Làm sao giải quyết vấn đề thất nghiệp ở miền Nam nước Ý

Messina, Convento Frati Minori Cappuccini. Photo courtesy János Korom.

Áp dụng mô hình thương lượng tiền lương của Đức có lẽ là giải pháp.

nguồn: the Economist, Thu Phương dịch.

Nếu đứng ở Messina phía bắc Sicily vào một ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy Calabria ở mũi phía nam nước Ý. Eo biển giữa hai vùng này được cho là vị trí của Scylla và Charybdis, nữ thủy quái và quái vật phun xoáy nước mà Odysseus trong tác phẩm của Homer phải tránh trong hành trình về nhà. Người Ý bên hai bờ eo biển này đang phải đối mặt với một nguy cơ khác – thất nghiệp. Năm 2017, khoảng 1/5 lực lượng lao động ở miền Nam, và hơn một nửa số thanh niên trẻ thất nghiệp.

Giovanni, cư dân 25 tuổi của Messina, đã không có việc làm suốt bảy tháng nay. Anh thử việc ở nhiều nơi, điều dưỡng và đóng tàu v.v… nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định. Aldo Cammara của Education InProgress, một tổ chức phi chính phủ giúp các bạn trẻ học kỹ năng máy tính, cho rằng một phần của vấn đề là quá ít cơ hội trong khu vực.

Suy thoái kinh tế làm cho
vấn đề tồi tệ hơn: Nước Ý rơi vào suy thoái từ nửa cuối năm 2018. Nhưng các yếu tố cơ cấu tồn tại từ lâu là nguyên nhân miền Nam khan hiếm việc làm trong khi phía Bắc thiếu lao động. Một nghiên cứu gần đây phân tích nguyên nhân thương lượng tiền lương tập trung hóa và tính toán lợi ích kinh tế thu được nếu chuyển sang mô hình địa phương hóa kiểu Đức.

Cả Ý và Đức đều có bất bình đẳng lớn giữa các vùng. Khác biệt kinh tế kể từ thời chiến tranh lạnh đồng nghĩa với việc năng suất của một khu bình thường ở phía Tây Đức vẫn cao hơn phía Đông 23%. Con số này lớn hơn một chút so với chênh lệch giữa miền Bắc và miền Nam nước Ý, theo nghiên cứu của Andrea Ichino và Johanna Posch của Viện Đại học Châu Âu, Tito Boeri của Đại học Bocconi và Enrico Moretti của Đại học California, Berkeley. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Ý cũng rất khác nhau giữa các vùng.

Gần 350 thỏa thuận công nghiệp cấp quốc gia ràng buộc phần lớn các công ty và nhân viên chính thức ở Ý. Các thỏa thuận này ít tính đến sự khác biệt về chi phí sinh hoạt và năng suất giữa các vùng. Nhân viên có thể kiện sếp ra tòa (và thắng) nếu họ không được trả mức tối thiểu theo thỏa thuận trên. Các công nhân ở miền Nam, những người may mắn được làm việc trong lĩnh vực kinh tế chính thức được trả lương hậu hĩnh. Nhưng số người được tuyển ít hơn mức lẽ ra phải có nếu mức lương được hạ xuống thấp hơn.

Ngược lại, thỏa thuận tiền lương ở Đức được phân cấp (phi tập trung hóa) ngay sau khi thống nhất. Các tác giả công trình nghiên cứu nhận thấy thu nhập ở Đức phản ứng nhạy đối với những thay đổi trong năng suất lao động theo vùng cao hơn 4 lần so với thu nhập ở Ý. Mức lương ở phía đông thấp hơn nhiều so với ở phía tây, phản ánh năng suất thấp hơn và chi phí sinh hoạt thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu ước tính một hệ thống tương tự ở Ý có thể mang lại việc làm cho thêm 2,5 triệu người, tương đương mức tăng 13 điểm phần trăm trong tỷ lệ công ăn việc làm ở miền Nam. Thu nhập trung bình tháng có thể sẽ tăng thêm €114 ($ 129) hoặc hơn. Nhưng với người miền Nam đã có việc làm, lương của họ sẽ bị giảm 6%. Đây không phải là lời hứa tranh cử có thể giành được lá phiếu ủng hộ. Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã áp dụng những cải cách tương tự, nhưng chỉ sau khi xảy ra các cuộc khủng hoảng nợ của chính phủ. Thay vào đó, Ý đang triển khai chương trình “Thu nhập cơ bản” nhằm giảm nghèo và thất nghiệp ở miền Nam.

Chương trình sẽ cấp cho người thất nghiệp một khoản chi trả kha khá hằng tháng và giúp tìm việc làm. Nhưng theo ông Boeri, người cho tới tháng Hai vừa qua là Cục trưởng Cục An ninh-xã hội ở Ý, chương trình này cũng không làm cho chi phí thuê nhân công ở miền Nam trở nên phải chăng hơn. Đối với chính phủ Ý, lựa chọn giữa giúp đỡ người thất nghiệp và giữ được phiếu bầu của người có việc làm dường như gợi nhớ đến Scylla và Charybdis.

Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc