Ghi chú nhỏ về lịch sử Ngân hàng nhà nước Việt Nam & người Nhật

shared from fb Dong H'Ken,
-----
Ra đời theo sắc lệnh 86 ngày 17 tháng 9 năm 1947 dưới tên Việt Nam Quốc gia Ngân hàng, người đứng đầu là Tổng Giám đốc, đến 1989 mới đổi thành Thống đốc. Tổng giám đốc đầu tiên là ông Trịnh Văn Bính, tốt nghiệp ĐH Oxford, anh ruột đồng thời cũng là anh em cọc chèo của nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Lúc ấy VNQGNH chỉ có 3 nhiệm vụ: giữ quý kim, giữ ngân khố và cho Chính phủ vay tiền. VNQGNH cũng giữ độc quyền hối đoái và in tiền (nhưng không được quyết định cung tiền).

Trước đó, từ tháng 11/1945 việc in tiền đã được thực hiện bởi Bộ Tài chính của Phạm Văn Đồng. Sau khi giành được chính quyền năm 1945, toàn Đông Dương chỉ có 2 nhà in có thể in được tiền, một đã bị quân Tưởng chiếm giữ, một là nhà in Taupin (Tô panh) của người Pháp, nhưng người Pháp đó không chịu bán lại cho chính phủ. Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền ra mua lại nhà in Taupin rồi tặng chính phủ để bí mật in tiền. Từ tháng 3/1946, nhà in này được bí mật sơ tán từng phần lên đồn điền Chi Nê ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình của gia đình Đỗ Đình Thiện. Đến tháng 11/1946 trước khi Pháp gây hấn ở Hải Phòng thì toàn bộ nhà in tiền đã được di chuyển lên đồn điền Chi Nê. Đến năm 1947 nhà máy in tiền lại được chuyển về Tuyên Quang rồi chiến khu Việt Bắc. Cố vấn cho Bộ Tài chính trong việc phát hành tiền tệ này là một người Nhật có tên Shinsuke Yamamoto. Yamamoto tốt nghiệp Đại học Đế quốc Tokyo (Tokyo Imperial University) danh tiếng, ra làm việc cho công ty thép vài năm rồi gia nhập Hải quân Nhật Bản. Yamamoto là giám đốc văn phòng phụ trách tài khoản của Hải quân ở chi nhánh Hà Nội đến tháng 8/1945 trước khi theo Việt Minh hỗ trợ các vấn đề tài chính tiền tệ.

Giai đoạn 1948-1950 những thiết kế tổ chức và hoạt động xung quanh chính sách tiền tệ đã được thảo luận trong nhóm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến. Một trong những cố vấn quan trọng nhất góp phần xây dựng chính sách tiền tệ Việt Nam trong nhóm Lê Văn Hiến là một người Nhật có tên Việt là Hoàng Đình Tùng, tức Fujita Isamu. Fujita là giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Yokohama (Bank of Yokohama) trước khi chuyển sang Ngân hàng Đông Dương vào 9/3/1945 khi Nhật đảo chính Pháp. Fujita tiếp tục làm ở Ngân hàng Đông Dương khi quân Tưởng vào Hà Nội. Đến cuối năm 1945 được sự thuyết phục của các cán bộ Việt Minh cài cắm trong Ngân hàng Đông Dương, Fujita quyết định ủng hộ Việt Minh. Trong Nhật ký của một Bộ trưởng, Lê Văn Hiến xác nhận Fujita đã giúp chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trong việc tổ chức hệ thống ngân hàng và ổn định hoá hệ thống tiền tệ mới. Nói thêm rằng trước đó Lê Văn Hiến rất ghét người Nhật. Khi Nguyễn Văn Ngọc đi cùng phái viên của Igawa vào Đà Nẵng để bàn giao lại cơ sở hành chính cho Lê Văn Hiến, Hiến trách Ngọc vì đã hợp tác với Nhật, bảo rằng để yên cho tôi đánh Nhật thì có phải giành được nhiều vũ khí hơn không. Trong Hồi ký của mình Nguyễn Văn Ngọc cười cười lẩm bẩm cứ để rồi xem lịch sử đánh giá thế nào.

Như vậy người Nhật không chỉ chuyển giao kiến thức, công nghệ và kỹ năng quân sự cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thông qua các nhóm sĩ quan Igawa, Ishii tại Cục quân huấn và các trường lục quân mà còn góp phần kiến tạo ngành tài chính mới mẻ cho chính phủ này.

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc