Khả năng chi trả

shared from fb Lý Xuân Hải,
-----
Một thị trấn nhỏ nọ ở một quốc gia nọ có một khách sạn, một cửa hàng thịt, một gia đình nông dân, một tiệm cầm đồ, một tiệm sửa chữa máy nông nghiệp, một hiệu tạp hoá và cả một cô gái cung cấp dịch vụ vui vẻ.

Đột nhiên cả thị trấn rơi vào khủng hoảng thanh toán nên hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống bị trì trệ nghiêm trọng. Lý do bởi:

Ông chủ khách sạn mua trả chậm thịt bò về làm bít tết cho khách là cô gái cung cấp dịch vụ vui vẻ và bạn trai của cô ta... nhưng do cô gái chưa trả tiền phòng nên chưa thanh toán nợ nần và ông hàng thịt không cho khách sạn mua thịt nợ nữa.

Người chủ hàng thịt cũng tạm đóng cửa hàng vì không có tiền trả cho bác nông dân nuôi bò nên cửa hàng hết thịt để bày bán.

Bác nông dân cũng đang rầu vì đàn bò chết đến nơi nhưng không có tiền để trả khoản vay tại một cửa hàng cầm đồ, bị xếp loại tín dụng kém nên không vay mượn ai được để mua thức ăn cho bò và thuê người sửa chữa máy cắt cỏ.

Tiệm cầm đồ vì vậy không có tiền trả cho khoản tiền gửi của anh thợ máy đã đến hạn. Hơn nữa vì vừa có nợ xấu vừa mất khả năng chi trả nên tiệm cầm đồ không vay ngân hàng trên thành phố được, không ai dám gửi tiền, các khoản vay trước đó bị đòi ráo riết nên cũng hết khả năng cho ai vay. Tiệm cầm đồ có nguy cơ phá sản và mất giấy phép kinh doanh cầm đồ.

Chú thợ máy thì đang trốn và chịu đói vì đã mua nợ thức ăn của hiệu tạp hoá chưa trả tiền nên chủ hiệu tạp hoá suốt ngày đòi nợ không bán thức ăn cho anh ta nữa.

Chủ hiệu tạp hoá cũng đóng cửa lánh mặt vì bữa trước đi cùng 1 cô gái cung cấp dịch vụ vui vẻ vào khách sạn... nhưng chưa có tiền đưa cho cô ta trả dịch vụ phòng.

Một ngày nọ một vị khách du lịch giàu có đi ngang thị trấn. Anh ta có ý định nghỉ lại.
Anh ta muốn xem xét các phòng khách sạn và để lại tiền đặt cọc 100$.
Chủ khách sạn, không ngần ngại một phút, cầm tiền chạy ngay đến gặp chủ cửa hàng thịt để trả nợ.
Người bán thịt, với 100$ trong tay, chạy đến bác nông dân và trả món nợ mua thịt bò.
Bác nông dân mang 100$ trả cho tiệm cầm đồ.
Tiệm cầm đồ mang 100$ trả anh thợ máy.
Anh thợ máy đến cửa hàng tạp hoá và trả nợ 100$ cho các sản phẩm anh đã mua trước đây.
Chủ cửa hàng tạp hoá chạy ngay đến trả 100$ cho cô gái cung cấp dịch vụ vui vẻ, vì khủng hoảng, đã vui vẻ với anh ta trong tình trạng nợ nần.
Cô gái cung cấp dịch vụ vui vẻ ngay lập tức chạy đến gặp chủ khách sạn và trả cho anh ta khoản nợ tiền phòng là 100$ mà cô ta đã thuê cho khách hàng của mình.
Đúng lúc đó, vị khách du lịch quay trở lại quầy lễ tân khách sạn và nói rằng anh ta không tìm thấy một căn phòng phù hợp, nhận lại tiền đặt cọc và rời khỏi thị trấn.

Không ai có được bất cứ điều gì - nhưng toàn bộ thị trấn hiện đang phát đạt, khả năng chi trả ai cũng tốt, ai cũng sẵn sàng cho đối tác nợ trở lại, tiệm cầm đồ lại huy động vốn từ thành phố về cho vay, cửa hàng cửa hiệu lại mở, khách sạn lại lên đèn, mọi người ai cũng vui vẻ và lạc quan về tương lai.

Chỉ cần một chút tiền mồi và vòng quay của tiền lại quay tít. Nền kinh tế thị trấn lại sống trở lại.

Các bài học:
1. Nợ doanh nghiệp cũng cần được kiểm soát. Quy mô của nợ doanh nghiệp không hề nhỏ và có thể tác động trực tiếp lên dòng quay vốn và thanh khoản của nền kinh tế. Có những lúc nợ doanh nghiệp, nợ vay ngoài ngân hàng gấp nhiều lần dư nợ ngân hàng mà không ai kiểm soát.

2. Khái niệm nợ xấu - nợ tốt, khả năng chi trả của ngân hàng rất tương đối trong nhiều trường hợp. Rất nhiều trường hợp ngân hàng là nạn nhân, không phải tội đồ tạo ta việc mất thanh khoản nền kinh tế.

3. Thanh khoản thị trường hay khả năng chi trả là yếu tố sống còn của nền kinh tế. Sự bế tắc dòng vốn sẽ làm kinh tế trì trệ. Trong bối cảnh ấy chính sách tiền tệ và các dòng vốn ngắn hạn, xử lý mua bán nợ... về bản chất là dùng một dòng tiền nhỏ, ngắn hạn để giải quyết các vấn đề lớn, dài hạn. Trong ví dụ trên vị khách du lịch giàu có đóng vai người cho vay cuối cùng thực hiện công việc ấy.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc