Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dưới cái nhìn của giới lãnh đạo

nguồn: NYTimes,

Bích Nhàn dịch, Minh Thu hiệu đính,

Chỉ trong một vài tháng của năm 2008 và 2009, nhiều người đều sợ rằng nền kinh tế thế giới đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Họ có lý do chính đáng để sợ hãi. Thị trường tài chính hầu như bị đóng băng, tín dụng gần như không
có sẵn cho bất kỳ ai ngoại trừ những người vay an toàn nhất. Nền kinh tế thực sự trong tình trạng rơi tự do: Qua mùa đông, nước Mỹ mất 700.000 việc làm mỗi tháng, cùng lúc đó sản lượng công nghiệp và thương mại thế giới giảm nhanh như trong năm đầu tiên của cuộc Đại khủng hoảng.

Tuy nhiên, cuối cùng, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Cuộc khủng hoảng tài chính đã gây ra những thiệt hại to lớn và lâu dài. Nhưng nền tảng của nó không đến nỗi sụp đổ hoàn toàn.

Điều gì đã cứu chúng ta? Có rất nhiều yếu tố, và một trong số đó là việc các quan chức chính phủ chủ chốt không đứng ngoài cuộc trong lúc thế giới đang rơi vào nước sôi lửa bỏng. Thay vào đó, họ đã hành động - tuy không
phải lúc nào cũng kịp thời, không phải lúc nào cũng đủ quyết liệt, không phải lúc nào cũng khôn ngoan, nhưng dù thế nào cũng khá hiệu quả.

"Cứu hỏa" là một bản tường thuật ngắn gọn của ba nhân vật chiếm vị trí quan trọng nhất trong thời điểm định mệnh đó. Ben S. Bernanke là chủ tịch của Ủy ban điều hành Cục Dự trữ Liên bang, vị trí mà khi đó và cho tới bây giờ vẫn là vị trí có tầm ảnh hưởng kinh tế nhất trên thế giới. Henry M. Paulson Jr. là Bộ trưởng Tài chính của George W. Bush. Timothy F. Geithner là chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York - một vị trí quan trọng khác trong hệ thống Cục Dự trữ liên bang - sau đó trở thành người kế nhiệm của Paulson dưới thời Barack Obama.

Một cuốn sách do những nhân vật chính trong một giai đoạn lịch sử viết ra, có thể có rất nhiều dạng. "Cứu hỏa" có thể coi là một cuốn sách hấp dẫn đầy ắp thông tin; nó cũng có thể là một tác phẩm tâng bốc ngợi ca công lao cứu thế giới của chính tác giả; nó có thể là một chuỗi những lời bao biện, giải thích rằng mọi sự xảy ra như thế đều không phải lỗi của tác giả. Và sự thật là, xét toàn diện thì mọi yếu tố này vẫn có, dù không nhiều.

Thay vào đó, những gì Bernanke và cộng sự — tôi sẽ gọi họ là B.G.P cho ngắn gọn — đã dành cho chúng ta một bài học vỡ lòng về lý do tại sao cuộc khủng hoảng có thể xảy ra (và thậm chí tại sao hầu như không ai nhận ra nó sắp xảy ra); một bản tường thuật từng phút từng phút về diễn biến của cuộc khủng hoảng và hành trình giải cứu; cùng một cảnh báo rất đáng sợ về tương lai.

Phần lớn những gì B.G.P nói ở đây đều đã quen thuộc với các nhà kinh tế, nhưng có lẽ còn khá mới mẻ với công chúng. Về cơ bản, họ lập luận những gì xảy ra trong năm 2008 là một cơn "khủng hoảng tài chính kinh điển", kiểu khủng hoảng xảy ra rất nhiều lần kể từ buổi bình minh của ngân hàng hiện đại. (Khi tận mắt chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính, ngay cả Adam Smith cũng yêu cầu cần có một quy định.)

Vậy tại sao mọi người không nhận ra là nó sắp xảy đến? Một phần là do kiêu ngạo: "Các nhà kinh tế học nghiêm túc đã tranh luận rằng những phát minh mới về tài chính như các công cụ tài chính phái sinh... sẽ loại bỏ được các cuộc khủng hoảng." (Thực sự thì họ nghiêm túc đến mức nào vậy?) Và thực tế cho thấy các phát minh mới khiến cho mọi thứ tồi tệ hơn, chứ không tốt hơn: Hầu hết "các đòn bẩy trong tài chính của Mỹ" — những khoản nợ dễ biến thành nợ xấu — đã chuyển sang các "ngân hàng ngầm”, nơi gần như không được kiểm soát và thiếu một tấm lưới bảo hộ tài chính như các ngân hàng thông thường.

Thêm nữa, như họ nói, “rất khó để sửa một cái gì đó trước khi nó bị hỏng.” Miễn là bong bóng nhà đất vẫn còn phình to, sự vỡ nợ vẫn còn ít và mọi thứ dường như vẫn yên bình. Một vài Cassandras (nhà tiên tri trong thần thoại Hy Lạp) đã cảnh báo về những rủi ro, nhưng giống như nàng Cassandra trong thần thoại, chẳng ai để ý đến họ. Còn ba vị B.G.P, với danh tiếng của họ, thừa nhận những sai lầm của chính mình trước mối nguy hiện hữu, trong đó có cả tuyên bố tai tiếng của Bernanke rằng các vấn đề của tín dụng thứ cấp (cho vay khi người vay chưa đạt tiêu chuẩn) đã được “kiểm soát”.

Rồi tất cả sụp đổ. Phần lớn cuốn sách tập trung vào những nỗ lực ngày càng tuyệt vọng của B.G.P và các quan chức khác để chống đỡ hiệu ứng domino tài chính trước khi chúng có thể ngã đổ và đánh sập toàn bộ hệ thống. Đó là một câu chuyện phức tạp, một câu chuyện với những chi tiết có vẻ thú vị hơn nhiều đối với những người có liên quan hơn là đối với đông đảo độc giả. Và tôi không nghĩ có bất kỳ tiết lộ mới gây sốc nào.

Tuy nhiên, có một sự thống nhất cho tất cả sự phức tạp đó: Kiểm soát cuộc khủng hoảng này là rất khó chuẩn xác vì tất cả những phát minh tài chính đó. Các ngân hàng thông thường đều được giám sát và bảo đảm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC), nơi có quyền lực “loại bỏ các ngân hàng mất khả năng thanh toán một cách gọn gẽ trong khi vẫn thực hiện các nghĩa vụ của họ.” Nhưng “chính phủ liên bang không có chế tài giải quyết gọn gẽ nào cho hệ thống phi ngân hàng.”

Vì vậy, B.G.P và cộng sự đã phải điên cuồng đổi mới và phát minh. Ví dụ, Fed đã thông qua các ngân hàng thông thường mà rót tiền vào hệ thống phi ngân hàng, tức là tiến hành cho vay đối với các tổ chức mà họ không được phép cho vay. Điều này khiến Fed gặp rủi ro mới; Paulson đã bảo lãnh thành công cho Fed trước những rủi ro đó, dường như không cần tới tổ chức có thẩm quyền pháp lý thực sự để làm điều đó. Ở một thời điểm khác, khi các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) bị rút tiền ồ ạt - điều có lẽ đã trở thành một thảm họa khủng khiếp - dường như đang đến rất gần, Paulson đã để các quỹ đó sử dụng số tiền hợp pháp được dành cho mục đích hoàn toàn khác nhằm bảo vệ giá trị ngoại hối của đồng đô la.

Đôi khi tất cả những nỗ lực này cũng không đủ. Trong một mục chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi, B.G.P lập luận rằng họ không thể làm gì một cách hợp pháp, để ngăn chặn sự phá sản của Lehman Brothers, một sự kiện suýt nữa khiến thế giới sụp đổ. Điều này có đúng không? Tôi không đủ lý lẽ để tranh biện.

Tuy nhiên, vào cuối mùa xuân năm 2009, cơn bão dường như đã qua. Sự phục hồi rất chậm, nhưng tại thời điểm này, chúng ta đã lại có được một nền kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường tài chính có vẻ ổn định.

Nhưng chúng ta có nên lo lắng về một cuộc khủng hoảng khác?

Có, các tác giả tiết lộ như vậy trong chương cuối cùng hết sức đáng sợ.

Ngân hàng, họ lập luận, thực sự ít rủi ro hơn so với trước kia, nhờ các cải cách tài chính dù còn quá ít so với những gì nên làm nhưng cũng đã mang lại các thông lệ an toàn hơn. Nhưng khủng hoảng vẫn sẽ xảy ra, và khi chúng xảy ra, những biện pháp “cứu hỏa” của các nhà hoạch định chính sách sẽ gần như vô tác dụng. Lãi suất thấp đến mức có cắt giảm thêm nữa cũng không tạo được hiệu quả đáng kể nào. Với mức nợ cao, kích thích tài khóa mà B.G.P đồng ý là rất quan trọng, sẽ khó bán hơn nhiều. Thêm vào đó Quốc hội đã tước đi thẩm quyền áp dụng các biện pháp đặc biệt trong cuộc khủng hoảng. Nói cách khác, thật khó để tưởng tượng những người kế vị hiện đại của B.G.P thực hiện kiểu cơ chế giải cứu mà các tác giả này đã thực hiện một thập kỷ trước.

Và thậm chí còn không rõ liệu họ có thử hay không, hay có biết chút nào về việc mình đang làm hay không. Các tác giả quá tử tế nên không nói ra điều này, nhưng các quan chức kinh tế hàng đầu ngày nay dường như chỉ biết máy móc rút ra bài học từ hàng ngũ những người đã làm sai trong cuộc khủng hoảng. Sự sụp đổ của ngân hàng Bear Stearns là dấu hiệu rõ nét đầu tiên cho thấy rắc rối chúng ta đang gặp phải khi đó lớn như nào; còn Donald Trump vừa chọn David Malpass, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bear vào thời điểm đó, làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Larry Kudlow, hiện là nhà kinh tế hàng đầu của chính quyền, đã chế giễu những “kẻ đầu bong bóng”, những người đã tuyên bố rằng giá nhà đất đã hết thời, sau đó ca ngợi Paulson vì đã từ chối bảo lãnh cho Lehman - chỉ vài giờ trước khi thị trường tài chính rơi vào khủng hoảng toàn tập.

Nói cách khác, chúng ta dường như đã học nhầm bài học từ những lần đương đầu với thảm họa. Kết quả là, khi cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra, có khả năng nó sẽ diễn ra thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng trước. Đó không phải là một suy nghĩ vui vẻ gì nhỉ?

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc