near the Temples. Photo courtesy KX Studio.

nguồn: the Economist, Minh Trang dịch, Minh Thu hiệu đính,

Với mô hình tài chính vi mô chỉ mới đang ở giai đoạn sơ khai, niềm hy vọng (của họ) vẫn phụ thuộc vào một ngân hàng nhà nước cồng kềnh.

Khi Myo Than còn là một chàng trai trẻ, gia đình anh có 12 ha đất nông nghiệp ở Dala, một vùng quê chỉ cách Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, một con sông. Mẹ anh đã bán hầu hết số đất đó sau khi cha anh qua đời. Myo Than trồng lúa trên những mảnh đất còn lại, nhưng do thiếu nước, anh chỉ thu hoạch được một vụ mỗi năm. Năm nay, anh vay 1,5 triệu kyats (1,100 đô la) từ Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Myanmar, với lãi suất 8%/năm để trang trải chi phí trồng trọt. Nhưng lúa là cây trồng có lợi nhuận thấp. Để trả nợ ngân hàng, anh vay tiền từ
các người cho vay nặng lãi ở địa phương với mức lãi khoảng 4% mỗi tháng. Myo Than còn nợ họ 7.300 đô la. Anh đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho một người cho vay nặng lãi.

Tình trạng khó khăn của anh Myo Than không phải là hiếm: lợi nhuận mùa màng kém và các khoản vay nặng lãi đã khiến nông dân Myanmar bị mắc kẹt trong nghèo đói và nợ nần. Khoảng 60% dân số Myanmar tham gia vào nông nghiệp. Hầu hết là người nghèo, và canh tác trên những mảnh đất nhỏ bằng kỹ thuật thủ công lâu đời. Những người nông dân gặt lúa; những con trâu nước kéo cày gỗ; những chiếc xe bò chất đầy rơm chậm chạp lăn bánh trên những con đường hẹp.

Nhiều nông dân vay nợ để trang trải chi phí trồng trọt, mua thiết bị hoặc mua đất, và họ sẽ trả nợ sau khi thu hoạch. Dưới chế độ quân sự độc tài đã cô lập Myanmar trong nhiều thập kỷ, nông dân phải vay từ Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp của quốc gia, nơi chỉ cho phép thực hiện các khoản vay nhỏ để mua hạt giống, và hiếm khi cho vay trong thời gian dài hơn một năm. Điều này gây khó khăn cho nông dân theo hai cách. Đầu tiên, quy mô khoản vay nhỏ đã khiến họ phải tìm đến những người cho vay nặng lãi không hợp pháp. Thứ hai, nó ngăn cản họ đa dạng hóa thành các loại cây trồng cho năng suất cao hơn.

Nhưng dần dần, mọi thứ đang được cải thiện. Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo thực sự của đất nước kể từ năm ngoái, đã ưu tiên phát triển nông thôn. Cốt lõi trong sự hỗ trợ của bà nằm ở trung tâm vùng nông thôn nơi dân tộc Burman chiếm đa số; cử tri của bà đang trông cậy vào bà để cải thiện cuộc sống của họ. Các luật mới về mô hình tài chính vi mô đã tăng phạm vi cho vay dành cho nông dân. Theo Curtis Slover từ LIFT, một tổ chức phi chính phủ chống đói nghèo, ở những nơi loại hình tín dụng này xuất hiện, nó vượt qua các tổ chức tín dụng tư nhân và trở thành nguồn tín dụng chính. Ông cũng cảnh báo rằng chỉ có khoảng 2,5 triệu người trong số 54,7 triệu người của Myanmar đươc tiếp xúc với tín dụng vi mô. Tuy nhiên, ngay cả ở vùng nông thôn nghèo, vẫn có nhiều người sử dụng điện thoại di động. Một làn sóng đầu tư vào ví điện tử di động đã tràn vào Myanmar. Ngân hàng Thế giới đang thí điểm một chương trình sử dụng dữ liệu mạng di động và lập bản đồ đất-cây trồng để sắp xếp các khoản vay theo mùa qua ví điện tử.

Nhưng trong một thời gian dài nữa, tiền mặt sẽ vẫn là vua của vùng nông thôn, và với phạm vi bao phủ của 223 chi nhánh, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Myanmar sẽ không có đối thủ. Đưa mọi thứ vào khuôn khổ là điều cần thiết. Vào ngày 1 tháng 3, một thỏa thuận cho vay đã được ký kết giữa JICA, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và chính phủ Myanmar trị giá 15,1 tỷ yên (137 triệu đô la) cho Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp nước này, để cho vay lại và xây dựng năng lực của ngân hàng. Chuyên gia kinh tế người Úc, Sean Turnell, cố vấn cho chính phủ của bà Suu Kyi, cho biết ưu tiên bây giờ là xác định tình hình tài chính thực sự của ngân hàng.

Điều đó có thể là một thách thức. Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Myanmar thiếu báo cáo tài chính theo thời gian thực và vẫn vận hành trên sổ sách giấy. Mỗi quý, họ phải kiểm tra hàng triệu mẫu đơn xin cho vay bằng văn bản ứng với các danh sách vỡ nợ. Đuổi theo những người vỡ nợ đòi hỏi phải đi đến những ngôi làng ở vùng sâu vùng xa. Các quỹ từ JICA và Ngân hàng Thế giới sẽ giúp ngân hàng của Myanmar đến gần hơn với thời kỳ hiện đại, nhưng để khiến cho nó có vận hành tốt và hiệu quả, chứ chưa nói tới khả năng cạnh tranh, có thể sẽ mất cả một thế hệ.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc