"Khi người ta làm ăn lớn"

Tyler Cowen, nhà kinh tế học đồng thời là tác giả của cuốn "Big Business” (Tạm dịch: Các tập đoàn lớn) cho rằng tầm quan trọng và nguyên tắc đạo đức của các doanh nghiệp đang bị đánh giá thấp.

Bài điểm sách ngày 24 tháng 5 năm 2019 của K.N.C.

nguồn: The Economist,

Bích Nhàn dịch, Minh Thu hiệu đính,

Nếu có một sự thật mà thế hệ millennial luôn cho là đúng và không cần chứng minh thì đó chính là quan điểm cho rằng các doanh nghiệp lớn luôn có những tác động xấu. Những tập đoàn vô nhân đạo gây ô nhiễm hành tinh này,
vung tiền cho các vị giám đốc trong khi móc ví người tiêu dùng. Những tập đoàn công nghệ lớn biến chúng ta thành những con nghiện ‘màn hình’. Những tập đoàn dược lớn khiến chúng ta không thể mua nổi thuốc để cứu mạng mình. Những ngân hàng lớn bán cho chúng ta các khoản thế chấp đáng ngờ. Khi nghe những lời tán gẫu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta không khỏi thắc mắc liệu những tập đoàn này đã từng làm được điều gì đúng đắn chưa?

Trên thực tế, họ có chứ. Nhà kinh tế học Tyler Cowen của Đại học George Mason ở Virginia đã nhận định như vậy. Trong cuốn sách mới nhất của ông “Các tập đoàn lớn: Bức thư tình gửi tới một người dân thường của nước Mỹ”, ông lập luận rằng rất nhiều trong số các lời ca cẩm về giới kinh doanh đều rất thiếu hiểu biết. Và ở những nơi có vấn đề thực sự, như lừa đảo hay tập trung quyền lực quá mức, ông tin rằng các
chế tài khôn ngoan có thể giảm thiểu những mối nguy hại đó.

Cowen nổi tiếng là một nhà tư tưởng sắc sảo và không tuân theo những quy tắc thông thường. Trên trang blog cá nhân Marginal Revolution của mình, ông vui vẻ dùng hàng loạt số liệu để phản bác lại ý tưởng ‘kinh tế học nhảm nhí’*. Chuyên mục mới Open Future trên tờ The Economist đăng một đoạn trích từ cuốn “Big Business”, xoay quanh lập luận của ông. Chúng tôi làm rõ thêm điều này trong một buổi phỏng vấn ngắn sau đó.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà danh tiếng của doanh nghiệp đang bị bao vây đe dọa. Chẳng hạn, trong số những người theo đảng Dân chủ, từ “chủ nghĩa xã hội” hiện giờ sẽ thu được nhiều phiếu bầu hơn so với từ “chủ nghĩa tư bản”. Nhưng những người theo đảng Cộng hòa, dù khéo miệng hơn khi nói về một số lý tưởng kinh doanh, nhưng trên thực tế họ cũng không hành động tốt đẹp hơn là mấy. Nhiều người trong số họ đã sẵn sàng nghe theo Tổng thống Donald Trump trong cuộc tấn công vào nền thương mại tự do, vấn đề nhập cư, thuê nhân công ngoài và giới truyền thông Mỹ (vốn được coi là “kẻ thù của mọi người”) - tất cả, về cơ bản, đều có tư tưởng ghét-doanh-nghiệp.

Doanh nghiệp, nói một cách đơn giản, là đã bị đánh giá thấp, do đó tôi viết một cuốn sách đi ngược xu thế mà lại không hoàn toàn trở thành tác giả phe đối lập. Tất cả những lời chỉ trích, khi được đối chiếu kĩ lưỡng với các tập đoàn — có một số thì đúng, còn lại đều trở nên mờ nhạt khi so sánh với hai đặc điểm chính xác và thực sự cốt lõi sau đây. Đầu tiên, doanh nghiệp tạo ra hầu hết những thứ chúng ta tiêu thụ và hưởng thụ. Thứ hai, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho hầu hết chúng ta. Có hai từ đi ra trực tiếp từ ngôn ngữ của giới kinh doanh là “phát đạt” và “cơ hội”.

Không có doanh nghiệp, chúng ta sẽ không có:

* Thuyền bè, tàu hỏa và ô tô
* Thiết bị điện, chiếu sáng và sưởi ấm
* Hầu hết các nguồn thực phẩm
* Phần lớn dược phẩm cứu chữa bệnh
* Quần áo cho con cái
* Điện thoại và điện thoại thông minh
* Những cuốn sách yêu thích
* Khả năng truy cập, gần như tức thời, với nguồn thông tin trực tuyến vô cùng lớn của thế giới

Và đừng quên cả tiền lương của bạn. “Đủ trả lương”, cụm từ giờ đã lỗi thời, không khác gì một hành động anh hùng. Một vài người hay một vài nhóm người dồn hết công sức và nghĩ ra những ý tưởng cần thiết để gây dựng nên một công ty từ con số không - tôi biết bạn dễ dàng coi điều đó là dĩ nhiên nếu bạn không phải là người tự làm điều đó. Trên cả tiền lương, công việc còn là một trong những niềm tự hào của chúng ta và là cách quan trọng để ta gặp gỡ bạn bè, thiết lập các mối quan hệ xã hội.

[...]

Tất cả chúng ta có thể thừa nhận rằng chúng ta là một quốc gia rất cần đức hạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Ngày nay, chính trị ngày càng phân cực khiến cho chính phủ của chúng ta (ở tình trạng) tốt nhất thì tê liệt một cách vô vọng còn tệ nhất thì dễ dàng chao đảo khó lường. Sự phân cực này cũng khiến tính đúng đắn chính trị (phải đạo chính trị) và tình trạng kiểm duyệt trở nên mất kiểm soát, sự phân biệt chủng tộc và bất công tràn lan, những làn sóng mới của các cuộc biểu tình bạo động và xả súng trỗi dậy, cùng một loạt truy tố và cáo buộc tham nhũng. Nước Mỹ hiện tại có nhiều đặc điểm thật tuyệt, trong đó có niềm tin lớn lao dành cho giới doanh nghiệp nhưng đồng thời sự bất thường trong chính phủ của chúng ta cũng gia tăng.

Ngược lại, thế giới của giới kinh doanh Mỹ chưa bao giờ có năng suất cao hơn, bao dung hơn và hợp tác hơn. Nó không đơn thuần chỉ là một nguồn đóng góp vào GDP và sự phát triển thịnh vượng; mà tính ổn định và bình thường của nó trong quá trình tập trung lâu dài vào sản xuất mới là thứ sản phẩm lãi nhất được bán cho khách hàng. Các doanh nghiệp thành công bùng nổ lớn mạnh, nhưng họ cũng cố gắng tạo ra các ‘ốc đảo’ ổn định và có sức chống chọi nhằm hoàn thiện phương pháp sản xuất của mình. Những ốc đảo này giúp thu hút và giữ chân nhân tài để các doanh nghiệp có thể cung cấp một cách ổn định cho người tiêu dùng một dòng “sản phẩm thoải mái”. Doanh nghiệp giúp tạo ra không gian cho tình yêu, tình bạn, sự sáng tạo và sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau bằng cách tạo ra các tài nguyên để chúng ta không chỉ chấp nhận mà còn tận hưởng cuộc sống.

Các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã dẫn đường và giúp nước Mỹ có một xã hội hòa nhập hơn. McDonald, General Electric, Procter & Gamble, và nhiều công ty công nghệ lớn, cùng những công ty khác, đã đưa ra định nghĩa về sức khỏe và những vấn đề lợi ích hợp pháp khác của các cặp đồng giới trước khi Tòa án Tối cao hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nam. Apple, Pfizer, Microsoft, Deutsche Bank, PayPal và Marriott, cùng những tập đoàn khác, đã lên tiếng hay phản đối điều luật của bang Bắc Carolina về quy định sử dụng nhà vệ sinh của người chuyển giới; cuối cùng sự phản đối kịch liệt đã buộc bang Bắc Carolina bãi bỏ luật này. Cú hích cho một tinh thần cởi mở này không có gì đáng ngạc nhiên. Một doanh nghiệp lớn có rất nhiều khách hàng và phụ thuộc vào giá trị thương hiệu của mình. Họ không muốn bất kỳ nhóm khách hàng nào cảm thấy bị ra rìa hay bị phân biệt đối xử hoặc có lý do để khiếu nại, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông đại chúng. Chỉ riêng việc tối đa hóa lợi nhuận, chứ chưa nói tới lương tâm của một số CEO, đã đặt những doanh nghiệp lớn đứng về phía của trách nhiệm xã hội và tinh thần cởi mở.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn hơn, bạn có thể nghĩ đến các doanh nghiệp cực kỳ thành công đến mức được coi là khuôn mẫu cho logic kinh doanh, thường có xu hướng cởi mở với thị hiếu cá nhân của nhân viên hơn là các doanh nghiệp nhỏ. Một người thợ làm bánh địa phương có thể miễn cưỡng làm một chiếc bánh cưới cho một cặp đồng tính nam, nhưng Sara Lee, người cất công xây dựng thị trường rộng lớn trên khắp đất nước cho các sản phẩm của mình, sẽ rất vui vẻ bán nó cho tất cả mọi người. Các công ty lớn hơn cần bảo vệ danh tiếng càng ngày bay xa của họ và tuyển dụng một lượng lớn lao động tài năng, trong đó có cả những người thuộc các nhóm thiểu số. Họ không thể tồn tại và phát triển chỉ bằng cách duy trì một vài mạng lưới nhỏ hẹp từ những người da trắng ở địa phương.

Tôi có một sự không bằng lòng với nước Mỹ hiện nay, đó là: chúng ta không dành đủ niềm yêu mến cho các doanh nghiệp.

[...]

Tôi ở đây lên tiếng cho doanh nghiệp, để thuyết phục bạn rằng họ xứng đáng nhận được nhiều hơn tình yêu và bớt đi ác cảm từ mọi người. Có lẽ, cũng giống như các bạn, tôi không hoàn toàn thoải mái khi chia sẻ quá nhiều cuộc sống hằng ngày của mình cho những tổ chức có vẻ như rất ích kỷ, chỉ biết tối đa hóa lợi nhuận và thậm chí đôi khi tham nhũng, nhưng khi xem xét kỹ hơn thì có vẻ như đây là một vụ trao đổi có lợi hơn bạn tưởng. Thật ra, bằng những nỗ lực tốt nhất của mình, các doanh nghiệp mang tới cuộc sống nhiều cơ hội và không gian cho những người hùng và những người cao thượng, bởi chúng ta có thể sử dụng các sản phẩm của họ để phục vụ nhu cầu sáng tạo của chính mình và để cải thiện cuộc sống.

Tôi cho rằng những lời chỉ trích thường thấy nhất về doanh nghiệp Mỹ đều cho thấy sự sai lầm khi được xem xét kĩ lưỡng. Chẳng hạn, người ta thường phản ánh rằng doanh nghiệp Mỹ chăm chăm tập trung vào báo cáo thu nhập hàng quý mà hy sinh những mục tiêu dài hạn. Nhưng trên thực tế có rất nhiều bằng chứng cho thấy các công ty có thể xử lý các mục tiêu dài hạn khi thích hợp. Đôi khi các vấn đề ngắn hạn lại quan trọng hơn và dễ giải quyết hơn, hoặc chúng là cầu nối dẫn tới thành công trong tương lai, và bằng chứng cho thấy rằng doanh nghiệp Mỹ thực sự làm rất tốt việc định hướng cho tương lai.

Rồi tới thắc mắc về việc trả lương cho CEO Mỹ, vấn đề này đã được Edward Luce người giữ mục của tờ Thời báo Tài chính (đồng thời cũng là một người bạn của tôi) mô tả là “không chấp nhận được” trên Twitter. Các CEO người Mỹ được trả nhiều tiền hơn trước đây rất nhiều, nhưng những lần tăng lương này cũng tăng dần theo quy mô và giá trị của các công ty mà họ quản lý. Trái với những phàn nàn thường thấy, khó có thể vơ đũa cả nắm rằng mọi CEO đều lừa gạt các cổ đông của họ bằng việc thao túng các gói lương thưởng, vì lướt qua những con số sẽ cho thấy mức lương cao là cái giá để thu hút những nhân tài hàng đầu. Việc điều hành một tập đoàn lớn liên quan đến việc đảm nhận nhiều vai trò hơn bao giờ hết, bao gồm cả truyền thông, quản trị và quan hệ công chúng, định hình sứ mệnh, hiểu người tiêu dùng và tương tác với họ, xây dựng chiến lược toàn cầu, hợp tác với các chính phủ và giữ công ty tránh vướng vào rắc rối, bên cạnh việc cần rất nhiều công việc chuyên môn. Những điều này thu hẹp số lượng ứng viên có khả năng đảm đương công việc và do đó khiến mức lương trả cho các ứng viên đủ khả năng cao lên, theo đúng nguyên tắc cơ bản về cung và cầu. Các CEO ngày nay đúng là những siêu nhân theo nghĩa đen, và không có gì ngạc nhiên khi họ được đền đáp tương xứng.

Một trong những cái tên thường xuyên phải giơ đầu chịu báng nhất chính là các CEO trong lĩnh vực tài chính, nơi được miêu tả là quá rộng và ngoài tầm kiểm soát. Thực tế là lĩnh vực tài chính nắm giữ gần 2% số của cải của nước Mỹ, mặc dù tất nhiên tài sản tăng lên thì tài chính cũng vậy. Khả năng huy động tiết kiệm vào các hình thức thế chấp mạo hiểm và vốn đầu tư mạo hiểm của nền tài chính Mỹ đã mang lại cho người Mỹ hàng trăm tỷ đô la mỗi năm, và những khoản lãi đó vượt xa đáng kể các chi phí thường quy cho lĩnh vực tài chính. Dĩ nhiên lĩnh vực tài chính không hề hút hết nhân tài của các ngành khác trong nền kinh tế Mỹ, bằng chứng là sản lượng sản xuất của Mỹ đạt mức tăng cao hơn bao giờ hết.

Nói đúng hơn, doanh nghiệp bị chỉ trích vì gian lận và móc cạn túi chúng ta. Mặc dù trong kinh doanh có nhiều kiểu lừa gạt, nhưng lĩnh vực thương mại chưa chắc đã lừa gạt nhiều hơn so với các cá nhân ở các vị trí khác, mà thậm chí có khi còn ít hơn. Kinh doanh có thể biến chúng ta trở thành những người tốt hơn, ví dụ như dạy chúng ta cách để hợp tác tốt hơn, và bằng chứng rõ nhất cho thấy trong mạng lưới này việc kinh doanh không làm cho chúng ta trở nên tồi tệ hơn so với khi chúng ta tham gia vào các tổ chức khác. Rất nhiều người trong chúng ta đã không trung thực từ khi bắt đầu, và nếu bạn còn nghi ngờ thì chỉ cần nhìn vào những lời nói dối và những thông tin sai lệch của các cá nhân ghi trong hồ sơ hẹn hò trực tuyến.

Vì vậy, rất nhiều vấn đề từ doanh nghiệp thực tế lại là vấn đề từ chúng ta, và chúng phản ánh bản chất từ sâu bên trong và thường thấy của con người. Tuy nhiên, chúng ta phản ứng với sự thật này một cách phi lý. Mặc dù chúng ta nghi ngờ doanh nghiệp làm việc bất hợp pháp, nhưng chúng ta cũng trông đợi các tập đoàn sẽ tạo ra việc làm và chăm lo cho chúng ta, tạo ra cho chúng ta mạng lưới bạn bè, giải quyết các vấn đề xã hội và cho chúng ta cảm giác việc tiêu dùng không có rủi ro.

[...]

Đặc biệt, trong thời đại truyền thông đại chúng hiện nay cho phép kết nối trực tiếp với người tiêu dùng và cung cấp cơ hội phản hồi trực tiếp khi có sự cố, các doanh nghiệp thành công nhất thường có kiểu quan điểm nồng nhiệt và tha thiết về vai trò của họ trong xã hội - đề cao các dịch vụ cho người tiêu dùng, hoặc đôi khi thúc đẩy một tầm nhìn nên có về xã hội. Người lao động mong rằng sự cần cù của họ sẽ giúp bảo vệ môi trường, đẩy lùi nghèo đói và làm nước Mỹ thêm hùng mạnh. Một doanh nghiệp mà cả người lao động và người quản lý đều thấm nhuần tư tưởng với các mục tiêu như vậy có cơ hội xây dựng lợi thế cạnh tranh lâu dài tốt hơn so với một doanh nghiệp không có điều này. Nó sẽ tạo dựng được nhiều người tiêu dùng trung thành và có nhiều đối tác hợp tác hiệu quả hơn ở cấp độ doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hãy nghĩ theo cách này: Ai muốn cưới một người luôn ích kỷ chỉ biết tới hạnh phúc của riêng mình trong một cuộc hôn nhân chứ?

Ayn Rand đã cho thấy một cái nhìn sâu sắc về đặc điểm của doanh nghiệp thành công mà bà đã nhấn mạnh rằng nó có thể là phương tiện để đạt được các mục tiêu vĩ đại. Nhân vật Hank Rearden trong cuốn tiểu thuyết Atlas Shrugged (Atlas vươn mình) của Rand đã nhấn mạnh đến phẩm giá, danh dự và lý do cần có để làm tốt một công việc, và anh ấy coi đó là nền tảng cho sự vĩ đại của nước Mỹ.

Thông thường, những vị giám đốc tín đạo hoặc có lý tưởng nồng nhiệt là người hiểu rõ nhất sự hài hòa của một doanh nghiệp đặt sứ mệnh của mình lên trên lợi nhuận và không chỉ là lợi nhuận. Họ hiểu rằng doanh nghiệp của họ và đức tin hay lý tưởng trong cuộc sống của họ không thể tách biệt hoàn toàn với nhau. Họ hiểu rằng có thể làm được điều tốt nhất nhờ có các cổ đông của họ, và rộng hơn, cả xã hội có thể làm điều tốt nhất bằng sự gắn kết các quan điểm kinh doanh, tôn giáo, đạo đức và lý tưởng. [...]

Nói cách khác, doanh nghiệp tốt nhất là một doanh nghiệp có đạo đức cơ bản.


* junk economics: một lý thuyết do Michael Hudson đưa ra vào năm 2017, ngụ ý rằng rất nhiều khái niệm và lý thuyết kinh tế quan trọng đã bị giới truyền thông và chính trị gia khéo léo né tránh hoặc che đậy.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc